NHÌN LẠI MÌNH
- Chi tiết
- Được đăng ngày Thứ năm, 17 Tháng bẩy 2008 10:41
- Viết bởi nguyen
Nhìn lại mình là pháp tu gốc của đạo Phật, đặc biệt của những hành giả tu thiền. Do thấy được mình, chúng ta mới mãnh tỉnh khắc phục những khiếm khuyết, nỗ lực tu hành, chiến thắng mọi bất an bất ổn trong lòng.
Nhìn lại mình để thấy rõ mình đang ở đâu, làm gì. Là Phật tử chúng ta phải làm việc Phật làm, tu theo phương pháp Phật tu. Mỗi khi nhìn lại chúng ta sẽ thấy mình còn nhiều cù cặn tăm tối, bất an bất ổn. Nếu không đả thông được những tồn đọng này, chúng ta sẽ gây tạo tác nhân không tốt. Tác nhân không tốt thì hậu quả sẽ không tốt.
Nhiều vị Phật tử tu hành theo đạo Phật mà kết quả không như ý. Tại sao? Quý vị không nên đổ thừa tại pháp, tại thầy hướng dẫn, tại hoàn cảnh, mà phải nhìn thấy tại mình. Chúng ta làm chưa đúng, hiểu chưa tới, chưa thật sự ổn định và chín chắn trong việc tu tập. Hòa thượng Ân sư thường dạy mỗi vị phải biết thương mình. Tại sao phải thương mình? Vì từ lâu lắm rồi, do bất giác nên chúng ta tạo nghiệp nhân không tốt, tích chứa những cù cặn trong lòng, chưa giải trừ được nên bị nó hoành hành. Lại thêm hoàn cảnh chung quanh tác động, chúng ta mất tự chủ, tiếp tục gây tạo những nghiệp nhân xấu. Chiếu theo luật nhân quả, hễ gây nghiệp nhân thế nào thì sẽ bị nghiệp báo thế ấy. Nếu chúng ta áp dụng Phật pháp không đúng thì không bao giờ có lợi lạc như Phật đã nói. Chỉ khi nào chúng ta áp dụng đúng, kết quả lợi lạc mới đến, thành quả giác ngộ giải thoát không mong cầu cũng tự được.
Khi nhìn lại mình, có khi ta thấy mình yếu đuối, vớ vẩn, dễ duôi. Do thiếu sự cảnh giác, thiếu sự nhắc nhở của thiện hữu tri thức, ta lại lầm lũi tạo nghiệp, để rồi bị vướng mắc mãi thôi. Phật bảo ai cột thì người đó mở, chúng ta trói thì chúng ta mở, chứ không ai thay thế cho mình được. Giải thoát có nghĩa là tự mình cởi trói cho mình. Lâu nay chúng ta vướng kẹt, chưa đả thông được thì ngay bây giờ tự giải tỏa. Giải tỏa được, cởi mở được mới có niềm vui, có sức mạnh, từ đó phấn khởi tu tập tăng tiến hơn. Cột trói do ta mà giải thoát cũng do ta.
Chúng ta lang thang, vướng mắc theo các duyên bên ngoài là do sự tăm tối. Không ai muốn tăm tối, nhưng nó từ đâu tới mình cũng không biết. Nó hiện diện ở đâu đó trong chúng ta, loay hoay lẩn quẩn sơ hở một chút là nó xuất hiện. Nó xuất hiện thì sẽ dẫn chúng ta đi tới những hầm hố, những đoạn đường chông gai, bất an bất ổn. Chắc chắn như thế. Do vậy chúng ta cần kiểm điểm thật kỹ, đừng để tăm tối có cơ hội dấy khởi trong đời sống sinh hoạt của mình. Vừa có một niệm dấy khởi hãy buông đi. Buông được là yên. Biết nó không thật chúng ta vất bỏ, đó là tuệ. Định tuệ hiện tiền ngay phút giây tỉnh giác.
