headertvtc new


   Hôm nay Thứ sáu, 22/11/2024 - Ngày 22 Tháng 10 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

HỘI THỨ TÁM

Chưng ấy:
Chỉn xá tua rèn;
Chớ nên tuyệt học.
Lay ý thức chớ chấp trằng trằng;
Nén niềm vọng mựa còn xóc xóc.
Công danh mảng đắm, ấy toàn là những đứa ngây thơ;
Phúc tuệ gồm no, chỉn mới khá nên người thực cốc.
Dựng cầu đò, giồi chiền tháp, ngoại trang nghiêm sự tướng hãy tu;

Săn hỷ xả, nhuyễn từ bi, nội tự tại kinh lòng hằng đọc.
Rèn lòng làm Bụt, chỉn xá tua một sức dồi mài;
Đãi cát kén vàng, còn lại phải nhiều phen lựa  lọc.
Xem kinh đọc lục, làm cho bằng thửa thấy thửa hay,
Trọng Bụt tu thân, dùng mựa lỗi một tơ một tóc.
Cùng nơi ngôn cú, chỉn chăng hề một phút ngại lo;
Rất thửa cơ quan, mựa còn để tám hơi lọt lọc.

Chú thích:

- Chỉn xá tua rèn: Chỉ hãy nên tu rèn.
- Lay ý thức: Chuyển ý thức.
- Trằng trằng: Chấp chặt.
- Xóc xóc: Lao xao, giao động.
- Giồi: Xây cất.
- Săn: Siêng.
- Một sức dồi mài: Chuyên sức dồi mài.
- Làm cho bằng thửa thấy thửa hay: Làm cho bằng được điều thấy điều biết.
- Dùng mựa lỗi: Chớ còn lỗi.
- Chăng hề: Chẳng hề.
- Rất thửa cơ quan: Điều rất cần là nơi các cơ quan.
- Mựa còn để: Chớ còn để.
- Tám hơi: Tám gió.
- Lọt lọc: Trở đi trở lại.

GIẢNG:

Trong hội thứ tám có ba điểm.

Điểm thứ nhất là người tu không bỏ một hạnh nhỏ nào. Bởi người xuất gia cần phải khắc phục để tu tiến cho nên không được bỏ một hạnh nhỏ nào hết. Trong Quy Sơn Cảnh Sách, Tổ Quy Sơn dạy “Thật tế lý địa bất thọ nhất trần, vạn hạnh môn trung bất xả nhất pháp”, nghĩa là ở chỗ chân thật thì không có một mảy trần, nhưng trong cửa muôn hạnh thì chẳng bỏ một hạnh lành nào.

Tổ dạy người tu đối với những hạnh nhỏ không bỏ, luôn luôn siêng năng khắc phục điều dở, để chuyển hóa các thứ nghiệp xấu thành tốt, dần dần tiến lên trưởng dưỡng công đức, trưởng dưỡng tâm Bồ-đề. Có phát tâm Bồ-đề mới tiến tới cầu giác ngộ thành Phật. Quá trình tu phải thực hiện như vậy. Giai đoạn của chúng ta là đang tu, chưa đến nơi đến chốn, cho nên không từ bỏ một việc lành nào. Bởi theo tinh thần của Sơ Tổ Trúc Lâm, muốn thành tựu Vô thượng Bồ-đề phải dồi mài, rèn luyện công phu, chớ bỏ học tập.

Tu là chuyển đổi ý thức, buông bỏ vọng tưởng, không chấp chặt như trước nữa. Cho nên câu kế tiếp Ngài dạy: “Lay ý thức chớ chấp trằng trằng”, tức là hãy tỉnh thức, đừng chấp cứng nữa. Tu là sửa, những gì chưa đúng hoặc còn dở thì ta sửa. Ví dụ mình tự thấy nóng nảy không hợp với người tu, thứ này xấu lắm thì bỏ đi, gọi là tu sửa. Nếu người còn tham thì bỏ tham, bỏ hết tham sân phiền não thì được sáng suốt giác ngộ. Theo nghĩa này thì trên thế gian ai cũng phải tu. Tu từ lúc bé thơ cho đến già chết, mỗi người tu mỗi cách mỗi pháp khác nhau.

