headertvtc new


   Hôm nay Thứ hai, 23/12/2024 - Ngày 23 Tháng 11 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

GƯƠNG HẠNH NGƯỜI XƯA

 Chúng ta tu Phật trước hết vâng theo lời Phật dạy, kế đến noi gương hạnh của người xưa, các bậc tôn đức, nhất là chư Tổ Việt Nam để tu học cho xứng đáng, đồng thời góp phần tích cực vào sự nghiệp hoằng pháp lợi sinh chung của tăng-già.

Ở đây, chúng tôi xin nhắc lại gương hạnh của ba vị thiền sư Việt Nam:

1. Thiền sư Quảng Trí, đời thứ 7 giòng Vô Ngôn Thông.
2. Thiền sư Chân Không, đời thứ 16 giòng Tỳ-ni-đa-lưu-chi (vinītaruci).
3. Thiền sư Viên Học, đời thứ 17 giòng Tỳ-ni-đa-lưu-chi.

Phật giáo Việt Nam đã ra đời từ rất sớm, khoảng thế kỷ thứ 2 thứ 3. Sử luận của Nguyễn Lang cho biết trung tâm Luy Lâu là chiếc nôi đầu tiên của Phật giáo Việt Nam. Sự có mặt của trung tâm này ngang ngửa với trung tâm Phật giáo Bành Thành - Lạc Dương, Trung Quốc. Luy Lâu ở vào ngã ba đường từ Ấn-độ sang, từ Trung Quốc qua.

Tuy nhiên, mãi đến thế kỷ thứ 6 thiền tông mới có mặt ở Việt Nam, do Tổ Tỳ-ni-đa-lưu-chi truyền vào. Ngài là người Ấn-độ, đắc pháp với Tam Tổ Tăng Xán ở Trung Hoa, được Tổ dạy sang Việt Nam (lúc đó là Giao Châu) truyền bá Phật pháp. Cho nên có thể xem Tổ Tỳ-ni-đa-lưu-chi là Sơ tổ thiền tông Việt Nam.

Sau ngài Tỳ-ni-đa-lưu-chi có ngài Vô Ngôn Thông người Trung Hoa đến truyền thiền ở nước ta vào năm 820, cũng lập ra một tông phái thiền lớn, truyền bá rộng rãi. Sau hai thiền phái này lại thêm thiền phái Thảo Đường. Lịch sử kể lại năm 1069 vua Lý Thánh Tông đánh Chiêm Thành, bắt được một số tù nhân đưa về kinh đô Thăng Long, trong đó có một vị tăng. Họ chuyển vị tăng này vào làm việc tại phủ của quốc sư. Trong khi lau dọn bàn ghế, vị tăng xem thấy Ngữ lục để trên bàn của các Tăng lục có mấy chỗ sai nên thầm sửa lại. Từ đó tông tích bị lộ và ngài chính là thiền sư Thảo Đường, từ Trung Hoa sang Chiêm Thành truyền giáo, chẳng may bị bắt chung với quan Chiêm và được giải về nước ta. Sau này thiền sư Thảo Đường trở thành thầy của các vua nhà Lý. Đó là ba phái thiền chính có mặt tại Việt Nam, do chư Tổ Ấn - Hoa truyền sang.

Tới thế kỷ thứ 13, Phật giáo Việt Nam vinh dự được Phật Hoàng Trần Nhân Tông khai sanh ra một phái thiền hoàn toàn Việt Nam, đó là thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Hiện nay Hòa thượng thiền sư Thích Thanh Từ là người khôi phục lại.

Chúng tôi tạm nói sơ lược đôi nét về các thiền phái ở Việt Nam như thế. Trong phạm vi bài giảng này, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu về các thiền sư như đã nêu ở trên.

THIỀN SƯ QUẢNG TRÍ
(Đời thứ 7 dòng Vô Ngôn Thông)

Sư họ Nhan, người ở Kinh đô, là anh của bà Hoàng phi Chương Phụng, vốn người không ưa cái đẹp xa xỉ bên ngoài, chỉ thích giữ khí tiết thanh cao của mình. Năm đầu niên hiệu Chương Thánh Gia Khánh (1059), Sư từ bỏ thế tục đến tham vấn với Thiền Lão thiền sư ở Tiên Du. Ngay một câu nói của thầy, Sư nhận được yếu chỉ. Từ đó, năm tháng miệt mài. Sư dốc hết ý chí vào thiền học, chưa bao lâu tiếng tăm vang xa khắp nơi.