Đây là phương pháp cơ bản nhất của chúng ta. Chư huynh đệ đã nắm vững và có quá trình thể nghiệm, không ai muốn thua các dấy niệm. Vì vậy phải cố gắng mãnh tỉnh. Nếu yếu đuối, chưa dứt khoát, cứ làm ngơ khi niệm khởi lên, nó sống dậy được rồi, nhất định sẽ dẫn lôi chúng ta đi. Đang ngồi thế này nó dẫn ta ra phố hay trở lui về thời gian năm năm, mười năm, hai ba mươi năm trước. Nếu cứ để nó kéo lôi như thế, hiện tại chỉ còn cái xác mà không có chủ, làm gì được Niết-bàn, an lạc.
Nhiều huynh đệ đã dày công tu tập, tham gia đạo tràng, nhưng thời gian sau không muốn tới đạo tràng nữa. Là vì các vị thấy tới đạo tràng cũng thế, ngồi thiền cũng thế, tụng kinh cũng thế, họp mặt huynh đệ trao đổi đạo lý đủ thứ, cuối cùng những dấy niệm kéo lôi, những bất an bất ổn vẫn hiện hình đầy dẫy. Do đó nên chán, không muốn tu, không muốn sinh hoạt đạo tràng nữa. Xin đề nghị quý Phật tử cắt đứt những vọng tưởng này, giải tỏa điểm này. Quý vị phải biết gầy dựng tuệ giác từ chính mình, bằng ý chí, nghị lực, sự kiên định và niềm tin bất thoái chuyển. Chúng ta có sẵn trí tuệ, chỉ cần chuyên tâm nhất ý phát huy, không nên bị xao động hay bị lung lay bởi ngoại duyên.
Chúng ta có phương pháp để gầy dựng công phu, làm sao cho trí tuệ Bát-nhã hiện tiền, viên mãn. Không ai nỡ lòng nào đập chết trí tuệ của mình. Đập chết trí tuệ đồng nghĩa với làm mất đi chủng Phật của chúng ta. Người con Phật, cố gắng trong mọi sinh hoạt, làm chủ được mình. Đừng bao giờ chúng ta làm tắt đi ánh sáng, ngọn đèn tuệ của chúng ta. Ngọn đèn tuệ tắt rồi, sự tăm tối dẫy đầy, ta sẽ quờ quạng trong đêm đen, bao nhiêu sự cố xảy ra đằng sau, ta hoàn toàn không thể biết được. Thật nguy hiểm. Giống như kẻ lữ khách đi trong đêm đen, không có ánh sáng, không biết đường đi, quờ quạng ngã nghiêng trên những hầm hố chông gai, nguy hiểm biết bao nhiêu. Do đó chúng ta phải thương mình, lựa đường tốt mà đi, đi trong ánh sáng.
Trong bài ca chăn trâu của Thường Chiếu có câu “Trâu cứ đi đường ngay lối thẳng, dù trên đường chẳng có chi vui”. Không được liếc ngó hai bên, chỉ nhìn thẳng mà đi. Muốn thế không phải là dễ. Bởi vì chúng ta có thói quen ngó liếc, quen ghé xóm này làng nọ, quen lăng xăng, còn việc nhìn thẳng chính mình lại không quen. Ở trong thiền viện, các thầy nhỏ có một cái bệnh thật ngộ, là tới giờ tụng kinh lại muốn nằm. Quái lạ thật! Từ sáng tới trưa đi ngược đi xuôi, làm trăm công ngàn việc, có khi trưa cũng không biết mệt, vẫn cứ làm. Nhưng tới giờ tu tập cho mình, sống cho mình lại khởi niệm lười biếng. Không biết từ đâu nó khởi lên, tự nhiên muốn nằm. Lúc đó nếu không có sự nhắc nhở của chuông bảng, của đại chúng, của uy lực thiền môn, nhất định mình nằm dài thôi. Nhờ có chuông bảng, có đại chúng, quý vị muốn nằm cũng nằm không yên. Nằm mà nghe tiếng đại hồng chung tác động vào tim, vào huyết quản, tự nhiên bất an, thấy mình không tròn trách nhiệm, không biết thương mình, nhất định phải ngồi dậy. Cho nên tu sống trong tăng chúng được sự bảo hộ che chở như vậy.
