THỰC TẬP BUÔNG XẢ
- Chi tiết
- Được đăng ngày Thứ ba, 19 Tháng tám 2008 09:21
- Viết bởi nguyen
Chúng ta là tăng sĩ phải biết rõ trách nhiệm của mình. Trước tiên là trách nhiệm đối với việc tu hành của bản thân, kế nữa là trách nhiệm chung đối với tăng đoàn. Tự bản thân mỗi chúng ta có tu được hay không là việc phần mình, không ai có thể thay thế cả. Bao giờ chúng ta kiện toàn được những điều đó, tự nhiên Phật sự viên thành. Trái lại, dù chúng ta hoạt động cỡ nào, mà bản thân thiếu tu thì những thành tựu bên ngoài cũng không thể nào bổ sung được cái khiếm khuyết lớn ở bên trong nội tâm.
Nói thế để mỗi chúng ta nhìn lại, soi rọi tự thân, thấy rõ việc làm của mình, tự chịu trách nhiệm về công việc ấy, không hối tiếc hay thán oán ai cả. Thành công cũng do ta, thất bại cũng từ ta. Mỗi người tự nhận lấy hậu quả do nhân mình đã gây tạo. Muốn giác ngộ giải thoát thì phải buông xả viễn ly mọi thứ kiến chấp buộc ràng. Muốn chìm sâu trong trầm luân sinh tử thì mặc tình chạy theo ngũ dục thế gian. Chỉ vậy thôi.
Ở đây, chúng tôi xin được chia sẻ cùng chư tăng một vài phương pháp ứng dụng tu tập, hy vọng chúng ta cùng có những niềm vui nhất định trong việc thực tập pháp Phật.
1. Xả bỏ tham dục
Một khi xả bỏ được tham dục là chúng ta đã có công phu, bắt đầu làm chủ. Đây là vấn đề thứ nhất. Trong sinh hoạt hằng ngày, chúng ta liệu xem nhu cầu nào chính đáng thì dù tốn hao, mất thời gian, do những điều kiện nội ngoại tại tới đâu, nhất định chúng ta không thể lùi bước, không thể bỏ qua. Đó là sự quyết định dứt khoát mạnh mẽ của người lãnh đạo. Là vị trụ trì chịu trách nhiệm giữ gìn ngôi nhà chánh pháp, làm lợi ích chúng sinh, giữ gìn mạng mạch Phật pháp, thì việc làm nào dù nhỏ hay lớn, vì lợi ích chung của số đông, chúng ta phải thực hiện cho bằng được. Trái lại dù tốn hao ít, nhưng nhu cầu đó không chính đáng, không vì lợi ích chung của đại chúng, nhất định chúng ta bỏ qua. Như vậy mới đúng tư cách của một vị lãnh đạo, có trách nhiệm đối với Giáo hội, với tăng ni Phật tử.
Càng có trách nhiệm lớn, chúng ta càng phải sáng suốt hơn. Nếu thấy mình chưa đủ sáng suốt thì cần cầu học hỏi nơi các bậc thầy cao minh, thỉnh nguyện các ngài tham mưu hoặc cố vấn cho công việc của mình. Những vị có trách nhiệm trong Phật pháp nói chung, thì phải gác qua các nhu cầu cá nhân, chỉ thực hiện những gì nằm trong phạm vi của Phật pháp, lợi ích nhiều người, tuyệt đối không có riêng tư. Nếu có một chút riêng tư xen vào thì hỏng đi công việc của người trụ trì, hỏng đi việc tu hành của mình. Từ đó, chúng ta quen đà khinh lờn, làm những việc trái với nhiệm vụ của vị trụ trì hồi nào không hay.
Nói xả tham dục là phải buông được, phải khắc phục những nhu cầu riêng tư. Tham tức là ham muốn. Với người tu nếu ham muốn thì ham muốn học Phật pháp chân chánh, ham được thành Phật, ham giải thoát, ham làm lợi ích chúng sinh. Ngoài những điều này ra không được ham những thứ khác. Người tu không thể ham ăn ham ngủ, ham danh ham lợi, mà nên ôm ấp hoài bão lợi mình, lợi người viên mãn. Nếu có ham thì ham như thế. Tuy nhiên đến một lúc nào đó, khi công phu đã thuần thục, chúng ta sẽ không còn ham muốn gì nữa, dù là ham muốn chân chánh.
Phật dạy:
Người hổ thẹn vào đạo,
Ôm bát phước chúng sinh,
Tại sao theo trần dục,
Chìm lặng trong ngũ tình.
