headertvtc new


   Hôm nay Thứ sáu, 22/11/2024 - Ngày 22 Tháng 10 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

HỘI THỨ TƯ

Tin xem:
Miễn cốc một lòng;
Thì rồi mọi hoặc.
Chuyển tam độc mới chứng tam thân;
Đoạn lục căn nên trừ lục tặc.
Tìm đường hoán cốt, chỉn xá năng phục dược luyện đan;
Hỏi phép chân không, hề chi lánh ngại thanh chấp sắc.
Biết chân như, tin Bát-nhã, chớ còn tìm Phật Tổ Tây Đông;
Chứng thật tướng, ngỏ vô vi, nào nhọc hỏi kinh thiền Nam Bắc.

Xem Tam tạng giáo, ắt học đòi Thiền uyển thanh qui;
Đốt ngũ phần hương, chẳng tốn đến chiên-đàn chiêm-bặc.
Tích nhân nghì, tu đạo đức, ai hay này chẳng Thích-ca;
Cầm giới hạnh, đoạn ghen tham, chỉn thật ấy là Di-lặc.

Chú thích:
- Miễn cốc một lòng: Cốt biết một tâm.
- Rồi: Rảnh rỗi.
- Chỉn xá năng: Chỉ hãy nên.
- Ngỏ: Rõ. 
- Cầm giới hạnh: Giữ giới hạnh.

GIẢNG:

Trong đây có những điểm chúng ta cần phải nêu lên để cùng tìm hiểu lời dạy của Sơ Tổ Trúc Lâm.

Ý thứ nhất là: Tu hành cốt biết được tâm thì sẽ chấm dứt mọi lậu hoặc; chuyển ba độc mới chứng ba thân, làm chủ sáu căn mới trừ được sáu giặc. Chúng ta tu làm sao nhận được ông chủ tức biết được tâm. Tất cả những hiện tượng lăng xăng chung quanh theo đó được yên. Cái gốc vững rồi thì mọi thứ theo đó yên hết. Cái gốc chưa vững thì mình sẽ bị động, bị luỵ bởi những thứ chung quanh. Thành ra ở đây xây dựng từ cái gốc, mà gốc đó là tâm mình.

Tâm chúng ta phải vững. Tâm vững rồi dù thiếu cơm ăn, thiếu áo mặc, thiếu tình thương, ta vẫn thấy an ổn bình thường. Bởi vì mình có cái gốc là tâm thể rỗng rang sáng suốt, có khả năng thành Phật là đầy đủ hết. Do vậy không lo sợ, không tán tâm, không xao động bởi những hiện tượng chung quanh. Cho nên nói, biết được tâm thì chấm dứt tất cả các lậu hoặc. Lậu hoặc là những thứ làm cho chúng ta mê mờ, phiền não, cuối cùng nó cột trói mình vào vòng nhân quả luân hồi.

Chuyển ba độc, chứng được ba thân. Chuyển ba độc tham, sân, si thì chứng được ba thân là pháp thân, báo thân, hóa thân. Làm chủ sáu căn mới trừ được sáu giặc. Tức làm chủ được các giác quan của mình, thì những thứ chung quanh không kéo lôi gì được hết. Mắt thấy sắc nhưng không bị động bởi sắc đẹp sắc xấu. Không khởi niệm thứ hai thứ ba đằng sau cái thấy sắc đó, người đó là chúa tể sơn lâm. Người đó đi từng bước đi chấn động cả tam thiên đại thiên thế giới. Còn vừa thấy sắc liền phân biệt đẹp xấu rồi lao theo thì muôn đời bị trói buộc bởi những thứ đó. Tu hành chỉ khác nhau một chút xíu vậy thôi. Ở đây Tổ dạy “Làm sao làm chủ các giác quan, làm chủ các căn là gốc của chuyện tu hành”. Trong kinh Lăng Nghiêm đức Thế Tôn cũng dạy rõ ràng như vậy. Người tu phải nhận ra tâm, sống được với tâm, làm chủ các giác quan của mình.

Ý thứ hai là: Phải biết chân như Bát-nhã ngay nơi thanh sắc mà thấy; tam tạng thánh giáo của đức Phật là giúp cho chúng ta diệt trừ si mê, khi hết mê cũng không được kẹt trong kinh điển ngôn cú.

Phải biết chân như Bát-nhã ngay nơi thanh sắc mà thấy, tức là từ hình sắc âm thanh ta nhận được chân như Bát-nhã của chính mình, không bị động, không bị lệ thuộc bởi những hình thức đó. Tam tạng thánh giáo của đức Phật là phương tiện giúp cho chúng ta diệt trừ si mê. Chúng ta nên biết trong giai đoạn đầu của sự tu cần dùng phương tiện, nhưng nhớ phương tiện cũng phải bỏ khi đã xong việc. Đã nhận lại, sống lại với thể giác thanh tịnh rồi thì phương tiện không dùng nữa. Bây giờ chúng ta học kinh, luật, luận, ngữ lục, tất cả ngôn cú của người xưa để nhận ra cốt tủy của sự tu hành, để phá dẹp tham sân si, chớ không phải học để lấy đó làm kiến giải đầy bụng, rồi nói suông.

