headertvtc new


   Hôm nay Thứ ba, 26/11/2024 - Ngày 26 Tháng 10 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

Uyển Lăng Lục (tiếp theo...)

 CHÁNH VĂN:
Hỏi: Tâm đã không tướng, đâu được hoàn toàn không ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp hóa độ chúng sanh?
Đáp: Ba mươi hai tướng thuộc về tướng, phàm có tướng đều hư vọng. Tám mươi vẻ đẹp thuộc về sắc, nếu do sắc thấy ta ấy là hành đạo tà, không thể thấy Như Lai.

GIẢNG:

Học nhân hỏi tâm đã là không tướng, nhưng đâu thể hoàn toàn không có ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp của Đức Phật Thích Ca để giáo hoá chúng sanh. Ngài bảo ba mươi hai tướng tốt thuộc về tướng. Trong kinh Kim Cang dạy “Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng”, nghĩa là phàm những gì có tướng đều hư vọng. Ba mươi hai tướng là tướng hư dối không phải thật. Tám mươi vẻ đẹp thuộc về sắc, sắc là hình dáng đẹp huyễn tạm. Kinh Kim Cang dạy “nhược dĩ sắc kiến ngã, dĩ âm thinh cầu ngã, thị nhân hành tà đạo, bất năng kiến Như Lai”, nghĩa là nếu do sắc thấy ta, do âm thanh cầu ta, người ấy hành đạo tà, không thể thấy Như Lai. Như vậy ba mươi tướng tốt và tám mươi vẻ đẹp của Phật đều là tướng tạm bợ, giả dối trên thân vô thường hư hoại, không phải chân thật.
Ở đây nói về Phật thật của chính mình. Phật này không căn cứ trên ba mươi hai tướng tốt, không căn cứ trên tám mươi vẻ đẹp, vì tướng tốt vẻ đẹp đều vô thường, biến hoại, không chân thật, cho nên không phải Như Lai. Như Lai ở đây chỉ cho Pháp thân.

CHÁNH VĂN:

Hỏi: Phật tánh cùng chúng sanh tánh đồng hay khác?
Đáp: Tánh không đồng khác. Nếu nhằm giáo ba thừa nói có Phật tánh, chúng sanh tánh, nên có nhân quả ba thừa, tức có đồng khác. Nếu nhằm Phật thừa và Tổ sư truyền nhau, không nói việc như thế, chỉ có một tâm, không đồng không khác, không nhân không quả. Nên nói “chỉ đạo nhất thừa này, không hai cũng không ba, trừ Phật phương tiện nói”.


GIẢNG:

