TU TỪNG GIAI ĐOẠN
- Chi tiết
- Được đăng ngày Thứ hai, 08 Tháng chín 2008 10:09
- Viết bởi nguyen
Trong việc học tập Phật pháp, ngoài học giáo lý của đức Phật và chư tổ sư dạy ra, còn có một việc học nữa cũng không kém phần quan trọng. Đó là học kinh nghiệm tu hành của những vị thầy đi trước chúng ta.
Nhìn lại trong lịch sử nhà Phật, từ xưa đến nay các vị cổ đức thành tựu được đạo nghiệp đều do sức phấn đấu dũng mãnh của các ngài. Vậy nội dung phấn đấu ấy là gì mà giúp các ngài có được công phu như thế? Trước tiên theo kinh nghiệm khiêm tốn của riêng chúng tôi, đó là sự quyết tâm. Nếu không có quyết tâm coi như ta thua. Bị thua mà mình không hay, thua một cách hết sức nhẹ nhàng dễ chịu, thua mãi thôi.
Ví dụ hôm nào chúng ta ho, bây giờ làm sao ho thì ho, ngồi thiền thì ngồi thiền, không bỏ thời khoá. Vừa ho vừa tu cũng được, có sao đâu. Đừng để sau hai ba tràng ho liên tiếp, có một luận sư bào chữa bữa nay ho nhiều, ngồi thiền chắc không nổi đâu. Câu đó khởi lên rồi tự nhiên mình nhủn chí, dù đang ngồi cũng muốn nằm xuống. Nằm xuống nghỉ ngơi thoải mái, ho bao nhiêu cũng thấy khoẻ. Đây là một thất bại mà tôi gọi là dịu dàng, dễ chịu.
Chúng ta cho rằng nằm yên khỏe, không phải giữ công phu tu hành mất tự do. Nội một điểm hết sức nhỏ như vậy thôi là đã bị thân năm ấm dối gạt rồi. Bởi vì nói nằm yên, nói khoẻ nhưng thật ra có nằm yên được đâu. Khi toàn thể đại chúng thức dậy hết, ai cũng lên bồ đoàn, kệ hô thiền giục giã, tiếng đại hồng chung sâu lắng, khơi động cho mình tỉnh, bỏ tất cả những thói quen, những bệnh tật lại hết, sấn bước tu hành. Bao nhiêu sự kiện như vậy, nên dù con mắt có muốn nhắm lại cũng khó mà yên. Nếu ngủ thì cũng chỉ là giấc ngủ chiêm bao, không yên ổn, không thanh tịnh chút nào. Sáng ra nhìn thấy huynh đệ, trong lòng cảm thấy hổ thẹn bất an. Từ sự đầu hàng dịu dàng đó dẫn đến tai họa như vậy.
Cho nên người tu phải phấn đấu để tiêu trừ những nghiệp nhân bất hảo, tăm tối ẩn tàng trong lòng mình. Vừa nghĩ giờ này mình ngủ, thì liền tỉnh lại biết rằng phải thức để tu. Chúng ta cần tranh thủ, khắc phục từng đoạn như vậy mới giữ được công phu. Giờ này muốn buông lơi, nghe hồi chuông giục giã, có chư vị thiện hữu tri thức hộ trì dìu dẫn mình cùng bước lên điện Phật, cùng phát huy sự tỉnh táo sáng suốt, để không bị vọng tưởng lăng xăng điên đảo lôi đi, ta liền chấn chỉnh nghiêm túc trở lại. Hãy nhìn vào những tật xấu, vào tâm buông lung mà đốn thẳng, ngay đó tiến lên, mới thật sự là người biết phấn đấu.
