headertvtc new


   Hôm nay Thứ ba, 07/01/2025 - Ngày 8 Tháng 12 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
Phatdan2024  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

Uyển Lăng Lục (tiếp theo..)

CHÁNH VĂN:
Hỏi: Phật độ chúng sanh chăng?
Đáp: Thật không chúng sanh Như Lai độ, ngã còn không thể có, phi ngã làm sao có? Phật cùng chúng sanh đều không thể có.
Hỏi: Hiện có ba mươi hai tướng và độ chúng sanh, làm sao nói không?
Đáp: Phàm có tướng đều là hư vọng, nếu thấy các tướng phi tướng là thấy Như Lai.

 Phật cùng chúng sanh đều do ông khởi vọng kiến, chỉ vì không biết bản tâm, dối khởi thấy biết, vừa khởi thấy Phật liền bị Phật chướng, vừa khởi thấy chúng sanh liền bị chúng sanh chướng, khởi thấy phàm, thánh, tịnh, uế… thì cái thấy thành những chướng ấy.  Vì chướng tâm ông trọn thành luân hồi, ví như con khỉ chân này buông, chân kia nắm, không khi nào dứt. Nhất đẳng là học, cần phải không học, không phàm không thánh, không sạch không nhơ, không nhỏ không lớn, vô lậu vô vi. Như thế trong một tâm, phương tiện khuyên trang nghiêm. Dù ông học được ba thừa mười hai phần giáo, tất cả cái thấy biết thảy nên dẹp bỏ, nên nói “dẹp bỏ sở hữu, chỉ để một giường nghỉ bệnh mà nằm”.
Chỉ là không khởi các kiến chấp, không một pháp có thể được, không bị pháp chướng, vượt khỏi tam giới và cảnh vức phàm thánh mới được gọi là Phật xuất thế. Nên nói “đảnh lễ như hư không chẳng chỗ nương, vượt hơn ngoại đạo, tâm đã chẳng khác, pháp cũng chẳng khác, tâm đã vô vi, pháp cũng vô vi”. Muôn pháp trọn do tâm biến nên nói: “tâm ta không, nên các pháp không, ngàn phẩm muôn loại thảy đều đồng. Tột không pháp giới mười phương đồng một tâm thể”. Tâm vốn không khác, pháp cũng không khác. Chỉ vì ông thấy biết chẳng đồng nên có sai biệt. Ví như chư thiên đồng bát ăn bằng bảy báu, mà tùy phước đức mỗi vị, cơm có màu sắc khác. Mười phương chư Phật thật không có một chút pháp khá được gọi là A Nậu Bồ Đề. Chỉ là một tâm, thật không có tướng khác, cũng không ánh sáng, không có hơn thua. Vì không hơn nên không tướng Phật. Vì không thua nên không tướng chúng sanh.
GIẢNG:
Hỏi: Phật độ chúng sanh chăng? Câu này nghe rất thường. Nếu hỏi chúng ta thì mình đáp thế nào? Phật thành Phật rồi bốn mươi chín năm đi giáo hóa khắp nơi, để lại ba tạng kinh điển, độ vô lượng chúng sanh. Nhưng ở đây ngài không trả lời như vậy.
Đáp: Thật không chúng sanh Như Lai độ, ngã còn không thể có, phi ngã làm sao có? Thật không chúng sanh Như Lai độ, tại sao? Vì Như Lai là Phật, Phật không thấy có mình thật là ngã. Ngã còn không thấy huống là phi ngã tức chúng sanh làm sao có. Như vậy chư Phật làm tất cả mà không thấy có gì để làm. Vì Phật không thấy có ngã, không thấy có ngã thì không thấy chúng sanh. Như vậy Ngài độ hay không độ? Dường như là không độ, không độ mà không phải không độ. Tại sao? Vì không ngã, không chúng sanh, không thọ giả thì lấy gì mà độ, nhưng Ngài chỉ cho mọi người biết cái không ngã, không nhân đó, nên gọi là độ.
Phật cùng chúng sanh đều không thể có. Đứng trên chân lý, trên lẽ thật thì Phật và chúng sanh đều không thật có.
