Uyển Lăng Lục (tiếp theo)
- Chi tiết
- Được đăng ngày Thứ năm, 06 Tháng mười hai 2007 08:04
- Viết bởi nguyen
CHÁNH VĂN:
Hỏi: Thánh nhân không tâm tức là Phật, phàm phu không tâm đâu không chìm nơi không lặng?
Đáp: Pháp không có phàm thánh, cũng không có chìm lặng. Pháp vốn chẳng có, chớ khởi thấy không; pháp vốn chẳng không, chớ khởi thấy có. Có cùng với không đều là tình kiến (thấy biết tình chấp), ví như huyễn ế (như huyễn thuật, như mắt bệnh). Sở dĩ nói “thấy nghe như huyễn ế, tri giác là chúng sanh”. Trong môn này Tổ sư chỉ nói “dứt cơ quên kiến, nên nói quên cơ thì Phật đạo thạnh, phân biệt thì quân ma lừng”.
GIẢNG:
Thánh nhân không tâm tức là Phật, Thánh nhân không có những tâm sanh diệt nên Thánh nhân là Phật. Phàm phu không tâm đâu không chìm nơi không lặng? Ngoại nhân cho rằng phàm phu không tâm tức là chìm lặng chỗ không ngơ, đâu thành Phật được. Đây cũng là chỗ nghi của nhiều người tu thiền. Khi tu tới lặng hết tâm sanh diệt thì đâm hoảng, mình tu tới chỗ không ngơ như vầy sao? Ở đây ngài trả lời:
Pháp không có phàm thánh, cũng không có chìm lặng. Pháp chân thật này không có đối đãi, đây phàm kia thánh, cũng không chìm lặng. Tại sao? Pháp vốn chẳng có, chớ khởi thấy không; pháp vốn chẳng không, chớ khởi thấy có. Pháp là chỉ cho đạo, chỉ cho Phật. Phật vốn chẳng có vì nó không hình tướng. Tâm hằng tri hằng giác của chúng ta không hình tướng nên nói vốn chẳng có. Chớ khởi thấy không, nó không có rồi thấy không sao được? Không là đối với có, mà nó không phải có thì làm gì chấp không.
Pháp vốn chẳng không, chớ khởi thấy có, chẳng không là có. Bây giờ cái liễu liễu thường tri hằng có nơi mỗi chúng ta, khi mình đang sống. Nó không thiếu nhưng ai diễn tả được. Diễn tả bằng lời nói hay bằng mực viết? Vẽ cái liễu liễu thường tri được không? Như nghĩ về mặt trăng, người họa sĩ tưởng tượng vẽ ra mặt trăng được. Còn không nghĩ về cái gì hết mà thường tri, thì cảm giác thế nào, hứng khởi thế nào để họa ra được? Tuy không diễn tả được mà nó hằng giác hằng tri, làm sao nói không. Vì vậy nên nói pháp vốn chẳng không, chớ khởi thấy có.
Tâm liễu liễu thường tri của chúng ta không có hình dáng thì đừng bao giờ nghĩ nó là một pháp, vì có một vật là có hình tướng. Cái liễu liễu thường tri lúc nào cũng có, thì đừng bao giờ nghĩ nó chìm trong không. Như chúng ta ngồi thiền tới lúc lặng lẽ hết các niệm, lại sợ mình rơi vào không. Tại sao ta không nhận ra ai biết lặng lẽ hết các niệm? Cái gì biết? Còn có cái biết tại sao nói rơi vào không? Rơi vào không tức không biết gì hết, mà còn biết lặng lẽ làm sao nói rơi vào không? Đó là sự lầm lẫn của đa số người tu thiền. Khi đang lặng lẽ mình thấy rõ ràng lúc này tâm đang lặng lẽ. Lặng lẽ là cái chân thật rõ ràng thường biết, chớ đâu phải không biết.
