headertvtc new


   Hôm nay Thứ sáu, 19/04/2024 - Ngày 11 Tháng 3 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

XẢ NGŨ CÁI

 Hôm nay chúng ta nói về những chướng ngại trên đường tu để rút ra những bài học tiến đạo nghiêm thân. Chướng ngại trong công phu có thể nói là những chướng ngại cố hữu, nghĩa là không khi nào nó buông tha chúng ta, không luận tuổi tác, quá trình tu tập của ai hết. Chỉ cần mình sơ hở một chút là bị chướng ngại liền.

Do đó chỉ có kéo dài sự tỉnh giác liên tục mới mong vượt qua các chướng ngại mà thôi. Trong Khởi Tín luận, Tổ Mã Minh dạy phải kéo dài tỉnh giác. Đây là một pháp tu và là pháp tu rất căn bản. Bởi vì trong sinh hoạt đời thường, chúng ta luôn đối tác với công việc. Nhất là những vị có trách nhiệm đối với tăng đoàn, với Phật tử, với Giáo hội, nếu sức tỉnh yếu, không liên tục thì khó tìm được phút giây an ổn giải thoát. Tu tập thế nào để không bị vướng mắc, kéo lôi, dính dáng bởi bất cứ thứ gì trên đời này, quả không phải là chuyện dễ dàng.

Cho nên hằng ngày, chúng ta vừa giữ vững công phu, vừa làm tròn nhiệm vụ của người trụ trì đòi hỏi sức tu phải thật thâm hậu mới được. Trụ trì là người có trách nhiệm thay Phật, thay tăng đoàn hoằng hóa một phương. Đó là trách nhiệm truyền đăng tục diệm, tức là giữ gìn mạng mạch chánh pháp Như Lai. Trách nhiệm này nặng lắm. Muốn hoàn thành công việc này đòi hỏi chúng ta luôn luôn tỉnh, nếu không ta sẽ không tu được mà cũng chẳng làm tròn nhiệm vụ của mình đối với Phật pháp, đối với tăng-già. Một khi chúng ta giải quyết công việc không ổn, cả đời mình cứ lê thê trong những Phật sự ấy mãi, không còn thời gian đâu nữa mà tu.

Chính như đức Phật là cột trụ vững vàng của tăng đoàn, tư cách công đức của Phật như toà núi báu vậy, mà còn gặp khó khăn khi lãnh đạo tăng đoàn. Người hay gây rối trong tăng đoàn, muốn phá hại Phật là Đề-bà-đạt-đa. Ông này ngoài đời thuộc hàng tôn thất vua chúa của Ca-tỳ-la-vệ, anh em bà con với đức Phật mà còn khởi tâm như vậy. Rồi những nạn như kim thương, mã mạch v.v… rất nhiều chướng ngại trên đường giáo hoá độ sinh của Như Lai. Đức Phật còn như thế huống gì thân phận chúng ta đầy bụi bặm trần ai, nghiệp chướng ngăn ngại sâu dày, làm sao không gặp khốn khó. Cho nên cần phải chuyên tâm nhớ nghĩ đến công phu tu tập.

Trong các pháp Phật dạy, có pháp xả ngũ cái giúp cho việc phát triển định tuệ đạt được kết quả mau chóng. Ngũ cái là năm thứ: tham dục, sân khuể, thuỳ miên, trạo hối, nghi. Xả ngũ cái là xả bỏ năm thứ này. Bởi vì nó luôn lải nhải bên trong, không khi nào buông tha, làm trở ngại việc tu hành của mình. Chữ ‘cái’ là che đậy, đây chính là tên khác của phiền não. Những gì làm trở ngại việc tu gọi là triền cái, tức triền phược, trói buộc. Năm loại phiền não này hay che đậy tâm tánh, khiến tâm mê mờ không khai mở định tuệ được. Xả ngũ cái tức là xả bỏ năm thứ che đậy gồm: tham dục, giận hờn, mê ngủ, diêu động, nghi ngờ.

Đạo Phật lấy trí tuệ làm sự nghiệp. Nhờ trí tuệ chúng ta thấy rõ biết rõ các phiền não trói buộc không thật, không có giá trị nên buông bỏ dễ dàng. Nếu không hiểu biết như vậy, ai động tới ta phiền não liền. Phiền não không được khai thông thì đưa đến đấu tranh. Từ những chuyện nhỏ, những che chướng nhỏ chúng ta không đả thông, không giải quyết được để đi đến tranh đấu, là gây tạo nghiệp nhân đi vào ba đường dữ. Đó là những trở ngại lớn trong việc tu hành của chúng ta.

