headertvtc new


   Hôm nay Chủ nhật, 22/12/2024 - Ngày 22 Tháng 11 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

DẸP GIẶC VỌNG TƯỞNG

 Nói về chỗ tu hành, rõ ràng không phải chỗ để chúng ta lý luận suông, mà mỗi người phải ra sức nỗ lực thực tập. Bởi vì đạo Phật là đạo thực hành, chứ không phải đạo của giáo điều. Bản thân chúng tôi có duyên đi tu từ thuở nhỏ, đến bây giờ đã bạc đầu, thế nhưng những vọng động, loạn tưởng vẫn còn dấy khởi, tuy nhiên chúng đã giảm bớt nhiều so với ngày xưa. Nên biết căn bệnh này của chúng sinh không phải dễ trị.

Về cách trị vọng tưởng không phải là quá khó, quá sức mình nhưng điều quan trọng là chúng ta có chịu trị hay vẫn cứ ủ bệnh? Việc này tùy mỗi người. Có người biết bệnh rồi nhưng trị từ từ, không nôn nóng vội vã, tới đâu hay tới đó. Đây là khuyết điểm mà người tu chúng ta đừng để bị vướng. Muốn được định, muốn có trí tuệ phải trị được bệnh vọng tưởng sớm chừng nào tốt chừng ấy, nếu không nói là phải trị gấp, trị một cách quyết liệt, vì vô thường đâu có cho mình hẹn.

Vọng tưởng là gì? Là những dấy tưởng lăng xăng, suy tư toan tính trong chúng ta. Nhưng lạ một điều, mình biết nó núp chỗ nào? Ở môi ở mắt ở bụng ở tim gan… chẳng biết ở đâu, nhưng có cơ hội là nó hiện ra. Chúng ta không ai muốn nó hiện ra, nhưng nó vẫn cứ hiện, mình chẳng làm gì được nó. Ví dụ khi ngồi thiền, mình đâu muốn những vọng tưởng lăng xăng dao động, nhưng gần như suốt thời ngồi thiền ta cứ lơ mơ suy nghĩ, toan tính miên man, không dừng lại được. Bây giờ làm sao để trị bệnh này, nếu không trị, không bao giờ ta vào được định. Không vào được định thì không phát sinh trí tuệ Bát-nhã. Chính trí tuệ này mới giúp chúng ta ra khỏi mọi sự trói buộc, được giải thoát an vui.

Nếu hiện thời ngồi đây, chúng ta làm chủ, không để vọng tưởng dẫn đi đâu hết, như vậy là dùng được trí tuệ bản hữu của mình. Ngược lại ta không dừng những dấy niệm tơ tưởng, lao theo nó, bị nó cuốn dẫn, đó là mình đang sử dụng ý thức hiểu biết dựa trên những kiến thức thu thập từ bên ngoài. Đây không phải là trí tuệ bản hữu, mà là trí tuệ vay mượn, không chân thật, không đưa đến giải thoát an vui. Với người tu, trí tuệ bản hữu hay còn gọi trí tuệ vô sư quan trọng và cần thiết hơn. Trí tuệ thu thập từ sự học hỏi bên ngoài cũng cần nhưng chỉ cần giai đoạn đầu, sau đó phải hướng đến triển khai trí tuệ bản hữu, để vào Niết-bàn hoàn toàn an ổn triệt để.

Trí tuệ vô sư có năng lực trị được vọng tưởng, cắt đứt những dây mơ rễ má trầm thống trong chúng ta. Một khi trí tuệ chân thật hiện tiền thì không có bóng dáng của phiền não đảo điên. Trí tuệ này tuy là bản hữu nhưng vì chúng ta để bụi bặm vô minh phủ lấp từ nhiều đời nên nó không tự hiển hiện, mà phải tu tập, đặc biệt là từ công phu thiền định phát sáng. Có những giờ chúng ta muốn an ổn hết sức, nhưng có an ổn được đâu! Như giờ nghỉ làm công tác, giờ tọa thiền, tụng kinh… chúng ta cần dẹp bỏ triệt để mọi dấy niệm tạp nhạp, để tâm yên định, nhưng có hoàn toàn được như ý đâu! Vừa yên một chút thì vớ vẩn chuyện này chuyện khác, hết chuyện trong chùa tới chuyện ngoài xóm, rồi tỉnh này tỉnh nọ, nước này nước kia, năm trên năm dưới, quá khứ tương lai cứ dài dài ra đó. Bị kéo lôi như vậy Phật chê là người bị vọng tưởng điên đảo.