Có cùng với không đều là tình kiến (thấy biết tình chấp), ví như huyễn ế (như huyễn thuật, như mắt bệnh). Sở dĩ nói “thấy nghe như huyễn ế, tri giác là chúng sanh”. Trong môn này Tổ sư chỉ nói “dứt cơ quên kiến, nên nói quên cơ thì Phật đạo thạnh, phân biệt thì quân ma lừng”. Ở đây nói tất cả khởi thấy có không là tình kiến, tức cái chấp. Ngài nói thấy chìm lặng là không, thấy Phật là có. Thấy có, thấy không đều thuộc tình kiến, tức thấy biết theo tình chấp của mình. Cái thấy biết theo tình chấp giống như con mắt bệnh, nhìn ra hư không giữa trưa, thấy hoa đóm lung tung cả bầu trời. Như vậy hoa đốm rối loạn trên bầu trời thực có hay tại con mắt bệnh? Tại mắt bệnh, chớ bầu trời không có hoa đốm.
Tâm chấp có chấp không, bên này bên nọ là bị che phủ, không thấy được lẽ chân thật. Cho nên nói “thánh thì có, phàm thì không” hay “phàm thì mê, thánh thì ngộ”. Đó là thấy hai bên, thấy hai bên chưa phải cứu cánh. Ngài dẫn trong kinh dạy “thấy nghe như huyễn ế, tri giác là chúng sanh”. Nếu cái thấy cái nghe giống như người có con mắt bệnh là thấy lầm nghe lầm, không đúng chân lý. Tri giác là hiểu biết, còn hiểu biết phân biệt là chúng sanh.
Trong môn này Tổ sư chỉ nói “dứt cơ quên kiến, nên nói quên cơ thì Phật đạo thạnh, phân biệt thì quân ma lừng”. Dứt cơ là dứt cái gì? Cơ là chỉ cho căn cơ chậm lụt, căn cơ phàm thánh, tức sự sai biệt trình độ cao thấp. Còn khởi đây là phàm kia là thánh, đây là thông minh trí tuệ kia là ngu si v.v… tất cả phân biệt chia chẻ cao thấp hơn thua, đó là kiến. Còn phân biệt phải quấy tốt xấu v.v… là phân biệt. Quên hết các kiến chấp cao thấp, phàm thánh, ngu trí v.v… tất cả không còn dính kẹt thì Phật đạo thạnh. Nếu khởi phân biệt giỏi thì quân ma lừng.
Chúng ta tự kiểm xem nơi mình ma thạnh hay Phật thạnh? Tu theo Phật sao để ma thạnh, điều này thật khó hiểu. Tu theo Phật thì Phật thạnh chớ sao lại để ma thạnh. Nếu ma thạnh thì chúng ta đi đường nào? Đường ma. Bao nhiêu đó đủ thấy khổ rồi, tu theo Phật mà đi đường ma. Đi đường ma làm sao thấy được đạo. Bởi vậy các Thiền sư tu hay thường như ngu như ngơ. Các ngài không muốn phân biệt chi hết, mình cho là ngu. Còn chúng ta khôn quá, lanh quá nên gần với ma. Chừng nào mình như ngu như ngơ mới đi đường của Phật được. Mỗi vị tự kiểm sẽ biết mình đang đi trên đường Phật hay đang đi trên đường ma. Một ngày ta đi trên đường Phật chừng bao nhiêu phút, đi đường ma bao nhiêu phút? Kiểm như vậy thì biết ngay mình như thế nào.
Việc tu thực ra hết sức dễ, không tốn công tốn của chi hết. Chỉ cần khởi nghĩ liền buông. Chỉ buông thôi, thì cả ngày chơi chớ làm gì. Chuyện gì tới buông, như vậy cả ngày không dính. Nếu phải lượm cái này, mót cái kia, gom nhóp lại cho nhiều thì cực khổ. Như học trò đi học là cực khổ, phải dồn bài này vô, bài kia vô, phải nhớ nên cực. Còn người tu chỉ buông thôi, thật là khoẻ. Vậy mà có người than tu khổ quá. Khổ là tại không dám buông, cứ bám giữ hoài.