Nghe những lời Phật dạy ở đây, mỗi chúng ta tự chấn chỉnh lại mình. Điều đáng quý nơi một người tu là chấn chỉnh, khắc phục, thắng dừng được những sai trái của mình. Cái hay là như thế, chứ không phải cái hay là ai cũng hoàn bị hết. Làm sao hoàn bị nổi khi cuộc đời vốn là bất toàn. Đến như đức Thế Tôn mà còn có người không đồng ý, họ vẫn chửi ngài như thường. Khó lắm, nhân vô thập toàn. Ở đây, chỉ xin biết sai liền sửa, khắc phục, điều gì mình chưa làm được phải gắng làm cho được. Nghe ai hay hơn mình, ta liền tìm đến học hỏi kinh nghiệm, để bổ sung cho những khiếm khuyết của mình. Sở dĩ trong đạo có thầy tổ, có thiện hữu tri thức là để chúng ta thưa hỏi, học hiểu, bổ sung cho cái dở khuyết của mình. Người chịu học hỏi là người tốt. Lúc nào ta cũng sẵn sàng lắng nghe, tiếp thu và sửa đổi những sai dở của mình thì chính ta là người tốt rồi. Nên tin chắc như vậy.
Phật lại dạy:
Đã xả ngũ dục lạc,
Bỏ nó không luyến tiếc,
Vì sao lại muốn được,
Như người ăn đồ mửa.
Phật nói ngũ dục như đàm dãi, đã nhổ ra rồi mà ăn lại thì nhất định không ăn được. Thấy tận cùng căn để của nó, chúng ta không còn đắm luyến chạy theo nữa, do đó dễ dàng buông xả, yên lòng buông xả, không chút nuối tiếc. Như vậy mới là kiện tướng, là anh hùng, là người có trí tuệ. Tuy nhiên, nếu không tỉnh táo, có khi đàm dãi đã khạc ra ta vẫn muốn nhấm lại. Nghe thật ghê sợ, nhưng thế gian này đa phần là như thế. Đó là do trí lực quá yếu.
Người có công phu thiền định sẽ không bị các pháp kéo lôi, sai sử, là người buông bỏ được. Một khi trong tâm còn những tồn đọng ray rứt, bức xúc khó chịu là biết sự buông bỏ của chúng ta chưa dứt khoát. Buông bỏ chưa dứt khoát thì ngầm hiểu trí lực của mình chưa mạnh. Nhị Tổ Thần Quang đến cầu pháp với Sơ Tổ Bồ-đề-đạt-ma, đã đứng suốt đêm trong tuyết và sẵn sàng chặt bỏ một cánh tay làm phẩm vật cúng dường để cầu pháp. Trong đạo có những con người như vậy, cho nên mạng mạch chánh pháp không bị mất, không bị sai suyển theo thời gian. Đây là sự kiện, là bài học vàng ngọc quý giá đối với chúng ta. Kẻ cầu đạo không thuộc bài học này, thì con đường hành đạo còn xa vời lắm.
Sau khi chặt cánh tay dâng lên, Nhị Tổ thưa với Sơ Tổ giản dị lắm: “Bạch Thầy, tâm con chưa an, xin Thầy chỉ cho con pháp an tâm”. Sơ Tổ không bảo tụng kinh, ngồi thiền v.v... mà bảo: “Đem tâm ra ta an cho”. Thần Quang sửng sốt dừng lại. Dừng lại cái gì? Cái mà chúng ta đã từng lăng xăng điên đảo tơ tưởng mộng mơ từ bao đời kiếp tới nay. Chính cái đó lôi kéo, dẫn dắt, đẩy đưa chúng sinh trôi lăn trong sinh tử. Nó là dây mơ rễ má kéo lôi mình từ bao đời, bây giờ một phen dừng lại thì nó bặt dấu bặt tăm. Cho nên Nhị Tổ thưa: “Bạch thầy con tìm tâm không được”. Sơ Tổ bảo: “Ta đã an tâm cho ngươi rồi!” Ngay đó Thần Quang liền nhận ra yếu chỉ và được đổi hiệu là Huệ Khả. Chữ “Khả” nghĩa là khá, là được. Một bài pháp vô cùng đơn giản mà cũng vô cùng thâm thuý.
Trong kinh Pháp Cú, Phật có nói câu này: “Chiến thắng trăm ngàn quân địch chưa gọi là anh hùng, tự chiến thắng mình mới là người anh hùng hiển hách nhất”. Ở đây người tự chiến thắng mình là người biết thương mình, người thành tựu và ổn định mọi thứ cần thiết cho chính mình. Đó là người bất động, người chủ giữ ngôi nhà chánh pháp, làm lợi ích cho thiên nhân. Là hàng xuất gia, nhất định chúng ta phải noi theo gương hạnh của người xưa, học thuộc và ứng dụng những lời Phật tổ dạy. Có thế chúng ta mới vào được ngôi nhà Như Lai, là con cháu trong ngôi nhà ấy.
Họa các dục như thế,
Do đâu xả được nó,
Được vui sâu thiền định,
Liền không bị nó lừa.