Học thì học của người xưa mà trị là trị bệnh của mình, chớ không phải học để trị bệnh cho người xưa hoặc trị bệnh cho ai. Nhớ vậy đó. Ta không làm kinh động thiên hạ. Mình thấy hồi xưa chư Tổ vác hèo đập, mình cũng vác hèo đập, đập người ta mà không đập mình. Càng đập người ta mình càng tăng trưởng ngu si. Thành ra ở đây phải trị cái bệnh của mình. Ứng dụng thủ thuật, phương tiện của người xưa để trị bệnh cho mình. Đó là trừ si mê, không bị kẹt vướng vào phương tiện.

Nói thì nói thế, chúng ta có bệnh đã dùng phương tiện rồi thì khó bỏ lắm. Ví dụ lò bánh mì đó làm bánh mì mình ăn vừa miệng, mình thích lắm. Bữa nay ăn, ngày mai có tiền kêu đệ tử “Mua bánh mì thì lại cái lò đó mua nghe, mua ở mấy lò khác thầy ăn không được!...” Đó là kẹt rồi. Chúng ta luôn luôn như vậy, từ cái nhỏ xíu cho tới cái lớn lao, thành ra thói quen. Cho nên ngày xưa Phật dạy các thầy Tỳ-kheo không nên ngủ quá ba đêm dưới một gốc cây, ở thì ở gò mả, đồ dùng chẳng có gì ngoài một bình bát, ba y và đãy lược nước. Đức Phật sinh ra dưới bóng cây, thành đạo dưới bóng cây và viên tịch cũng dưới bóng cây. Chúng ta bây giờ khác hẳn rồi. Lớp tham đắm, cố chấp của mình dầy quá. Do đó tham sân si còn y nguyên. Chúng sanh là vậy, chìm trong vô minh tăm tối hoài, không biết bao giờ mới chịu ngoi lên?

Ý thứ ba là: Phải thắp sáng năm phần hương nơi chính mình. Giới hương, Định hương, Tuệ hương, Giải thoát hương và Giải thoát tri kiến hương. Đó là năm phần hương nơi chính mình. Hằng ngày hằng giờ dùng năm phần hương này, đây là hương tự tánh pháp thân để cúng dường chư Phật.

Một là hương giới. Hương giới chính là tự tâm không quấy, không xấu ác, không ganh ghét, không tham sân, không cướp hại. Chỉ một hương giới thôi cũng đã khó rồi đó! Tức là sống được với tự tâm của mình, không quấy, không xấu ác, không ganh ghét, không tham sân, không cướp hại. Sống được với tự tâm của mình rồi thì tất cả những thứ đó không còn nữa.

Hương thứ hai là hương định. Hương định là thấy cảnh tướng thiện ác, tâm không loạn. Ai được như thế là hằng sống được với Định hương của mình. Giới hương hay Định hương gì cũng đều là tâm hương cả.

Hương thứ ba là hương tuệ. Hương tuệ là tự tâm không ngại, thường dùng trí tuệ quán chiếu tự tánh. Không tạo các ác, tu tạo các điều lành mà không vướng mắc. Kính trên nhường dưới, đùm bọc kẻ cô bần. Chỉ người nào có trí tuệ thì tự tâm mới không ngại. Thường dùng trí tuệ quán chiếu. Quán chiếu ở đâu? Quán chiếu lại tự tánh của mình. Không tạo các ác mà thường tu tạo các điều lành, tâm không vướng mắc, không còn bị ngăn ngại bởi những hình thức chung quanh. Đây là người dùng được trí tuệ của mình quán chiếu một cách triệt để tất cả các pháp. Người này tâm rỗng rang sáng suốt trùm khắp, nên mới bảo dưỡng đùm bọc kẻ cô bần. Là người đã thuận hạnh, bước được những bước thật dài trên con đường Bồ-tát đạo, để tiến đến viên thành Phật quả.

Chúng ta tu, nếu tâm được yên, làm chủ các cảnh duyên, hằng sống với tánh giác của mình, như thế có thể gọi là sử dụng được hương trí tuệ, có thể thành tựu tất cả Phật sự, đầy đủ các công đức. Bấy giờ tâm từ bi giàn trải trùm khắp, cứu giúp quần sinh. Đây là thực hiện Bồ-tát đạo tới mức độ sâu rộng vô cùng. Người sử dụng được hương trí tuệ là vận dụng được trí tuệ thanh tịnh giải thoát ngay nơi mình, chứ không phải của ai.