Chúng ta tu hành mà lầm lũi theo những thứ đó hoài, Phật nói bị vô minh dẫn, người yếu đuối không có năng lực nên đành để cho nghiệp tập kéo lôi. Cái gì thành thói quen, nó có năng lực và gọi là nghiệp. Cho nên chữ nghiệp là năng lực, việc đó do làm nhiều thành thói quen, lâu dần tích luỹ nên có năng lực. Năng lực là sức dẫn. Nếu hiện tại chúng ta lao theo công việc nào hoài, nó sẽ có năng lực dẫn mình đi, dù ta có cầu cứu đến Phật Bồ-tát, cũng khó kéo trở lại. Điều này giới tăng sĩ cần phải suy gẫm kỹ. Phải biết năng lực của nghiệp có sức mạnh vô song, một khi đã bị nó dẫn đi, khó có cách gì hóa giải ngoài trí tuệ Bát-nhã.

Chư vị Bồ-tát như ngài Quán Thế Âm, Đại Trí Văn-thù, Đại Hạnh Phổ Hiền v.v... nguyện đi vào mọi ngõ ngách của cuộc đời. Nơi nào chúng sinh bị khổ đau, các ngài hiện đến cứu gỡ, bằng cách nhắc lại nguyện xưa, rằng chúng sinh cũng có tánh Phật, bây giờ nhớ và sống lại với tánh ấy của mình thì hết khổ, chứ không hề đưa tay vớt mình ra khỏi chỗ đó. Đạo Phật chú trọng đến tự lực nhiều hơn tha lực. Tuy trên bước đường tu hành, chúng ta rất cần đến tha lực, nhưng tự lực vẫn mang tính quyết định cho kết quả giác ngộ giải thoát của hành giả. Người phát huy được tự lực thì sớm thấy chân trời tịnh thanh, Phật đạo sáng ngời ngay trước mắt. Người không phát huy được tự lực thì dù có tha phương tìm cầu thiện hữu tri thức vẫn chỉ ở ngoài da, trọn không được lợi lạc cứu kính.

Trở lại vấn đề phiền não, chúng ta không biết nó ở đâu, nhưng gặp duyên bên ngoài tác động thì phiền não bên trong vọt ra. Chỗ này thiền sư nói giống như một ngôi nhà có sáu cửa, bên trong có nhốt một con khỉ. Khi nghe các con khỉ bên ngoài kêu chéo chéo, con khỉ bên trong cũng đáp lại chéo chéo. Chúng ta cũng vậy, con khỉ bên ngoài không hề biết con khỉ bên trong đang ở đâu, ngồi cửa lớn hay núp nơi cửa nhỏ, nó cứ đi vòng vòng kêu, con khỉ bên trong liền đáp lại. Bên trong bên ngoài ứng đối nhau thành một trường khỉ đột. Chúng ta là người tu hành, cố gắng bảo vệ như thế nào để con khỉ bên trong ngủ yên, con khỉ bên ngoài kêu réo thế nào, con khỉ bên trong cũng không thèm đáp lại. Riết rồi con khỉ bên ngoài cũng chán, không kêu nữa. Chừng đó ta có đầy đủ năng lực, giải quyết được mọi việc trong cuộc đời của mình. Đó là kết quả từ sự tu tập mà ra.

Nhìn vào số lượng kinh điển đồ sộ của Phật giáo, có những vị xuất gia học từ cấp thấp, lên cấp trung rồi cấp cao, tốt nghiệp tiến sĩ nọ kia… mình thấy nể quá. Nhưng hỏi kỹ lại, quý vị có nhận được cốt tủy lời Phật dạy và ứng dụng tu tập an lạc hay không là một chuyện khác. Biết chọn lựa phương pháp thích hợp với căn khí của mình, điều trị được tâm bệnh cho mình và mọi người, làm lợi ích chúng sinh mới là bổn phận chính của người xuất gia. Nhiẹâm vụ của chúng ta là thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sinh, hay trên đền bốn ân dưới cứu ba cõi, chứ đâu phải tầm thường. Đừng cho rằng sáng ăn cơm chiều giải lao, tối tụng kinh ngồi thiền, như vậy là xong bổn phận. Nếu không thực hiện hết nhiệm vụ của người tu, chư tổ sư quở mình chỉ là tăng cơm cháo. Nghĩa là chỉ biết sáng ăn cơm, chiều ăn cháo, đại khái sống qua ngày vậy thôi. Nhìn lại bản thân, có khi chúng ta thấy quả là như vậy.