Qua một đoạn ghi lại cuộc đời của ngài Quảng Trí, chúng ta thấy thứ nhất ngài không ưa cái đẹp xa xỉ bên ngoài. Đức tánh này rất cần thiết cho người tu. Người thường sống quay về với nội tâm, không thích vẻ đẹp phô trương, hình thức bên ngoài, không để các căn bám víu trần cảnh. Có thế mới đi vào chiều sâu nội tại tâm linh. Chư Tăng Ni không bị chao đảo bởi những hiện tượng bên ngoài, không bị hư danh, sắc tướng kéo lôi thì tu dễ tiến. Thiền sư Quảng Trí là người sống vững vàng bằng cái tâm của mình, chứ không chạy theo hình thức bên ngoài.

Lại nói ngài giữ khí tiết thanh cao. Chúng ta thường nghe các bậc thầy dạy phải biết tự trọng. Tự trọng là sao? Là giữ tư cách của một người tu. Đối với những gì không quan trọng, không phải chuyện của mình, tuyệt nhiên không tham dự. Thiền sư Quảng Trí từ nhỏ đã thể hiện những phẩm cách cao đẹp như vậy. Khi từ bỏ thế tục, đến tham vấn Thiền Lão thiền sư, ngay câu nói của thầy ngài ngộ đạo, nhận được yếu chỉ. Từ đó năm tháng miệt mài, dốc hết ý chí vào thiền học, chưa bao lâu tiếng tăm của ngài vang xa. Chúng ta thấy gặp thầy, nhận được Phật pháp, không phải ngang đây là đủ, phải dốc lòng miệt mài tu tập. Giống như huynh đệ chúng ta bây giờ, người đi trước tương đối ổn, phải nghĩ đến những anh em đằng sau. Ta vừa ổn định cho mình mà vừa tổ chức, sắp đặt, động viên, hướng dẫn đàn em cùng tu tiến như mình.

Về sau Sư trụ chùa Quán Đỉnh núi Không Lộ, thường mang một y nạp, ăn uống rất đạm bạc. Sư cùng tăng Minh Huệ kết bạn đồng tu. Người đời cho là “Hàn Sơn, Thập Đắc tái thế”. Công bộ Thượng thư Đoàn Văn Khâm rất kính trọng Sư, có làm thơ tặng.

Sau khi dốc chí tu hành có công đức rồi, bây giờ ngài đi trụ trì để hoằng hóa. Đầu tiên ngài trụ ở chùa Quán Đỉnh núi Không Lộ, tại đây ngài thường mang một y nạp, ăn uống rất đạm bạc. Đây là bài học của chư tăng chư ni, nếu chúng ta chỉ lo y phục ẩm thực thì còn thời gian đâu để tu? Chư Tổ hồi xưa nêu gương cho chúng ta học tập theo bằng cách sống đạm bạc, việc ăn mặc ngủ nghỉ đều phải hạn chế. Các ngài hạn chế luôn cả mối quan hệ tiếp xúc bên ngoài. Như thế mới có thời gian tập trung cho việc tu học.

Ngày xưa, lúc tôi còn ở đạo tràng Vạn Đức, Hòa thượng Viện Chủ đã nêu gương sáng cho chư tăng qua việc chuyên tâm niệm Phật và dịch kinh. Ngài được xem là ngôi sao Bắc Đẩu trong làng dịch thuật Phật giáo Việt Nam. Những bản kinh ngài dịch nổi tiếng như Diệu Pháp Liên Hoa, Hoa Nghiêm, Đại Bảo Tích v.v… đã được Tăng Ni Phật tử trong cả nước đọc tụng thọ trì. Bộ kinh Hoa Nghiêm là bộ kinh lớn đồ sộ, Việt dịch có đến 8 tập dày, sau này gom thành 4 tập dày gấp đôi. Chỉ phẩm Nhập Pháp Giới chiếm nguyên tập thứ 4.

Hồi đó, mỗi khi hơi chểnh mảng, hụt hẫng hay buồn phiền việc gì, tôi và chư huynh đệ thường đem phẩm Nhập Pháp Giới ra đọc. Đọc tới đọc lui hết đoạn này đến đoạn khác, có khi đọc suốt từ đầu tới cuối, chiêm nghiệm những pháp hội mà đồng tử Thiện Tài đến tham vấn học đạo. Rõ ràng mỗi lần đọc như vậy, những hụt hẫng, buồn phiền trong lòng tiêu tan hết. Đọc tới đọc lui chừng hai ba bữa tự nhiên phấn khởi, thấy con đường tu hành sáng tỏ, tất cả phiền não đều không thật, ta vượt qua, khắc phục được hết. Từ kinh nghiệm này tôi nhận ra một điều, khi tâm bất an chúng ta đi chơi, tổ chức ăn uống vui đùa, tiếp xúc người này người kia… tất cả đều không ổn, đôi khi sau đó lại càng muộn phiền hơn. Chỉ có ngồi yên lặng, đọc lại những lời Phật dạy hoặc tụng kinh, tọa thiền mới giải quyết được thôi.