Một ví dụ hết sức cụ thể, như quí vị ở trong chúng, bất thần nghe ai nói xấu mình, thì sao? Mặt bừng bừng lên, cãi om sòm với nhau. Lúc đó vui hay mệt? Khởi nghĩ cãi vả là đã nghe nóng bức trong lòng, bực bội khó chịu. Ngược lại, nghe huynh đệ nói xấu, mình cười, không có gì hết. Khỏe không? Nó nhẹ như bong bóng. Nếu mình đặt câu hỏi phải quấy “tôi nói hồi nào?” để cãi hơn thua thì trong lòng nóng hay nguội? Nóng lên rồi phiền não. Người nào một ngày có năm ba người tới mách kiểu đó thì sao? Bực bội cả ngày nên thấy tu phiền não quá. Nếu biết buông, không có gì quan trọng, giả sử một chục người mách mình cũng buông hết thì khoẻ ru, có việc gì phiền não đâu.
Như vậy buông khoẻ hay nắm để cãi hơn thua khoẻ? Người buông là người khôn hay người chấp hơn thua là người khôn? Nếu theo đạo thì người bám vào hơn thua phải quấy để sanh phiền não là người ngu, còn người buông xả tất cả phiền não, không dính dáng gì là người khôn. Bây giờ ai chịu làm người khôn? Ai chịu làm người ngu? Việc làm dễ như trở bàn tay chúng ta không làm, còn những việc sanh phiền não bực bội, đôi khi nhỏ xíu thôi mà bên này giành khôn cãi qua, bên kia giành khôn cãi lại, cãi một hồi thành việc lớn. Có khi bực bội muốn xách gói đi luôn, coi như cả đời tu chỉ vì việc hơn thua làm mình hư hỏng. Tự nhiên mình làm khổ mình khổ người. Vậy mà bị chê tu ít không chịu, nói tôi tu dữ lắm, tu dữ lắm nên cãi cũng dữ luôn. Đó là những lầm lẫn quá lớn. Chúng ta phải hiểu rõ quên cơ thì Phật đạo thạnh, phân biệt thì quân ma lừng. Thuộc lòng như thế để mà tu.
CHÁNH VĂN:
Hỏi: Tâm đã xưa nay là Phật, lại cần tu lục độ vạn hạnh chăng?
Đáp: Ngộ tại tâm không quan hệ gì lục độ vạn hạnh. Lục độ vạn hạnh đều là cửa hóa đạo, là việc bên tiếp vật độ sanh. Giả sử Bồ-đề, chân như, thực tế, giải thoát, pháp thân thẳng đến Thập địa, bốn quả vị thánh đều là cửa hóa độ, không quan hệ Phật tâm. Tâm tức là Phật nên nói “tất cả trong cửa tiếp độ, Phật tâm là bậc nhất”. Chỉ không tâm sanh tử phiền não… tức không cần đến pháp Bồ-đề… nên nói “Phật nói tất cả pháp để độ tất cả tâm, ta không tất cả tâm, đâu dùng tất cả pháp”. Từ Phật đến Tổ không luận việc gì khác, chỉ luận một tâm, cũng nói là “nhất thừa”, nên nói “tìm kỹ mười phương lại không có thừa khác, chúng sanh này không còn nhánh lá, chỉ có các hạt chắc”. Bởi vì ý này khó tin nên Tổ Đạt Ma sang xứ này đến hai nước Lương, Ngụy chỉ có một mình Huệ Khả Đại sư thầm tin tâm mình, ngay một câu nói liền lãnh hội “tức tâm là Phật”. Thân tâm đều không, ấy là đại đạo. Đại đạo xưa nay bình đẳng, nên nói: “tin sâu chúng hàm sanh đồng một chân tánh, tâm tánh không khác, tức tánh tức tâm, tâm không khác tánh, gọi đó là Tổ”. Lại có câu “khi nhận được tâm tánh, nên nói không nghĩ bàn”.
GIẢNG:
Tâm mình xưa nay đã là Phật rồi, cần tu lục độ vạn hạnh không?
Ngộ tại tâm không quan hệ gì lục độ vạn hạnh. Lục độ vạn hạnh đều là hóa đạo, là việc bên tiếp vật độ sanh. Thường thường nói tu lục độ vạn hạnh là hay lắm mà ở đây lại nói ngộ tại tâm, không quan hệ gì đến lục độ vạn hanïh. Ngộ là nhận chân được tâm bất sanh bất diệt ngay nơi mình, chớ không phải tu bố thí, trì giới, nhẫn nhục… mới được tâm đó. Tu các pháp như thế là tu bên ngoài, còn nhận được ngay nơi tâm mình mới là chỗ chân thật. Nên nói lục độ vạn hạnh là cửa hóa đạo, là việc bên tiếp vật độ sanh.