1. Xả tham dục

Tham dục là gì? Chữ tham là ham muốn, chữ dục là mong mỏi, tham đắm. Hai chữ này có nghĩa chung là khao khát, mong cầu, ưa thích ôm giữ. Tâm tham dục được biểu hiện ra ngoài còn dễ trị, chứ nó âm thầm len lỏi bên trong thì rất khó nhận diện, khó điều phục. Như một cô gái đẹp đi ngang, có người không dùng mắt nhìn họ mà dùng tâm nhìn. Từ đó tâm sinh tham đắm. Bên ngoài tuy không biểu lộ nhưng bên trong luôn dao động bất an vì lửa dục thiêu đốt. Điều này thật nguy hiểm đối với người đang dụng công tu hành. Kinh nghiệm của những vị đi trước dạy chúng ta phương pháp dứt trừ nó là bỏ đi, không có gì quan trọng, xứng đáng. Nếu bỏ được thì bình yên, bỏ không được thì chuốc hiểm họa vào thân. Sao chẳng nghĩ như vậy mà lo sợ và nỗ lực công phu?

Ngày xưa, hai vị thượng thủ trong tăng đoàn của đức Thế Tôn là tôn giả Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên. Cứ sau mùa an cư, chư tăng hoặc hàng đệ tử ở các nơi về trình thành quả tu tập với đức Thế Tôn. Những khi đức Phật mệt hoặc bận việc gì, ngài giao cho Xá-lợi-phất tiếp các vị đó. Có một lần, chư vị Tỳ-kheo trẻ về Kỳ Viên đông đảo lắm, ngài Xá-lợi-phất đại diện đức Thế Tôn thăm hỏi tất cả tăng chúng trong đoàn. Trong số ấy, có một Tỳ-kheo trẻ rất quý mến ngài, luôn trông đợi Tôn giả hỏi thăm mình, nhưng vì chư tăng quá đông, không thể thăm hỏi từng vị, ngài chỉ thăm viếng chung. Đang lúc bận rộn tới lui, vô tình ngài giẫm lên chéo y của vị Tỳ-kheo trẻ ấy. Thầy bực bội, cho rằng Tôn giả khinh mình, từ đó thốt ra những lời xúc phạm đến Tôn giả. Sau đó đức Thế Tôn khuyên răn, bảo phải sám hối ngài Xá-lợi-phất mới tiêu tội.

Chúng ta thấy nguyên nhân ban đầu không là gì hết, mà không đả thông được nên xảy ra chuyện. Xét lại mình, tâm lý của chúng ta bây giờ cũng vậy, cứ buồn phiền những chuyện không đâu, mất hết thời giờ tu hành, chẳng đáng chút nào. Cho nên cần phải khắc tỉnh, giải quyết những vướng mắc bên trong, xem nó như đồ bỏ, không có vấn đề gì để mình dấy tâm động niệm thì sẽ ổn.

Trước đã nói đối ngũ trần bên ngoài sinh tham muốn, nay nói chính trong ý căn sinh tham muốn. Nghĩa là khi hành giả ngồi ngay thẳng tu thiền, tâm khởi tham muốn, niệm niệm tiếp nối, che đậy thiện tâm, không được tăng trưởng, biết rồi liền bỏ. Tại vì sao? Vì như nàng Thuật-bà-già trong tâm khởi tham dục còn bị đốt cháy cả thân thể thay, huống chi trong tâm sinh lửa tham dục mà không thiêu hết các pháp lành. Người tham dục cách đạo rất xa. Tại sao? Vì dục là chỗ trú của bao nhiêu sự não loạn. Nếu trong tâm ôm ấp tham dục thì không do đâu được gần đạo.

Trong ý sinh tham muốn tức là những dấy niệm tham muốn từ trong ý của chúng ta, nó rất tế nhiệm. Những dấy niệm đó người bên ngoài không biết, vì mình chủ mưu giấu giếm che đậy ở trong. Cho nên nó thật tai hại. Đức Phật thường nhắc nhở người tu hành phải bỏ những tâm niệm đó mới có thể an lạc. Những an lạc tìm được từ ngoại duyên đều tạm bợ, chính sự an lạc do chúng ta dừng lặng vọng tưởng, phát sinh trí tuệ mới là chân thật. Công phu tu hành càng có chiều sâu, ta càng cảm nhận điều này rõ hơn, đặc biệt hơn. Vì vậy đối với tất cả dấy niệm từ cảnh duyên bên ngoài cho đến ý niệm bên trong, nhất loạt phải buông bỏ hết.

Tôi làm Trụ trì thiền viện Thường Chiếu khoảng 30, 31 tuổi gì đó, năm nay trên 60 tuổi rồi. Hồi ấy thấy đất đai mênh mông thiên địa, cỏ gai quá trời quá đất, tôi cũng chả biết làm gì. Cũng may trên có Hòa thượng Ân sư, dưới có anh em và các Phật tử hết lòng chỉ bảo, ủng hộ. Tôi cứ theo duyên mà làm, tới đâu hay tới đó, chứ biết chi mà lo. Nhờ vậy vừa làm Trụ trì vừa có thể cùng đại chúng tu tập, không mất mát công phu.