Thực sự nếu chúng ta không tỉnh, không có nội tại vững thì thua. Đối với tất cả sự kiện, đối tượng bên ngoài, người thiếu bình tĩnh, thiếu sáng suốt nhất định sẽ bị động. Sức mạnh trong đạo không phải là cử nổi ngàn cân, mà là nội tại vững vàng, trí lực mạnh mẽ. Người không gan dạ sẽ bị ngũ dục nhận chìm, không vượt khỏi những mộng tưởng lăng xăng điên đảo của chính mình. Với người có công phu, vui sâu trong thiền định nên không còn tâm lăng xăng. Giống như người đã làm chủ hoàn toàn, thì khách khứa tới lui trong nhà không còn là vấn đề nữa, không có gì sai suyển làm mất đi quyền làm chủ của mình. Trái lại, nếu người không ngồi được ghế chủ nhân, cứ bị sai suyển bên này bên kia, thì đừng nói khách khứa nhiều, chừng một vài vị khách thôi cũng đủ làm họ điên đảo, bị kéo lôi, sai sử chuyện tào lao của thiên hạ.
2. Xả bỏ giận hờn
Với tư cách là một Thích tử Như Lai, chúng ta có được phép giận hờn không? Mà giận hờn cái gì? Bây giờ giả như cái tay này có da dẻ đẹp, ta cho nó là của mình. Nhưng nếu cắt rời ra, da thịt gân xương mỗi thứ để một nơi, bấy giờ nó đẹp ở chỗ nào, ai dám nói là tay của mình nữa? Quả thực, cuối cùng tìm cái của mình không thể được. Một mớ da bầy nhầy, một mớ mỡ, một mớ xương… hợp lại, hình thành ra dáng dấp này nọ coi còn được chút chút. Nhưng một khi nó rã ra, mỗi cái một nơi rồi hôi thối nữa thì cái gì là của mình, thích thú ở đâu ?
Chúng ta sáng suốt nhận thấu các pháp như thế, do các duyên thành hình, nên không đắm luyến cho nó là đẹp, là xấu, của mình, của người v.v… Mỗi pháp đều ở vị trí của nó. Cái tay không tự nói nó là cái tay của mình, cái nào ở chỗ nấy thì bình yên biết bao nhiêu. Sở dĩ có vấn đề là do có dấy khởi, tạp niệm không sáng suốt. Các pháp không thật mà mình cho nó là thật. Sự việc không đáng giận mà cho là đáng giận, không nên hờn dỗi mà lại hờn dỗi, làm che khuất trí tuệ sáng suốt của mình. Như thế thì biết mình đã thua.
Bây giờ lấy lại quyền tự chủ, lấy lại sự sáng suốt, đừng như thế nữa mới là người chiến thắng. Một khi thấy được như vậy, tự thầm nhớ rằng mình là vị Phật chiến thắng. Chiến thắng cái gì? Chiến thắng những lầm mê từ lâu đời. Chúng ta có chiến thắng mới dạy người sau chiến thắng, đó là trách nhiệm của hàng đệ tử xuất gia. Quý vị có đệ tử, nuôi dạy nó tu hành, học tập đạo lý thanh tịnh giải thoát, chứ đâu nuôi dạy việc gì khác. Cho nên thân giáo phải đi đầu, khẩu giáo theo sau mới có hiệu nghiệm.
Chúng ta dạy người buông bỏ, tỉnh táo, sáng suốt biết các pháp không thật, đừng lầm mê để nó dẫn dắt đi. Muốn như thế trước tiên mình phải có chủ lực, thực hiện cho được những điều mình đã nói, người sau mới khẩu phục tâm phục vâng làm theo. Có ai đi nghe lời những người nói một đàng làm một ngả đâu! Chúng ta nhớ khi mình đỏ mặt, nói những lời không tự chủ, con mắt trừng trợn lên v.v… là hiện tướng không lành, trái lại với uy nghi, đức hạnh của người tu hành. Chúng ta là tăng sĩ, mặc áo giải thoát của Phật, nhất định không thể hiện tướng bực tức, giận dữ. Chư Phật không bao giờ nhăn mặt, nghi dung từ ái lân mẫn đối với tất cả chúng sinh.
Nhiều Phật tử hỏi chúng con lạy Phật, thấy Phật hoan hỷ quá mà sao thấy quý thầy không hoan hỷ? Mình biết trả lời sao? Chúng ta thấy Phật hoan hỷ, nhưng trước Phật có các vị hộ pháp, mặt mày các ngài rất dữ dằn. Chẳng những gương mặt không hiền mà các ngài còn cầm vũ khí, gươm giáo nữa. Có vị le lưỡi ra toàn là lửa không, thân tướng thấy phát khiếp như ông Tiêu. Nhưng nghe nói ông Tiêu là Bồ-tát Quan Âm hóa hiện ra để trị những kẻ ngang ngược hung tàn. Bồ-tát hóa hiện ra thành những vị hộ pháp với các hạnh thiện ác khác nhau, nhưng cùng chung một mục đích là giúp Phật giáo hoá chúng sinh. Đức Phật là vị chủ bên trong luôn hiện hạnh từ bi, nhưng vẫn có chư Bồ-tát trợ giúp với những phương tiện khác nhau.