Quý Phật tử sinh hoạt trong đạo tràng một tuần hoặc hai tuần mới gặp nhau một lần, sự cảnh tỉnh không đặc biệt như chúng tôi. Khi quý vị muốn nằm cứ nằm ra đó, có vị còn biểu người khác đấm bóp nữa. Việc tu như thế dĩ nhiên là chậm tiến rồi. Hôm nay mất một giờ, ngày mai cũng mất một giờ, dần dần thành quen nên đến giờ tu là quý vị nằm. Nhiều người còn biện minh: Bạch thầy, nằm cũng thiền được!
Cho nên tôi muốn nhắc nhở quý vị đừng bao giờ dễ duôi, mà phải nghiêm túc. Ví dụ các vị đến sinh hoạt ở đây, bảy giờ tụng kinh, tám giờ ngồi thiền, chín giờ nghe pháp, đâu đó có giờ giấc và sự hướng dẫn của các huynh trưởng đàng hoàng. Giờ học tập, giờ tụng kinh, giờ ngồi thiền đầy đủ, thì cứ theo sự hướng dẫn ấy mà làm, lâu dần nó sẽ gắn bó, sẽ bắt nhịp cho những nấc thang căn bản để chúng ta đi vào nề nếp và tăng tiến công phu.
Chữ “nề nếp” trong đạo tràng có khi trải qua năm mười năm mới gầy dựng được. Như thiền viện Thường Chiếu có mặt trên vùng đất Long Thành từ năm 1974, nhưng tới những năm của thập kỷ chín mươi mới vào nề nếp, mà cũng chưa phải hoàn bị. Nhờ uy lực của Hòa thượng và chư tăng, nhờ sự cảnh giác tu hành của quý thầy mới vào nề nếp. Nếu như chúng tôi tự do phóng túng buông lung, ai muốn làm gì thì làm, chắc chắn không thể nào vào nề nếp được, dù cho thời gian có kéo dài bao lâu.
Tôi nói như thế để làm gì? Để huynh đệ nắm được, nhận ra được những khiếm khuyết, cù cặn, yếu đuối mà cùng nhau nhắc nhở sửa đổi. Đối với người tu, tất cả những thứ đó phải được tiêu dung, không thể nuôi dưỡng nó trong lòng. Nuôi dưỡng nó giống như nuôi giặc trong nhà. Mời nó ra chúng ta mới yên được. Có đả thông được những bất an bất ổn trong lòng chúng ta mới vui được. Buổi sáng quý vị đến được đạo tràng là vì trong lòng không có những trở ngại, bất an. Quý vị trông mong đến giờ họp bạn để huynh đệ tu tập vui vẻ.
Mỗi chúng ta đều có trí tuệ, có tánh giác, nhưng từ nhiều đời, vọng tưởng lăng xăng bu bám, làm cho trí tuệ khuất lấp, ta không sử dụng được. Giống như ngôi nhà có cửa chính, người chủ giữ chìa khóa chứ không ai khác. Nhưng ngặt nỗi chủ nhà đã bỏ quên chìa khóa ở đâu rồi, bây giờ muốn vô nhà không biết làm sao vô. Dù biết mình là chủ nhà, nhưng nếu chưa kiếm được chìa khóa thì chưa thể vô nhà được. Ở đây tôi muốn nhấn mạnh, chúng ta nói mình là chủ chưa đủ, phải nắm chìa khoá trong tay, muốn vô nhà thì vô, muốn ở ngoài thì ở, không cần nói chủ chi cả.
Trong công phu tu hành, trước nhất là phải tỉnh. Nếu chúng ta thiếu tỉnh sẽ bị ngoại cảnh bên ngoài kéo lôi, vọng tưởng lăng xăng bên trong dẫn đi, làm mất thì giờ của mình. Những chuyện tạp nói qua nói về với nhau không đáng gì mà làm mất hết quỹ thời gian vốn có hạn của chúng ta. Nên nghĩ đến việc tu tập, việc chính quy của mình là áp dụng pháp Phật dạy vào sinh hoạt thường ngày, đừng để loạn tưởng xen vô cướp hết gia sản nhà mình.