Hòa thượng Vạn Đức rất cứng cỏi trong lập trường của ngài. Phật tử các nơi về cúng kính, ngài nói nếu tiếp họ vui vẻ, sắp xếp cơm nước nọ kia thì Thầy không có thời gian để dịch những bộ kinh lớn. Muốn làm được việc này, Thầy phải đóng cửa, Phật tử tới đôi khi Thầy không tiếp. Biết người ta buồn giận nhưng Thầy vẫn bình thường, vì Thầy nghĩ mình làm việc không sai với Phật pháp. Tôi thấy mỗi sáng sau khi thụ trai, thầy làm việc chung quanh thất, xong rồi lên phòng dịch. Kinh tạng nằm trên án, phía trước có bàn Phật, Thầy thắp hương trầm, mặc áo tràng, ngồi thiền một chút rồi bắt đầu dịch, hoặc có khi dịch xong Thầy mới ngồi thiền. Đều đặn sáng nào cũng vậy.

Hồi đó Hòa thượng là Tổng vụ trưởng Tổng vụ Tăng sự của Giáo hội. Do đó các vị tôn đức như Hòa thượng Ấn Quang, Hòa thượng Già Lam, các vị trong Hội đồng Giáo phẩm của Giáo hội có việc đến gặp, thị giả lên bạch quý Hòa thượng đến, ngài không hề nói gì, chỉ im lặng tiếp tục công việc của mình. Chừng nào hết giờ, Thầy lạy Phật xong đi xuống. Nếu quý Hòa thượng còn chờ ở dưới, Thầy vui vẻ tiếp chuyện, nếu vị nào bận việc về thì thôi. Thầy bình thường, không hề giải thích dài dòng chi cả. Quả thật nếu ngài bỏ thời gian để làm các việc bên ngoài thì không cách gì dịch hết những bộ như kinh Hoa Nghiêm, Đại Bát-nhã, Đại Bảo Tích... để bây giờ chúng ta có mà học và hành trì.

Đó là gương sáng của một vị tôn đức đương thời. Công hạnh của ngài cho chúng ta bài học rất quý báu để noi theo tu tập. Nếu đạo đức, trí tuệ, công hạnh của các ngài không thâm hậu thì với bao nhiêu công việc Phật sự đa đoan, trải qua những khó khăn, thăng trầm của Phật giáo, làm sao các ngài giữ được giềng mối đạo pháp? Chúng ta cũng vậy, gặp nhiều khó khăn mà huynh đệ giữ được nề nếp sự tu học, đó là người có đạo hạnh, có phúc duyên, có trí tuệ. Ngược lại gặp việc chúng ta ngã đổ, đó là do nội tại không vững, phúc duyên kém, trí tuệ cạn mỏng. Cho nên cần phải bồi đắp thêm lên.

Ở đây nói Sư cùng tăng Minh Huệ kết bạn đồng tu, người đời cho là Hàn Sơn, Thập Đắc tái thế. Hàn Sơn, Thập Đắc là hai vị ở chùa Quốc Thanh hồi xưa. Thập Đắc là đứa bé mà ngài Phong Can lượm được, sau này kết bạn với Hàn Sơn. Lịch sử nói hai vị này là Bồ-tát Văn-thù và Bồ-tát Phổ Hiền thị hiện, còn ngài Phong Can là hiện thân của Bồ-tát Di-lặc. Các vị Bồ-tát luôn phát nguyện thị hiện vào đời những lúc khó khăn, Phật pháp gặp nạn để giữ vững và bảo vệ Phật pháp. Hai vị Hàn Sơn, Thập Đắc thường làm công tác dưới nhà bếp, lượm cơm đổ, thức ăn thừa của chúng tăng, rửa sạch phơi khô chia nhau dùng, ăn mặc rách rưới xuềnh xoàng.

Sau này có một vị quan, trong giấc chiêm bao thấy ngài Phong Can nói: Nếu muốn đảnh lễ Bồ-tát Văn-thù, Phổ Hiền thì đến chùa Quốc Thanh. Vị quan đó đến chùa tìm, chư tăng trong chùa cả nghìn người, không thầy nào giống như hai vị được chỉ trong giấc chiêm bao. Cuối cùng ông hỏi trong chùa này còn ai, quý thầy bảo còn hai gã khùng điên ở dưới nhà bếp. Bấy giờ hai ngài được mời lên, ông vừa thấy liền sụp xuống đảnh lễ, vì hai ngài hoàn toàn giống hình tướng của hai vị trong giấc mộng báo trước. Hai ngài biết mình đã lộ tung tích, liền cõng nhau đi mất vô núi.
Công bộ Thượng thư Đoàn Văn Khâm rất kính trọng Sư, có làm thơ tặng:

                        Chống gậy non cao bỏ sáu trần,
                        Ở yên huyễn mộng hỏi phù vân,
                        Ân cần không cách tham Trừng, Thập,
                        Trót vướng bầy cò lớp mũ cân.