Buồn ngủ thì phấn đấu với buồn ngủ, tham ăn thì phấn đấu với tham ăn, phóng túng thì phấn đấu với phóng túng. Mỗi lúc gặp phải cám dỗ của bọn giặc ấy ta tự răn nhắc mình giờ này là giờ tu, phải giữ nề nếp, đi đúng theo thanh quy, theo sinh hoạt tu tập chung của đại chúng, như vậy mới tu được. Nếu người có vẻ dễ dãi, thuận theo gã luật sư khoác lác hay bào chữa bên trong, có lẽ muôn đời chúng ta tu không tới đâu hết. Những nghiệp tập, những thói quen nho nhỏ, cũ rích thôi mà nó trói buộc, đóng cứng mình lại, không cục kịch nhúc nhích gì được. Ví dụ chỉ một thói quen nhỏ xíu của ngày xưa thôi, như mỗi sáng ta chờ mẹ hay chị đi chợ về mua cho một gói chè. Lúc 12, 13 tuổi mình thường ăn như vậy, tới hai mươi mấy tuổi có dịp nhớ lại chuyện đó. Cho đến bốn năm mươi tuổi, gặp cơ hội cũng nhớ chuyện đó. Đâu phải nhớ như vậy thôi, còn rất nhiều chuyện khác, cứ làm mình nhớ hoài, gọi chung là những kỷ niệm dễ thương trong cuộc đời, nên mặc sức mà nhớ. Càng gặp nhiều hụt hẫng chừng nào, chúng ta càng đậm thêm những nỗi nhớ, những vọng động lao xao. Từ đó lao lự với vọng tưởng mãi, không có cách gì tháo gỡ.
Hành giả tu thiền còn một chút vọng động cũng chưa làm chủ được. Khi sắp lâm chung, chính những vọng động ấy kéo đi. Thành thử bình nhật không áp dụng lời Phật dạy vào đời sống tu hành, khi vô thường chợt đến trở tay không kịp. Mỗi ngày tụng kinh Bát-nhã, Phật dạy chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ nhất thiết khổ ách, chúng ta tụng một trăm một ngàn lần độ khổ ách, mà khổ ách vẫn còn nguyên. Ta vẫn bị xúc động, vẫn trăn trở lo lắng về đời sống này nên biết tâm không bao giờ an. Người bất động thì không như thế. Người bất động quăng ném ở đâu người ta cũng bất động. Ngay khi mình khuyên người khác đừng bị động mà chính mình lại đang bị động. Hoặc mình tự nhắc ráng đừng bị động là biết đã động rồi, cho nên mới phải ráng, chứ nếu không động thì ráng làm gì.
Người bất động luôn tự tại đối với các pháp. Chúng ta hiện giờ đối với pháp nào cũng chưa tự tại hết. Ví dụ nghe thầy đau, mình cũng buồn, nghe huynh đệ vừa mất cũng buồn. Chuyện một chút thôi đã lo đã buồn. Những cái lo buồn ấy lấn dần làm tâm ta bất an, ăn không ngon, ngủ không yên, sinh ra nhiều thứ bệnh tật. Có một Phật tử kể cho chúng tôi nghe: “Con có thằng con đi học bên Canada, năm nay nó sắp đỗ kỹ sư, ra trường làm nhiều tiền lắm. Nhưng kỳ rồi con sang thăm thấy nó gầy quá, không biết có bệnh gì không, có theo nổi bằng kỹ sư hay bỏ giữa chừng? Từ khi thăm nó trở về, con cứ nhớ cứ nghĩ tới cái tướng gầy của nó mà lo mà buồn. Bây giờ mua vé máy bay đi thì chưa được, nhưng nếu có ông thần ông thánh nào bốc đi là con đi liền thôi.” Để làm gì? Qua bên đó coi nó ra sao, có bệnh gì không, học nổi nữa không v.v… đủ thứ chuyện. Trong cuộc đời này, không phải chỉ một việc như vậy, còn trăm ngàn thứ khác nữa. Một việc quý vị đã không hóa giải được thì những việc khác nó sẽ lôi dẫn quý vị tới đâu nữa? Do vậy đề nghị chư huynh đệ soát xét cho thật kỹ, xem tinh thần phấn đấu và sự tu tập của chúng ta như thế nào.
Chúng ta học Phật biết rất rõ cái gì có đây đều sẽ mất, chứ đâu tồn tại hoài được. Nếu cái này tồn tại mãi thì cái khác không có chỗ chen vô. Sự vô thường sinh trưởng luôn tiếp diễn như vậy. Ông bà qua đời để con cháu tiếp nối, mình biết như vậy nhưng khi nó tan hoại, mất đi mình không yên. Từ đó chúng ta mới thấy sự si mê của mình sâu dầy quá đỗi. Chính vì si mê như vậy mà mình không hóa giải được vọng tưởng, nghiệp thức dẫn đi trong luân hồi sinh tử. Nói gì thì nói, chứ việc ăn mặc ngủ nghỉ, bà con giòng họ, danh lợi quyền lực… đã là nhà tù vây hãm cuộc đời mình, khó bề thoát ra. Cho nên con đường phía trước là quỷ sứ tròng cổ, hoặc bị cưa bị xẻ, bị rớt trong chỗ hầm sâu hiểm độc. Như thế mà vẫn chưa làm cho chúng sinh hoảng sợ mới là lạ chứ!