Ngay từ thời bé thơ, lúc mình đi chưa vững và còn kêu bập bẹ: “Ba ba! Mẹ mẹ!” cũng đã bị tu, được cha mẹ hướng dẫn tu sửa. Ta nói lời gì không đúng cha mẹ sửa lại. Lớn lên một chút, cha mẹ cho đi học được thầy bạn, trường lớp dạy dỗ hướng dẫn, mình cũng bị tu nữa. Như con đường đó là con đường đen tối, phạm pháp, đi vào đấy sẽ hư thân mất nết, thì chẳng những gia đình, nhà trường mà cả xã hội cùng tu sửa cho mình. Sửa bằng cách nào? Họ ngăn cản; còn lỡ khi ta đã đi vào con đường đó, họ còng tay chân lại đem về uốn nắn bằng nhiều cách, tùy mỗi đối tượng. Đó là trường đời.

Chúng ta xuất gia tu hành tức là học trường đạo. Vị giáo chủ của chúng ta từ thời ấu thơ cho tới khi trưởng thành cũng được học, được tu sửa theo nền văn minh văn hóa của xã hội đương thời. Nhờ học tập giáo dục Ngài mới trở thành con người tốt đẹp. Sau đó Ngài xuất gia tu hành được giác ngộ giải thoát, rồi đem đạo giác ngộ ấy dạy lại cho chúng ta. Như vậy đức Phật cũng trải qua một quá trình tu sửa bản thân mới thành Phật. Chúng ta ngày nay cũng thế, theo sự chỉ dạy của Phật Tổ mình tập đi cho đúng đường. Đi chưa đúng, lỡ trật chân lệch ra ngoài liền có người chỉnh lại. Tại vì chúng sanh có bệnh hay quên, tuy đã được học đã biết con đường nào là chánh đạo nhưng vì quên nên đi bậy. Đi bậy thì được sửa lại, thiện hữu tri thức kéo mình đi ngay lại. Cho nên quý vị phải hết lòng cám ơn những ai đã từng nhắc nhở khuyến tấn mình tu tập, sửa sai cho mình, chớ không nên có tâm phiền giận. Trên đường tu rất cần thiện hữu tri thức nhắc nhở để chúng ta đi thẳng một con đường, đừng bị lệch mới có thể đi đến nơi đến chốn.

Do vậy cho nên những người chung quanh tuy không phải là thầy mình, không phải là giáo thọ của mình, cũng không phải người thân trong gia đình mình, nhưng khi thấy ta sai họ nhắc. Nhắc bằng cách này cách khác hoặc điện thoại về cho những vị có trách nhiệm biết: “Đệ tử của thầy ra ngoài quậy phá vậy đó” thì chúng ta phải cám ơn họ, không được thán oán. Nhắc nhở để chuyển hóa tu tập cũng là một cách giáo dục để truyền thừa mạng mạch. Ai giao phó không biết, nhưng tự nhiên thiên hạ luôn dự phần trách nhiệm đối với người tu chúng ta như thế. Mình cứ ngỡ bỏ xứ này đi xứ khác, ưng làm gì thì làm không ai biết, không ai nói chi. Nhưng không. Dáng dấp, việc làm, ngôn ngữ, tư cách, phong độ của mình sẽ được chụp hình và gởi về cho sư phụ. Quý vị thấy hay ghê không? Tôi nghĩ đây là nền giáo dục rộng lớn, chúng ta phải nên cám ơn.

Thà không tu Phật thì thôi, đã tu thì nên đi cho đúng đường, đừng đi đường quanh co nào khác. Bởi vì chung quanh chúng ta hầm hố rất nhiều, lạng quạng là rơi xuống ngay. Phải cảnh giác cao độ và siêng năng liên tục, đời này chưa thành tựu thì đời sau tiếp tục. Chủng tử Phật này lạ đời lắm, đã có rồi thì sẽ được nuôi tới ngày thành tựu mới thôi. Có chủng tử Phật rồi thì không bao giờ mất, đủ duyên là nó đẩy mình đi tới, có lỡ rơi ra ngoài người ta cũng lượm mình thả vô. Lượm bằng nhiều cách, hoặc lượm bằng tay hoặc lấy chân hất vô, cũng có người thương mình họ lấy xe hơi ủi vô thẳng luôn. Đúng như lời Hòa thượng Viện trưởng nói: “Trước mắt tôi không có kẻ thù, chỉ có những người bạn đã thông cảm hoặc chưa thông cảm thôi”. Tuyệt nhiên không có kẻ thù. Bậc chân tu nói ra một lời nghe thấm thía làm sao! Hôm ở bên Úc, Phật tử đón đi cùng với Hòa thượng, nghe câu nói của Ngài tự nhiên cả ngày tôi thấy thấm thía lạ lùng. Tôi chẳng biết làm gì hơn ngoài việc lẽo đẽo theo thầy, kêu đi chơi thì đi chơi, mời ăn thì ăn, mời ngồi thì ngồi, lúc nào rảnh thì cứ ngẫm nghĩ mà thấm thía câu đó.