Ông nói thiền sư ở trên non cao, sáu căn đối với sáu trần không dính mắc. Đây là chỗ dụng công tu hành của các thiền gia. Một câu nói giản dị nhưng là bài học, là pho kinh điển mà cả đời chúng ta làm không xong. Thiền sư ở yên trên non trên núi, biết muôn sự muôn vật chỉ là huyễn mộng, mây trôi.

Ân cần không cách tham Trừng, Thập. Tác giả bài thơ rất quy ngưỡng, biết thiền sư đạo cao đức trọng, rất muốn lên học hỏi nhưng chưa được. Vì đang vướng trong lớp cân đai quan chức, Trót vướng bầy cò lớp mũ cân, nên chưa có dịp gần gũi các bậc thầy như vậy để thưa hỏi Phật pháp.

Khoảng niên hiệu Quảng Hựu (1085 – 1091) đời Lý Nhân Tông, Sư quy tịch. Thượng thư Đoàn Văn Khâm thương tiếc làm lời văn điếu rằng:

                    Lánh chợ vào rừng tóc bạc phơ,
                   Non cao rũ áo ngát hương thừa,
                   Chùn khăn những muốn hầu bên chiếu,
                   Treo dép đà nghe khép cửa chùa.
                   Trăng rọi sân trai, chim khắc khoải,
                   Tháp không bia chữ, mộ thờ ơ,
                   Bạn thiền thôi cũng đừng thương xót,
                   Non nước ngoài am đó dáng xưa.

                                                                        (Ngô Tất Tố)
Đây là lời dịch của Ngô Tất Tố.

Lánh chợ vào rừng tóc bạc phơ, non cao rũ áo ngát hương thừa, là nói công đức của người tu hành. Thiền sư lên núi, lên non, bỏ hết mọi thứ, nên mới được danh thơm của bậc chân tăng. Chùn khăn những muốn hầu bên chiếu, treo dép đà nghe khép cửa chùa, Thượng thư luôn luôn muốn gần gũi, hầu hạ, học hỏi thiền sư nhưng chưa được thì đã nghe ngài khép cửa chùa, tức là viên tịch. Trăng rọi sân trai chim khắc khoải, tháp không bia chữ mộ thờ ơ, diễn tả cảnh chùa, sân trai đường, ngôi tháp v.v... khi vắng thầy buồn bã ảm đạm vô cùng. Bạn thiền thôi cũng đừng thương xót, non nước ngoài am đó dáng xưa, hai câu cuối kết lại nói lên tình cảm của những người bạn đồng tu, thôi đừng thương xót. Cảnh cũ tuy vắng thiền sư, nhưng tới nơi thấy cảnh núi rừng, thấy am của ngài, thì dáng xưa vẫn như còn đó, công đức tu hành của ngài vẫn còn đó. Bài thơ điếu của Thượng thư Đoàn Văn Khâm thật súc tích, thật cảm động, chan chứa đạo tình.

Qua hình ảnh của các bậc cổ đức, chúng ta thấy trước nhất người tu không chạy theo những hình thức xa xỉ. Chúng ta phải bỏ, không để mất thời gian bởi sự duyên bên ngoài. Tập trung vào việc chính tu tập mà thôi. Chúng ta để tâm nghiên tầm Phật pháp, sau đó miệt mài công phu. Như khoa học nói, khi phát minh được nguyên tắc rồi, sau đó phải thể nghiệm mới thành tựu trọn vẹn. Người tu cũng vậy, chúng ta có duyên gặp Phật pháp, có thầy lành bạn tốt phải gia công tu học. Gặp Phật pháp, có thầy lành bạn tốt, đủ cơm ăn áo mặc, ngang đó chưa đủ, còn phải ứng dụng tu tập nữa. Nếu mình lêu lổng, nay đi du lịch chỗ này, mai đi tiếu ngạo chỗ kia, làm việc gì không ra việc gì, các bậc tôn đức răn dạy nhắc nhở không chịu nghe, thì chúng ta chỉ là kẻ du hý lưu đãng mà thôi, không ích lợi gì hết. Biết rõ Tây, Tàu, Huế, Hà Nội, Hạ Long, SaPa… mà chỗ hành trì Phật pháp bế tắc, không biết gì hết, như vậy dám tự xưng là Thích tử Như Lai, xem có được không? Người không hành trì Phật pháp làm sao nếm được pháp vị, biết được giá trị thiết thực, tinh ba của đạo giác ngộ giải thoát! Chỉ có hành trì mới thâm nhập, mới nếm được pháp vị.