Những lúc không tỉnh, bỏ quên chìa khóa, chúng ta muốn vô nhà vô không được, lang thang như những kẻ không nhà, khổ ơi là khổ. Lúc bấy giờ muốn làm gì cũng không được, hoàn toàn mất hết chủ quyền. Có những người tu hành nhiều năm, học Phật nhiều năm nhưng vẫn không có kết quả gì. Đó là tình trạng bỏ quên chìa khóa, lang thang ngoài đường gặp cái gì vớ được thì vớ, mất hết định hướng ban đầu, dần dần loạn tâm, không còn tu tập theo chánh pháp nữa. Người có trí khi nghe ai nói điều gì cũng suy nghĩ xem đúng không, không phải nghe liền tin, tin rồi chạy theo.
Từ tỉnh có định, từ định có tuệ. Cho nên thiếu tỉnh thì không có định tuệ. Không có định tuệ giống như lục bình ngược xuôi trôi giạt theo con nước, bến đỗ ở đâu không biết. Người tu thiếu định tuệ dễ lâm vấp vào tình huống: Một là bị hủy diệt giữa giòng đời. Hai là tấp bờ bên này. Ba là tấp bờ bên kia. Bốn là bị những lực khác đẩy trôi giạt, không thực hiện được mục đích của mình, như trường hợp bị người ta vớt. Như vậy nuôi dưỡng công phu tỉnh giác cũng không phải dễ dàng.
Nếu thiếu tỉnh giác, chúng ta sẽ gây những tác động đến chung quanh, chẳng những mất mình, mà còn làm xáo trộn, gây ảnh hưởng bất an bất ổn cho mọi người nữa. Ví dụ trong đạo tràng chúng ta có một trăm huynh đệ, chỉ cần một người bất tỉnh thôi là huynh đệ thất điên bát đảo. Kinh nghiệm ở thiền viện chúng tôi thấy, một trăm mấy chục thầy, trên có Hòa thượng kế đến là các thiện hữu tri thức, Phật tử đàn-na chung quanh như thế, nhưng hôm nào có một người bất an ở đâu chạy tới, nói líu lo đủ thứ chuyện trên đời. Bấy giờ từ nhà khách vô tới chánh điện, mấy thầy kẻ chặn người khuyên mời ra, không được đi lộn xộn nói năng lung tung như thế. Rõ ràng chỉ một người không bình thường làm rộn ràng đến nhiều người.
Cho nên muốn bảo vệ sự tu tập chung của mọi người, trong đó có bản thân mình, mỗi vị phải tỉnh. Tỉnh để đừng phát ra những lời lẽ, đừng nuôi dưỡng những ý nghĩ, hoặc hành động gây ảnh hưởng xấu đối với bạn hữu, với việc tu tập chung. Cho nên tỉnh là một pháp học cốt lõi của người tu. Người không tỉnh thì tu không được, vì cứ dính cái này mắc cái kia. Hòa thượng thường dạy: Nghĩ cái gì, chịu khó tỉnh, nghĩ sai thì đừng nghĩ. Nói cái gì, chịu khó tỉnh, nói sai, nói để được mình mà hại người thì đừng nói. Làm cái gì thương tổn đến người thì đừng làm.
Do đó huynh đệ phải tự kiểm luôn. Kiểm ý nghĩ, lời nói, việc làm, nhớ phải tỉnh. Chúng ta không thể là người bất tỉnh, mà là người tỉnh. Tỉnh để có định, định để có tuệ, định tuệ đầy đủ là người giác ngộ. Giác ngộ đầu tiên trong đạo Phật là thấy được lẽ thực của các pháp. Sở dĩ lâu nay chúng ta vướng mắc, trôi giạt, không giải tỏa được là vì chưa thấy được lẽ thực. Chúng ta còn lầm nhận, còn mê muội nên mới vướng mắc. Bây giờ thấy được lẽ thực rồi không còn vướng mắc nữa. Giống như người biết phân biệt vàng giả vàng thật, sẽ không mua nhằm vàng giả nữa, dù người ta có đánh bóng tới đâu, đẹp cỡ nào, họ cũng không lầm.