Hương thứ tư là hương giải thoát. Hương giải thoát là tâm không vin theo các duyên, không nghĩ thiện không nghĩ ác, tự tại vô ngại. Do không vin theo nên không vướng không mắc. Đối cảnh thiện ác vô ngại tự tại, là giải thoát rồi. Giải thoát ở đây muốn nói là giải thoát từ tâm của mình, chứ không có hình thức giải thoát nào khác. Chữ Giải là cởi ra, chữ Thoát là không vướng mắc gì hết. Chỉ người sống được với tâm thể của mình, mới lột bỏ được tất cả những râu ria không cần thiết. Giống như người trong tủ sắt có vài ba chục khối ngọc ngà châu báu rồi, thì tiền bạc vải vóc bên ngoài xem như giấy vụn. Còn bên trong trống rỗng, thì gặp cái gì cũng nhét vô cho đầy. Thành ra, muốn giải thoát là bên trong phải đầy, đầy đủ đạo hạnh trí tuệ. Đạo hạnh trí tuệ này từ công phu mỗi ngày của chúng ta mà có.

Nói tới thiền là nói tới hằng sống với tánh giác, với cái gốc của mình. Sống được với cái gốc thì không nói giải thoát mình vẫn giải thoát như thường. Cho nên người sống được với tâm thể gọi là sống thiền, người ấy rong chơi tự tại trong các cảnh mà không bị vướng mắc bất cứ cảnh duyên nào. Như thế mới là tự tại chứ! Chẳng những tự tại trong lúc sống mà khi mất đi cũng tự tại, muốn sanh vào cảnh giới nào đều tùy nguyện lực mà được như ý.

Chúng ta chưa nói tới được như Thiền sư, mình chỉ là thiền sinh ở Thiền viện, nhưng đời sống cũng ít bị trói buộc hơn người thế gian rồi, không vướng mắc ăn, không vướng mắc mặc, không vướng mắc địa vị, không vướng mắc tình cảm… Nếu giữ gìn và phát triển được đời sống tốt đẹp như vầy thì trong những đời sau, hoặc vì nghiệp quá khứ mà ta có rơi vào các đường xấu hơn, mình vẫn còn chủng tử tu hành, nên cũng sẽ tự tại hơn, ít khổ hơn các chúng sanh trong cảnh giới ấy. Bởi vì mình thường được Phật Tổ dạy phải quán chiếu cha mẹ, huynh đệ, chùa chiền đều do duyên hợp giả tạm. Thầy tổ cũng là một đoạn nhân duyên gặp nhau để hỗ trợ tu hành. Chúng ta giống như một người khách lữ hành ghé lại cõi này nghỉ trọ qua đêm, qua một đoạn đời. Có gì để vướng mắc? Phải quán chiếu như vậy mới không vướng kẹt, mới tự tại ra đi. Nghĩ thế tâm sẽ thấy giải thoát, an ổn, bình thản với tất cả cảnh duyên bên ngoài.

Có câu chuyện Bồ-tát trong một kiếp rớt xuống địa ngục. Khi vào địa ngục thấy mấy người bạn đang bị hành hình, kéo chiếc xe lửa bằng sắt. Chiếc xe phun lửa, thằng quỷ đứng trên xe điều động lỗ mũi nó, miệng nó, khắp thân thể nó chỗ nào cũng phun lửa, cho đến cây chỉa ba nó cầm cũng phun lửa. Nhìn thấy tội nhân ốm yếu kéo không nổi, đã vậy lại bị quỷ lửa cầm cây chỉa đâm hoài. Cứ mỗi lần đâm là tội nhân cháy rụi và chết. Chết rồi sống lại tiếp tục thọ hình nữa. Bồ-tát thấy thương quá mới nói với quỷ:

- Ông làm ơn bớt chút đi! Người ta ốm yếu, ông hành hạ quá làm sao chịu nổi. Để tôi chịu thay hết những cực hình này cho, xin ông bớt tay một chút.

Ngài vừa nói tới đó, quỷ lửa nổi nóng đâm Ngài đổ ruột chết liền tại chỗ và ngay đó Ngài thoát kiếp địa ngục. Thoát được là nhờ Ngài khởi tâm thương tội nhân kia. Còn những chúng sanh thọ hình trong địa ngục phải chịu muôn lần sống muôn lần chết kinh khủng như vậy, chứ không thoát được như Ngài. Cho nên huynh đệ cố gắng tu để được giải thoát, để không bị thống khổ mãi trong ba cõi sáu đường, nhất là những đường dữ.