Nếu người không có ý chí, sự quyết tâm thì khó giữ vững được đạo tâm, tiến bước hành trì cho tới ngày viên mãn. Lời nguyện thì có, nhưng người phát tâm dũng mãnh trên con đường Phật đạo rất ít thấy. Trước Tam bảo nguyện tu trọn đời, nhưng với điều kiện Phật đừng cho con phiền não, cho con tu sướng, tu khỏe nghe! Đa phần kiểu nguyện của chúng ta là vậy. Ít khi nào mình phát lời nguyện dũng mãnh như các thiền sư ngày xưa. Có một thiền sư trong thời gian tham thiền bị tiêu chảy rất nặng, đi hết nổi. Ngài thấy không thể giữ được mạng sống nữa, nên nhờ các thầy huynh đệ lau rửa sạch sẽ, dựng ngài ngồi dậy, thắp giùm một cây hương. Sau đó ngài nguyện: Nếu nghiệp báo khổ đau do sự lầm mê đời trước gây nên, con sẵn sàng trả không than tiếc, không mong sự hỗ trợ nào khác. Con nguyện bỏ thân dù có bị đọa địa ngục ngạ quỷ súc sinh, nhưng khi hết nợ, mở con mắt ra liền gặp Phật pháp, nhớ gốc Bát-nhã của mình, tiếp tục tu hành chừng nào bằng Phật mới vừa lòng con.

Trong huynh đệ chúng ta ít ai phát nguyện như vậy. Người xưa có năng lực gì thúc bách các ngài phát nguyện như vậy? Thật ra không có gì lạ ngoài ý chí và sự quyết tâm của các ngài. Khẳng định chỉ một việc duy nhất là tu hành thành Phật, không nghĩ ngợi gì khác, không toan tính, không bị vọng tưởng kéo lôi, không dính mắc các duyên bên ngoài. Sở dĩ chúng ta lỉnh kỉnh lôi thôi là do nhân trước không sáng, mê lầm tạo nghiệp nên bây giờ phải trả quả như thế. Trả nợ thì phải hết sức hoan hỷ mới hết nợ được chứ! Trả xong rồi trở lại ngồi vững nơi trí Bát-nhã của mình, thừa sự tăng tiến Phật đạo cho đến khi viên mãn, quyết không có gì khác. Cho nên muốn trị vọng tưởng của mình, phải có sự kiên định quyết chí dũng mãnh mới được.

Suy tư phân biệt thật ra là một mớ vọng động bất thường. Bây giờ muốn đốn nó, đừng cho phát triển nữa thì phải kiên quyết mạnh mẽ, không cho tâm vướng vào sự phân biệt. Nói thế không phải chúng ta ngơ ngơ ngẩn ngẩn như cây như đá, ngược lại ta có cái biết hiện tiền, biết rõ mọi thứ không lầm lẫn vào nhau. Ví dụ ngồi đây, tôi thấy cái đồng hồ tôi biết, thấy lọ hoa tôi biết, thấy cái nào tôi biết rõ cái đó. Nhưng phân biệt lọ hoa đẹp, đồng hồ xấu… thì không được, phải chặt đứt ngay. Người tu cần có con dao trí tuệ thật bén để chặt đứt mọi tư tưởng lăng xăng, mới trở về vị trí bảo toàn cái biết ban đầu.

Chúng ta thử nghiệm xem gốc gác nào dẫn mình đi trong luân hồi sinh tử? Nhà Phật nói không ai cột trói ta cả, tất cả đều do mình tạo ra. Đã rơi vào đó thì khó thoát ra được, cứ sanh ra lớn lên rồi chết đi. Người sáng suốt thì đi lên, kẻ tối tăm bị rơi xuống. Nghiệm cho cùng vọng tưởng là gốc dẫn chúng ta đi trong luân hồi sinh tử, chứ không ai khác. Bao giờ chúng ta còn vọng tưởng thì chưa thoát khỏi luân hồi. Cho nên người tu Tịnh độ thì tin sâu hạnh thiết nguyện chuyên, phải có tinh thần hân yểm triệt để. Khi yểm ly triệt để thì không có niệm tạp, không có vọng tưởng. Còn vọng tưởng là còn thấy cái này thật của tôi, cái kia thật của tôi, cho đến thân này tâm này cũng thật của tôi. Tu theo bất kỳ pháp môn nào của Phật, không luận Thiền hay Tịnh, nếu dứt được niệm tưởng lăng xăng, chắc chắn thành công. Không thể vừa niệm Phật vừa tơ tưởng chuyện năm trên năm dưới, như vậy làm sao Phật rước mình được. Nếu Phật có rước, mấy ông thổ địa cũng không cho, bảo thầy này còn nhiều nợ nần ở đây lắm, không rước được, phải giải quyết cho hết hồ sơ nợ của thầy mới đi được.