Chúng ta thiếu kinh nghiệm thì những việc không đáng cũng không thành công. Sự tu tập cũng thế, trải thân ứng dụng lời Phật dạy, thấy rõ mình bị những vọng tưởng không đáng quấy nhiễu thì dứt khoát không theo nó nữa, bỏ đi. Như vậy mới tiến được. Những hình ảnh bên ngoài tác động làm chúng ta khởi vọng tưởng, chính vọng tưởng này che đậy trí tuệ sáng suốt của mình. Chúng tiềm ẩn bên trong, nuôi dưỡng lâu ngày thành chủng tử, tức tập khí. Loại chủng tử này sâu dày độc hại lắm, phải tu trì định tỉnh, dùng trí tuệ Bát-nhã mới trị nổi.

Có một lần đức Thế Tôn dự lễ ở thiên cung, các vị trưởng lão được cùng theo dự. Khi các thiên tử khảy nhạc cúng dường, trưởng lão Đại Ca-diếp là một đại đệ tử của Phật, tu khổ hạnh bậc nhất, mà thân ngài diêu động theo điệu nhạc, làm cho chư huynh đệ của ngài sững sờ. Các Trưởng lão đem sự việc này trình hỏi đức Thế Tôn. Phật bảo Ca-diếp nhiều đời là nhạc sư siêu xuất, cho nên vừa nghe nhạc trời thì những chủng tử cũ nằm sâu bên trong phát ra, khiến thân thể diêu động như vậy.

Ở đây tôi muốn nói những tập khí sâu dày của chúng ta rất khó trừ bỏ. Cần phải quán sát nhận diện và nỗ lực công phu dứt trừ mạnh mẽ đối với nó mới được. Ví dụ như tôi từ Thường Chiếu lên đây, ngồi trên xe nhớ nghĩ trăm ngàn thứ việc chưa sắp xếp xong, như vậy là đang có trăm ngàn thứ vọng tưởng bên trong dấy khởi liên tục. Nếu tỉnh thì buông bỏ, bằng như không tỉnh thì chính mình cũng không kiểm soát nổi nó. Bên ngoài thầy lái xe nói chuyện, mấy chú ngồi chung quanh cũng nói chuyện. Thiên hạ nói chuyện với nhau rân như vậy, mà vọng tưởng bên trong vẫn làm việc bình thường. Cho nên cái gì đã thành tập khí, thành thói quen rồi, nó nặng nề sâu dày vô cùng. Phải trị cho hết những thứ đó mới được định, chứ không dễ dàng đâu.

Cho nên những vị nói kiến tánh thành Phật thế này thế kia, thật là nhiều khi thấy lo giùm quý vị. Bởi vì công phu cay đắng lắm, chúng ta chẳng lo tu, chỉ nói suông, không những chẳng có lợi ích cho bản thân, còn phạm phải tội đại vọng ngữ nữa. Trong nhà thiền bảo nói nhiều thì lỗi nhiều. Vì vậy chúng ta nên giữ chánh niệm, đừng để tập khí kéo lôi, vọng niệm dấy khởi hoài, không dứt được. Đó mới là bổn phận chánh của người tu.

Đây là bài kệ trừ cái:

            Tâm tại sao theo trần dục,
            Chìm lặng trong ngũ tình (ngũ cái)?
            Đã xả ngũ dục lạc,
            Bỏ nó không luyến tiếc,
            Vì sao lại muốn được?
            Như người ăn đồ mửa.
            Các dục khi cầu khổ,
            Khi được nhiều sợ hãi,
            Khi mất lại lo rầu,
            Tất cả thời không vui.
            Họa các dục như thế,
            Do đâu xả được nó?
            Được vui sâu thiền định,
            Liền không bị nó lừa.

Bây giờ muốn làm chủ, muốn xả bỏ những vọng tưởng dục lạc thì phải có thiền định, trí tuệ. Trong đây nói các dục khi cầu khổ, khi được nhiều sợ hãi, khi mất lại lo rầu. Phật nói chúng sinh đối với các pháp thế gian thường ôm lòng mong giữ. Khi chưa được cầu cho được là khổ. Được rồi giữ cho nó còn hoài, khổ hơn. Giữ không được, nó mất rồi lại càng khổ hơn nữa. Cả ba thời không bao giờ như ý. Phật nêu lên như thế để răn dạy cho chúng ta biết những thứ trên thế gian là tạm bợ, không chắc thật, không nên tìm kiếm ôm giữ. Đó là nói về xả tham dục.

2. Xả giận hờn

Giận là cội gốc làm mất Phật pháp, là nhân duyên sa vào ác đạo, là oan gia của pháp an lạc, là bọn giặc giữ của thiện tâm, là tạng phủ của bao nhiêu ác khẩu. Thế nên hành giả khi toạ thiền, suy nghĩ người này hiện tại phá hại ta, phá hại gia quyến ta, khen ngợi người thù của ta, suy nghĩ quá khứ vị lai cũng thế, ấy là chín thứ phiền não. Do đó sinh sân hận. Khởi sân hận nên sinh oán thù, do tâm oán thù bèn khởi tâm tàn hại kẻ ấy. Sân hận che đậy tâm như thế nên gọi là cái. Phải gấp bỏ nó, không cho tăng trưởng. Như ngài Thích-đề-bà-na dùng kệ hỏi Phật.