Phàm có tướng đều là hư vọng, nếu thấy các tướng phi tướng là thấy Như Lai. Ở đây dẫn kinh Kim Cang “phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng, nhược kiến chư tướng, phi tướng tức kiến Như Lai”. Chư Phật phá được ngã chấp về thân, ngã chấp về tâm cho nên các Ngài không còn ngã. Nếu nói Ngài độ chúng sanh thì còn thấy mình là người hay độ, chúng sanh là kẻ bị độ nên còn ngã còn nhân. Phật không còn ngã nhân thì Ngài nói độ hay không độ? Độ tất cả mà không độ người nào hết. Cho nên nói: “thật không chúng sanh Như Lai độ. Tại sao? Ngã còn không thể có, phi ngã làm sao có”. Ngã là mình, mình đã không thật thì người làm sao thật mà nói độ. “Phàm có tướng đều hư vọng, nếu thấy các tướng phi tướng là thấy Như Lai”, thấy tất cả tướng đều không thật, đó là thấy được Phật.
Phật cùng chúng sanh đều do ông khởi vọng kiến, chỉ vì không biết bản tâm, đối khởi thấy biết, vừa khởi thấy Phật liền bị Phật chướng, vừa khởi thấy chúng sanh liền bị chúng sanh chướng, khởi thấy phàm, thánh, tịnh, uế… thì các cái thấy thành những chướng ấy. Vì chướng tâm ông trọn thành luân hồi, ví như con khỉ chân này buông, chân kia nắm, không khi nào dứt. Nhất đẳng là học, cần phải không học, không phàm không thánh, không sạch không nhơ, không nhỏ không lớn, vô lậu vô vi. Như thế trong một tâm, phương tiện khuyên trang nghiêm. Dù ông học được ba thừa mười hai phần giáo, tất cả cái thấy biết thảy nên dẹp bỏ, nên nói “dẹp bỏ sở hữu, chỉ để một giường nghỉ bệnh mà nằm”.
Đoạn này nói tất cả chấp đều là vọng kiến, đã là vọng kiến thì không bao giờ thấy được tâm Phật. Không thấy tâm Phật làm sao gọi là Phật. Vì vậy phải chừa bỏ tất cả vọng kiến. Nếu chấp có Phật thật liền bị chướng về Phật, nếu chấp chúng sanh liền bị chướng về chúng sanh, cho tới khởi cái chấp nào cũng bị chướng hết, vì tất cả các pháp đều hư dối không thật. Càng bị chướng chúng ta càng chìm sâu trong luân hồi, như con khỉ buông chân này nắm chân kia không bao giờ dừng.
Nhất đẳng là học, cần phải không học, câu này ý gì? Thường thường trong nhà Thiền hay nói bậc nhất đẳng là bậc thông minh, học giỏi, là cấp trên hết. Nhưng nhà Phật dạy không học. Không học tại sao nghe kinh, nghe kinh là có học. Ở đây học mà không học. Học cái gì? Học buông. Học buông sao gọi là học. Ngoài đời học là đem vô, thu thập nhiều thi cử mới đậu. Người tu không như thế, ở thiền viện không có thi cử, chỉ xem người nào phiền não còn nhiều hay ít thôi. Ai phiền não ít thì cho làm Phật sự, ai còn nhiều thì thôi. Ở đây cho đi làm Phật sự không do bằng cấp, học vị cao, mà chỉ là buông giỏi. Người nào buông giỏi thì cho làm Phật sự, người buông không giỏi thì chưa cho làm. Vậy thôi.
Chúng ta tu là buông bỏ tất cả niệm sanh diệt, những phân biệt phải quấy hơn thua. Nếu ai chưa chịu buông mấy thứ đó, thì dù học giỏi tới đâu cũng chưa phải người giỏi. Cho nên ở đây nói: Nhất đẳng là học, cần phải không học, không phàm không thánh, không sạch không nhơ, không nhỏ không lớn, vô lậu vô vi, tức là chỗ chân thật không có tất cả đối đãi.
Như thế trong một tâm, phương tiện khuyên trang nghiêm. Tức là tâm chân thật phương tiện nói trang nghiêm.
Dù ông học được ba thừa mười hai phần giáo, tất cả cái thấy biết thảy nên dẹp bỏ, nên nói “dẹp bỏ sở hữu, chỉ để một giường nghỉ bệnh mà nằm”. Dẹp hết tất cả sự nghiệp của cải, chỉ để một giường nghỉ bệnh ở giữa nhà thôi. Đó là để chỉ cho tất cả kiến thức lượm lặt được bên ngoài phải buông hết, chỉ an trú chỗ chân thật.
Chỉ là không khởi các kiến chấp, không một pháp có thể được, không bị pháp chướng, vượt khỏi tam giới và cảnh vức phàm thánh mới được gọi là Phật xuất thế. Chừng nào thấy Phật xuất thế? Chừng nào không khởi tất cả kiến chấp, không một pháp thật, không cảnh giới nào thật mới ra khỏi tam giới, ra khỏi các cảnh phàm thánh. Tới chỗ ấy mới gọi là Phật ra đời.