Nhiều người nói tôi tu thiền không quan trọng hình thức, rồi sáng đi chợ chiều đi chơi, không ngồi thiền, không tụng kinh, không cần minh tâm kiến tánh gì hết, hạng người này nhất định đêm ba mươi sẽ đối diện với Diêm-la thôi. Dụng công tu thiền cần phải đắc lực, miên mật ngày đêm, không thể phóng túng buông lung. Tu đến bao giờ trí tuệ phát sanh, thấy được lẽ thật của các pháp, khả dĩ có chút phần tương ưng. Lẽ thực ở đây là gì? Là không lầm. Cái nào giả biết giả, cái nào thật biết thật, chứ không phải nhìn giả ra thật, nhìn thật ra giả. Như người đời thấy cái nhà đẹp, ráng làm ra tiền mua cho được cái nhà, tức là muốn ôm nó về mình. Từ việc nhỏ đến việc lớn, từ vật nhỏ đến vật lớn, hễ thấy thích cái gì là muốn có cái đó, mà quên cái thật của mình nên chôn vùi nó mất tiêu. Do vậy họ không phân biệt được cái nào thật cái nào giả. Phật nói chúng sinh điên đảo là thế.

Điên đảo là cái nhìn lộn ngược. Phật nói cái này không thật, chúng sinh nói thật nên gọi là điên đảo. Phật nói các pháp vô thường, chúng sinh nói thường. Phật bảo buông bỏ, chúng sinh cứ ôm giữ. Phật nói đừng tham đắm, chúng sinh cứ tham đắm. Tất cả những điều trái ngược như thế là điên đảo. Do đó chúng ta tu hoài vẫn không thành Phật. Hàng đệ tử xuất gia của Như Lai luôn biết bổn phận, nhiệm vụ của mình là trước nhất phải có trí tuệ. Dùng trí tuệ chân thật của mình để chặt đứt những tơ tưởng vọng động sai lầm. Chính những vọng tưởng đó dẫn mình đi trong luân hồi sinh tử từ vô thủy kiếp đến nay. Bây giờ cắt đứt chúng, quay trở lại mình, không chạy theo những chiếc bóng hư huyễn nữa. Người được như thế, các bậc tổ sư bảo là người bước lên thềm thang giải thoát, sống được lẽ thật của tất cả các pháp.

Phật nói chúng sinh bị vô minh dẫn trầm luân trong sinh tử là phải rồi. Giống như người đi trong đêm đen không có đèn, nhắm mắt mà đi, chắc chắn là rơi hầm lọt hố hoặc vướng vào bẫy rập thôi. Tình trạng của chúng ta là như vậy. Cho nên đã bước vào cuộc đời, nếu không gặp Phật pháp, không tỉnh giác, thì không nói hằng ngày hằng giờ mà là hằng phút hằng giây, chúng sinh tạo nghiệp nhiều vô kể. Cho nên kinh Phật nói chúng sinh nhất cử nhất động gì cũng tạo nghiệp, chiêu cảm quả báo không thôi dứt. Cho đến trong lúc ngủ cũng tạo nghiệp nữa. Quý vị có tin điều đó không? Như người đang ngủ say, mơ mơ nghe cái gì lăng xăng bên ngoài, cứ tưởng người ta vô nhà mình tấn công hay lấy của, liền nổi sân lên la hét, đập tay đập chân lung tung. Hình ảnh ngủ mê nói mớ là một bằng chứng cho thấy lúc ngủ chúng ta cũng tạo nghiệp. Huống là những lúc làm việc, tiếp cận, con người tạo nghiệp không biết bao nhiêu mà kể.

Như vậy mà vẫn chưa thức tỉnh, cứ muốn sống thật lâu để tạo nghiệp nhiều hơn nữa. Một điều mà người tu chúng ta nếu không khéo sẽ tự chuốc lấy họa. Đó là mình muốn trở thành ông thầy nổi danh, uy đức bằng trời, kiểu như Tề Thiên Đại Thánh vậy. Nếu gầy dựng được đạo tràng thì đạo tràng của mình phải đông đảo có tiếng v.v… Tóm lại lòng ham muốn, những dấy niệm loạn tưởng được núp dưới hình thức đạo pháp còn nguy hiểm gấp trăm ngàn lần loại vọng tưởng phi pháp. Đã khoác lên lớp áo vọng tưởng tốt đẹp cao thượng, ít khi nào chúng ta có cơ hội để tỉnh. Do đó mà thành mối nguy to. Bây giờ muốn ra khỏi mê lầm, vô minh điên đảo, bắt buộc chúng ta phải tỉnh. Tỉnh bằng mọi cách. Đó là việc làm chính yếu, là bổn phận của hàng xuất gia chúng ta.