Nói đến giận hờn cổ đức thường răn nhắc: Một đốm lửa giận đốt cả rừng công đức. Vị nào có khí khái nóng giận, tuy gầy dựng được sự nghiệp, có danh vọng cao nhưng dễ bị đổ vỡ. Thành ra hợp tác với những vị như thế hay vỡ hợp đồng. Vì khi nổi nóng lên họ không kiểm soát được lời nói hành động của mình. Do đó nói ra những lời xóc óc hoặc có hành động lỗ mãng, tất cả đều là nguyên nhân dẫn tới sự đổ vỡ.

Người tu phải làm gì để đối trị nóng giận? Dùng pháp quán từ bi. Người ta nói tu thì phải hiền, tu mà gương mặt hầm hầm dữ dằn, đó tu-la. Thêm chữ A phía trước nữa là A-tu-la. A-tu-la là một loại chúng sinh rất nóng nảy, hay gây chiến. Đạo Phật là đạo từ bi, nên người tu theo đạo Phật phải là người từ bi, không thể là người hung dữ được. Đức Phật là bậc từ bi triệt để, trong kinh diễn tả là vô duyên đại từ, vô duyên đại bi. Tức lòng từ bi của Phật trùm khắp muôn loài, thương yêu cứu giúp bình đẳng với tất cả, không cần biết đối tượng có duyên với mình hay không. Chúng ta là con, là cháu, là đệ tử của ngài cũng phải có lòng từ bi. Tuy không bằng Phật nhưng cũng được một phần mấy trăm của đức Phật chứ! Chưa được cái gọi là vô duyên từ nhưng chúng ta cũng học hạnh từ bi.

Vì vậy cửa chùa còn gọi là cửa từ bi. Người ta hay bảo “mở rộng cửa từ bi”, tức mở rộng lòng thương yêu cứu giúp những kẻ hoạn nạn, đau khổ. Như ở thiền viện, chiều tụng kinh xong đóng cửa, nhiều Phật tử có duyên sự đến ngoài giờ, mình đóng cửa họ gọi không nghe, họ trách: Cửa chùa mà đóng kín, không chịu mở rộng lòng từ bi v.v... đủ thứ chuyện. Nghe những điều như thế, nếu mình chưa dẹp được nóng giận thì nổi nóng liền, dễ bực tức lắm. Sao không xét lại, người ta nói mình chưa từ bi cũng đúng phần nào. Họ đang khổ đang cần mà mình không đáp ứng được là thiếu từ bi. Thiếu từ bi là do thiếu tu, chưa chứng thánh quả nên không nhận biết được tâm ý chúng sinh và sự việc bên ngoài.

Người ta nói mình không từ bi, mình nổi giận thì quả thực đã chứng minh điều họ nói là đúng sự thật rồi. Phải chi mình nghe như thế chỉ cười thôi thì điều họ nói đã sai. Cho nên trong kinh A-hàm có ghi lại bài kệ như thế này:

                Vật gì giết an lạc
                Vật gì giết vô ưu
                Vật gì gốc của độc
                Nuốt tiêu tất cả thiện?

 Phật đáp:

                Sân thì giết an lạc
                Sân thì giết vô ưu
                Sân là gốc của độc
                Sân diệt tất cả thiện.

Một khi lửa sân nổi lên sẽ đốt tất cả các công đức lành. Ở đây nói sân diệt tất cả thiện.

Đã biết sân nguy hiểm như thế phải chóng tu từ bi nhẫn nhục để diệt trừ nó cho tâm được thanh tịnh. Người tu phải là người từ bi. Do từ bi, lòng chúng ta rỗng rang sáng suốt thanh tịnh, tất cả niệm sân không có cơ hội dấy khởi. Đó là người có công phu sâu sắc, tế nhiệm, đầy đủ.

Xét kỹ như thế rồi, chúng ta phải tu làm sao? Nếu hay nổi giận thì ngăn ngừa, giữ đừng cho giận nữa. Nếu người đã có tâm từ bi lại càng phát triển tâm này mỗi giờ, mỗi ngày thêm rộng lớn để làm lợi ích chúng sinh. Được thế, bản thân chúng ta không bị lửa sân thiêu đốt, khiến mình gây tạo những nghiệp nhân không tốt. Kế đến là vì tất cả chúng sinh làm lợi ích, đó là hạnh vị tha. Người xuất gia là trên cầu Phật đạo, dưới làm lợi ích chúng sinh. Cả hai việc này đều cam go, trải nhiều kiếp số, không tính kể thời gian.

Đức Thế Tôn phải trải qua ba vô số kiếp mới thành tựu được đạo Vô thượng Bồ-đề. Kế đó Ngài phát đại nguyện làm lợi ích vô lượng chúng sinh mới có được thành quả viên mãn như thế. Chúng ta tu hành chẳng tới đâu, vì sao lại dám dễ duôi?