Ở đây, cuộc đời của thiền sư Quảng Trí đã biểu hiện đầy đủ những phẩm chất cao quý ấy. Chúng ta noi gương ngài, cũng phải như vậy. Nếu mình không chuyên sâu thì công phu chẳng đi tới đâu hết. Chuyên sâu như thế nào? Quán sát kỹ chỗ tâm hành của mình. Ví dụ chư tăng biết cảnh làm mình nổi giận, cảnh làm mình ham thích, cảnh làm mình lăng xăng việc này việc khác… tất cả những cảnh ấy đều phát xuất từ cái tâm si mê vọng tưởng của mình, chứ không có cảnh nào cố định làm mình tham, sân, phiền não cả. Hiểu rõ như vậy, những cảnh duyên ấy tới mình không bị động với nó. Đó là người biết tu, biết hành trì chuyên sâu. Ngược lại người không tu, không hành trì, khi gặp cảnh duyên liền mất tự chủ, sẽ nổi sân hoặc tham, dẫn đến phiền não khổ đau.

Cho nên hiểu Phật pháp mới chỉ là phần kiến giải, không ích lợi bằng chúng ta ứng dụng hành trì. Như thiền sư bảo buông bỏ đi, lời nói nghe rất bình thường nhưng quả thực nó từ công phu, sự thành tựu của những con người đã sống trải, có thể nghiệm, có thời gian chuyên sâu mới nhận ra giá trị chân thật của sự buông bỏ. Còn chúng ta nói cũng hay vậy, chứ ai làm mình phật ý một chút là nổi nóng liền. Đó là gì? Là chưa ứng dụng chuyên sâu. Mình chỉ biết cái duyên làm mình nổi nóng, chứ chưa có cách điều trị nó.

Nhà thiền nói muôn pháp tức mọi thứ trên đời này đều không thật. Tại sao không thật? Vì nó do cái này cái kia hợp lại mới có hình dạng như vậy, chứ không chắc thực. Cho nên nói buông là buông ngay, không luyến tiếc hay sợ hãi chút nào. Những phút giây quý vị ngồi thiền, đi đứng ổn định, đó là những phút giây quý vị gõ cửa đi vào chuyên sâu. Đối diện với sự duyên cố gắng gầy dựng cho mình một sức sống. Hằng đêm quý thầy tụng kinh, ngồi thiền để làm gì? Tụng kinh không có nghĩa là đọc lại những lời Phật cho Phật nghe, mà mình đọc những lời đó cho mình. Chúng ta thâm nhập, ứng dụng trị cho được những điên đảo vọng tưởng của mình, những bệnh tật của mình. Ngồi thiền cũng vậy, không phải để biểu hiện tư cách trang nghiêm hùng tráng cho Phật, Tổ hoặc ông thầy xem. Các ngài đâu có lạ gì cái vụ đó! Mà ngồi thiền để gầy dựng cho mình một sức sống, một sức mạnh chịu đựng, hóa giải được những phiền não vọng tưởng đảo điên. Thiền sư Quảng Trí đã dạy chúng ta những điều ấy qua sự hành trì của ngài.

THIỀN SƯ CHÂN KHÔNG
(Đời thứ 16 dòng Tỳ-ni-đa-lưu-chi)

Nói tới thiền sư Chân Không thì quý Phật tử quá quen biết rồi. Bởi vì Hòa thượng Viện trưởng đã chọn danh hiệu thiền sư đặt tên cho Thiền viện gốc của ngài, với tâm nguyện khôi phục thiền tông Việt Nam. Đó là Thiền viện Chân Không ở núi Lớn - Vũng Tàu.

Sư họ Vương, tục danh là Hải Thiềm, quê làng Phù Đổng huyện Tiên Du, con nhà sang trọng. Lúc mẹ mang thai Sư, cha mộng thấy vị tăng trao cho cây tích trượng. Sau đó sinh ra Sư.

Cây tích trượng là cây tích trong dàn bê tích dùng để đón rước chư tôn Hòa thượng. Trong nhà thiền, cây gậy của các thiền tăng là hình ảnh đại diện cho cây tích. Có hai loại, cây bê và cây tích. Cây bê dành cho các vị giám thị, cây tích là tích trượng. Chúng ta thấy Bồ-tát Địa Tạng cầm cây tích trượng giộng tan cửa địa ngục. Trong tay Bồ-tát cây tích trượng có uy lực phi thường như vậy.