Cửa hóa đạo là cửa để truyền bá Phật pháp cho mọi người. Vì người đời chưa thể trực nhận được tâm chân thật của mình, nên dạy họ phương tiện làm cho tham sân si giảm. Từ tham sân si giảm dần dần, mới đi tới chỗ nhận được tâm chân thật. Bởi vậy lục độ dạy bố thí để bớt tham, nhẫn nhục bớt sân v.v… Còn tâm chân thật vượt hết tất cả các thứ. Gốc nhận được thì tất cả ngọn ngành đều thuộc bên ngoài. Vì vậy nói cửa hóa đạo là bên tiếp vật độ sanh. Ở đây chỉ thẳng tâm chân thật nên gọi là Tối thượng thừa.
Giả sử Bồ-đề, chân như, thực tế, giải thoát, pháp thân thẳng đến Thập địa, bốn quả vị thánh đều là cửa hóa độ, không quan hệ Phật tâm. Những từ Bồ-đề, chân như, giải thoát, pháp thân v.v… đều là cửa hóa đạo, không phải Phật tâm. Với người mê dạy họ tu để được Bồ-đề là giác, vì giác là dẹp mê. Nếu người bị trói buộc phiền lụy dạy họ tu để được giải thoát. Tất cả những pháp ấy là phương tiện để diệt các thứ bệnh chúng sanh đang kẹt, cho tới quả vị Thanh văn hay hàng Thập địa cũng là cửa hóa đạo thôi, chưa phải chỗ tột cùng nên không quan hệ với Phật tâm. Phật tâm tức là tâm Phật sẵn có nơi mỗi chúng sanh.
Tâm tức là Phật nên nói “tất cả trong cửa tiếp độ, Phật tâm là bậc nhất”. Trong cửa tiếp độ chỉ có Phật tâm là trên hết. Nếu lấy cấp bậc để so sánh đối chiếu, như tứ quả Thanh văn, Thập địa Bồ-tát v.v… thì thấy có cao thấp, nhưng đó là vì căn cơ chúng sanh không đồng, người thích tu thế này, người thích tu thế kia nên Phật đặt ra như thế để dẫn dắt từ từ. Kỳ thật chỉ có tâm Phật của chính mình là trên hết, không dính dáng với tất cả cấp bậc quả chứng. Vì tâm Phật không có thứ lớp, không cao thấp, không đối đãi, đó mới là cứu cánh. Những gì có thứ lớp, cao thấp đều chưa phải là chỗ tột cùng. Vì vậy nói: “tất cả trong cửa tiếp độ, Phật tâm là bậc nhất”.
Chỉ không tâm sanh tử phiền não… tức không cần đến pháp Bồ-đề… nên nói “Phật nói tất cả pháp để độ tất cả tâm, ta không tất cả tâm, đâu dùng tất cả pháp”. Tâm gì là tâm sanh tử, tâm gì là tâm phiền não? Tâm dấy tạo nghiệp là tâm sanh tử, vì tâm tạo nghiệp thiện ác cho nên mới sanh trong lục đạo luân hồi. Nếu không có tâm chạy theo đối đãi thiện ác thì không đi trong Lục đạo luân hồi. Tâm gì là tâm phiền não? Buồn thương, giận ghét, hơn thua, phải quấy… là tâm phiền não. Có người nào nói tôi không buồn, không thương, không ghét ai… không? Lúc nào cũng phê bình huynh đó dễ thương, huynh kia dễ ghét quá. Cho nên tâm phiền não không lúc nào hết. Người dễ ghét mà ở cùng một phòng, giờ ăn giờ ngủ cũng gần một bên thì sao? Thì phiền não. Nếu mình không thèm ghét ai hết, đối diện với ai mình cũng không phiền não. Còn buồn thương giận ghét là còn phiền não. Ai không buồn thương giận ghét thì hết phiền não. Cho nên nói chỉ không tâm sanh tử phiền não… tức không cần đến pháp Bồ-đề…
Ở đây dẫn lời Lục tổ “Phật nói tất cả pháp để độ tất cả tâm, ta không tất cả tâm, đâu dùng tất cả pháp”. Như người nóng nảy ráng tu pháp nhẫn nhục, người tham lam tu pháp bố thí. Bây giờ không tham không sân… thì tu pháp gì? Cho nên Lục Tổ khẳng định “Phật nói tất cả pháp để độ tất cả tâm, ta không tất cả tâm, đâu dùng tất cả pháp”. Nhưng tại sao ở đây chúng ta có dùng pháp tu? Tại vì còn tâm tham sân si đủ thứ hết, cho nên phải dùng pháp tu để tiêu mòn từ từ.