3. Xả mê ngủ

Ngủ là ngủ nghỉ. Xả ngủ nghỉ là buông bỏ mê ngủ. Chúng ta vẫn được ngủ, chứ không phải không cho ngủ, nhưng mà giảm bớt. Ngủ nghỉ sao cho vừa sức khoẻ để còn thời gian tu, không nên tham ngủ nhiều. Thật ra ngủ nhiều rất lừ đừ, tinh thần không minh mẫn. Ngủ dậy đói bụng, đói bụng thì kiếm ăn. Ăn vừa no lại buồn ngủ nữa. Bây giờ xả mê ngủ là cắt ngang quá trình đó. Phật dạy khi dụng công phu mệt mỏi quá, có thể nằm nghỉ một chút để lấy lại sức khoẻ. Sau đó tiếp tục thiền định hoặc đi kinh hành, không được chìm sâu trong ngủ nghỉ.

Điều này hiện nay được các tự viện áp dụng theo cả. Như trong ngày làm việc nặng hay nhẹ gì, tới trưa sau giờ thọ trai, tất cả đều được nghỉ một tiếng đồng hồ. Hôm nào công việc nhiều, chúng ta không nghỉ trưa phải làm luôn thì chiều mệt mỏi lắm. Sự mệt mỏi sẽ ảnh hưởng đến giờ tu vào buổi tối. Hầu hết các tòng lâm đều có thời khoá tu trì từ khoảng 6 giờ chiều tới 10 giờ tối mới nghỉ, 3 giờ khuya lại thức dậy. Thức dậy công phu, toạ thiền cho tới 5, 6 giờ sáng. Cho nên nếu trưa không nghỉ sẽ ảnh hưởng đến giờ tu buổi tối của chúng ta. Giờ công phu chiều mặt trời còn sáng nên ta không đến đỗi lừ đừ, nhưng trời tối nhất là từ 7g30 đến 9g30, ngồi thiền nhọc nhằn lắm. Vị nào thời thiền đầu đêm ngồi một cách bình thản an nhiên thì biết công phu của họ rất vững.

Nhà thiền nói tâm bình thường là đạo, không có tâm nào và cũng không có đạo nào khác. Tu hành giữ được mực bình thường là quý vô cùng. Đầu đêm bình thường, khuya cũng bình thường, thức bình thường mà buồn ngủ cũng bình thường. Khó lắm! Khó vô cùng. Cho nên nghỉ trưa một chút rất cần thiết. Nếu trưa bỏ ngủ làm việc, tối lại ảnh hưởng giờ tu, rất tai họa. Ban đêm mà mình không ngồi thiền, không tụng kinh thì coi không được.

Nhiều Phật tử nói với tôi, con đến chùa, chùa đẹp hay xấu, thầy học giỏi hay dở, con không quan tâm, chỉ cần thấy thầy ngồi thiền, tụng kinh là con mừng rồi. Tới chùa mà thấy thầy bận coi phim thì xem như hỏng. Đó là một sự thật. Có người chưa từng đi chùa, không quen biết gì với mình hết, nhưng ngang qua hàng quán nào, thấy thầy la cà trong đó, họ la lên sao thầy tu mà vô đây. Hoặc thấy thầy hút thuốc, họ nhắc nhở liền sao thầy tu mà hút thuốc. Cho nên người tu vô quán vô tiệm, người đời họ bực lắm. Đó là những con sâu làm rầu nồi canh, ảnh hưởng xấu tới Phật pháp. Cho nên chư Tăng Ni phải ý thức về phẩm hạnh và trách nhiệm của mình đối với đạo pháp, đừng để sai phạm mà có tội với Tam bảo. Long thiên hộ pháp ngầm khiến người ngoại đạo nhắc nhở chúng ta như thế. Dù nhắc trong nghịch hay thuận đều hỗ trợ chúng ta vượt qua cám dỗ của dục lạc, thành tựu đạo nghiệp. Cho nên chư huynh đệ cố gắng trừ bỏ những tham đắm thế gian để tiến đạo nghiêm thân.

Trở lại vấn đề ngủ. Thật ra không ngủ chúng ta cũng không sống được. Bằng chứng có nhiều vị khổ sở về việc mất ngủ, mất ngủ lâu ngày sẽ dẫn đến bệnh tâm thần. Đó là vì họ không ngủ và cũng không dừng được những vọng tưởng đảo điên trong đầu. Người tu ít vọng tưởng, ít việc, không cần ngủ nhiều. Chúng ta ngủ đúng giờ giấc, ngủ trong tỉnh giác. Chư Tổ dạy chúng ta tu trong khi thức, tu trong tiếp duyên xúc cảnh, tu trong mọi uy nghi, tu trong khi ngủ, lúc nào cũng tu hết, như vậy mới tốt.

Ở đây nói ngủ hay phá hoại cái vui chân thật nơi tâm đời này và đời sau. Cùng cái vui của cõi trời và Niết-bàn, nó rất ác, không có chút thiện. Tại sao? Vì những phần khác dễ biết nên trừ được. Còn khi ngủ như chết không thể hiểu được. Vì không biết nên khó trừ.