Một khi chúng ta biết được tận căn để các pháp không thật rồi thì giải thoát tức thì. Cho nên nói thiếu tỉnh khó mà giải thoát. Muốn giải thoát phải tỉnh. Quý vị muốn giải thoát, muốn bình yên, nên tỉnh táo sắp đặt mọi việc theo trí tuệ nhận biết các pháp không thật, sẽ thấy mọi việc nhẹ nhàng an ổn. Hôm nào không tỉnh sẽ làm đảo lộn hết mọi sinh hoạt. Ví dụ như sáng phải ăn chút gì đó mới đi làm, sáng người ta chưa ăn mà mình bảo đi làm thì người ta không chịu đâu. Cho nên sắp đặt việc, phải tỉnh sắp đặt mới đúng.
Chính các vị đại đệ tử của đức Thế Tôn đôi khi cũng sắp đặt không ổn. Trong kinh A-hàm kể lại, có vị cư sĩ được tôn giả A-nan dạy tu, ông tu một thời gian đến thưa với Phật: Bạch đức Thế Tôn con tu không được, nay xin hoàn tục. Phật hỏi: Ông làm nghề gì? Thưa: Con làm nghề thợ rèn. Phật hỏi: Thầy ông dạy tu ra sao? Thầy dạy con quán bất tịnh. Đức Thế Tôn kêu A-nan lại bảo: Sao ông dạy như thế? Thợ rèn phải dạy đếm hơi thở mới thành công. Thế là nhờ đức Phật dạy lại pháp quán sổ tức, người thợ rèn tu chẳng bao lâu liền chứng quả A-la-hán. Một chút như thế thôi mà đảo lộn tất cả.
Sau khi khắc tỉnh rồi, chúng ta phải tu. Tu là sửa, thấy đến nơi đến chốn mọi sai lầm của mình trước kia thì phải sửa. Khi mình đã có nội tại vững, thì cái nhìn đúng đắn. Cho nên các bậc tôn túc tu tập nhuần nhuyễn, nói điều gì, sắp đặt việc gì đều thành tựu. Nói đến tu là nói đến sửa, những gì còn cù cặn phải thẩy bỏ. Trong giai đoạn mình đang dụng công, phải tích cực ứng dụng giáo pháp đã học, tu sửa và sống cho được với điều Phật tổ dạy. Nói và làm thống nhất, như vậy mới đúng tinh thần nhà thiền. Người nói thiền thế này, thế kia, siêu xuất, đặc biệt… mà bản thân không sửa đổi, không áp dụng được, đó chỉ là nói suông cho vui, không có lợi lạc, không có giá trị gì hết.
Khi công phu cần đến sự quyết tâm của hành giả đối với pháp tu. Ở đây, chúng ta tu thiền. Giả dụ có ai hỏi quý vị hành thiền như thế nào? Chúng ta không thể giải thích: Hành thiền là mỗi tháng đến đạo tràng bao nhiêu lần, ngồi thiền bao nhiêu lần… Không phải như thế, mà phải tỉnh, phải có trí tuệ, phải thể hiện cuộc sống an lạc, thảnh thơi, không vướng mắc, không phiền hận, không lăng xăng phân biệt hơn thua, được mất, thương ghét… Do đó các thiền sư khi được hỏi thiền, các ngài vỗ vào miệng mình. Xử sự như thế mới đúng tinh thần nhà thiền.
Hồi xưa các thiền sư thăng toà nêu lên đề mục nào đó, mỗi vị trong hội chúng trình bày chỗ nhận của mình. Đúng thì Hòa thượng gật đầu, chưa đúng Hòa thượng khai thông cho mình. Ngày nay, chúng tôi ở thiền viện cũng được Hòa thượng hỏi: Lâu nay tu ra sao, nói nghe coi. Thầy nào lạng quạng là Hòa thượng biết ngay vô cửa chưa được. Hoặc nói bắn bổng trên mây xanh liền bị ngài quở, phải xem xét lại công phu cho chín chắn. Chúng ta phát tâm tu là một việc rất tốt, không nên tự dối, nói điều gì với thầy tổ cũng bằng tâm chân thực, như vậy sẽ có lợi ích cho việc tu tập của mình. Thấy như thế, tu như thế, nói như thế, cứ trình bày như thế. Điều gì không đúng, thầy sẽ hướng dẫn lại. Vừa nói ra trật rồi thì đừng cố nói nữa. Đó là người biết tu sửa.
