headertvtc new


   Hôm nay Thứ tư, 08/01/2025 - Ngày 9 Tháng 12 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
Phatthanhdao  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

Uyển Lăng Lục

 Uyển Lăng là tên một huyện của Trung Quốc đời Đường. Khi đó tướng quốc Bùi Hưu đang trấn nhậm tại huyện này. Bùi Hưu mời ngài Hoàng Bá về đây dạy cho ông lý thiền. Vì vậy lối dạy ở đây sáng sủa rõ ràng, chớ không như lối dạy ngài Lâm Tế. Quyển sách này do ông Bùi Hưu ghi lại lời dạy của ngài Hoàng Bá tại Uyển Lăng, nên có tên là Uyển Lăng Lục. Chúng ta phải hiểu người xưa, khi đối diện với người có các trình độ khác nhau, các ngài tùy duyên mà dạy, chớ không cố định.

Đối với tướng quốc Bùi Hưu ngài nói trắng ra, nhưng với ngài Lâm Tế ngài chỉ đánh mà không nói một câu. Nếu chúng ta cả quyết cho rằng thiền sư Hoàng Bá chỉ đánh, chớ không nói thẳng trắng ra thì không đúng. Hoặc bảo ngài chỉ nói trắng mà không đánh cũng không đúng. Tùy theo người đối duyên mà các Tổ sử dụng phương tiện để đạt được kết quả tốt nhất. Hiểu chỗ này chúng ta mới thấy hiện giờ thiền tông cần phải nói thẳng ra là một điều hợp lý. Với tướng quốc Bùi Hưu, ông không rảnh nghiên cứu chỗ này chỗ kia, còn ngài Lâm Tế là một thiền tăng đang du phương cầu học, làm sao cho ngài nghi, nghi chừng nào tốt chừng ấy, hai người hai hoàn cảnh khác nhau.
Chúng ta bây giờ cũng vậy, thời này người ta bận rộn đa đoan, đâu thể nay xách gói đầu này hỏi, mai xách gói đầu kia hỏi. Vì vậy chúng ta phải nói thẳng để người học nhận biết, ứng dụng tu thì có lợi hơn. Tôi nói như thế để quí vị hiểu tinh thần người xưa và tinh thần hiện nay của chúng ta tuy thấy khác mà không khác.
CHÁNH VĂN:
Bùi tướng công hỏi Ngài:
- Trong núi bốn năm trăm người, bao nhiêu người được pháp của Hòa thượng?
Ngài đáp:
- Người được không thể tính hết số. Vì sao? Vì đạo do tâm ngộ, không tại lời nói, nói năng chỉ là để giáo hoá kẻ đồng mông (trẻ thơ).
GIẢNG:
Nói năng là để dạy những người đồng mông tức kẻ sơ cơ, chớ đúng ra thì ai cũng ngộ được hết, vì ai cũng có tâm chân thật. Cho nên người nhận được chỗ chân thật tính không hết, vì ai ai cũng có sẵn. Dùng nói năng diễn đạt, đó là phương tiện vì kẻ đồng mông.
CHÁNH VĂN:
Hỏi: Thế nào là Phật?
Đáp: Tức tâm là Phật, không tâm là đạo. Chỉ không có cái tâm khởi tâm động niệm, có không, ngắn dài, ta người, năng sở… Tâm vốn là Phật, Phật vốn là tâm. Tâm như hư không, sở dĩ nói “chân pháp thân của Phật ví như hư không”. Không nên cầu riêng, có cầu đều khổ. Giả sử trải qua số kiếp như cát sông Hằng, tu hành lục độ vạn hạnh được Phật Bồ-đề cũng không phải cứu cánh. Vì cớ sao? Vì thuộc về nhân duyên tạo tác, nhân duyên nếu hết trở lại vô thường. Sở dĩ nói “Báo, Hóa không phải chân Phật, cũng không phải nói pháp”. Cốt biết tâm mình không ngã không nhân, xưa nay là Phật.
GIẢNG:

Chỗ này chỉ thẳng nên khó. Hỏi “thế nào là Phật?” Nếu chúng ta được hỏi câu này sẽ trả lời ra sao? Phật là tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn. Giảng như vậy thì chỉ biết ông Phật bên ngoài là đức Thích Ca thôi, chớ không biết được ông Phật của mình.
Ở đây ngài chỉ thẳng tức tâm là Phật, chính ngay tâm mình là Phật chớ không có Phật nào ở ngoài tâm. Nhưng nói không tâm là đạo thì có mâu thuẫn không? Trước nói tức tâm là Phật, bây giờ nói không tâm là đạo, như vậy có tâm không? Câu này nhiều người lầm lẫn. Tức tâm là Phật, không tâm là đạo, hai chữ tâm đó khác nhau chỗ nào? Tâm trước và tâm sau là một hay hai? Không phải một. Tâm trước là tâm chân thật bất sanh bất diệt cho nên gọi tức tâm là Phật, tâm đó là Phật. Không tâm là đạo là không tâm sanh diệt, tâm sau là tâm sanh diệt. Khi nào tâm sanh diệt lặng là đạo. Những chữ này không khéo rất dễ hiểu lầm, dường như mâu thuẫn vậy. Tức tâm là Phật, nghĩa là ngay nơi tâm chân thật của mình là Phật, không tâm là đạo nghĩa là không tâm sanh diệt, ấy là đạo.
Chỉ không có cái tâm khởi tâm động niệm, có không, ngắn dài, ta người, năng sở… không các tâm đó là đạo. Như vậy tìm đạo ở đâu? Bây giờ có người xách gói lên núi Cấm, núi Tà Lơn… để tìm đạo. Như vậy có đúng không? Ở chỗ không tâm, Lục Tổ nói xưa nay không một vật, không một vật thì có tâm gì? Thấy được chỗ đó là thấy đạo. Cho nên Ngũ Tổ mới gọi Lục Tổ vào thất giảng kinh Kim Cang cho nghe.
Không tất cả tâm niệm có không, ngắn dài, ta người, năng sở tức là không tất cả tâm niệm đối đãi. Ai lặng hết tâm đối đãi thì người đó thấy đạo. Như vậy đạo dễ tìm hay khó tìm? Chỉ cần mình lặng tâm đối đãi, nghĩ tốt nghĩ xấu, nghĩ phải nghĩ quấy, nghĩ hơn nghĩ thua lặng xuống hết, ngay đó là đạo, không tìm kiếm đâu xa. Chúng ta ngày nay gần đạo hay xa đạo? Đạo rất gần, nhưng vì bọn phân chia phải quấy che mất nên không thấy, do không thấy thành xa. Nếu những phân biệt hơn thua, phải quấy lặng hết thì đạo ngay trước mắt, khỏi tìm kiếm đâu xa.
Người tu nào còn có tâm hơn thua phải quấy thì đạo vắng bóng, bao giờ tâm ấy lặng thì đạo hiện tiền. Tâm hơn thua phải quấy ai sắp đặt cho mình, Thượng đế sắp phải không? Nếu Thượng đế sắp thì đành chịu thua, đằng này quyền của mình khởi nghĩ, như vậy là chuyện nắm trong tay rồi. Chúng ta có quyền khởi, cũng có quyền bỏ. Việc gì thuộc quyền của mình thì đó là việc trong tầm tay. Việc trong tầm tay mà nói khó là chuyện vô lý. Nhưng nói dễ cũng không đúng, vì dễ tại sao bỏ không được. Như vậy mới thấy việc tu hành cũng dễ mà cũng khó. Ai một phen buông là buông tất cả thì rất dễ. Ai nửa buông nửa nắm thì suốt đời không thấy đạo. Cho nên người tu phải can đảm, một buông thì tất cả đều buông, có thế mới thỏng tay vào chợ được. Còn người nào vừa buông rồi tiếc nắm lại thì suốt đời không ra khỏi nhà lửa tam giới.
Tâm vốn là Phật, Phật vốn là tâm. Đây là xác định lại tâm mình. Tâm nào? Tâm liễu liễu thường tri, không sanh không diệt. Tâm đó là Phật. Cho nên nói tâm vốn là Phật, Phật vốn là tâm.
Tâm như hư không, sở dĩ nói “chân pháp thân của Phật ví như hư không”. Tại sao tâm như hư không? Câu này đa số người học Phật bị lầm lẫn. Nói tâm như hư không, như vậy tâm có hay không? Hư không thì trống rỗng, tâm như hư không thì tâm trống rỗng không có gì hết, sao gọi là Phật được? Đây là điều rất khó. Nếu không có kinh nghiệm trong sự tu, làm sao biết được chỗ này.