Nói tới mê ngủ tôi nhớ đến trạng thái hôn mê. Lần bị phẫu thuật, tôi đang nằm bác sĩ lại gõ gõ, hỏi một câu bình thường. Trong khi gõ ông kéo tấm draf đậy lên người tôi, tự nhiên tôi bẵng đâu mất tiêu. Tới chừng có người tới biểu tôi hả miệng ra, họ rót nước vô, biểu nhổ ra, lúc đó mình bắt đầu tỉnh, nhưng tỉnh trong dật dờ. Như vậy từ khi bác sĩ hỏi chuyện cho tới lúc kêu hả miệng ra cách nhau trên ba tiếng đồng hồ. Tôi đi đâu, làm gì đều không biết. Thành ra nếu gặp cảnh duyên mình nằm ngay đơ như thế, đi đâu không biết thì Phật nào tới rước. Bởi vì chúng ta không kêu cầu được Phật nào, không tỉnh giác gì hết. Chỗ này nguy hiểm vô cùng. Cho nên lúc chúng ta còn tỉnh, còn sức khỏe, còn biết rõ ràng tất cả cảnh duyên đây thì cố gắng giữ tâm sáng suốt tỉnh táo. Bình nhật không sáng suốt, không tỉnh táo thì khi lâm chung sẽ như thế nào đây? Vị nào giữ được công phu tu hành tốt thì sẽ giữ được mực bình thường tỉnh táo sáng suốt.

Phật dạy:

                Ông hãy dậy, chớ ôm thây thúi nằm.
                Những thứ nhớp nhúa tạm gọi người,
                Như bệnh nặng, như tên cắm vào thân,
                Dẫy đầy đau khổ đâu yên ngủ.
                Như người bị trói sắp đem giết,
                Tai hại kề bên đâu thể ngủ.
                Giặc kiết(phiền não) chưa diệt, hại chưa trừ,
                Như cùng rắn độc chung nhà ở,
                Như vào trận giữa hai đao bén,
                Khi ấy làm sao yên ngủ được.
                Ngủ là đen tối không thể thấy,
                Ngày ngày cướp mất ánh sáng ta.
                Do ngủ khiến tâm không thấy được,
                Hại to như thế đâu yên ngủ.

Còn lắm việc như thế để quở trách mê ngủ, lấy vô thường cảnh giác sự ngủ nghỉ khiến giảm bớt, không che mờ tâm tánh. Nếu tâm mê ngủ quá nặng, phải dùng thiền trượng đuổi nó.

Phật dạy chúng ta chớ ôm thây thúi, nhớp nhúa v.v… mà say ngủ. Ngài ví thân năm uẩn giống như bốn con rắn độc nhốt chung một lồng. Ở chung như thế mà không có con nào nhường con nào, chúng luôn sừng sộ, cấu xé lẫn nhau. Thân này cũng vậy. Có khi nào chúng ta được khỏe mạnh bình thường luôn đâu. Hồi gầy guộc thì thiếu dinh dưỡng cũng sinh bệnh, đến lúc có da có thịt thì gan bọc mỡ… đủ thứ chuyện. Thời kỳ của chúng ta xuất hiện rất nhiều bệnh nhân tai biến mạch máu não, nhũn não, tim mạch, tiểu đường… Người mập mạp bệnh, gầy ốm cũng bệnh, cỡ nào cũng có bệnh hết. Người ít bệnh, ít thuốc men, sống vui vẻ, trên đời này hiếm hoi vô cùng.

Ngày nay loài người văn minh quá nên chế tạo đủ thứ. Thực phẩm từ Đài Loan đem về bảo hành tới 4 năm, trong khi tương hột của chúng ta chỉ bảo hành một tuần thôi. Như vậy họ phải để thuốc chống mốc vào đó bao nhiêu? Chúng ta hưởng ứng những thức ăn ấy mà không biết nó chính là độc dược. Thời xưa, ông bà của mình tu hành ăn cái gì? Hồi nhỏ hành điệu tôi biết, chùa có một ông thầy và năm bảy đệ tử. Nấu canh, bắt nồi nước sôi lên đó, đi hái lá giang đem về lặt sơ sơ, rửa sạch rồi vò hoặc xắt để vô nước sôi, nêm muối ớt mà ăn thôi. Cả thầy trò đều ăn, nó ngon ơi là ngon. Canh chua chan cơm nguội hấp dẫn vô cùng. Ăn đơn giản như thế mà khỏe mạnh, chứ không đau yếu bất thường như bây giờ.

Người thời nay ăn chay cũng ráng đặt tên những món ăn theo thế gian, nào là cá nướng, khô chiên, sườn non, sườn già gì đủ thứ. Những thức ăn đó toàn là làm bằng đồ gia vị, nhất là bột ngọt. Bột ngọt là hoá chất, đưa hoá chất vào cơ thể nó không tiêu. Nó tồn lại trong người mình, dính ở một vài tế bào nào đó, rồi phát triển bất thường, thế là phát sinh căn bệnh ung thư. Những thức ăn gây bệnh tật nguy hiểm như thế, chúng ta phải dè dặt cẩn thận. Ổn định được trong việc ngủ, việc ăn chúng ta sẽ khỏe mạnh.