Bây giờ phải hóa giải, phải làm chủ được những thứ ấy chúng ta mới yên. Người tu có an việc tu mới tiến, nếu bất an thì tu không tiến, sắp đặt việc gì cũng không đúng. Tu là tháo gỡ mọi thứ lỉnh kỉnh ràng buộc chung quanh chúng ta. Tu thiền là chỉ thẳng. Chỉ thẳng cái gì? Chỉ thẳng các pháp đều không thật, đều không nên để nó trói buộc. Chiếu kiến ngũ uẩn giai không để thoát khỏi mọi khổ ách. Cuộc đời này đâu có cái gì như ý mình. Dù có tiền sắm được một chiếc xe đặc biệt, có đủ hệ thống bảo vệ sinh mạng quý vị, nhưng chiếc xe nó không tự bảo vệ được nó thì làm sao bảo vệ được quý vị. Đây là bài học cho chúng ta thức tỉnh. Giữa cuộc đời đầy bất an bất ổn mà mình muốn an ổn thì phải tu thôi, không có cách nào khác.
Tu thiền là thẳng nơi các pháp mà nhận chỗ hiện bày chân thật. Nếu thiền sinh nhận ra pháp tu thẳng tắt giản dị như vậy thì không bao giờ xảy ra lầm lỗi. Thật ra trong mỗi chúng ta, tập khí xấu ác nhiều lắm, nếu không có sức tỉnh giác cao, chúng ta bị nó sai sử mà không hay, nói gì đến chuyện chuyển hoá được nó. Ví dụ mình không có giới luật đối trị bệnh tham ăn, ngồi vào mâm bốn vị, nhất định không khi nào mình ăn thức ăn dở, để dành thức ăn ngon cho huynh đệ. Ngược lại, ta sẽ lựa thức ăn ngon gắp hết, chừa lại thức ăn dở cho các vị kia. Hoặc khi anh em gắp hơi nặng đũa mình thấy kỳ, lão này sao mà tham ăn, trong lòng sinh bực bội. Từ những việc hết sức nhỏ như vậy, nếu không có sức tỉnh sẽ không phát hiện được, vô vàn những thứ như thế xảy ra chung quanh đời sống chúng ta. Người nào đủ lực chủ động mới trị được nó, nếu yếu một chút sẽ không trị được đâu. Thành ra ta thành kẻ chiến bại, đầu hàng giặc một cách êm dịu mà không hay.
Người xưa nói đó là tập khí, cũng gọi thói quen, chủng tử nghiệp nhiều đời. Hơi hướm này rất đặc biệt, nghiệp của từng vị không ai giống ai. Như chúng ta bị cấm hút thuốc nên nghe mùi thuốc không phân biệt được loại thuốc gì, chỉ biết chung chung đó là mùi thuốc lá. Với người chuyên hút thuốc, nghe thoảng qua liền biết thuốc gì, của Anh, của Mỹ, của Trung Quốc hay của Việt Nam. Tập nghiệp thông minh bén nhạy như thế, chúng ta tu lơ mơ làm sao thắng nổi nó. Phật tử kể có cô bán sạp vải rất lớn, việc làm ăn hết sức thịnh. Nhưng cô ta không biết một chữ, chỉ tính rợ thôi mà chưa bao giờ xê xích một chút. Ngộ! Một khi đã thành thói quen thì tác nghiệp tự động như thế, ý thức cũng không kiểm soát kịp. Điều này duyệt kinh sách hằng tuần tôi biết, có khi mình định sửa chữ này mà viết ra chữ kia, cho nên viết xong phải coi lại đúng hay không. Thói quen hay nghiệp ngầm ẩn bên trong có sức mạnh lớn lao lắm, không nên xem thường. Chính vì vậy chúng ta tu khó.
Phương pháp uốn nắn tu sửa nghiệp cũ tuy có nhưng vẫn yếu hơn nghiệp tập vốn đã được gieo trồng từ bao đời. Ví dụ như thói quen ham ăn ham ngủ mình làm nhiều lần rồi thành quen. Bây giờ sửa lại cứ gặp phải cái hơi hướm cũ gây trở ngại, do vậy phải tu từng phần từng đoạn. Như nói chiếu kiến ngũ uẩn giai không, đó là nói trên miệng chứ thực ra trong công phu đi từng phần từng đoạn, nhích từng li từng tí. Chúng ta phải thực sự tỉnh sáng, kiên quyết mới nhận ra được, sống được với sự nhận hiểu của mình, chứ nói khơi khơi thì không bao giờ chiếu kiến ngũ uẩn giai không. Không chiếu kiến ngũ uẩn giai không thì khổ hoài thôi, chứ không có chuyện vượt qua hết thảy khổ ách đâu.