Nên nói “đảnh lễ như hư không chẳng chỗ nương, vượt hơn ngoại đạo, tâm đã chẳng khác, pháp cũng chẳng khác, tâm đã vô vi, pháp cũng vô vi”. Ngài dẫn kinh nói đảnh lễ như hư không chẳng chỗ nương, vượt hơn ngoại đạo, tức là Phật pháp thân không có tướng mạo nên nói như hư không. Pháp thân chân thật đó không có ngoại đạo nào đuổi theo kịp, so sánh được.
“Tâm đã chẳng khác, pháp cũng chẳng khác, tâm đã vô vi, pháp cũng vô vi”, tâm không dấy một niệm nào thì tất cả pháp cũng như, nên tâm như thì pháp như, tâm vô vi thì pháp vô vi. Tất cả pháp từ tâm sanh, là chỗ đó. Tâm sanh diệt thì pháp cũng sanh diệt. Cho nên nói tâm sanh thì pháp sanh, tâm diệt thì pháp diệt.
Muôn pháp trọn do tâm biến nên nói: “tâm ta không, nên các pháp không, ngàn phẩm muôn loại thảy đều đồng. Tột không pháp giới mười phương đồng một tâm thể”. Nói “Tâm ta không, nên các pháp không”, chắc nhiều người nghi. Tâm không thì chùa chiền cây cối có không chăng? Không sao được, người ta lạy Phật, người ta viếng chùa, cảnh vật rõ ràng mà nói không! Vậy tâm không, pháp cũng không là không với ai? Tâm không thì pháp cũng không với mình, chớ không phải không với tất cả người khác. Tâm rỗng không nên không thấy mình thật, cảnh thật, nhưng người khác tâm có thì thấy chùa thật cảnh thật, đâu thấy không như mình. Cho nên tâm mình không thì pháp không với mình, còn tâm người khác chưa không thì pháp cũng chưa không với họ. Đừng nghĩ mình thấy không rồi ai cũng thấy không hết. Không phải vậy, hai chỗ khác nhau.
Cũng thế, chúng ta tu nghe ai nói lời nặng nhẹ, mình coi thường bỏ qua, nhưng người chưa tu bị kẻ khác nói nặng nhẹ thì họ không bỏ qua được. Như vậy người tu không chấp hơn thua phải quấy, lời nói nặng nhẹ với mình cũng không chấp. Người chưa biết tu còn cố chấp, tiếng nói nặng nhẹ hơn thua đối với họ là nguyên vẹn đầy đủ. Vì vậy hễ còn chấp là còn có, khi nào xả hết chấp thì mới không. Không với người hết chấp, chớ đừng nói không với tất cả. Vì vậy nói rằng “tâm đã chẳng khác, pháp cũng chẳng khác, tâm đã vô vi pháp cũng vô vi”, tâm như là pháp như.
Muôn pháp trọn do tâm biến nên nói: “tâm ta không, nên các pháp không, ngàn phẩm muôn loại thảy đều đồng. Tột không pháp giới mười phương đồng một tâm thể”. Tức là tâm không còn dính dáng, không còn chấp nê thì tất cả muôn thứ cũng đều không dính dáng, cho tới cả mười phương thế giới chỉ thấy có một tâm thể thôi.
Tâm vốn không khác, pháp cũng không khác. Chỉ vì ông thấy biết chẳng đồng nên có sai biệt. Ví như chư thiên đồng bát ăn bằng bảy báu, mà tùy phước đức mỗi vị, cơm có màu sắc khác. Trong kinh thường kể, chư thiên cũng đều một bát báu, khi tới giờ ăn, vị phước nhiều thì thức ăn ngon, vị phước ít thức ăn dở. Đó là do công đức riêng tư, chớ không cố định.
Mười phương chư Phật thật không có một chút pháp khác được gọi là A Nậu Bồ Đề. Chỉ là một tâm, thật không có tướng khác, cũng không ánh sáng, không có hơn thua. Vì không hơn nên không tướng Phật. Vì không thua nên không tướng chúng sanh. Tất cả chúng sanh, tất cả chư Phật đều đồng một tâm thể. Đồng tâm thể như nhau, chớ không phải một. Như lẳng hoa trên bàn chúng ta đều thấy như nhau nhưng nếu khởi niệm so sánh thì khác nhau. Khi nhìn bình đẳng ai cũng thấy như nhau, nhưng khởi niệm so sánh hoa hồng này đẹp hay xấu rồi đánh giá nó, người khác cũng so sánh đánh giá, nên thành khác nhau. Chỉ cái nhìn ban đầu mọi người đều đồng giống nhau. Cái giống nhau đó chỉ cho tâm thể sẵn của mình, còn khởi phân biệt so sánh rồi khen chê là sai biệt.