Bốn con rắn độc nhốt chung trong một cái lồng, không khi nào nó không cắn nhau. Đừng nói bốn con, hai con thôi là đã cắn rồi. Ví dụ như trời nắng, quý vị cứ để đầu trần đi một ngày, chiều về nhức đầu tức thì. Nếu nhức đầu mà không uống thuốc không cạo gió thì dẫn tới bệnh khác như rát cổ, ho hen, sốt cảm, viêm phổi chẳng hạn… đủ thứ chuyện không yên. Cho nên thân này không có gì bảo đảm. Chúng ta không nên chìu chuộng nó quá mức, nhưng cũng phải an ủi nó trong phạm vi cho phép. Nó mệt quá cho nó ngủ một chút, chứ không, tấn công khổ hạnh điêu đứng thì nó gục ngã, làm gián đoạn tâm nguyện của mình. Mất thân này chúng ta không có phương tiện để tu. Phật nói mất thân này muốn tìm lại rất khó. Như con rùa mù trăm năm mới trồi đầu lên mặt biển một lần. Trồi như thế mà gặp được một bọng cây khô trôi giạt trên biển để bám vào thật là chuyện khó khăn vô kể. Mất thân này muốn tìm lại còn khó hơn như vậy.

Lúc bỏ thân này, những người tạo nghiệp bất hảo sẽ bị nghiệp đó dẫn. Thành ra vừa tắt thở liền thấy những cảnh mưa, bão, sấm sét, tiếng độc thú hú vang, sợ hãi vô cùng mà không biết trốn chạy chỗ nào cho yên. Cứ chạy như vậy, cuối cùng thấy bụi lùm liền chui vô trốn. Vừa lúc ấy là đã thọ thân, mang lông đội sừng. Chết dở chưa! Mang thân ấy rồi làm sao mà gỡ! Phải trả cái nghiệp đó, chừng nào hết mới xong. Việc thọ thân đời sau khó khăn như vậy nên ngay trong đời này, chúng ta phải làm sao tỉnh táo, đừng mê ngủ, đừng vướng những ham thích ăn uống, vượt qua mọi cám dỗ thế gian. Sống được với tâm bình thường là đạo.

Chúng ta tu bất luận pháp nào, miễn thành quả có định có tuệ là đúng. Không có định tuệ, chúng ta khó làm chủ, khó vượt qua những hiểm hoạ trong hiện đời cũng như lúc sắp lâm chung. Do vậy những lời nhắc nhở cần thiết này không thể thiếu, chúng ta cố gắng thực hành theo. Dù Thầy mình tu thành Phật, mà mình không chịu tu, cứ mê thì quỷ sứ vẫn dẫn mình vô địa ngục như thường. Mỗi người tự gánh lấy trách nhiệm và nợ nần đối với bản thân. Cho nên không thể xem thường việc tu tập, phóng túng buông lung về sau ăn năn không kịp.

4. Xả diêu động và hối hận

Diêu động là trạo cử, lăng xăng như ngồi không yên, ngồi lệch một bên. Người tu phải ngó ngay nhìn thẳng, ngồi nghiêm trang. Những việc này nhỏ chứ không lớn lao, nhưng nếu chúng ta không tập sẽ không giữ được tốt. Nhiều khi chúng ta ngồi tréo chân chữ Ngũ, quý Hòa thượng rầy đó là kiểu ngồi của mấy ông quan lớn, mình tu hành ngồi như vậy coi không được. Đó là những oai nghi thông thường mà hàng xuất gia cần phải biết và hành trì cho đúng luật. Bởi vì tư cách của một đại tăng là thay thế Phật tổ giáo hóa chúng sinh. Các vị thiện thần hộ pháp luôn gần gũi gia hộ chư tăng. Nếu oai nghi, tế hạnh của chúng ta không ra gì, chư thiện thần đâu thể bảo hộ cho mình. Vì vậy tăng ni cần phải tập trì giữ giới luật nghiêm chỉnh. Đi đứng ngồi nằm đều trang nghiêm thanh tịnh. Có thế mới xứng gọi Thích tử Như Lai.

Hối hận là tâm trạng ray rứt khó chịu khi chúng ta phạm lỗi. Phật dạy trên đời này có hai hạng người đáng khen, đó là người không bao giờ phạm lỗi và người phạm lỗi mà biết ăn năn sửa đổi. Như vậy một khi đã phạm sai lầm, chúng ta sám hối và buông bỏ hết lỗi cũ, quyết tâm sửa đổi không để phạm sai lầm nữa. Không nên ôm ấp mãi mặc cảm tội lỗi cũ rồi phiền muộn, thối thất, ngăn trở cho việc dụng công tu hành. Nhà thiền bảo việc qua rồi không níu kéo lại. Sống với thực tại ngay đây, không nuối tiếc dĩ vãng hay mơ tưởng về tương lai.