Tuy nhiên, nghiệm lại cho cùng thì câu “Nhất niệm sân tâm khởi, bách vạn chướng môn khai” vẫn là huấn thị rất quan trọng của đức Phật dành cho tất cả chúng ta. Một niệm tâm nóng giận nổi lên thì bao nhiêu cửa chướng ngại sẽ mở ra. Giống như một đốm lửa nhỏ thôi, nhưng nếu không dập tắt nó sẽ cháy lan và đốt hết tất cả rừng cây. Nguy hại vô cùng. Vì vậy tất cả chúng ta phải dè dặt, nhất là những vị trụ trì, những vị có trách nhiệm lớn. Khi nhiều việc, việc nọ cấn việc kia, một lúc hai ba việc bất an bất ổn dồn đến. Nó không gõ cửa, không chào hỏi gì mình hết, cứ sấn vô mình, do đó chúng ta dễ mất tỉnh giác, dễ nổi nóng. Đó là những lúc mình hiện tướng dữ dằn. Nếu sự bình tĩnh mất liên tục thì ta thua to rồi, sự thua lỗ này không biết dùng cái gì để bù lại. Chỉ có công phu tu hành, sự định tĩnh, sự sáng suốt mới có thể bù lỗ phần nào. Nếu chúng ta buông tay để cho nó tái hiện hoài thì thua luôn. Nguy hại là thế.
Trong nhiệm vụ, trong cư xử hằng ngày, đòi hỏi chúng ta phải tỉnh táo sáng suốt, có nội tại vững, có công huân làm chủ, đồng thời là người vì lợi ích chung, vì việc lớn, không vì việc riêng tư. Khi sắp đặt công việc, tôi thường khuyên đệ tử “Đây không phải là việc riêng của thầy, của trò, mà là việc chung. Bởi việc chung cho nên thầy ráng một chút, tụi con cũng ráng một chút.” Có sự thông cảm thì thầy trò mới vui. Ngược lại nếu để việc riêng chen vào thì sẽ không sắp xếp được chi cả.
Khi nóng giận dễ sinh phiền não. Cho nên mỗi khi phiền não dấy khởi chúng ta biết là do nóng giận của mình mà ra. Đừng bao giờ đổ thừa tại cái khác, mà phải thấy rõ tại mình bộp chộp, sôi nổi, chưa có niệm thân, chưa sống được với ông chủ nên xảy ra sự việc như thế. Biết vậy rồi, mình cố gắng phấn đấu, té chỗ nào thì ngay chỗ đó đứng lên, mạnh mẽ, vững vàng. Chúng ta nghiệm kỹ, Phật nói thân này không thật, người không thật, cảnh không thật, tâm cũng không thật nữa, lúc nào cũng soi thủng như thế, chúng ta mới ở vị trí ổn định để có thể rưới nước cam lồ cho chúng sinh nữa chứ.
Thành ra nuôi phiền não là nguy hiểm mà mình lúc nào cũng có phiền não. Chữ “não” là bị động. Chân thể không tròn đầy, cái chủ bên trong bị động, bị lấn ép, bị bức xúc. Hàng tăng sĩ mang chí cả của người con Phật, làm tròn nhiệm vụ của mình đối với nhân sinh, nhất định không nuôi dưỡng phiền não. Khi nó phát ra, chúng ta nhanh chóng phát hiện và loại trừ tức khắc, đừng để cho nó có một tác động nào hết. Điều này khó thực hiện chứ không phải dễ, nên chúng ta phải hết sức nỗ lực, hết sức cố gắng, không nên dễ duôi hoặc xem thường. Nên nhớ sân giận sẽ đưa chúng ta vào địa ngục nhanh như tên bắn.
Trong kinh, có một vị thiên tử hỏi đức Thế Tôn thế này:
Vật gì giết an lạc,
Vật gì giết vô ưu,
Vật gì gốc của độc,
Nuốt tiêu tất cả thiện.
Đức Phật trả lời:
Sân giết an lạc,
Sân giết vô ưu,
Sân là gốc của độc,
Sân diệt tất cả thiện.
Chúng ta muốn thành tựu sự nghiệp giác ngộ giải thoát, lợi ích chúng sinh thì phải phát huy và nuôi dưỡng trí tuệ và từ bi. Từ đó người ta mới quý kính chánh pháp và xoay về học hỏi nơi mình, ta mới làm nhiệm vụ hành Như Lai sứ, tác Như Lai sự. Trong công việc này, đòi hỏi chúng ta phải rất tế nhị, nếu thiếu tỉnh táo, thiếu nội tại, thiếu trí lực, nhất định chúng ta không thể làm tròn được.
