headertvtc new


   Hôm nay Thứ bảy, 23/11/2024 - Ngày 23 Tháng 10 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

Uyển Lăng Lục (tiếp theo....)

 CHÁNH VĂN:

Chẳng cần cầu chân, chỉ phải dứt kiến chấp.

GIẢNG:

Người tu không cần cầu chân mà phải dứt kiến chấp. Câu này hết sức chí lý. Chúng ta thường mắc lỗi là thấy bên này giả, bên kia thật, rồi muốn tìm cho ra cái thật mà không nghĩ rằng chỉ không chấp thật, liền hết kiến chấp. Hết kiến chấp là chỗ chân thật cứu cánh. Còn thấy bên này chân, bên kia giả thì chưa phải cứu cánh.

CHÁNH VĂN:

Nên nói “thấy trong thấy ngoài đều lầm, Phật đạo ma đạo đều ác”.

GIẢNG:

Thấy hoặc tâm ở trong, hoặc tâm ở ngoài v.v… đều lầm. Thấy đây là Phật đạo, kia là ma đạo đều sai. Tại sao? Vì hai bên là không thật, cái chân thật không có hai bên.

CHÁNH VĂN:

Cho nên Ngài Văn Thù vừa khởi thấy hai liền thấy hai ngọn núi Thiết Vi. Văn Thù tức là thật trí, Phổ Hiền tức là quyền trí. Quyền thật đối trị nhau, cứu cánh không có quyền thật, chỉ là một tâm.

GIẢNG:

Vừa thấy hai liền có hai ngọn Thiết Vi sẵn một bên.

CHÁNH VĂN:

Tâm chẳng phải Phật, chẳng phải chúng sanh, không có thấy khác.

GIẢNG:

 Tâm là tâm, không nói Phật, không nói chúng sanh.

CHÁNH VĂN:

Vừa có thấy Phật liền thấy chúng sanh, thấy có thấy không, thấy thường thấy đoạn bèn thành hai ngọn núi Thiết Vi, bị cái thấy che ngại.

GIẢNG:

Thấy có thấy không, thấy Phật thấy chúng sanh, đó là thấy hai, mà thấy hai là che ngại tâm chân thật rồi.

CHÁNH VĂN:

 Tổ sư chỉ thẳng tất cả chúng sanh bản tâm, bản thể xưa nay là Phật, chẳng nhờ tu mà thành, chẳng thuộc thứ lớp dần dần, chẳng phải sáng tối.

GIẢNG:

Phật, Tổ chỉ cho chúng ta biết tất cả chúng ta đều có Phật sẵn, Phật sẵn đó không phải do tu mà được. Nếu Phật do tu mà được thì đó là Phật sanh diệt, vì công phu huân tu thuộc pháp sanh diệt. Như vậy tu là tu cái gì? Tu là vận dụng sức phá dẹp vọng thức phân biệt của mình, vọng thức phân biệt lặng sạch thì ông Phật của mình hiện ra, chớ không phải tu để thành ông Phật.

Khi tu là sử dụng thân khẩu ý làm lành làm tốt, làm lành làm tốt thuộc pháp sanh diệt. Sanh diệt là sanh diệt, không thể thành cái không sanh diệt được, vì vậy tu không phải thành Phật, mà tu là dẹp hết vọng tưởng thì Phật sẵn hiện ra, chớ không phải tu để thành Ngài. Lâu nay chúng ta quen nói ráng tu thành Phật, sự thực không phải như vậy. Cái chân thật sẵn có nhưng vì bị che khuất, bây giờ chỉ làm cho nó hiện ra thôi, không nói thành.

Tu là vén màn vô minh để Phật hiện ra, chớ không có gì khác. Chuyện Phật đã sẵn có, mình chỉ cần vén màn vô minh lên thì Phật hiện ra, dễ hay khó? Cái đã sẵn mình vạch ra thì dễ quá chừng rồi, nắm chắc trăm phần trăm trong tay. Cái ở đâu tìm kiếm thì không chắc, chớ nó đã sẵn rồi chỉ cần vạch ra là xong, thì đâu có khó. Hết sức đơn giản, chỉ chịu khó vạch màn vô minh hay không chịu khó vạch thôi.