Với tinh thần nhà thiền, hành giả dùng trí tuệ của mình chiếu kiến ngũ uẩn, nếu ta không chủ động, không kiên quyết thì không chiếu kiến được cái gì cả. Chư huynh đệ phải lưu ý điều này để có sự thực hành liên tục, không thể nói tu buổi sáng hay buổi chiều, mà lúc nào cũng tu, cũng quán chiếu. Như tật lười biếng, không phải ta chỉ lười biếng buổi sáng thôi, mà vừa ăn no bụng là lười biếng. Buổi chiều bụng trống tưởng là yên, ai ngờ bụng trống cũng là lý do để lười biếng. Tối lại, chín mười giờ nghỉ ngơi suốt cho tới ba giờ khuya, vậy mà nghe kẻng thức chúng vẫn lười biếng, không chịu ngồi dậy. Ai giải quyết được chuyện này? Làm như lười biếng là cái gì thâm căn cố đế trong máu trong tuỷ của chúng ta vậy. Cho nên nếu không có đạo lực, không có trí tuệ, chúng ta không có cách gì chuyển hóa được nó.
Con người luôn luôn có thói quen ươn yếu, chìu chuộng, dễ duôi với thói hư tật xấu của mình, cứ âm thầm chấp nhận nó. Tuy nhiên, cũng có vị mãnh tỉnh lạ thường. Sự mãnh tỉnh này tạo cho họ một sức mạnh để khắc phục thói hư tật xấu. Tôi được biết có một cư sĩ nghiện thuốc lá, anh ta nghiện đến độ sáng đốt một điếu, từ đó cho tới trưa khỏi phải bật hộp quẹt lần thứ hai. Cứ điếu này thay điếu khác. Nhưng khi gặp Phật pháp, được sự hướng dẫn của quý thầy, anh ta nhất định bỏ hút thuốc. Mỗi khi đi đâu, ngồi đâu, nghe mùi thuốc lá anh quay chỗ khác liền. Anh phải trải qua một thời gian vất vả lắm, nhưng với quyết tâm cao độ, anh đã chiến thắng được nghiệp nghiện thuốc lá. Chiến thắng được nghiệp nghiện thuốc lá cũng là chiến thắng được chính mình. Thật đáng khen ngợi.
Cho nên người tu phải có sự kiên quyết, có phương pháp và sự thăng tiến trong công phu tu hành. Như thế những thói quen, thói hư tật xấu mới không đủ lực hấp dẫn chúng ta nữa. Đó là điều chư huynh đệ cần lưu ý. Ý chí phấn đấu nếu không miên mật, không liên tục thì chúng ta cũng không làm được gì hết. Người ta bảo kẻ không có ý chí là “bán đồ nhi phế”, tức đồ bỏ đi. Do vậy người tu phải đầy đủ dũng lực và ý chí. Dũng lực để chiến đấu, ý chí để duy trì sự chiến đấu cho tới thành công. Cuộc chiến của chúng ta lại là cuộc chiến không có đối tượng. Như đứng trước kẻ địch cầm gươm đao binh khí để giết mình, nên lúc nào ta cũng thủ thế. Tuy nó dữ dằn nhưng mình có điểm mục kích rõ ràng nên chuẩn bị được.
Chiến đấu của người tu, các thiền sư gọi là chiến đấu với hư không. Hư không làm sao mà chiến đấu đây? Hư không không có hình tướng, mà khắp nơi đều là nó. Chúng ta thủ trên đầu thì nó đột kích bên hông, thủ bên hông nó đột kích phía trước, thủ phía trước nó đột kích phía sau. Đây là một cuộc chiến toàn diện, người chiến sĩ luôn tỉnh giác và chiến đấu liên tục. Nhà Phật dùng từ miên mật. Miên mật là liên tục, không bị cắt xén. Người có công phu miên mật trị được rất nhiều bệnh, kể cả bệnh sinh tử. Bởi vì khi chiến đấu liên tục, mình thấy ngán việc sinh tử. Vì sao ngán? Vì nhiều đời nhiều kiếp mình bị nó chôn vùi, sinh lên đọa xuống, lang thang khắp nơi. Biết rõ nó cho nên ngán, còn sinh thì phải còn tử. Sự có mặt là dấu hiệu của sự chia tay, vui thì biết có buồn theo sau. Cho nên nói đến sinh tử mình ngán. Càng ngán ta càng miên mật công phu, không có chỗ hở. Người tu nếu vào được vị thế miên mật này, có thể trị rất nhiều bệnh. Muốn vào chỗ miên mật đó phải đầy đủ ý chí và nguyện lực.