Tu là chuyển đổi ý thức, buông bỏ vọng tưởng, không còn chấp chặt vọng tưởng nữa. Chuyển đổi ý thức là sao? Ý thức tức là những nhận định, phân biệt của chúng ta. Ý thức khi mình chưa tu thường là không đúng, không chính xác bởi vì nó bị cái ngã xen vào. Những gì hợp với ta thì tốt thì đúng, những gì không hợp với ta thì xấu thì sai. Biết tu rồi chúng ta phải chuyển đổi. Ví dụ hồi xưa ta thấy ông đó dễ ghét quá, bây giờ tu rồi nghe Hòa thượng nói trước mắt tôi không có kẻ thù, chỉ là chưa cảm thông thôi. Bữa nào đi ăn giỗ gặp ông ấy, mình cảm thông được thì cảm thông, cảm thông chưa được thì thôi chớ không ghét nữa. Đó là chuyển đổi ý thức.

Trở lại việc tu của chúng ta. Vừa rồi có một vị nói chuyện với tôi thế này: Bây giờ con muốn tự do, con sắp đặt tu viện của con, tới giờ ngồi thiền ai muốn ngồi thì ngồi, ai không muốn ngồi thì nằm, muốn đi thì cứ đi. Chớ mắc mớ gì bắt buộc phải ngồi thiền, khống chế như vậy không có tự do. Tu kiểu ấy mới phóng khoáng tự do. Tôi nói: “Tu kiểu đó là buông lung chúa, chúa của buông lung, chớ không phải tự do”. Gốc của việc tu là phải làm chủ được các niệm tưởng lăng xăng điên đảo của mình. Chúng ta không chạy theo những thói hư tật xấu, những tập khí lười biếng rồi trở lại dùng Phật pháp biện luận cho cái lỗi của mình. Đây là một tai họa lớn, huynh đệ cần phải tránh xa, loại bỏ ngay tư tưởng này.

Điểm thứ hai là khắc phục tiến tu và phát tâm Bồ-đề. Nghĩa là lúc nào cũng siêng năng, cũng tu liên tục, đồng thời phát tâm Bồ-đề. Khi đã biết tu rồi thì những lăng xăng trong lòng phải khắc phục, phải làm chủ được nó. Đồng thời hướng tâm cầu giác ngộ, tức phát tâm Bồ-đề. Tại sao phải siêng năng? Vì chúng ta có bệnh hay giải đãi, nếu buông lơ thì tâm lười biếng sẽ rủ đi chơi ngay. Người thế gian còn sợ cái tật lười biếng, huống là người tu chúng ta? Dân quê tôi thường nói “Chống Pháp chống Mỹ không sợ, mà sợ chống cuốc”!

Huynh đệ để ý sẽ thấy, có người vào chùa học hành tu tập rất mau chóng. Ngược lại có người chậm lụt, học hoài nhắc mãi cũng không sao nhớ nổi. Đó là do đời trước mình đã từng tu hay chưa từng tu mà ra. Với người siêng năng, việc học việc tu không khó bởi đã từng thực hành như thế từ hồi nào rồi, nên bây giờ nhắc lại là nhớ ngay. Ý thức rõ điều này anh em gắng nỗ lực, tu là tu cho mình chớ không phải cho ai. Vì vậy mỗi người cần phải tự phát tâm Bồ-đề, không đợi ai thúc giục ta mới tu. Việc tu cần phải rèn luyện, dùi mài nhiều năm tháng mới thấy được lực dụng của nó.

Với cái nhìn của Phật giáo, việc gì cũng do sự tập quen, cái gì ta làm dễ dàng là vì quen từ nhiều đời rồi. Việc tu hành cũng thế, ta thực hiện được viên mãn hay không là do có thường xuyên tu tập hay không? Đây là vấn đề quan trọng chúng ta cần phải biết. Ta không thể nào để ngày qua tháng lụn, trong khi đó của đàn na tín thí cứ chất lên thành núi. Cái đầu đã cạo bóng nhẵn thì mình lạ hơn thiên hạ rồi, anh em đâu có thể đặt chân vào cái quán ca hát rầm rầm bên kia đường? Đặt câu hỏi đó lên rồi thì ta thấy mình phải đi tới cùng, không thể lừng khừng qua ngày, ôm giữ mối nợ của đàn na tín thí như ôm núi Tu Di, nặng nề lắm thưa quý vị! Không khéo đời sau làm kiếp trâu lừa trả chưa biết đến bao giờ. Con đường của người tu là con đường đi tới, không bước thụt lùi được. Vì thụt lùi là rơi xuống hầm chông ngay. Hầm chông ấy chính là địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh. Cho nên phải siêng năng tinh tấn lên!