Thuở nhỏ, Sư thích ở riêng một mình, siêng năng đọc sách, chẳng màng những việc vặt vãnh. Năm 15 tuổi, Sư đã bác thông sách sử. Đến 20 tuổi, Sư xuất gia, rồi dạo khắp tùng lâm tìm nơi khế hợp.

Tư cách của ngài rất đặc biệt. Hồi nhỏ thích đọc sách, không màng những việc chung quanh, không họp nhóm nói chuyện tạp. Tới năm 20 tuổi xuất gia, đi khắp tùng lâm tham học với các thiện hữu tri thức.

Sư đến pháp hội chùa Tĩnh Lự núi Đông Cứu nghe giảng kinh Pháp Hoa, hoát nhiên tỉnh ngộ. Cơ duyên khế hợp ấy, khác nào con rùa mù gặp bộng cây. Sư ở đây nhập thất 6 năm, sự tham vấn càng ngày càng sâu. Nhân đó, được truyền tâm ấn.

Đến chùa Tĩnh Lự - Đông Cứu nghe giảng kinh Pháp Hoa thì ngài tỉnh ngộ, cơ duyên khế hợp nên ở đây nhập thất 6 năm. Sau đó tham vấn được truyền tâm ấn.

Sau, Sư đến núi Từ Sơn dừng trụ. Tự lấy giới luật giữ mình, trên hai mươi năm không hề xuống núi. Danh tiếng vang dậy xa gần. Vua Lý Nhân Tông nghe danh, xuống chiếu mời vào đại nội giảng kinh Pháp Hoa. Thính giả nghe giảng ai nấy đều kính phục.

Sau ngài trụ tại núi Từ Sơn, tinh chuyên giới luật, giữ mình nghiêm cẩn, 20 năm không xuống núi, danh tiếng vang xa. Người xưa tu hành miên mật như vậy mới sáng được chỗ tột của đạo. Chúng ta ngày nay tinh thần yếu đuối, việc hành trì giải đãi, niềm tin chẳng sanh, thử hỏi bao giờ mới thành tựu đạo nghiệp? Sư được nhà vua mời về đại nội để giáo hoá, mọi người đều kính trọng quy ngưỡng, hết lòng theo về, thực hành chánh pháp.

Bấy giờ Thái uý Lý Thường Kiệt, Thích sử Lạng Châu, Tướng quốc Thân công rất kính trọng Sư, thường xả tài vật cúng dường. Những phần cúng dường Sư đều dùng vào việc sửa chùa, xây tháp, đúc hồng chung để lại đời.

Về sau, Sư trụ trì chùa Chúc Thánh trên núi Phả Lại, có vị tăng đến hỏi:
- Thế nào là diệu đạo?
Sư đáp:
- Sau khi giác rồi mới biết.
- Giáo chỉ từ trước học nhân chưa rõ, lời dạy hôm nay làm sao hội được ?
Ngài đáp:
- Nếu đến tiên gia trong động sâu,
Hoàn đơn hoán cốt được mang về.
Nghĩa là muốn được thuốc quý phải đi vào động sâu, chứ ở khơi khơi bên ngoài không được. Cũng vậy, người tu hành muốn nhận ra gia bảo nhà mình, phải thể nghiệm sâu trong công phu, không thể tu hành lếu láo qua ngày mà có kết quả tốt đẹp được.
- Thế nào là hoàn đơn?
Ngài đáp:
- Nhiều kiếp tối tăm không hiểu thấu,
Hôm nay chợt ngộ được khai minh.
Từ nhiều kiếp đến nay, chúng sinh vì vô minh si ám nên không hiểu lẽ chân thật, từ đó tạo tác nghiệp trôi lăn trong ba cõi. Chừng nào nhận ra được lẽ chân thật, nhận ra được ông Phật nơi chính mình, tự nhiên sáng ra mọi lẽ, không còn tạo nghiệp trong sinh tử nữa.
- Thế nào là khai minh?
- Khai minh chiếu khắp cõi ta-bà,
Tất cả chúng sinh chung một nhà.
Khai là mở, minh là sáng. Khai minh là mở ra chiếu khắp cõi ta-bà. Khi đã sáng suốt trùm khắp rồi liền biết tất cả chúng sinh đều có Phật tánh, đều sẽ thành Phật.
Tăng lại thưa:
- Tuy nhiên con không biện rõ.
- Chốn chốn đều gặp y.
- Cái gì là y?
Sư đáp:
- Kiếp hỏa cháy tan mảy may sạch,
Núi xanh như cũ mây trắng bay.
Hỏi tới cái này giống như hỏi ta là gì vậy. Ngài đáp kiếp hỏa cháy tan mảy may sạch, núi xanh như cũ mây trắng bay.
Tăng hỏi:
- Khi sắc thân bại hoại thì thế nào?
Ngài đáp:
- Xuân đến xuân đi ngỡ xuân hết,
Hoa nở hoa tàn chỉ là xuân.
Đó là những cảnh thiên nhiên trước mắt. Con người thấy mùa xuân đến nói xuân về, thấy mùa xuân đi bảo xuân hết. Nhưng với con mắt của người sống đạo, hiện tượng hoa nở hoa tàn là hiện tượng bên ngoài, còn xuân vẫn chỉ là xuân thôi. Bởi vì tâm chân thật không lệ thuộc, không vướng bận với các hiện tượng ngoại giới. Do vậy các ngài không vọng tưởng, không phiền não, sống an nhiên tự tại dù hoa nở hay hoa tàn.
Tăng suy nghĩ. Sư quát rằng:
- Đất bằng sau binh lửa,
Thực vật đều ngát thơm.
Đây là câu kết, sư chỉ điểm cho vị tăng kia. Tăng lễ bái, không biết có ngộ chăng. Riêng chúng ta nghe qua mà chẳng ngộ gì hết, thấy cũng bình thường, đủ biết chỗ dụng công của mình chưa tới. Cho nên cần phải cố gắng tu tập.
Vãn niên, Sư trở về quận nhà, trùng tu lại ngôi chùa Bảo Cảm. Công việc vừa xong, ngày mùng 1 tháng 11, niên hiệu Hội Phong thứ 9 (1100), Sư báo tin sắp tịch, nói kệ:

                        Diệu bổn thênh thang rõ tự bày,
                        Gió hòa thổi dậy khắp ta-bà.
                        Người người nhận được vô vi lạc,
                        Nếu được vô vi mới là nhà.

Đây là bài kệ thị tịch của ngài. Đại ý nói rằng Diệu bổn thênh thang rõ tự bày, gió hòa thổi dậy khắp ta-bà, khi tâm đã khai mở, mọi cảnh thiên nhiên trước mắt đều tươi đẹp trùm khắp, không còn biên cương ngăn cách. Người người nhận được vô vi lạc, nếu được vô vi mới là nhà. Nếu ai khéo thì ngay nơi cảnh nhận được gốc. Người nhận được gốc là người về tới nhà, tới chỗ viên mãn.

Đến nửa đêm, Sư lại bảo: “Đạo của ta đã thành, ta giáo hóa đã xong, vậy ta tùy ý ra đi”. Bèn ngồi kiết già mà tịch, thọ 55 tuổi, được 36 tuổi hạ.

Hoàng thái hậu, Công chúa Thiên Thành, Ni sư Diệu Nhân và đông đảo đệ tử làm lễ cúng dường trai tăng hai ngày. Đại sư Nghĩa Hải ở chùa Đại Minh được vua ban tử y. Sa-môn Pháp Thành, toàn thể đồ chúng lo đủ lễ an táng Sư, xây tháp bên ngoài trai đường.

Học sĩ Nguyễn Văn Cử vâng chiếu soạn lời minh ghi trên tháp. Công bộ Thượng thư Đoàn Văn Khâm làm thơ truy điệu:

                Trong triều ngoài nội kính gia phong,
                Chống gậy dường mây quyện bóng rồng.
                Cửa từ chợt hoảng rường cột đổ,
                Rừng đạo bùi ngùi cội thông long.
                Cỏ biếc quanh mồ thêm tháp mới,
                Non xanh nước thắm gởi thân trong.
                Vắng vẻ cửa thiền ai đến gõ,
                Văng vẳng chuông chiều nát cõi lòng.

Lời văn nói lên sự thương tiếc của tứ chúng khi mất đi một bậc long tượng, một bậc thầy ở chốn tùng lâm.

Trong triều ngoài nội kính gia phong. Gia phong của ngài được mọi người kính trọng. Chống gậy dường mây quyện bóng rồng, công đức của người đạt đạo rất rộng lớn. Hình dung tiêu sái, cao đẹp tự do tự tại dường mây dường rồng.

Cửa từ chợt hoảng rường cột đổ, rừng đạo bùi ngùi cội thông long. Được tin ngài viên tịch, mọi người đều đau buồn không còn đứng vững, giống như cửa từ rường cột đổ, rừng đạo cội thông long.

Cỏ biết quanh mồ thêm tháp mới, non xanh nước thắm gởi thân trong. Bây giờ thêm một ngôi tháp mới giữa non xanh nước biếc. Ngài gởi nhục thân trong đó, để lại niềm thương kính vô cùng đối với môn nhân pháp quyến.