Tôi nhớ lại, khoảng đầu mới vào thiền viện, niệm hành trì chưa liên tục nên công phu cứ bị gián đoạn bởi những chuyện không đâu. Ví dụ mình đang ngồi thiền, bỗng nhớ lại hồi xưa giờ này mình tụng kinh. Đâu phải nói tu thiền tức thì bỏ được hết những chuyện quá khứ, bỏ hết vọng tưởng một cái rụp. Vừa nhớ hồi xưa giờ này mình tụng kinh, thì vọng tưởng ập tới liên miên, nào là tụng kinh gì, tụng ở đâu, bao nhiêu người tụng, nhớ hết. Nếu ngồi thiền không đắc lực, không miên mật thì hình ảnh, sự kiện của quá khứ xen vô không biết chỗ nào mà dừng. Nó dẫn mình đi luôn, làm cho cái chân thật hiện tiền ẩn khuất, không hiện ra được. Ngồi thiền như vậy thì không có lợi ích gì cho thân tâm.
Thật ra với hành giả tu thiền, trước khi nghỉ mà ngồi được một tiếng đồng hồ rất tốt cho sức khỏe, giấc ngủ an lành, mọi việc sắp đặt trong đời sống đều sáng suốt. Chúng ta học về lý thuyết, hiểu biết hết nhưng khi vào công phu, không cố gắng làm chủ vọng tưởng sẽ không thấy được năng lực kỳ diệu của thiền định. Cho nên phải phấn đấu để gầy dựng công phu liên tục. Gầy dựng được công phu thì nhất định mình làm chủ được. Người tu thiền thấy rõ vọng tưởng dẫn dắt mình đi trong luân hồi sinh tử. Ví dụ đang ngồi đây nhưng chúng ta tưởng tượng nếu mình ở trên cao nguyên xứ lạnh, có rừng thông mát mẻ thì thích lắm. Thế là tính chuyện ngày mai phải đi Đà Lạt. Nhưng với người tu thiền, khi nghĩ như vậy liền tự nhắc: Giờ này là giờ tu, không có đi đâu hết, dứt khoát như vậy. Nếu để vọng tưởng kéo thêm nữa là mất hết thì giờ của mình.
Khi niệm thứ nhất chúng ta thua thì cố gắng làm chủ ở niệm sau. Niệm thứ hai vừa manh nha là chặt liền. Có chặt như vậy mới yên được. Nhiều vị nói càng tu hành càng thấy vọng tưởng nhiều quá. Việc này cũng không có gì khó hiểu, bởi càng yên chừng nào thì những vọng tưởng thâm căn cố đế hiện ra chúng ta càng thấy rõ chừng nấy. Có những vọng tưởng hồi lúc mình năm bảy tuổi, nhớ lại bà già dẫn vô lớp mầm lớp chồi, mình nhảy tưng tưng, không chịu học v.v... Bấy giờ mình thử đặt câu hỏi, nhớ lại như vậy để làm gì? Nó chẳng qua là vọng tưởng, quấy rầy trong lúc ta muốn an định, đâu có lợi ích gì mà theo nó. Bỏ, không thèm nhớ nữa. Đó là mở con mắt trí tuệ để soi rọi vô minh vọng tưởng. Trí tuệ soi tới đâu thì vọng tưởng tan tới đó.
Lý thuyết nói là vậy, nhưng trên thực tế vận dụng trí tuệ để nhận biết rõ ràng không dễ dàng chút nào. Tuy nhiên, nếu quyết tâm chúng ta sẽ tu tập được, dần dần khắc phục vọng tưởng, thu hồi quyền làm chủ của mình, không còn bị vọng tưởng sai sử nữa. Những ai có hành trì mới biết vọng tưởng làm nhọc ta nhiều lắm, chứ không phải ít. Người tu hành thâm niên sợ những lao lự của vọng tưởng, còn người sơ cơ chấp nhận sự dẫn đi nhẹ nhàng của nó. Đến khi bị nó làm chủ rồi thì lao nhọc cỡ nào cũng không bỏ được. Có người lao nhọc đến mức độ đầu đêm ngủ tóc hãy còn xanh, sáng mở mắt ra tóc bạc phiêu phiêu rồi. Có khi trong một bữa ăn họ suy nghĩ, lo lắng, sợ sệt hãi hùng đến độ chết ngất luôn.