3. Xả bỏ si mê
Chữ “si” là mờ tối, chữ “mê” là lầm. Si mê là lầm lẫn tăm tối, không biết gì. Người tu là người có trí tuệ, do đó những mầm gốc hình thành sự tăm tối chúng ta nhất định không học, không theo và không làm. Người tỉnh sáng thì không mê, không say đắm một pháp trần nào. Bây giờ chưa tỉnh hoàn toàn thì ta phải chỉnh đốn từng giai đoạn, làm sao cuối cùng hoàn toàn tỉnh, hoàn toàn sáng, không bị si mê điên đảo dẫn dắt, làm việc gì cũng đúng với chánh pháp.
Người si mê thường hay phóng túng, làm việc không tự chủ, nói năng và suy nghĩ không đúng với lẽ thật. Bởi vậy nên dễ gây tạo nghiệp nhân bất hảo. Đã gây tạo nghiệp nhân bất hảo rồi thì quả báo xấu sẽ đến, không chạy thoát đàng nào được. Cho nên người tu phải xả bỏ si mê. Muốn giác ngộ thì phải sáng suốt, muốn thành Phật phải có đầy đủ trí tuệ. Chúng ta xả bỏ được ba thứ tham sân si là thành tựu cuộc đời tu hành của mình, đồng thời cũng làm tròn nhiệm vụ hoằng pháp lợi sinh, giữ gìn mạng mạch Như Lai.
Nói xả bỏ nghe dễ nhưng thực hành không phải dễ, không phải một ngày một bữa có thể hoàn chỉnh được. Nhờ biết xấu hổ tức là tàm quý nên dần dần ta chỉnh đốn mình. Tổ Ấn Quang tự đặt cho ngài hiệu Thường Tàm Quý Tăng. Chúng ta học thánh giáo theo tư tưởng đại thừa, biết rõ tinh thần tàm quý là tinh thần tu tiến. Nếu bỏ quên tinh thần tàm quý thì việc tu không tiến được. Nhờ biết hổ thẹn, biết khắc phục, những gì dở ta biết dở bỏ đi, nhất định sẽ thành công. Hành giả nên biết những món che đậy là nhân duyên làm chướng đạo, vì vậy mình phải buông bỏ nó. Cố gắng làm chủ mình liên tục, không phải bữa nay hoàn chỉnh ngày mai không hoàn chỉnh, bữa nay làm chủ được ngày mai không làm chủ được.
Ngài Thuỷ Am nói: Nói cảm động tới người cốt ở chỗ chân thật và thiết đáng. Nói không chân thật và thiết đáng thì sự cảm động hẳn ít, vì ai mà người hoài mộ. Xưa kia Bạch Vân Sư tổ đưa Sư ông đi trụ trì chùa Tứ Diện, ngài đinh ninh dặn dò: “Tổ đạo suy tàn, nguy như xếp trứng, ông đừng nên để tâm phóng túng, sơ sót đạo nghiệp, phóng dật hành vi, uổng phí thời giờ và làm bại hoại trí đức. Ông nên có độ lượng khoan dung làm lợi cho người, giữ gìn tăng chúng. Ông nắm giữ và làm được những việc ấy là báo ơn Phật tổ đấy”. Đương thời ai nghe thấy cử chỉ của ngài cũng đều cảm động.
Tổ dặn dò chúng ta đừng buông lung, cần phải đắc lực, cố gắng tu hành. Phật pháp rất cần người có trách nhiệm, có đạo đức, có trí tuệ để gìn giữ và giáo hóa chúng sinh. Chúng ta có thực hiện được những điều ấy mới mong báo ân Phật tổ. Lời dặn dò trước nhất người tu phải nghĩ chân thật, nói chân thật, làm việc chân thật. Người xưa dạy những điều thông thường trong uy nghi, cử chỉ, lời nói, việc làm và sự tiếp cận hằng ngày của chúng ta, mỗi mỗi đều phải chân thật.
Kế nữa là ngôi nhà chánh pháp rất cần những người có đạo đức, có nội tại vững và chí nguyện kiên cố để làm lợi ích chúng sinh. Tổ nói: các ông đừng để thời gian thuận lợi qua mất. Bởi vì thời gian qua không thể nào tìm lại, do đó có câu Nhất thốn quang âm nhất thốn câm (kim), tức tấc bóng là tấc vàng. Tấc vàng có thể tìm được, nhưng tấc bóng mất rồi không thể tìm được. Thốn câm nan mại thốn quang âm, nghĩa là tấc vàng không mua được tấc bóng. Đối với chúng ta, tất cả việc gì vì lợi ích chung thì cố gắng làm, không nên hẹn. Làm sao hẹn được khi sự đổi thay vô thường chi phối quá nhanh chóng. Chúng ta thường nghe nói Dép dưới giường lên giường vội biệt, Sống ngày nay dễ biết ngày mai! Vì vậy việc gì có thể làm được cho đạo chúng ta cố gắng làm, tuỳ khả năng, tuỳ phúc duyên, tuỳ hoàn cảnh, không nên hẹn, không nên đổ thừa cho ai. Có thế mới gọi là người biết đền ơn Phật tổ.