Vắng vẻ cửa thiền ai đến gõ, văng vẳng chuông chiều nát cõi lòng. Bây giờ cửa chùa vắng vẻ, ai là người tới để học hỏi Phật pháp. Chỉ còn gì? Văng vẳng chuông chiều nát cõi lòng. Bài thơ này rất là buồn, diễn tả cảnh đìu hiu khi vị thầy đã vắng bóng. Chư huynh đệ chúng ta ai rồi cũng phải đối diện với cảnh này thôi. Thời thịnh thì chư Tăng Ni, Phật tử các nơi kẻ tới người lui, thưa hỏi tu tập, nhưng khi duyên hết, thầy viên tịch rồi thì mọi thứ đều vắng vẻ, chỉ còn tiếng chuông chiều văng vẳng. Nghe mà nát cõi lòng.

Tóm lại thiền sư Chân Không từ bé thơ đã có khí chất đặc biệt. Ngài thích ở riêng một mình, rất siêng năng đọc sách. Thời nay cũng có những vị tăng mang khí chất này. Như thầy Thiện Nhơn ngày xưa ở Huệ Nghiêm, tới giờ ăn thầy xuống phòng ăn. Ăn xong đi thẳng về phòng đọc sách thôi. Trong phòng thầy chỉ có kinh sách, không có thứ gì khác. Cả ngày không khi nào chúng tôi thấy thầy tiếp Phật tử, dường như thầy cũng chẳng quen ai. Tới giờ tụng kinh thì tụng kinh, tới giờ thụ trai đi thụ trai, rồi về phòng đọc sách. Bây giờ khi ra làm việc là Phó Tổng thư ký của Giáo hội, tuy là một vị lãnh đạo trẻ tuổi nhưng về mặt nào thầy Thiện Nhơn cũng trôi tròn một cách xuất sắc, rất được chư tôn đức lãnh đạo ở trên tin cậy.

Thiền sư Chân Không thuở nhỏ đã chuyên tâm đọc sách, không bị những việc lăng xăng, việc ăn việc mặc, việc vui việc buồn làm dao động. Vì vậy khi xuất gia, ngài bác thông kinh sử, không bao lâu nổi tiếng trong tùng lâm và khắp nơi. Sau này khi ra trụ trì, ngài giữ giới luật rất trang nghiêm, không hề xuống núi cả hai ba mươi năm. Danh tiếng đồn khắp cho đến vua chúa đều kính trọng, mời về cung nội giảng đạo. Các vị quan chức như Thái uý Lý Thường Kiệt, Thích sử Lạng Châu, Tướng quốc Thân công… đều là những Phật tử hộ pháp đắc lực trong các Phật sự của ngài.

Chúng ta thấy nếu tu học trang nghiêm, chư Tăng Ni luôn được Phật tử hằng tâm, hằng sản ủng hộ hoàn thành các Phật sự. Chư vị tôn đức trong thời này cũng vậy. Những vị được Phật tử ủng hộ nhiều là những vị đạo cao đức trọng.

Phật tử quy tựu về học hỏi tu tập, được niềm vui, tăng tiến niềm tin. Từ đó họ phấn phát và càng quý trọng, càng ủng hộ chư tôn đức làm Phật sự nhiều hơn nữa. Nói thế không có nghĩa là chúng ta muốn như vậy, nhưng trong sự hành đạo, dĩ nhiên mình cũng muốn thành tựu, chứ đâu ai muốn làm dở dang. Muốn thành tựu thì phải được sự ủng hộ. Cho đến trong kinh Phật nói “Nhất Phật xuất thế thiên Phật hộ trì”, một vị Phật ra đời có hàng nghìn vị Phật hộ trì. Trước là tự lực, sau cũng nhờ tha lực hỗ trợ, chúng ta mới thành tựu viên mãn Phật đạo được.

Các bậc thầy luôn nhắc nhở, mong mỏi chúng ta trở thành bậc pháp khí hữu dụng trong Phật pháp. Được nhiều bậc pháp khí hữu dụng như vậy Phật pháp mới hưng thịnh. Chư tôn đức có hoằng khai đạo pháp khắp nơi, mọi người mới thấm nhuần giáo lý Phật-đà. Đó là cách duy trì và phát huy Phật pháp. Đây là việc làm chính của chúng ta vậy.

Mong rằng trong trường hạ, toàn thể đại chúng luôn được sự hộ trì của Tam bảo, tất cả chúng ta vui vẻ, xúc tiến việc tu học viên mãn, xứng đáng là đệ tử của đức Phật. Có thế mới giữ vững được truyền thống tu học từ thời xa xưa cho tới bây giờ. Chư Tăng Ni có chuyên tu, chuyên sâu, Phật pháp và Giáo hội mới có những bậc tăng tài, đầy đủ đạo hạnh trí tuệ nắm giữ giềng mối đạo pháp, đền ơn Phật tổ.
 

[ Quay lại ]