Hương thứ năm là hương giải thoát tri kiến. Hương giải thoát tri kiến là tự tâm không chạy theo thiện ác, không chìm, không trệ tịch, học rộng nghe nhiều, biết tự tâm thông thật lý của chư Phật, hòa quang tiếp vật, tâm không nhân ngã, thẳng đến Vô thượng Bồ-đề, chân tánh không dời đổi. Hương này tự bên trong chớ tìm bên ngoài. Đây là tâm hương cuối cùng, tâm hương này là hương giải thoát tri kiến, tức cởi mở sạch hết. Đến đây rồi thì sống triệt để với trí tuệ sáng suốt, tâm thể bình đẳng nhất như, hoàn toàn an ổn và đầy đủ diệu lực, làm vô lượng công đức.

Sơ Tổ Trúc Lâm dạy chúng ta phải thắp sáng năm phần hương nơi chính mình. Song hương nào cũng từ tự tâm thôi. Tự tâm chúng ta phải vững, phải dõng mãnh, không vướng mắc, thanh tịnh giải thoát.

Ý cuối cùng là: Tích nhân nghĩa, tu đạo đức, giữ giới, trừ bỏ kiết sử, ấy chính là Phật Thích Ca, Phật Di Lặc hiện nơi đời, nơi mình. Chữ Tích là chứa nhóm, cũng có nghĩa tu trì. Tu đạo đức là chứa nhóm tu trì, gìn giữ giới hạnh trang nghiêm thanh tịnh. Bỏ tất cả những kiết sử, tức là bỏ phiền não. Bởi vì phiền não là giặc. Trong thời gian nỗ lực phấn đấu tu hành, chúng ta không nên để cho giặc phiền não xâm nhập gia cư của mình. Giống như một tướng lãnh giỏi đang chiến đấu giữa quân trận muôn trùng, thì không bao giờ nuôi giặc, không có một sơ hở nào cho giặc tiến công hoặc làm sào huyệt trong doanh trại của mình. Quét sạch tất cả bọn giặc mới có thể an ổn. Thành ra ở đây Ngài dạy: Tu đạo đức, giữ giới, trừ bỏ phiền não, tích chứa nhân nghĩa… được như vậy thì Phật Thích Ca hiện đời, Phạât Di Lặc cũng ngay đây.

Phật Thích Ca ý nói đức Phật ngay trong hiện đời, Phật Di Lặc là đức Phật tương lai, nghĩa là hiện tại chúng ta sống được với tâm Phật hoàn toàn mà tương lai cũng thế. Đức Phật Di Lặc biểu trưng cho sự hoan hỷ, nếu chúng ta sống được với ông Phật của mình rồi thì hiện đời yên ổn và tương lai rất an vui, lúc nào cũng cười toe toét như đức Phật Di Lặc.

Tinh thần của các tổ Trúc Lâm là tu ngay trong đời thường, hòa cùng cát bụi mà thành tựu đạo nghiệp. Tích nhân nghĩa, tu đạo đức, gìn giới hạnh, phá tham sân si, dẹp trừ phiền não. Đó là những sinh hoạt bình thường, chứ không phải lên trời lên mây mới tu. Sơ Tổ Trúc Lâm vào quãng cuối đời, Ngài đi vào dân gian phá dẹp các dâm từ và dạy Thập thiện cho nhân dân. Là một ông vua, một ông tổ mà hòa nhập với cuộc thế, với người dân khắp mọi miền khuyên dạy những pháp tu hết sức giản dị như giữ năm giới, tu Thập thiện… Ngài không giảng những bài pháp trên trời trên mây, dành cho Bồ-tát hay chư thiên nghe đâu.

Ngài phá dâm từ tức là đi vào dân gian, phá những lầm chấp tập tục mê tín dị đoan, không đúng với tinh thần, ý nghĩa Phật pháp. Thật là một con người trọn việc đời vẹn việc đạo, tự lợi lợi tha viên mãn. Thời gian làm Thái thượng hoàng, Ngài chia sinh hoạt ra làm hai bữa: nửa ngày xử lý việc quốc gia, nửa ngày tu. Chúng ta thấy ý chí của một ông vua như vậy mới làm Tổ được chứ! Khi xuất gia tu hành, Ngài ngộ đạo từ câu Phản quan tự kỷ bô!n phận sự bất tùng tha đắc. Nhà vua khi đã đi tu là tu cho tới nơi tới chốn, hành hạnh đầu đà. Lịch sử đức Phật Thích Ca cũng vậy. Khi Ngài từ bỏ hoàng cung đi xuất gia cũng tu khổ hạnh.

Ý chí và tâm lực mạnh mẽ, chuyên nhất như thế mới thành tựu đạo nghiệp. Chúng ta phải học và thực hành theo tấm gương của các ngài. 

[ Quay lại ]