Hỏi Phật tánh và chúng sanh tánh là đồng hay khác? Thường thường chúng ta nghĩ rằng tánh Phật là tánh giác, còn chúng sanh chưa tu thì tánh mê. Như vậy có hai tánh giác và mê khác nhau. Nhưng ở đây nói trong chỗ cứu cánh tánh Phật, tánh chúng sanh không khác. Tại sao? Vì Phật có sẵn tánh sáng và Ngài nhớ sống với tánh sáng đó, cho nên hoàn toàn giác. Chúng sanh cũng có sẵn tánh sáng nhưng quên đi nên gọi là mê. Như vậy mê và giác là do biết trở về hay không trở về thôi, chớ không phải tánh Phật và tánh chúng sanh khác nhau. Nói rõ hơn là khác trên cái giác cái mê, chớ không phải khác trên tánh. Nên nhớ tánh giác của Phật và tánh giác của chúng sanh không hai.
Nếu căn cứ trên giáo lý ba thừa, nói có Phật tánh, chúng sanh tánh, có nhân quả ba thừa tức có đồng khác. Đứng về Phật tánh không khác, nhưng căn cứ giáo lý ba thừa mà nói tức là Thanh văn, Duyên-giác, Bồ-tát thì có ba tánh: chủng tánh Thanh văn, chủng tánh Duyên-giác, chủng tánh Bồ-tát nên thấy như có khác. Khác đó là gì? Là trên phương tiện. Phương tiện thì thấy có chủng tánh Thanh văn, chủng tánh Duyên-giác, chủng tánh Bồ-tát.
Như có người tu lúc nào cũng thao thức mong thấy đạo, sau đó giáo hóa cứu độ chúng sanh, không nghĩ gì khác hơn. Có người tu cũng thao thức mong cho mình giải thoát sanh tử vì cuộc đời khổ quá, nhưng không nghĩ tới ai hết, chỉ nghĩ mình phải giải thoát sanh tử thôi. Hai người đó chủng tánh khác nhau chăng? Mới nhìn, chúng ta thấy người mong mình giác để độ tất cả chúng sanh là chủng tánh Bồ-tát. Người chỉ mong mình ra khỏi sanh tử thôi, đó là chủng tánh Thanh văn. Vậy chủng tánh ấy là sẵn hay do huân tập? Trong đời này ta thấy dường như sẵn, nhưng thực tình đã huân tập nhiều đời rồi. Người nhìn đời bằng cặp mắt bi quan, mong tu giải thoát sanh tử cho riêng mình, đó là huân tập theo cái nhìn bi quan. Người nhìn cuộc đời nhiều điều đau khổ, chúng sanh mê muội trong ấy mà không tự thấy, nên mong tu giác ngộ để chỉ đường chỉ lối cho mọi người cùng giác ngộ, hết đau khổ như mình, đó là chủng tánh Bồ-tát. Nói chủng tánh ba thừa chẳng qua là sự huân tập của đời trước thôi, còn chủng tánh sẵn thì Phật và chúng sanh không khác. Nên biết chủng tánh ba thừa là chủng tánh do huân tập nhiều đời mà có, không phải chủng tánh sẵn. Còn chỉ thẳng tức tâm là Phật thì tánh Phật đó là tánh sẵn của tất cả chúng sanh.
Nên nói “Nếu nhằm Phật thừa và Tổ sư truyền nhau, không nói việc như thế, chỉ có một tâm, không đồng không khác, không nhân không quả”. Nhân quả là pháp căn bản của đạo Phật, mà ở đây nói không nhân không quả là bỏ pháp căn bản sao? Chỗ này người học Phật phải nắm cho vững, thấy cho tường tận. Nhân quả là căn cứ trên pháp sanh diệt mà nói, còn trong sanh diệt thì còn nhân còn quả. Từ nhân sanh ra quả là diễn biến vòng sanh diệt, đâu phải đứng một chỗ. Như chúng ta gieo hạt lúa xuống ruộng, nó lên cây lúa, rồi lần lần trổ bông kết quả, cho tới lúa chín. Từ hạt lúa lên cây lúa phải qua một vòng biến chuyển, cây lúa ra bông lúa lại chuyển biến, bông lúa thành hạt lúa chín cũng chuyển biến, rồi lấy hạt lúa vừa mới thu hoạch gieo trở lại nữa, tức là tiếp tục những vòng chuyển biến. Nhà Phật gọi đó là biến chuyển lẩn quẩn trong vòng luân hồi. Cho nên trong vòng luân hồi nhân quả là lẽ thực, là chân lý. Nếu thoát ra vòng luân hồi thì không còn nhân quả nữa. Hiểu cho tường tận như vậy mới không có lỗi.
Chỉ đạo nhất thừa này, không hai cũng không ba, trừ Phật phương tiện nói. Đoạn này dẫn trong kinh Pháp Hoa. Phật nói chỉ có một Phật thừa hay Nhất thừa, không nói hai nói ba. Nếu nói hai nói ba là Phật phương tiện nói, không phải chỗ cứu cánh. Như vậy nói Tam thừa, Nhị thừa v.v… là phương tiện, chỉ một Phật thừa mới cứu cánh. Kinh Pháp Hoa chỉ thẳng một Phật thừa, chư Tổ truyền nhau cũng truyền một tâm chân thật. Tâm chân thật là chỉ cho tâm Phật hay tánh Phật, không có hai thứ.

CHÁNH VĂN:

Hỏi: Bồ-tát thân vô biên, tại sao không thấy đảnh tướng của Như Lai?
Đáp: Thật không thể thấy. Vì cớ sao? Vì Bồ-tát thân vô biên chính là Như Lai, chẳng lẽ lại thấy… Chỉ dạy ông không khởi chấp thấy Phật thì không rơi bên Phật, không khởi chấp thấy chúng sanh thì không rơi bên chúng sanh, không khởi chấp thấy có thì không rơi bên có, không khởi chấp thấy không thì không rơi bên không, không khởi chấp thấy phàm thì không rơi bên phàm, không khởi chấp thấy thánh thì không rơi bên thánh. Nếu không các kiến chấp tức là thân vô biên.


GIẢNG:

Hỏi Bồ-tát thân vô biên, vì sao không thấy đảnh tướng của Phật? Nói thân vô biên là chỉ cho Phật, chớ có thân nào khác. Bồ-tát thân vô biên là một tên khác để chỉ cho Phật. Phật làm sao thấy đảnh tướng của Phật. Vì Phật là Phật rồi nên không còn thấy có Phật, có chúng sanh. Thấy có Phật, có chúng sanh là còn chấp hai bên, chưa phải chân lý. Chúng ta hiện giờ chấp bao nhiêu bên? Vạn ức bên, chớ chẳng phải chỉ hai bên. Nào là chấp phải chấp quấy, chấp có chấp không, chấp giả chấp thật, chấp tốt chấp xấu… đủ thứ chấp.
Con người luôn luôn lấy hai bên làm thật, để đo để khẳng định mọi việc. Thí dụ hỏi việc này có không? Nếu đáp có là đúng ý mình thì ta chấp nhận cái có, nếu nói không là đúng ý mình thì ta chấp nhận cái không. Như vậy bắt phải nhận một trong hai hoặc là có hoặc là không. Hỏi việc đó phải hay quấy? Nếu người nói phải đúng ý mình thì vui, nếu người nói sai ý mình thì nổi sân lên. Từ chấp hai bên mà phát sanh không biết bao nhiêu phiền não, mọi cuộc tranh hơn tranh thua để rồi khổ đau với nhau đều do chấp hai bên mà ra. Nếu ngày nào mình không còn chấp hai bên thì ngày đó cười hoài, không có chuyện gì để nói nữa.
Bây giờ chúng ta thử nói chuyện không dính hai bên xem. Đó là điều người thường không thể hiểu nổi. Vì người ta đã quen tập cái nhìn phân biệt hai bên, ai là người thân, ai là kẻ thù, ai phải, ai quấy, ai xấu, ai tốt, luôn luôn phân biệt. Khi cầm một vật đưa lên thì hỏi “Cái này tốt hay xấu?”, chớ không bao giờ đưa lên cho người ta thấy. Nếu trả lời tốt đúng ý mình thì bằng lòng, vui. Nếu mình nghĩ tốt mà ai nói xấu thì buồn. Mọi người cả thế gian này đều sống trong cái tạm bợ bên ngoài. Bám vào đó, phân biệt chia chẻ rồi khen chê thương ghét, từ đó sanh khổ đau.
Nếu ai sống được tâm không kẹt, không dính hai bên là giải thoát. Người nào từ sáng tới chiều không dính hai bên, người đó có phiền não không? Chắc không, vì buồn phiền là tại thích được khen, ghét bị chê. Có khen có chê thì có người ưa mình có kẻ ghét mình. Vậy mà đa số chúng ta chỉ sống trong khen chê. Do đó cả ngày gây bao nhiêu bất mãn cho nhau. Cái gì mình làm ít khi nào mình nói xấu, cái gì người khác làm ít khi nào mình khen tốt. Thí dụ người thợ mộc dựng cái nhà và hài lòng rồi, nhưng ai tới chê thì tự nhiên phiền não trong lòng. Cho nên biết phân biệt khen chê là gốc của phiền não, vậy mà chúng ta lại quen tật khen chê. Vì thế tuy đã tu, cạo đầu cho sạch hết mấy sợi tóc phiền não, nhưng còn khen chê là còn phiền não. Người tu mà phân biệt khen chê nhiều chừng nào thì khổ nhiều chừng ấy, tu rất chậm tiến.
Cho nên ở đây nói không khởi chấp thấy chúng sanh thì không rơi bên chúng sanh, không khởi chấp thấy có thì không rơi bên có, không khởi chấp thấy không thì không rơi bên không, không khởi chấp thấy phàm thì không rơi bên phàm, không khởi chấp thấy thánh thì không rơi bên thánh. Nếu không các kiến chấp tức là thân vô biên. Thân vô biên là thân ai? Là thân Phật. Chỉ không tất cả kiến chấp thì thân Phật hiện tiền. Như vậy làm Phật khó hay dễ? Đừng kiến chấp gì hết, không chấp có không, không chấp giỏi dở, tất cả đều không chấp. Thấy là thấy, nghe là nghe mà không chấp, đó là thân Phật hiện tiền.
Khi thân Phật hiện tiền gọi là trí hay ngu? Nhiều người cho rằng không phân biệt phải quấy là ngu. Nhưng thực ra đó mới thật là người không dính kẹt. Chúng ta thử sống một ngày đừng khởi khen chê, hay dở, tốt xấu… thử coi ra sao? Ngày đó có nhọc không, có đổ mồ hôi sót con mắt không? Chỉ không chấp, nhẹ nhàng thôi. Tu một ngày như vậy là hay lắm. Nếu chúng ta ráng ngồi thiền trọn ngày rất đau chân. Bây giờ vẫn đi tới đi lui, cũng làm công kia việc nọ mà không chấp gì hết. Ngày đó là một ngày Phật, là ngày tu chính chắn nhất.
Nhiều người cho rằng tu thì phải công phu thật nhiều, vận dụng sức thật nhiều, mà không ngờ buông xả mọi kiến chấp là tu. Nếu xả bỏ mọi kiến chấp thì trong tâm có gì phiền não? Ngược lại nếu tu nhiều mà không khéo sẽ có tới hai thứ phiền não. Thí dụ người ta ngồi thiền hai giờ, mình ngồi bốn giờ nhưng không tỉnh giác, sẽ có hai thứ phiền não. Thứ nhất, mọi người thấy mình ngồi giỏi hơn họ mà không ai thèm nói gì hết là trong lòng buồn rồi đó. Thứ hai, mình ngồi bốn giờ nên thấy ai ngồi một giờ xả thì chê. Đó là hai thứ bệnh.
Cho nên tu nhiều mà chấp nhiều thì càng bệnh. Ta ngồi đó là việc của ta, đừng nhìn người khác rồi khởi khen chê. Như vậy mới là tu thật. Còn tu để hãnh diện mong người ta khen, họ không khen thì buồn, đó là tu trong đối đãi hơn thua, chưa phải tu thật. Cho nên phải cẩn thận.

[ Quay lại ]