Chúng ta tu thiền, chắc chắn không áp dụng điều gì khác ngoài đường lối đã học, nhất định thành quả lợi lạc sẽ đến với mình. Thành quả đó là gì? Nhiều vị cho rằng thành quả là Niết-bàn hay gì gì đó. Thưa, không phải vậy. Hồi trước chúng ta chưa biết Phật pháp, chưa đủ duyên gặp gỡ huynh đệ, cùng chung sinh hoạt trong đạo tràng, mỗi lần có sự cố gì xảy ra trong cuộc đời, như bị người mạ nhục, quý vị thấy tối tăm mày mặt, thấy ngạt thở, tức giận không còn tự chủ được nữa v.v… Lúc chưa biết Phật pháp, rơi vào tình trạng như vậy không có gì đáng trách. Nhưng kể từ khi gặp Phật pháp, sinh hoạt đạo tràng rồi, áp dụng lời Phật, gặp những tình huống như thế quý vị nuôi dưỡng phiền não là sai bét, đáng trách. Đối diện với các cảnh duyên ấy không phải mình đóng tai, bịt mũi, mà vẫn nghe rõ ràng, thấy rõ ràng, cảm giác rõ ràng, không có gì khuất lấp cả, nhưng mình bình thường, thấy không có vấn đề gì cả. Mình còn biết rõ đây là nhân duyên quả báo chiêu cảm mà nên. Nhờ thế quý vị đầy đủ tinh thần vượt qua các nghịch cảnh dễ dàng. Đó chính là thành quả của chúng ta.
Trong kinh A-hàm kể lại, một buổi sáng đức Phật đi khất thực, hai thầy trò vị Phạm chí đi phía sau, người đệ tử khen Phật từ bước đi cho đến dáng đứng, cái gì cũng khen, còn ông thầy thì mạ lị hết lời. Phật bảo lời khen ấy cũng không dính dáng tới Như Lai, lời mạ lị kia cũng không dính dáng tới Như Lai. Nếu nói theo nhà thiền là không can hệ gì đến ta. Kết quả của tu thiền là tám gió thổi không động. Tám gió là lợi, suy, hủy, dự, xưng, cơ, khổ, lạc, chúng thổi ta không động mới thật sự an nhiên tự do tự tại, tự làm chủ hoàn toàn. Chúng ta là thiền sinh ít ra năm ba thứ gió thổi không lay động mới được chứ! Chẳng lẽ bao nhiêu năm tu tập mà bị thổi tróc hết sao? Được người công kênh cũng không mừng. Bị người khinh chê cũng không buồn. Như vậy không phải thích thú lắm sao, do đâu phải ôm ấp phiền não ?
Chúng ta tự chiêm nghiệm về công phu tu hành hằng ngày của mình, biết điểm nào còn yếu, cố gắng chấn chỉnh thêm lên, chỗ nào đã vững cố gắng phát huy. Chỗ tu hành cần phải được thể nghiệm hằng ngày, ngay cả trong mọi sinh hoạt bình thường của chúng ta. Đụng việc nổi đóa lên, bất như ý một chút la om sòm, thì còn gì người tu nữa. Cho nên chúng ta nỗ lực, khắc phục, khắc tỉnh, tự nguyện áp dụng lời Phật dạy vào đời tu của mình cho được lợi lạc.
Chúng ta càng tu tập, trí tuệ càng phát huy, càng viên mãn. Đó là điều chắc chắn không nghi. Kính chúc quý pháp hữu luôn phát huy được trí tuệ để chúng ta đi đến toàn giác, lợi lạc quần sanh, báo ân Phật tổ.