Chúng ta nhìn muôn sự muôn vật giữa thế gian này, rõ ràng ai ai cũng có cái thấy như nhau, nhưng vừa khởi niệm thứ hai thì thấy khác nhau. Thấy sai biệt thuộc về tâm sanh diệt. Còn cái thấy thứ nhất bình đẳng thuộc về tâm không sanh diệt. Càng tu chúng ta càng thấy ví dụ của Phật trong kinh Lăng Nghiêm hay đáo để. Ngài đưa tay lên hỏi Tôn giả A Nan thấy hay không? A Nan thưa thấy. Hỏi thấy cái gì? Đáp thấy bàn tay của Phật đưa lên. Phật để tay xuống hỏi có thấy không? Đáp không. Hỏi tại sao không thấy? Đáp vì tay Phật không đưa lên nữa. Lúc đó Phật quở A Nan “Ông quả là người quên mình theo vật”. Tay Phật đưa lên là có tay, tay Phật để xuống là không có tay. Còn cái thấy, thấy có tay, thấy không tay là cái thấy của mình. Nếu thấy tay nói có, không thấy tay nói không là lệ thuộc cảnh.
Tất cả chúng ta có lệ thuộc cảnh không? Cảnh có mình nói có, cảnh không mình nói không. Ta không nhớ mình có cái thường thấy thường nghe, Phật muốn chỉ dạy chính cái đó. Mọi người đang có cái thường thấy, thường nghe, thường biết rõ ràng lại không nhận nó mà nhận cảnh. Mắt chạy theo sắc, tai chạy theo âm thanh, mũi chạy theo mùi… suốt ngày cứ chạy như vậy. Bước vô bếp liền nghe mùi nấu cái gì thơm quá. Đi ra ngoài nghe sầm sì, ai nói lén mình đó, cứ tìm kiếm bên ngoài mà quên thực hữu của mình. Mình đi đâu nó cũng có, lúc nào nó cũng hiện tiền, không chịu nhớ cứ nhớ bên ngoài thôi. Cho nên sám hối sáu căn là phải. Chừng nào đừng chạy theo sáu trần mới biết mình hiện tiền, còn dính sáu trần là quên mất mình.
Quên mất mình không phải nó không hiện tiền, như chuyện ngài A Nan vậy. Cái thấy là mình còn cái tay là cảnh, cái tay không nhưng cái thấy vẫn có, vậy mà lại nói không cho nên Phật mới quở quên mình theo vật. Phật đã chỉ tường tận chúng ta có cái hiện tiền nhưng luôn luôn quên. Nếu nhớ mình hiện tiền có khen cảnh đẹp cảnh xấu không? Chúng ta luôn ở trong cái chân thật mà lại quên, tìm hư dối rồi tranh đua hơn thua, phải quấy suốt năm suốt tháng không dừng. Cuối cùng than sao tôi tu không tiến, tu hoài không thấy tỉnh giác, càng tu lâu trong chúng càng thấy phiền não, đông chừng nào phiền não lắm chừng ấy.
Bởi quên mình theo cảnh bên ngoài, nên suốt đời chúng ta chỉ quanh quẩn trong luân hồi, không ra khỏi. Vì chạy theo bên ngoài là chạy theo sanh diệt, sanh diệt thì đi trong luân hồi lục đạo, không làm sao giải thoát. Muốn giải thoát đừng dính với lục trần, không dính với lục trần là đang sống với tâm chân thật. Ở đây ngài Hoàng Bá chỉ cái chân thật không chút dấu diếm, chúng ta khéo nhận thì nó sẽ đầy đủ ngay nơi mình.
Mười phương chư Phật thật không có một chút pháp khá được gọi là A Nậu Bồ Đề. Thật ra chư Phật không được cái giác ngộ. Tại sao? Vì tánh giác đã sẵn, không do đâu mà được.
Chỉ là một tâm, thật không có tướng khác, cũng không ánh sáng, không có hơn thua. Vì không hơn nên không tướng Phật. Vì không thua nên không tướng chúng sanh. Không có hơn thua cao thấp nên không có tướng Phật, tướng chúng sanh sai khác.

[ Quay lại ]