Ngài Thuỷ Am nói với ngài Thanh Đầu Tử: Ông từ trước tới nay được nhà vua triệu vào cung đình hỏi đạo, thực là sự may mắn cho pháp môn. Nhưng ông luôn luôn nhún mình xuống, tôn đạo lên, lấy sự lợi ích và cứu giúp người làm tâm niệm mình và không nên cậy mình khoe khoang. Ông nên theo các bậc tiên triết trên mình, nhún nhường kính sợ, bảo thân toàn đức, đừng cho thế vị là vinh thì mới có thể được tiếng vang trong sạch một thời và danh thơm muôn thuở. Tôi sợ đời tôi bóng sáng không còn dài, không còn gặp mặt được nữa, nên tôi đem những lời này tha thiết dặn dò ông, ông nên cố gắng.
Đây là lời một vị thầy dặn dò đệ tử. Người này có duyên được nhà vua mến trọng, nên mời vào trong cung nhiều lần để thưa hỏi Phật pháp. Thầy dặn đệ tử có duyên vào chỗ đó, cố gắng giữ đạo hạnh, làm sao nêu được yếu chỉ Phật pháp, hoằng pháp lợi sinh. Các đức cần phải biết là không nên khoe khoang, không nên thấy đó là vinh dự gì hết, nên hạ mình vì lợi ích chung. Đó là những lời dạy của một bậc thầy.
Trong cuộc đời tu hành của chúng ta cũng vậy, chưa có vị thầy nào dạy mình làm điều sai trái. Nhưng thỉnh thoảng có những việc sai trái, chúng ta phải nhận trách nhiệm này của chúng ta. Sở dĩ như thế là vì mình sa sút, chưa tỉnh táo, nhận định sai lầm về chánh pháp. Thật sự các vị đi trước, các bậc tôn túc, các bậc thiện hữu tri thức chưa hề dạy chúng ta làm điều sai trái. Cho nên ta không được đổ thừa tại ai hết, mà phải biết tại mình. Ví dụ quý thầy đến một ngôi chùa nào đó nhận chức trụ trì, sau đó làm những việc sai trái thì không được đổ thừa tại làng nước, tại chùa, tại bổn đạo, tại thầy tôi… không đổ thừa như thế được. Mà tại ai? Tại tôi. Tại tôi chưa sáng, chưa đầy đủ phúc đức, chưa đủ duyên… Vì vậy người xưa đã dặn dò nghiêm minh như thế, chúng ta cố gắng ghi nhớ và thực hành đúng như vậy.
Một đức tính đáng quý là chúng ta cố gắng lắng nghe, tiếp thu và thực hiện. Thực hiện cho đầy đủ, chân thành, đúng với sự chỉ giáo của người xưa, vì sự lợi lạc chung, vì giữ gìn ngôi nhà chánh pháp. Giữ gìn ngôi nhà chánh pháp cũng giống như xếp trứng vậy. Nghĩa là sao? Những cái trứng xếp chồng lên rất dễ đổ bể. Trách nhiệm tu học và hoằng hóa của mình quan trọng và khó khăn như thế, phải gìn giữ cho trọn vẹn. Gầy dựng công đức thế nào cho sạch thơm mãi trong đời. Không nên đến đâu một thời gian, người ta phải rải muối gạo mời mình đi. Nơi nào chúng ta có mặt, ở đó tới hết duyên thì đi, nhưng để lại những thành quả tốt đẹp, cái đức của tùng lâm đúng với tinh thần thanh tịnh giải thoát của đạo Phật. Đó là những điều người xưa luôn luôn đinh ninh nhắc nhở chúng ta.
Một khi hơi thở sắp ngặt, thân tứ đại này muốn tan rã, quý vị kêu đệ tử lại nói: “Mấy mươi năm qua, tất cả những việc gì có thể làm được thầy đã làm. Bây giờ trời trong trăng sáng, thầy quảy gói đi”. Nói xong thở khì, giã từ ngon lành. Đừng để đệ tử đệ tôn khóc lóc, kêu réo, đi không được. Làm sao giữ phong thái của mình an nhiên tự tại. Thật ra sự tỉnh táo sau cùng này khó lắm. Cả đời chúng ta chạy lăng xăng, quên mất việc chính của mình, cho đến phút cuối cùng ta chưa chuẩn bị gì cho bản thân. Đã không lo được cho mình mà nói chuyện dìu dẫn, lợi ích cho người thì thật phiêu lưu quá. Cho nên phải thương mình, chuẩn bị cho mình. Một khi đã chuẩn bị sẵn sàng, biết việc làm của mình đã xong, bây giờ an ổn ra đi. Đi đâu? Nơi nào Phật pháp cần, chúng sinh cần thì mình đến. Không phải chúng ta đã phát nguyện trước đức Như Lai, trước Tam bảo: “Nơi nào chúng sinh cần, con đến” đó sao? Nhưng muốn thực hiện được điều nguyện này, trước phải làm cho xong việc của mình cái đã.
