Uyển Lăng Lục (tiếp theo...)
- Chi tiết
- Được đăng ngày Chủ Nhật, 30 Tháng mười hai 2007 08:26
- Viết bởi nguyen
CHÁNH VĂN:
Nên nói “viên thành chìm biển thức, trôi lăn tợ bồng bay”.
GIẢNG:
Tánh viên thành thật vốn sẵn có, nó chính là Pháp thân. Tuy sẵn có nhưng nó bị thức phủ che nên nói chìm biển thức. Chúng ta sống theo thức nên trôi lăn như cỏ bồng, khi bông nở gặp gió thổi bay tán loạn. Đoạn này muốn nói chúng ta có sẵn tánh viên thành thật, nhưng vì mình chạy theo sóng thức, tạo nghiệp sanh tử liên tục không dừng, giống như cỏ bồng bay.
Viên thành là nói theo Duy thức, nói theo pháp tánh là Pháp thân. Như nước biển, tánh nó là lặng hay động? Nếu nó tánh động thì khi ta lấy nước để vào chỗ yên nó vẫn động, như con cá bỏ lên bờ nó vẫn giẩy. Tánh nước không động mà tùy duyên, nếu biển gặp gió mạnh thì nó dậy sóng. Khi thấy sóng chúng ta cho rằng tánh nước là động, chớ sự thực tánh nước không động. Đang là một lượn sóng nổi cao vút, nếu mình dùng phương tiện hứng nước từ lượn sóng đó đổ vô một cái hồ yên lặng không có gió, lượn sóng đó còn ầm ầm nữa không? Không. Bản chất nước là yên, nhưng do duyên gió làm động.
Cũng vậy, Phật tánh hay viên thành thật tánh vốn yên, nhưng do tâm dấy phân biệt. Đó là dòng sóng thức nổi dậy, nổi dậy là động, động rồi tạo nghiệp sanh tử, cứ thế động liên tục. Bây giờ muốn ra khỏi sanh tử, ra khỏi là một lối nói thôi, chớ có ra đâu, nói đúng hơn là muốn dòng sanh diệt dừng thì đừng duyên sóng thức thổi, sóng lặn tức là dòng sanh diệt hết.
Như vậy chúng ta tu không phải chuyện huyền hoặc, tưởng tượng mà thực tế vô cùng. Mỗi người đều có cái thể trong lặng sáng suốt sẵn, nhưng vì sóng thức phân biệt nhạy quá, cứ nghĩ cái này, nghĩ cái kia, liên miên cả ngày không dừng. Vì vậy không thấy được tâm trong lặng. Bây giờ muốn dừng dòng sanh tử trước phải dừng sóng thức. Muốn dừng sóng thức phải dừng bớt đối duyên xúc cảnh, đừng chạy theo, đừng phân biệt. Nếu đối duyên xúc cảnh không chạy theo, không phân biệt thì tự nhiên thức lặng, tánh giác hiện tiền.
Vậy tu là lóng lặng dòng sóng thức của mình. Dòng sóng thức lặng thì tâm thanh tịnh hiện tiền. Tâm thanh tịnh hiện tiền là tâm bất sanh bất diệt. Chạy theo dòng sóng thức là sanh diệt, sanh diệt là luân hồi. Dừng được dòng sóng thức thì không tạo nghiệp, không tạo nghiệp thì hết sanh tử.
Như vậy tu là chuyện thực tế trong khả năng của mình hay quá khả năng của mình? Mình có quyền nghĩ thì mình cũng có quyền dừng cái nghĩ đó. Ai bắt buộc, ai ra lệnh mình phải nghĩ ? Có ai bắt buộc, ai ra lệnh đâu. Tự mình muốn nghĩ thì nghĩ, vì thói quen hay nghĩ, nghĩ riết thành nghiệp, dừng không được thôi.
Nhà thiền sợ chúng ta đi đông đi tây, thấy này thấy kia rồi chạy theo nghĩ, nên bắt ngồi yên ngó xuống cho bớt nghĩ, chớ có gì đâu. Thức lặng xuống rồi là dòng tâm thức dừng, tâm thanh tịnh hiện, có chuyện gì lạ đâu. Không có gì gọi là mầu nhiệm, là phép lạ hết, mà đó là chuyện thực tế ngay nơi mình.
Nên tu thiền là việc thực tế, cụ thể ngay chúng ta, không phải chuyện xa lạ bên ngoài. Chúng ta có sẵn quyền trong tay. Ngồi lại không nghĩ gì hết thì khoẻ, nhưng có người ngồi không nghĩ lại gục. Hết gục lại nghĩ, cứ vậy thay phiên. Hôn trầm đã tán loạn, tán loạn đã hôn trầm. Hai thứ bệnh ấy đổi qua đổi lại hoài, không dừng được ở chính giữa. Tu như vậy rất phí thời giờ, trọn không có lợi ích chi.