Khi chúng ta khởi niệm phân biệt về người thì có bóng người, khởi nghĩ về cảnh liền có bóng cảnh, khi không khởi nghĩ tất cả mà vẫn thấy vẫn nghe v.v… thì cái thấy nghe đó có phải tâm không? Biết tức là tâm. Cái biết thấy nghe xúc chạm ấy không có tướng mạo. Do không tướng mạo nên giống như hư không. Vì vậy nói “chân pháp thân của Phật ví như hư không”. Pháp thân chân thật ví như hư không mà hằng giác. Đó là điểm đặc biệt. Đã hằng giác làm sao nói không, nhưng không có hình bóng làm sao nói có. Tâm chân thật hiện tiền đó chúng ta đang có nhưng không sử dụng được, chỉ sử dụng tâm sanh diệt đuổi theo cảnh theo người. Vì vậy tâm sanh diệt che phủ pháp thân chân thật của chính mình.
Không nên cầu riêng, có cầu đều khổ. Bởi vì tâm chân thật không có tướng mạo, làm sao tìm cầu. Nếu càng cầu, càng tìm thì càng xa, không có lợi ích gì hết nên đều khổ.
Giả sử trải qua số kiếp như cát sông Hằng, tu hành lục độ vạn hạnh được Phật Bồ-đề cũng không phải cứu cánh. Kinh Đại thừa dạy chúng ta tu các pháp lục độ vạn hạnh để chứng quả Bồ-đề, nhưng tại sao Tổ bảo nếu chứng được Bồ-đề cũng không phải cứu cánh. Đó là những vấn đề chúng ta cần phải hiểu rõ. Người còn tu là còn dùng phương tiện sanh diệt, chuộng tốt bỏ xấu đều là trong tướng sanh diệt tạo tác. Tuy tướng tốt đẹp nhưng sanh diệt tạo tác thì không phải chân thật, không phải chân thật tức là không cứu cánh. Mục đích chư Tổ dạy chúng ta tu đi đến chỗ chân thật, đó mới là cứu cánh, nên ở đây gọi là Tối thượng thừa.
Đại thừa là đạo Bồ-tát, tu Lục độ vạn hạnh. Thượng thừa là Phật đạo, như kinh Pháp Hoa nói một Phật thừa, đó là Thượng thừa. Còn Tối thượng thừa là đạo gì? Là đạo tâm, tâm tức là đạo, chỉ thẳng cái chân thật sẵn có nơi mỗi người. Tất cả những thành tựu đạt được do dụng công tu hành đều nằm trong phương tiện, chưa phải là cứu cánh. Chỗ cứu cánh chân thật bất sanh bất diệt, không do dụng công mà được cho nên gọi là Tối thượng thừa.
Vì cớ sao? Vì thuộc về nhân duyên tạo tác, nhân duyên nếu hết trở lại vô thường. Tất cả công đức do chúng ta tạo ra đều nằm trong sanh diệt nên có ngày cũng hết, vì vậy nói vô thường.
Sở dĩ nói “Báo, Hoá không phải chân Phật, cũng không phải nói pháp”. Cốt biết tâm mình không ngã không nhân, xưa nay là Phật. Báo là báo thân Phật, Hóa là hóa thân Phật nói pháp. Hai thân này không phải Phật thật. Như chúng ta thấy Đức Phật Thích Ca sanh ra ở Ấn Độ, tu hành bao nhiêu năm khổ hạnh, đi giáo hóa bao nhiêu năm, đó là báo thân Phật. Báo thân Phật có ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, tu hành đắc đạo giáo hóa chúng sanh, có vô lượng công đức. Nhưng bây giờ thân đó còn không? Không còn. Nếu Phật là thân đó thì Phật ắt là sanh diệt.
Chỉ có Phật từ nơi tâm mới là chân thật. Vì vậy cốt biết tâm mình là không ngã, không nhân, xưa nay là Phật, đó mới là Phật thật, không có sanh diệt. Phật này có cần chúng ta tu cho ngài không? Tất cả công phu tu của mình tô điểm cho Phật đẹp thêm hay sao? Phật nào thuộc tô điểm, Phật đó đều không thật. Phật thật không có tô điểm. Muốn nhận ra Phật thật chỉ đòi hỏi chúng ta một việc, đó là buông hết tất cả niệm sanh diệt đối đãi. Phật thật đã sẵn có từ thuở nào, mà chúng ta không thấy là vì kẹt trong sanh diệt. Bây giờ buông hết tất cả niệm sanh diệt thì Phật thật hiện ra, đó mới là chân Phật hay pháp thân Phật. Còn Phật do tu, có tướng tốt, đó là Phật sanh diệt. Chúng ta phải hiểu cho thấu đáo lý này, mới có thể tiến tu không nghi ngờ.
Phật dạy tu Lục độ vạn hạnh, nghĩa là bố thí, trì giới, tinh tấn, nhẫn nhục, thiền định, trí tuệ, tất cả đều nằm trong tướng sanh diệt. Nếu tu được hết những pháp này thì chúng ta sạch mọi lỗi lầm, không còn gây đau khổ cho người khác, đem lại sự an vui cho chúng sanh.
Nhưng đó chỉ là tướng sanh diệt, chưa phải cứu cánh. Cứu cánh phải trở về với Phật thật của chính mình. Phật đó không cần chúng ta tu, chỉ cần chúng ta nhận ra bằng cách buông bỏ hết những tướng sanh diệt đang che lấp Phật thật của mình. Như vậy là tu.
 

[ Quay lại ]