Cơ hội chư Phật thị hiện ra nơi đời để chúng ta gặp gỡ rất quý hiếm. Hồi đó Phật ở Ấn-độ, khu vực ngài hóa đạo từ miền Bắc xuống miền Nam qua Trung Ấn. Ngài đi bộ, ngày xưa không có xe hơi như bây giờ. Mà nếu có xe hơi, không biết đức Phật có chịu đi không? Bởi lúc ấy ngài có thần thông, muốn bay đi đâu không được, nhưng đức Phật rất ít sử dụng thần thông và hạn chế các vị đệ tử đã chứng thánh sử dụng thần thông. Ngài và tất cả đệ tử đều đi bộ. Bây giờ chúng ta đi nước này sang nước khác bằng máy bay, quý vị thấy thần thông lực dụng của mình ghê gớm chưa? Bởi vậy sự tu học bây giờ, trong những điều kiện vật chất quá cao đã làm trở ngại việc phát huy năng lực trí tuệ bên trong của chúng ta. Nếu nói về vọng tưởng thì vọng tưởng của chúng ta nhiều hơn người xưa. Vì vọng tưởng nhiều nên trí tuệ ít, công đức ít. Đó là lý do tại sao chúng ta tu hoài không thành Phật. Loay hoay chẳng bao lâu, tu tập chưa được chi đã chết mất rồi.

Cái chết luôn rình rập con người, không thể trốn đi đâu được. Thời đại càng văn minh, con người càng chết bất ngờ, chết hàng loạt. Cho nên trong kinh Pháp Cú, Phật nói dù lên trời hay trốn dưới đất cũng không chạy khỏi thần chết. Ta thấy có người đang nói chuyện giòn tan đó, bị một cơn gió độc chụp vô chết ngủm. Thiên hạ tưởng đâu bác sĩ không bệnh không chết, nào ngờ nhiều vị đang khám bệnh, bỗng nhiên gục xuống tắt thở, nếu không tắt thở thì cũng bán thân bất toại. Đúng như lời Phật nói, mạng sống chỉ trong hơi thở, không ai chuẩn bị kịp. Vô thường rình rập chúng sinh bất cứ nơi nào, không chỉ bị trúng gió độc chết mà bao nhiêu tai nạn khác như động đất, sóng thần, dịch họa v.v… luôn luôn đe dọa mạng sống con người trong từng phút từng giây.

Năm nào vào Viên Chiếu, tôi nghe mấy Phật tử kể chuyện thân nhân của họ làm rẫy trong một vùng sâu. Đang nằm nghỉ trưa trong chòi, có con nhện lạ lắm, trên lưng nó mặt mày vằn vện thấy ghê sợ. Nó nhỏ tí tẹo ở trên thòng xuống, cắn một cái là vị đó chết liền, không kịp uống viên thuốc nào. Đó là lão tiền bối nào mình không biết, mà độc tố quá cỡ như vậy. Cho nên biết mạng sống chúng ta rất mong manh. Như vậy mình có nên vớ vẩn để ngày qua tháng lụn, việc tu học không đi tới đâu, vô thường đến trở tay không kịp, phải chuốc quả xấu thôi. Mong rằng tất cả chúng ta đều phải gắng gổ, tu học cho thật tốt để trước là tự cứu lấy đời mình, sau cứu độ chúng sinh.

Tóm lại, vọng tưởng là đầu mối dẫn chúng ta đi trong luân hồi sinh tử. Bây giờ muốn hết khổ sinh tử thì phải giải thoát. Muốn giải thoát phải điều phục được vọng tưởng. Muốn điều phục vọng tưởng phải thắp sáng ngọn đuốc trí tuệ của chính mình. Đức Phật thường dạy “Các ông hãy tự thắp đuốc lên mà đi. Thắp lên với chánh pháp”. Nhiệm vụ, bổn phận duy nhất của người tu chúng ta là phải phát huy trí tuệ bản hữu nơi chính mình. Nguồn trí năng ấy là vũ khí sắc bén nhất để phá tan giặc vọng tưởng phiền não. Đạo Phật là đạo của thực hành, không phải đạo của ngôn thuyết. Cho nên không cần phải nói dài dòng chi nữa. Tất cả chúng ta tự thân hành trì, tự thân thể nghiệm. Rồi sẽ khắc biết.

 

[ Quay lại ]