Một điểm cần thiết nữa của người tu là chúng ta phải thường xuyên xét nghiệm. Để chi? Để giữ vững cho tổ chức, sinh hoạt, việc làm của mình trang nghiêm thanh tịnh, chứ xô bồ xô bộn, làm sao tu hành tốt được.
Ngài Giản Đường nói: Thường tình con người ít ai không có lầm lỡ. Đại để có những sự lầm lỡ như bị che lấp bởi cả tin, bị ngăn trở bởi ngờ vực, bị sơ sót bởi khinh khi và bị đắm đuối bởi quá ham. Tin đã thiên lệch thì nghe lời nói của họ không cần xét đến sự thực, nên có những lời nói quá đáng. Ngờ vực đã nhiều thì tuy thực nhưng cũng chẳng cần nghe họ nói, nên có sự nghe trái với sự thật. Đã khinh khi người thì bỏ sót mất những việc đáng trọng. Quá ham vào việc gì thì vẫn cố giữ những con người thực đáng bỏ. Những việc trên đều là do sự cẩu thả phóng túng theo lòng riêng mình mà không xét đến đạo lý, do đó đạo của Phật tổ bị quên, tâm đối với tùng lâm bị mất. Vậy ta cần nhớ rằng cái khinh của thường tình là cái trọng của thánh hiền. Cổ đức nói: Mưu xa phải nghiệm trước sự gần, việc lớn phải cẩn thận chỗ vi tế. Phàm sự việc lượm lặt nhiều nhưng phải xét chọn ở trong đó mà dùng và không phải ở chỗ chuộng cao, ham lạ vậy.
Ở đây có những điều mà chúng ta phải lưu ý. Thường tình con người ai không có những lầm lỡ? Đại để có những sự lầm lỡ như bị che lấp bởi cả tin. Nếu chúng ta tin bừa thì sẽ vi phạm vào mê tín dị đoan. Bởi cả tin, tin mà không biết, tin mà không nắm vững được các sự kiện, vấn đề, thành ra tin sai lầm. Chúng ta cả tin vào một người nào thì bị nghiêng lệch về người đó. Đã cả tin thì không có xét nghiệm chi hết, nên có những sai dở xảy ra đằng sau việc cả tin của mình mà ta không hay. Đức Phật đã nói với đệ tử, các ngươi nên hiểu ta trước khi tin, chưa hiểu mà tin là mê tín.
Trong cư xử hằng ngày, chúng ta phải sáng suốt và đừng cả tin vào bất cứ việc gì, người nào, luôn luôn phải có sự soát xét. Ở đây nói: Tin đã lệch thì nghe lời nói của họ không cần xét đến sự thực, nên có những điều quá đáng. Cả tin cũng nguy, mà ngờ vực cũng nguy. Trong chuyện cổ, ông mất búa thấy ai đi ngang nhà cũng nghĩ người ấy lấy búa của ông hết. Bởi vì nghi mà ra. Ở đây không cho phép chúng ta như thế. Việc gì cũng phải có sự xác thực, cho nên đòi hỏi chúng ta phải có trí tuệ.
Đã khinh khi người thì bỏ sót mất những việc đáng trọng. Quá ham vào việc gì thì vẫn cố giữ những con người thực đáng bỏ. Ví dụ có người biết mình thích những thứ đó, họ mang tới. Trong trường hợp này ta phải biết dừng, biết giới hạn, đừng vì sự ham thích riêng tư mà che khuất trí tuệ, chấp nhận những điều không hay của người kia. Mỗi chúng ta phải tự răn, tự nhắc lòng tham, sống thiểu dục tri túc, không nên quá đà. Quá đà thành buông lung, làm hỏng đi ngôi nhà chánh pháp.
Người xuất gia có nhiệm vụ hướng dẫn hàng hậu học, sự hướng dẫn này không giống như ngoài thế gian. Hướng dẫn cho người ta tu được thanh tịnh giải thoát, cho nên mình phải gạn lọc bản thân trước, biết khiêm nhường và biết đủ. Tinh thần biết đủ trong đạo rất cần thiết. Từ việc ăn mặc, ngủ nghỉ đều biết đủ, không cho quá nhiều sẽ dẫn tới buông lung. Tóm lại, người tu phải tàm quý. Đó là điều chúng ta cần xét nghiệm.
Mưu xa phải nghiệm trước sự gần, việc lớn phải cẩn thận chỗ vi tế. Lúc nào chúng ta cũng nghiêm túc, tỉnh táo sáng suốt trong tất cả sinh hoạt, thì những sơ suất, trái với đạo lý sẽ giảm bớt. Phải biết khiêm tốn và dừng thắng được những gì không cần thiết. Như vậy đạo lực, trí tuệ cũng như khả năng làm Phật sự sẽ lớn, sẽ tốt hơn.
