headertvtc new


   Hôm nay Thứ ba, 07/01/2025 - Ngày 8 Tháng 12 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
Phatdan2024  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

Uyển Lăng Lục (tiếp theo...)

 CHÁNH VĂN:
Nếu có chỗ kiến chấp tức là ngoại đạo. Ngoại đạo ưa các kiến chấp. Bồ-tát đối các kiến chấp không động.

GIẢNG:
Quí vị nhớ kiến chấp là ngoại đạo. Tại sao? Vì họ hay nghiêng lệch một bên, hoặc chấp có hoặc chấp không, hoặc chấp phàm, hoặc chấp thánh v.v… đủ thứ chấp. Tóm lại chấp chặt một bên là ngoại đạo. Người tu Phật không cho dính bên nào hết. Cho nên nói “Bồ-tát đối các kiến chấp không động”.

CHÁNH VĂN:

Như Lai tức nghĩa “như” của các pháp. Nên nói “Di Lặc cũng như, các thánh hiền cũng như. Như tức không sanh, như tức không diệt, như tức không thấy, như tức không nghe”.

GIẢNG:
Chữ “như” đây là “như như”. Như Lai là chỉ cho Đức Phật, Ngài không có dấy động, không có kẹt mắc, đối với các pháp không dính không mắc, tất cả đều như như cho nên gọi là Như Lai. Ở đây dẫn trong kinh: “Di Lặc cũng như, các thánh hiền cũng như, như tức không sanh, như tức không diệt, như tức không thấy, như tức không nghe”. Có người hiểu lầm như tức không thấy, như tức không nghe là mù tối hay điếc rồi. “Như” thấy mà không thấy, “như” nghe mà không nghe. Tại sao? Thấy tất cả mà không dính gì hết thì thấy như không thấy, nghe tất cả mà không dính gì hết thì nghe như không nghe. Tâm được “như” thì cả ngày đi đứng nằm ngồi đều sống trong cảnh giới Phật. Ngược lại cứ lăng xăng lộn xộn, phân biệt hay dở, tốt xấu, hơn thua cả ngày thì sống với chúng sanh.

CHÁNH VĂN:

Đảnh của Như Lai tức là cái thấy tròn, cũng không cái thấy tròn nên không rơi bên thấy tròn. Do đó thân Phật vô vi không rơi vào các số, tạm lấy hư không làm dụ, tròn đồng thái hư không thiếu không dư, rảnh rang vô sự, chớ gắng biện cảnh ấy, biện đến bèn thành thức.

GIẢNG:

Chúng ta thường nghe nói tướng trên đảnh của Phật là tướng tròn nhưng ở đây nói không phải tướng tròn, vì thể của Phật là thể giác, trùm khắp không thiếu sót chỗ nào, nên nói tròn đồng thái hư. Thái hư bao lớn thì tánh giác cũng như vậy.

Thân Phật vô vi không rơi vào các số, chữ vô vi ở đây khác với chữ vô vi của Lão Tử. Lão Tử nói vô vi là không làm, còn nhà Phật nói vô vi là đối với hữu vi. Trên thế gian này, những gì có đủ ba tướng sanh, trụ, diệt hoặc bốn tướng sanh, trụ, dị, diệt đều gọi là hữu vi. Còn cái không có ba hoặc bốn tướng sanh, trụ, dị, diệt thì gọi là vô vi. Vô vi là không sanh, không sanh nên không trụ, không diệt. Pháp thân Phật không sanh nên không diệt, vì vậy nói giải thoát sanh tử.

Chúng ta tu ai cũng mong giải thoát sanh tử, nhưng giải thoát bằng cách nào? Nhiều người hiểu lầm giải thoát sanh tử là sống hoài, lên cảnh bồng lai làm tiên sống thật lâu là giải thoát sanh tử. Hiểu như vậy mới đúng với chân lý Phật dạy. Ở đây chỉ thẳng tức tâm là Phật. Tức tâm là chỉ cho Phật pháp thân, chớ không phải Phật báo thân hóa thân. Phật pháp thân không sanh không diệt, chúng ta nhận ra Phật không sanh không diệt ngay đời này thì liền được vô sanh.

Chúng ta buông hết tất cả kiến chấp thì được "như", như tức là Phật. Từ sáng đến chiều tâm mình luôn như thì sao, giải thoát sanh tử chưa? Khó nói. Bởi vì thân tứ đại sẽ tử, làm sao nói giải thoát sanh tử được. Như Phật giác ngộ viên mãn rồi nhưng đến tám mươi tuổi Ngài cũng tịch, đâu thể nói thân này giải thoát sanh tử. Giải thoát sanh tử là pháp thân bất sanh bất diệt, vì nó không còn sanh lần thứ hai, thứ ba nữa nên gọi là giải thoát sanh tử. Đa số người lại mê chấp thân tứ đại, muốn nó còn hoài, nhiều khi thân bệnh nặng hoặc xấu xí mà cũng thương nó như thường. Nó bệnh cũng thương, nó xấu cũng thương, không bao giờ ghét nó. Do đó mất thân này liền kiếm thân khác, bỏ không được. Cứ thế sanh đi tử lại vô số kiếp, khổ đau không biết bao nhiêu. Vậy mà ai cũng thích lăn hoài trong ấy.

Muốn thoát khỏi sanh tử thì đừng dính, đừng chấp tất cả pháp hiện tại ở thế gian, sống trở lại với tâm thanh tịnh của mình. Nếu còn hay phân biệt là sống với thức sanh diệt, mà thức sanh diệt thì phải chuốc nghiệp sanh diệt.

[ Quay lại ]