Có người nào nói tôi nguyện suốt kiếp bị vô minh che lấp không, hay nguyện thành Phật? Nếu nguyện theo vô minh thì cần gì tu. Ai cũng nguyện thành Phật, chuyện thành Phật không phải khó, mà khó là tại mình còn thương vô minh. Quí vị có thương thân này không? Thương thì vô minh.

 Phật dạy chiếu kiến ngũ uẩn giai không, mà thương nó là thấy nó có thật, như vậy không phải vô minh là gì. Thương những suy nghĩ tốt của mình không? Thương, cũng là vô minh luôn. Vô minh làm cho mình khổ, mà thương nó thì làm sao hết khổ.

Ngày nay chúng ta còn khoẻ mạnh còn đủ hơi ấm, còn đi đứng được thì thấy dễ thương. Nhưng ngày mai tắt thở, nằm trên giường chừng ba bữa, không ai để vô quan tài thì còn dễ thương không ? Rõ ràng như vậy tại sao mình cứ thương nó. Con người đang sống còn hoạt động, đủ hơi ấm thì tạm vui vẻ với nhau.

 Nhưng lúc tắt thở rồi dù thân thiết mấy, chia sẻ với mình tất cả mọi buồn vui khốn khó đến đâu, mình cũng không dám trải chiếu nằm một bên. Thân này đã như vậy tại sao ta thương nó? Chỉ nên mượn thân làm việc gì có lợi ích hoặc tu hành để được giải thoát an vui. Nếu nuôi nó để chờ ngày tắt thở, trở thành thây thối thì thật đáng thương, như vậy có phải phí công không ?

Sở dĩ nhà Phật thường nói “thân người khó được”, vì khi ta được nó mà không biết tu, không làm lợi ích cho mình cho người, đến khi thân mất rồi khó có thể được lại. Hoặc nhận thân xấu xí lông lá lù xù như con chó, con heo thì khổ nữa.

Làm thân người khả dĩ còn có những phút giây tỉnh, còn con chó con gà con heo, có con nào biết thân này vô thường đâu. Chỉ vô thường thôi nó cũng không biết, nói chi đến chân tâm Phật tánh, giác ngộ giải thoát. Cho nên Phật nói thân người khó được, vì sợ mất thân rồi, rơi xuống các đường thấp thì không biết bao giờ tỉnh ? Các loài vật thấp hết sống lại chết, tạo nghiệp triền miên, cứ vậy mà đi xuống đi xuống mãi.

Được thân người là cơ hội tốt để chúng ta vươn lên, có trí tuệ thấy biết đúng sai chân giả để tu tập chuyển hóa, làm lợi ích cho mọi người. Cho nên được nó rồi phải biết quí trọng và dùng nó đúng cách.

Nếu được thân người rồi cứ lo ăn ngon mặc đẹp, vui vẻ tươi cười chờ ngã đùng chết thì có giá trị gì? Cho nên được thân người, chúng ta phải làm hai việc: một là nhận định đúng thân này ra sao, tìm cái thật ở nơi nó; hai là khi thấy được lẽ thật rồi cố gắng chỉ dạy, bảo cho mọi người cùng thấy lẽ thật đó. Như vậy mới tròn bổn phận của mình. Tự giác giác tha là tâm của Bồ-tát. Vì đạo Phật là đạo giác, đạo thấy đúng như thật. Người nào thấy thân quí, thân thật, đó là người mê. Thấy thân này giả dối tạm bợ, ngày nào còn sống ráng lợi mình, lợi người, đó là cái thấy của người tỉnh. Tỉnh là Bồ-tát, mê là chúng sanh.

Chúng ta biết tu, biết thương mình phải cố gắng làm sao đừng lệ thuộc vào vòng nghiệp thức lôi cuốn. Mỗi người tự cố gắng phá dẹp vô minh để được sáng suốt. Như vậy mới thật là người tu. Cho nên ở đây nói:

CHÁNH VĂN:

Chẳng phải sáng nên vô minh, chẳng phải tối nên vô ám, nên nói “không vô minh cũng không hết vô minh”.

GIẢNG:

Thể tâm chân thật không phải sáng, không phải tối. Nhận được tâm đó rồi thì không có vô minh, cũng không có hết vô minh.

[ Quay lại ]