Điểm cuối cùng chúng tôi nêu lên đây là vấn đề an định. Chữ “an” là yên, chữ “định” là dừng lại.
Có lời dạy thế này:
Trụ trì không cần điều gì khác, chỉ cần xét kỹ tình người, biết suốt trên dưới mà thôi. Tình người được xét kỹ thì trong ngoài hòa, tình trên dưới thông thì trăm sự được điều lý, đó là sự an định của trụ trì. Tình người không xét kỹ, tình trên dưới không thông, tức là trên dưới trái ngược nhau, thì trăm sự mâu thuẫn, đó là sự phế huỷ của trụ trì.
Nói sự an định thì trước nhất nói đến việc xét kỹ về tình lý trong tiếp cận cuộc sống. Trong cuộc sống có hai mặt tình và lý. Chúng ta khéo dung hòa hai mặt này, không thể nặng về tình cũng không hoàn toàn cứng ngắt về lý. Tình lý phải đầy đủ. Biết dung hòa như thế thì việc dùng người, cư xử tiếp nhân độ chúng mới tốt đẹp. Điều này đòi hỏi chúng ta phải có đức độ, khiêm nhường, có một sự an định nhất định, luôn bình thản trước mọi sự kiện chung quanh. Người như thế mới xứng đáng giữ gìn ngôi nhà chánh pháp của đức Như Lai.
Nói an định nghe thật giản dị, nhưng an định được hay không là tự mỗi chúng ta. Ví dụ như xử kiện giữa hai người đệ tử, chúng ta không nên để thành kiến riêng tư chi phối, phải lắng nghe, dùng trí tuệ gạn lọc sự việc hợp đạo lý để mà giải quyết. Có thế không làm mất đi tình thầy trò, mất đạo lý, mất tư cách của mình trong Phật pháp. Người làm thầy phải có từ bi, đạo đức, trí tuệ. Khó lắm!
Có vị Hòa thượng đó đệ tử đông lắm, trong số ấy có một chú nhỏ quậy nhất. Nào là đánh nhau, ăn cắp, trốn học, trốn tu… Mấy sư huynh lớn trình Hòa thượng xin đuổi đi. Cứ mỗi lần như thế ngài ậm ừ rồi thôi, không xử gì hết. Lần đó các vị lớn thưa: “Bạch thầy, lần này nếu thầy không trị nó thì tụi con đi hết.” Thầy họp chúng lại nói: “Tốt lắm, quý vị lớn rồi biết rõ tốt xấu, ở đây cũng được, đi nơi khác cũng được. Còn thằng nhỏ này nếu thầy không nuôi nó thì ai chứa nó? Quý vị đi thì đi, để nó ở đây thầy dạy nó.” Các vị chức sự nghe thầy nói thế ai cũng khóc, chính chú nhỏ quậy cũng khóc luôn. Sau đó chú đảnh lễ sám hối thầy, sám hối mấy sư huynh, hứa từ đây về sau cải hóa, không dám như thế nữa. Quả thật là một cách giáo hóa đặc biệt.
Thảng hoặc người làm chủ tự thị tư chất thông minh, hay chấp thiên kiến cho mình là người thông suốt tình người, bỏ công nghị mà trọng quyền mình, huỷ công luận mà làm ơn riêng, khiến cho con đường tiến thiện bị hẹp dần, đạo lãnh chúng càng nhỏ bé, huỷ bỏ điều chưa thấy chưa nghe, lại an tâm vào chỗ đã tập, đã bị che lấp. Như thế muốn cho đạo trụ trì truyền bá xa rộng, khác gì người đi giật lùi lại muốn tiến về phía trước thì không thể được.
Những vị có trách nhiệm đối với tông môn, đối với Phật pháp mà tự ỷ vào tư chất thông minh của mình, chấp vào thiên kiến cho mình là người thông suốt, bỏ cái chung, cái công nghị mà trọng quyền mình, huỷ công luận làm ơn riêng, khiến cho đường tiến triển tốt bị hẹp dần và đạo lãnh chúng nhỏ bé, huỷ bỏ điều chưa thấy chưa nghe v.v... Người xưa cho thuốc để chúng ta ngừa bệnh. Biết qua những món thuốc này để chúng ta dùng nếu có bệnh. Vị nào chưa có bệnh thì để dành, mai mốt có bệnh lấy ra uống.
Cuối lời chúng tôi xin hướng về mười phương Tam bảo, cầu chúc cho toàn thể chúng ta lúc nào cũng tỉnh táo sáng suốt, đầy đủ phần nội tại, để thực hiện được nguyện lành của mình là tu hành viên mãn và làm tròn nhiệm vụ hành Như Lai sứ, tác Như Lai sự của người con Phật.