Từ Phật đến Tổ không luận việc gì khác, chỉ luận một tâm, cũng nói là “nhất thừa”, nên nói “tìm kỹ mười phương lại không có thừa khác, chúng sanh này không còn nhánh lá, chỉ có các hạt chắc”. Kinh Pháp Hoa nói cuối cùng không có hai, chỉ một pháp Nhất thừa “tìm kỹ mười phương lại không có thừa khác”, “chúng sanh này không còn nhánh lá, chỉ có các hạt chắc”, nhánh lá để chỉ cho những phần chi tiết nhỏ nhặt như Thanh văn, Duyên giác… “chỉ có các hạt chắc” là chỉ còn có một Phật thừa.
Bởi vì ý này khó tin nên Tổ Đạt Ma sang xứ này đến hai nước Lương, Ngụy chỉ có một mình Huệ Khả Đại sư thầm tin tâm mình, ngay một câu nói liền lãnh hội “tức tâm là Phật”. Tổ Đạt Ma sang Trung Quốc bao nhiêu năm mà chỉ có một người tin được điều này. Cho nên vua Lương Võ Đế học kinh thâm nhập rất nhiều, giảng kinh rất hay mà cũng tin không nổi. Chỉ có Tổ Huệ Khả tin được tâm mình, nghĩa là buông hết tất cả tâm sanh diệt rồi thì tâm chân thật hiện tiền. Tổ Huệ Khả tin nhận được điều đó.
“Thân tâm đều không, ấy là đại đạo”. Thân này là rỗng, tại sao? Vì còn duyên thì hợp hết duyên thì tan, nó không thật, nên nói tánh không. Tâm sanh diệt cũng không. Thấy rõ hai thứ này rồi là đại đạo. Hồi xưa hỏi thế nào là đại đạo các Tổ chỉ đường cái ở trước sân. Sự thực biết các pháp tự tánh không, biết tất cả niệm sanh diệt là không, đó là trở về với đại đạo. Chúng ta ngày nay thấy các pháp thật, thấy tâm buồn thương giận ghét thật, cho nên không thấy đại đạo.
Đại đạo xưa nay bình đẳng, nên nói: “tin sâu chúng hàm sanh đồng một chân tánh, tâm tánh không khác, tức tánh tức tâm, tâm không khác tánh, gọi đó là Tổ”. Đại đạo xưa nay bình đẳng. Tại sao bình đẳng? Bởi vì nơi mọi người đều có, mà đã bình đẳng thì ai cũng có khả năng thành Phật hết. Nên nói: “tin sâu chúng hàm sanh đồng một chân tánh”, đồng có tánh giác như nhau. Tất cả mọi chúng sanh đều có tánh giác. “Tâm tánh không khác”, tâm tánh mình và tâm tánh mọi người không khác nhau. “Tức tánh tức tâm”, nói tánh mà cũng nói tâm, tánh là chỉ cho Phật tánh, tâm là tâm chân như hay tâm chân thật. “Tâm không khác tánh, gọi đó là Tổ”, người nào tâm luôn luôn sống được với cái chân thật bình đẳng, người đó là Tổ.
Lại có câu “khi nhận được tâm tánh, nên nói không nghĩ bàn”. Khi người nhận được tâm tánh rồi thì không thể nghĩ bàn. Tại sao? Vì chỗ đó khởi nghĩ bàn thì không còn tâm tánh nữa, chỗ đó là chỗ không nghĩ bàn. Nghe nói không nghĩ bàn rồi cho rằng chỗ đó quá sức mầu nhiệm, linh thiêng thì lầm lẫn. Không nghĩ bàn là chỗ chân thật không còn một niệm nghĩ suy bàn tính.