Thật ra nếu chết trong những trường hợp như vậy rất nguy hiểm cho quá trình tái sinh sau đó. Chết trong lúc không yên, nóng giận thì không được đi trên con đường nhân thiên, mà rơi vào các đường hạ đẳng như địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh. Rơi vào đó thì khổ đau vô kể. Cho nên chúng ta cố gắng ngay trong đời này, làm chủ ba nghiệp, tức làm chủ các dấy niệm, các vọng tưởng. Hòa thượng Trúc Lâm thường dạy chúng ta phải sống với tánh giác để đừng bị những dấy niệm kéo lôi.
Bước đầu của người vào thiền phải đóng khung mình trong một thời khoá biểu tu hành đàng hoàng. Ví dụ từ bảy giờ đến tám giờ ăn sáng, tám giờ đến mười giờ lên điện Phật nghe băng giảng, ngồi thiền, tụng kinh… làm gì cũng được nhưng trong phạm vi tu hành. Tuân theo thời khóa biểu để giảm bớt những vọng động, giúp mình yên ổn lại. Có được sinh hoạt như vậy nhất định chúng ta sẽ thành công. Nếu để tâm xao lãng vọng niệm sẽ dấy khởi trở lại ngay. Tôi có kinh nghiệm trong việc này. Mình hơi lơi một chút thì vọng động có cơ phát triển. Do đó chúng ta nỗ lực phấn đấu tích cực, đầy đủ ý chí, nhất định không chịu thua vọng tưởng, không để nó xỏ mũi mình đi.
Lại nữa, cần phải biết khiêm tốn là một đức hạnh tối cần thiết của vị tu sĩ. Dưới hội của Lục Tổ Huệ Năng có một hành giả đến học pháp, lễ Tổ mà đầu không sát đất. Tổ hỏi: Ông chứa cái gì mà đảnh lễ đầu không sát đất? Vị ấy bung ra liền: Con tụng ba ngàn bộ Pháp Hoa. Chứa ba ngàn bộ Pháp Hoa nên lạy đầu không sát đất. Nếu chúng ta thì không phải ba ngàn bộ Pháp Hoa mà là hai chục năm học đạo, ba chục năm quy y Tam bảo, bốn năm chục năm theo thầy làm tất cả các việc công đức v.v… chắn chắn là đứng ngó thôi chứ đừng nói đến chuyện lễ lạy, cúi đầu sát đất hay không sát đất! Đó là ngã mạn, tự kiêu tự đại, làm trở ngại bước đường học đạo của chúng ta. Người tu nhất định phải dè dặt cẩn trọng chuyện này, phải chặt cây cờ đó ngả đi. Đảnh lễ tức là lạy. Đảnh lễ cái gì? Đảnh lễ công đức, đạo lực, trí tuệ, chứ không phải đảnh lễ xác thân. Nếu mình còn một chút gì đó về lòng tự cao tự đại, nhất định không khi nào đảnh lễ được.
Ngã mạn là một bệnh thâm căn cố đế. Người tu phải triệt tiêu hết những thứ đó mới có thể bước lên thánh quả, rỗng rang sáng suốt trong cái bản thể vô ngã. Tâm cao ngạo là chỗ phát sinh tội lỗi. Cho nên sạch được nó mới hết tội nghiệp nhiều đời, mới bước lên thềm thang của các bậc thánh hiền. Khiêm tốn để tu hành, để thấy vọng tưởng điên đảo của mình không thật, bản ngã không thật thì chúng ta mới có thể buông xả được nó. Tự tu tự trị bằng cách khiêm tốn, chúng ta dần dần khám phá chính mình, qua kinh nghiệm tu học bản thân, ta biết hơi hướm của bản ngã như thế nào, cố gắng khắc phục và chiến thắng được nó.