Điểm thứ ba Tổ dạy chúng ta phải quyết tâm tu cho tới cùng là đạt đạo thành Phật. Xem kinh đọc ngữ lục rồi thì làm cho bằng những gì Phật, Tổ dạy. Như vậy mới không lo tám gió thổi rơi lại trong ba cõi. Tám gió là gì ? Là lợi, suy, hủy, dự, xưng, cơ, khổ, lạc. Bây giờ đừng nói tám gió mà một gió thổi mình cũng bay. Ví dụ như lợi tới nhiều quá quý vị tu không được là bay rồi. Hồi năm trường Trung Cấp Phật Học mới khai giảng tại Đại Tòng Lâm, trong số học trò của tôi có một vị ở Tây Ninh. Vị này sống dồi dào vật chất quen rồi, nên hay la cà ngoài quán ăn uống rồi mua vé số nữa. Không biết nhân duyên gì, hôm đó anh ta trúng số. Anh thưa với tôi: “Con trúng số thầy ơi”. Tôi hỏi: “Trúng nhiều không?” Anh thưa: “Dạ trúng khá lắm”. Anh cũng biết cúng dường đại chúng, nhưng kể từ đó anh học không nổi nữa. Lúc mới vào chùa, tuy ở nhà cung cấp tiền bạc nhiều, ăn xài to nhưng anh còn học được, tới khi trúng số anh học hết nổi luôn. Tôi hỏi tại sao? Anh nói con học không nổi nữa. Rồi anh đòi mua ti vi màu cúng dường đại chúng, tôi không cho. Anh chuyển sang mua xe, tôi cũng không cho. Tôi bảo mua xe mấy anh đi hoài làm sao học được, nếu cúng dường áo quần sách vở thì nhận. Đó, bị gió lợi thổi cho một phát thôi là bỏ học. Chà! Kiểu đầu năm trúng số một lần, cuối năm trúng số một lần chắc chết, làm sao sống nổi?

Cho nên đừng nói tám gió, một hai gió thổi mình cũng đủ chết ngủm. Đừng nói gió tử vong, gió khinh bỉ, mà gió được người ta công kênh, ca tụng mình cũng đã khó tu lắm rồi! Thành ra được học lời của Thánh hiền chúng ta phải làm cho được. Giữ gìn sao cho các vọng động đừng quấy nhiễu mình, khi buồn vui lợi hại đến ta đều vượt qua tất cả. Người xưa dạy rằng: “Nơi nào có Phật pháp mà không đủ cơm gạo, dù bị đuổi cũng xin ở lại để được tu học”. Còn “Nơi nào không có Phật pháp, dù ăn no mặc ấm hay được thương mến cũng không ở lại”. Đó là điều cổ đức nhắn nhủ với kẻ học đạo sơ tâm, không nên để vướng mắc các thứ lợi dưỡng, mới có thể tiến tu được. Đó là tinh thần tu học của người xưa.

Trong đời sống tu hành hàng ngày, huynh đệ giữ gìn đừng để cảnh duyên trói buộc hay làm nhiễu loạn tâm cầu giác ngộ giải thoát của mình. Chúng ta phải vững tâm, gan dạ, đầy đủ ý chí thì nhất định sẽ thành công. Mỗi ngày, anh em thường tự xét nét trừ bỏ các phiền não như tham dục, giận tức, si mê, tật đố, ganh ghét, nghi ngờ, lười nhác. Những thứ đó mà sạch rồi thì con đường Phật đạo không xa. Muốn sạch si mê điên đảo, phiền não, vọng tưởng thì phải thắp sáng ngọn đuốc trí tuệ lên. Đó là trí tuệ Bát-nhã. Dùng trí tuệ Bát-nhã soi tới soi lui, thường tự thấy lỗi mình, không dòm dõi lỗi người, biết muôn sự muôn vật trên thế gian này là tạm bợ, hư dối, không đắm luyến, không chạy theo nó nữa. Như vậy mới giữ vững và thành tựu đạo tâm.

Bao giờ tám gió thổi không động, các anh em đi tới đâu cũng tu được, cũng an nhiên tự tại. Tùy duyên quý vị lên núi tu cũng được, ra biển tu cũng được, vào thành thị tu cũng được. Nhưng nhớ là phải sạch phiền não, phải trị những thứ cù cặn trong lòng, phải lọc thành vàng ròng mới được. Đó là ý nghĩa tu và con đường tu chúng ta phải trải qua như vậy.

[ Quay lại ]