Chúng ta nên nhớ giờ ngồi tu là giờ vàng ngọc chớ không phải thường. Ngồi để buông xả tất cả dòng sóng thức đang chạy theo ngoại cảnh. Vừa nhớ liền buông, vừa thấy liền buông. Gở liên tục như vậy, một ngày mình gở được hai giờ, bốn giờ, sáu giờ thì đỡ quá rồi. Ngồi phải gỡ chớ không phải ngồi gục, gục thì đâu có thấy nó dấy lên mà gỡ. Thành ra ngồi thiền tối kỵ hai việc: thứ nhất là gục, thứ hai là loạn tưởng.
Cho nên phải làm sao ngồi tỉnh, thấy rõ ràng từng niệm dấy lên mình buông, từng niệm dấy lên mình buông, đó là gỡ bớt tập khí nhiều đời, những thói quen ta đã tạo. Buông trong lúc không đối duyên xúc cảnh có hiệu quả rồi, khi đối duyên xúc cảnh mình dễ buông. Nếu trong lúc ngồi tránh duyên như vậy mà buông không được, khi ra ngoài gặp cảnh duyên làm sao buông được.
Cho nên tu thiền mượn phương pháp ngồi để tăng sức mạnh mà buông. Buông quen rồi thuần, khi đối duyên xúc cảnh mình cũng như như. Lúc đó khỏi ngồi thiền. Người nào từ sáng tới chiều không dấy một niệm khen chê phải quấy, người đó khỏi ngồi thiền, cứ đi chơi. Người nào còn xoay qua xoay lại, kể chuyện anh kia chị nọ lung tung, người đó phải ngồi thiền. Người ta bốn giờ mình phải sáu giờ hay tám giờ.
Tu là sức mạnh do chúng ta huân tập. Hồi xưa mình huân tập thói quen phân biệt, bây giờ ngồi lại huân tập thói quen gỡ bỏ cho nó lặng bớt từ từ, chừng nào thuần thục thì khỏi gỡ nữa, tha hồ đi chơi cả ngày như Lục Tổ. Lục Tổ có chịu ngồi thiền không? Thấy thầy đệ tử ngồi thiền bên hành lang chùa, ngài lại nắm lỗ tai thổi cái phù. Tại sao? Ngài bảo “Phật nói tất cả pháp để trị tất cả tâm, Ta không tất cả tâm đâu dùng tất cả pháp”. Ngài đi đứng như như rồi thì ngồi thiền làm gì. Vì vậy thấy ông đệ tử ưa thích ngồi thiền ngài quở. Chúng ta bây giờ chưa được như như nên phải ngồi, ngồi nhiều là khác.
CHÁNH VĂN:
Chỉ bảo ta biết vậy, học được vậy, khế ngộ vậy, giải thoát vậy, có đạo lý vậy.
GIẢNG:
Ngài chỉ cho chúng ta biết học đạo là vì sóng thức nổi dậy ầm ầm nên phải làm cho dừng lại, lặng xuống thì mới hiện rõ tánh biển vốn không động.
CHÁNH VĂN:
Chỗ mạnh ắt như ý, chỗ yếu ắt không như ý, cái thấy biết ấy có dùng vào chỗ gì ?
GIẢNG:
Chỗ mạnh là những gì chúng ta thích thì như ý, không thích thì bất như ý. Người còn phân biệt như vậy là chưa dùng được tâm chân thật.
CHÁNH VĂN:
Tôi nói với ông, rảnh rang vô sự chớ dối dụng tâm.
GIẢNG:
Rảnh rang vô sự sướng quá chừng, trên trần gian này đâu có ai sướng hơn. Dù các ông cự phú đầu cũng rối nùi. Người rảnh rang vô sự là tiên rồi. Muốn thế phải làm sao? Mỗi đêm thắp hương cầu Phật cho con rảnh rang vô sự được không ? Không được. Việc đó do sức của tự mình, nhất là trí phải sáng. Nhờ trí sáng nên không chấp, không chấp mới rảnh rang vô sự.
Vì vậy người tu thì trí Bát-nhã luôn đi đầu. Tất cả sợi dây vọng thức trói buộc chúng ta với các pháp, mình phải dùng kiếm Bát-nhã chặt hết. Chừng nào đứt hết các dây ràng buộc mình mới tự tại. Do đó đêm nào chúng ta cũng tụng Bát-nhã. Nhưng hình như tụng để Phật nghe thôi, chớ không thấm chi tới mình.
Do chúng ta dính mắc với pháp trần, chấp thân chấp cảnh, nên vận dụng trí Bát-nhã quán chiếu thấy thân cảnh là tướng duyên hợp hư dối, không thật. Biết nó hư dối tạm bợ, nên mình không quan trọng, không dính mắc. Đó là một lẽ thực trong việc tu.