Khi Phật còn tại thế, giáo pháp bủa khắp muôn loài, không hạn cuộc trong tầng lớp kiến thức hoặc khá giả, mà người cùng đinh nô lệ cũng được giáo hóa. Tinh thần này đối nghịch lại với chế độ giai cấp của Ấn-độ thời đó. Xã hội Ấn-độ có bốn giai cấp: giai cấp Bà-la-môn tức hàng giáo sĩ, giai cấp Sát-đế-lợi tức hàng vua chúa, giai cấp Phệ-xá tức hàng thương buôn, giai cấp Thủ-đà-la tức giai cấp nô lệ. Ai sinh vô giai cấp nào thì chấp nhận thân phận ở trong giai cấp đó. Sinh trong giai cấp giáo sĩ là giai cấp cố vấn lãnh đạo, thuộc hàng tri thức của dân tộc. Sinh vào hàng Sát-đế-lợi thì đời đời làm vua chúa. Sinh vào giai cấp thương nhân bình thường thì chuyên nghề buôn bán, người có tiền thì buôn bán lớn, người ít tiền thì buôn bán nhỏ. Kém phước sinh vào giòng hạ tiện thì làm tôi tớ, làm thuê làm mướn, đi gánh phẩn. Những người này bị kỳ thị đến mức độ người ta bắt đeo một cái chuông, đi tới đâu chuông kêu keng keng tới đó. Để làm gì? Để người quý phái nghe biết có bọn nô lệ mà họ tránh đi, không cho chạm mặt. Một dân tộc có chế độ giai cấp nặng nề như vậy mà không cách chi giải tỏa.
Đức Phật ra đời, giáo pháp từ bi giác ngộ được bủa khắp. Nơi nào đức Phật đến thì nơi đó giai cấp được xoá bỏ. Do vậy trong giáo đoàn có những người hạ tiện được Phật cho phép xuất gia vào hàng tăng lữ. Những vị này tu hành đều chứng quả A-la-hán. Trong số đó có kẻ gánh phân, khi chạm mặt đức Thế Tôn, sợ quá ông nói:
- Trời ơi! Sao Sa-môn Cù-đàm lại dám gặp con?
Đức Phật bảo:
- Gặp ngươi có gì phải sợ mà không dám.
- Con ở trong giai cấp hạ tiện, còn ngài thuộc giai cấp Sát-đế-lợi. Nếu nhìn thấy con, đôi mắt Cù-đàm sẽ bị nhơ mất.
Đức Phật mới nói một câu lịch sử:
- Không có giai cấp trong nước mắt cùng mặn, trong giòng máu cùng đỏ.
Sau đó Phật độ cho ông xuất gia làm tăng. Vị này tu hành tinh tấn, chỉ trải qua thời gian ngắn chứng thánh quả A-la-hán.
Vua Ba-tư-nặc một đại đế đương thời, là đệ tử cư sĩ của Phật, nghe việc này rất bất mãn. Ông cho rằng trong giáo đoàn thanh tịnh của đức Thế Tôn, không thể có những hạng người nhơ xấu hạ tiện lẫn vào đó, bởi vì như thế ông sẽ không đảnh lễ được chư tăng. Suy nghĩ như vậy, ông đến yết kiến đức Phật và nêu lên ý kiến của mình, mong đức Phật quyết định từ đây về sau đừng có việc này xảy ra nữa. Vua tới nơi Phật đang nghỉ trưa, bên ngoài có một thầy Tỳ-kheo đang ngồi vá áo. Vua nói phiền ngài trình lại đức Thế Tôn cho tôi được vào yết kiến. Vị Tỳ-kheo từ tốn trả lời: Giờ này đức Thế Tôn đang nghỉ, nhưng nếu nhà vua muốn, tôi sẽ tuỳ thuận. Nói xong, thầy đứng dậy đi xuyên qua tảng đá chắn ngang cửa. Vua thấy hết hồn, không biết vị này đã chứng quả gì mà năng lực siêu xuất như vậy.