Người tu phải tự chấn chỉnh mình, đừng để mất thì giờ vì những dao động lăng xăng, ray rứt mãi trong tâm. Khắc tỉnh, khắc tiến, đó chính là cách xả trạo hối hay nhất.

5. Xả nghi.

Do nghi che đậy tâm, đối trong chánh pháp không khởi lòng tin. Vì không tín tâm, nên ở trong Phật pháp không đượcchi cả. Ví như người vào núi vàng, mà không có tay nên không thể lấy được vàng. Nghi có nhiều thứ nhưng không hẳn tất cả đều làm chướng định. Riêng nói về chướng định thì nghi có ba:

Một là nghi thầy. Nghi thầy chưa chứng được chỗ chân như thật tướng. Nghi thầy tướng mạo oai nghi không tốt. Nghi như vậy nên chướng ngại công phu thiền định. Khi khởi nghi về thầy liền phải xả bỏ, bằng cách quán niệm thế này: “Ta thật ngu si, bậc thượng thánh đại nhân cầu pháp không chấp người, thường khởi lòng cung kính Như Lai trong ba đời. Thầy tức là chư Phật vị lai, sao lại sinh nghi?” Lại Luận Ma-ha-diễn dạy: Ví như trong đãy da hôi thúi mà có đựng vàng, vì muốn lấy vàng nên ta không thể bỏ cái đãy thúi. Người tu cũng thế, thầy tuy chưa hoàn toàn thanh tịnh, vẫn tưởng như Phật.

Hai là nghi pháp. Đối với giáo pháp, tâm do dự không quyết định, nhân đó che lấp bản tánh của mình. Người đời phần nhiều hay chấp điều mình nghĩ trước là phải, nên sau khi thọ giáo pháp, không thể liền sinh tâm tin kính phụng hành. Khi khởi nghi về pháp liền phải xả bỏ, bằng cách quán niệm thế này: “Pháp nhãn của ta chưa mở, chưa phân biệt đúng sai, chỉ nương vào niềm tin mà thôi. Phật pháp như biển, chỉ có niềm tin mới có thể vào”. Nghi pháp làm chướng ngại tâm như thế, nên có bài kệ:

                Như người trước ngã ba,
                Nghi người không biết lối.
                Trong các pháp thật tướng,
                Nghi cũng lại như vậy.
                Vì nghi không cần cầu,
                Thật tướng của các pháp.
                Thấy nghi từ si sinh,
                Là ác trong các ác.
                Trong pháp lành và ác,
                Sinh tử và Niết-bàn,
                Quyết định thật có pháp,
                Ở trong chớ sinh nghi.
                Ông nếu ôm lòng nghi,
                Chết bị chúa ngục trói.
                Như sư tử chụp nai,
                Không thể nào thoát khỏi.
                Ở đời tuy có nghi,
                Phải tuỳ hỷ pháp lành,
                Ví như thấy ngã ba,
                Đường tốt lợi nên đi.

Ba là nghi mình. Nghĩ rằng ta là kẻ ngu tối, tội chướng nặng nề, không phải như những bậc kia! Tự khởi nghi như thế, pháp thiền định không thể phát sinh. Hoặc nghi mình không có khả năng thành Phật. Một khi khởi niệm nghi như thế rất tai hại, vì tự đánh mất khả năng giác ngộ giải thoát của chính mình, làm khô héo hạt giống Phật có sẵn trong tâm, pháp thiền định không thể phát sinh. Khi khởi nghi về mình liền phải xả bỏ, bằng cách quán niệm thế này: “Từ vô lượng kiếp, nhân tích tập không cố định, sao lại tự nghi, mất thời giờ, mất lợi lạc. Thân người khó được, chớ để nghi hoặc làm thương tổn mình”.

Nếu muốn tu thiền định chớ có khinh mình, vì căn lành nhiều đời trước không thể lường được.

Tóm lại, các phiền não đều có nghĩa là cái, nhưng năm thứ này hay làm chướng ngại năm uẩn vô lậu. Trong đó tham dục và giận dữ làm chướng ngại giới uẩn, hôn trầm thuỳ miên làm chướng ngại tuệ uẩn, trạo hối làm chướng ngại định uẩn, nghi làm chướng ngại lý Tứ Đế. Trừ bỏ năm chướng này liền sinh thiền định trí tuệ. Lúc tham dục khởi, tâm nhớ nghĩ ngũ dục nên dùng pháp quán bất tịnh để trừ bỏ tham dục. Dùng quán từ bi để trừ bỏ sân khuể. Dùng tinh tấn để trừ bỏ thuỳ miên. Dùng pháp sổ tức để trừ bỏ trạo hối. Dùng trí tuệ Bát-nhã để trừ bỏ nghi. Đó chính là pháp tu xả ngũ cái vậy.

[ Quay lại ]