Bấy giờ ý thức nung nấu muốn gặp đức Phật để trình bày sự việc không chấp nhận mấy ông hạ tiện gia nhập tăng đoàn, được chuyển sang lòng thắc mắc muốn biết vị Tỳ-kheo kia là ai, thuộc giai cấp nào, tu hành ra sao mà có đạo lực đáng nể sợ đến thế. Khi gặp Phật, quả thật câu hỏi đầu tiên của vua Ba-tư-nặc là: Bạch đức Thế Tôn, tôn giả ngồi bên ngoài cửa khi nãy là ai, tu hành pháp gì mà thần dụng cao cường như thế? Đức Phật cười bảo: Đại vương! Đó chính là kẻ gánh phân ở thành phố này, trước đây không lâu, đi đến đâu đều bị mọi người né tránh tới đó. Nhà vua sửng sốt bàng hoàng. Phật dạy tiếp: Không có giai cấp trong nước mắt cùng mặn, trong giòng máu cùng đỏ. Ai cũng có thể chuyển hóa, ai cũng có thể tu tập và chứng Thánh quả. Những hình tướng bên ngoài như cao sang quyền quý hay hạ tiện thấp hèn, chỉ là biểu nghiệp nhất thời mà thôi, không phải vĩnh cửu như thế. Ngay khi nghe Phật nói xong lời này, nhà vua cởi mở hết tâm trạng bức xúc trước đó, hết lòng kính trọng chư Tỳ-kheo Thánh đệ tử của Như Lai.
Giáo pháp của đức Phật chủ ý giải tỏa tất cả những định kiến sai lầm của chúng sinh. Giáo pháp ấy cũng có năng lực giải quyết tất cả nghiệp tập của chúng ta. Thông qua con đường thiền định, hành giả sẽ triệt tiêu tất cả vọng động, dấy niệm và những mắc míu thâm căn cố đế trong luân hồi sinh tử. Nếu chúng ta quyết tâm miên mật hành trì, đầy đủ ý chí thì nhất định sẽ thành công.
Gốc vọng tưởng sâu dày lắm, chúng ta chưa triệt để sáng, do vậy những tăm tối không biết bất chợt dấy khởi lúc nào. Việc sống chết cũng đến bất chợt. Dù chúng ta có đạo lực mà ngay lúc đó không làm chủ được, khởi tham sân si thì chính nghiệp ấy dẫn mình đi vào loài súc sinh, ngạ quỷ nguy hiểm vô cùng. Cho nên chúng ta phải nhớ, mình đã chìm trong sinh tử luân hồi từ bao đời, chịu nhiều đau khổ, bây giờ cố gắng tu hành để thoát ra. Các tổ nói một niệm không thanh tịnh sáng suốt để cho sân niệm si niệm dấy khởi thì mình đi theo nó. Như người đang đau kịch liệt, họ quên mất tánh giác, quên mất ông chủ, chỉ nhớ cái đau thôi. Đau quá thì la chứ không còn chánh niệm nữa, có phải nguy chưa? Các vị tu hành đi trước luôn cảnh giác chúng ta những trường hợp như thế. Dù trước kia mình có tu hành, nhưng công phu cạn mỏng sẽ không chống chọi nổi với cận tử nghiệp được. Điều này rất đáng lo ngại, nên chúng ta cần thực tập làm chủ bản thân những khi còn khoẻ mạnh, chứ không phải đợi đến lúc sắp lâm chung mới tu. Như thế là đã muộn rồi.
Cho nên lời khuyên, sự nhắc nhở đối với chư huynh đệ là lúc nào chúng ta cũng giữ tâm niệm miên mật, sáng suốt. Chư huynh đệ chớ xem thường, chớ bỏ qua những cơ hội khi còn trẻ khoẻ, dụng công phu dễ dàng. Tới một lúc nào đó, dù muốn tu chúng ta cũng không tu được. Như lớn tuổi một chút, quý vị muốn lạy Phật cũng không lạy được. Cho nên lúc nào tu được, làm việc cho đại chúng được thì tranh thủ. Học đạo, tu hành, cho đến tất cả việc như đi chùa, cúng dường, lễ Phật, làm được việc gì quý vị nên làm, tạo nhân duyên tốt đẹp hỗ trợ cho việc tu hành của chúng ta chóng được thành tựu. Người xưa dạy chớ có hẹn, việc gì có thể làm được hôm nay đừng để ngày mai. Biết đâu khi ta rút chân lên giường, không còn hạ chân xuống nữa.
Tóm lại, mong tất cả chư huynh đệ chúng ta ai nấy đều tỉnh, công phu miên mật, cố gắng tạo thế chủ động cho mình. Nên nhớ tu giỏi không có nghĩa là mỗi ngày tụng kinh nhiều, ngồi thiền nhiều, đó chỉ là hình thức thôi. Sự miên mật, tỉnh sáng thể hiện qua mọi cử chỉ oai nghi, mọi việc làm trong ngày. Dù chỉ dâng hương, xá Phật, đọc một đoạn kinh, ngồi nghỉ ngơi… nhưng được thực hành trong tinh thần tỉnh sáng, không buông lơi, đó là tu giỏi.