HỘI THỨ SÁU
- Chi tiết
- Được đăng ngày Chủ Nhật, 09 Tháng mười một 2008 08:56
- Viết bởi nguyen
Thật thế!
Hãy xá vô tâm;
Tự nhiên hợp đạo.
Dừng tam nghiệp mới lặng thân tâm;
Đạt một lòng thì thông Tổ giáo.
Nhận văn giải nghĩa, lạc lài nên Thiền khách bơ vơ;
Chứng lý tri cơ, cứng cát phải nạp tăng khôn khéo.
Han hữu lậu, han vô lậu, bảo cho hay: the lọt, duộc thưng;
Hỏi Đại thừa, hỏi Tiểu thừa, thưa thẳng tắt: lòi tiền, tơ gáo.
Nhận biết làu làu lòng vốn, chẳng ngại bề thời tiết nhân duyên;
Chùi cho vặc vặc tánh gương, nào có nhuốm căn trần huyên náo.
Vàng chưa hết quặng, xá tua chín phen đúc chín phen rèn;
Lộc chẳng còn tham, miễn được một thì chay một thì cháo.
Sạch giới lòng, chùi giới tướng, nội ngoại nên Bồ-tát trang nghiêm;
Ngay thờ chúa, thảo thờ cha, đi đỗ mới trượng phu trung hiếu.
Tham thiền kén bạn, nát thân mình mới khá hồi ân;
Học đạo thờ thầy, dọt xương óc chưa thông của báo.
Chú thích:
- Hãy xá: Hãy nên.
- Một lòng: Một tâm.
- Lạc lài: Lạc loài.
- Cứng cát: Cứng cáp.
- Han: Hỏi.
- The lọt: Tấm vải the mỏng, nước có thể chảy qua. Dụ cho hữu lậu.
- Duộc thưng: gáo nước. Vô lậu dụ như gáo nước có thể chứa nước không bị đổ ra ngoài.
- Lòi: Sợi dây xâu tiền ngày xưa. Tơ: Sợi dây thừng để buộc gáo thả xuống giếng múc nước. Lòi tiền, tơ gáo dụ như phương tiện.
- Xá tua: Hãy nên.
- Vặc vặc: Vằng vặc.
- Miễn được: Cốt được.
- Một thì chay, một thì cháo: Một chén chay lạt, một chén cháo qua bữa.
- Đi đỗ: Đi đứng.
- Chưa thông: Chưa xong.
GIẢNG:
Trong hội thứ sáu này có mấy điểm chúng ta cần hiểu rõ.
Điểm thứ nhất là muốn học đạo thì hãy nên vô tâm, dừng ba nghiệp thân tâm mới trong lặng. Đạt một lòng (tức đạt một tâm) thì thông suốt Tổ giáo. Ngược lại chỉ y cứ trên văn nghĩa mà hiểu là hạng thiền khách lạc loài bơ vơ.
Trước nhất Tổ muốn nhấn mạnh cái vô tâm. Vô tâm thì không còn vướng mắc bởi những sự kiện chung quanh. Đây là tinh thần tu hành đặc biệt của người tu thiền. Hằng ngày tâm chúng ta vướng mắc việc này việc nọ, đó không phải là tâm thật, chỉ là bóng dáng của trần cảnh. Nếu người tu hành cho đó là tâm thật của mình, chẳng khác nào kẻ nuôi giặc trong nhà. Hôm nào đó mình đi chợ uống cà phê, ở nhà nó mở cửa dọn đồ ráo trơn. Về nhà hỏi ra đó là ai? Chính là người mình thân thương xưa nay nuôi dưỡng trong nhà. Cũng thế tâm vọng tưởng là giặc mà mình không biết, cứ nuôi dưỡng bảo vệ nó. Cuối cùng sự nghiệp tan nát vì nó, vướng mắc và khổ đau, bất an bất ổn. Thành ra Tổ dạy người tu phải dùng con mắt trí tuệ nhìn rõ các cảnh duyên. Làm sao nhận được, thấy rõ tất cả đều là đồ giả, tạm dùng trong một giai đoạn mà thôi. Nhiều thứ ta dùng chưa trọn đời thì đã hỏng rồi. Như cái nhà mình làm khoảng chừng hai ba mươi năm nó đã hư. Đó là nói những thứ tương đối kiên cố, thời hạn sử dụng khá lâu, còn vô vàn những thứ mong manh sớm còn tối mất khác nữa.
Trong kinh Phật dạy tài sản thế gian là của năm nhà chớ không phải của mình. Năm nhà là của giặc cướp, của vua quan, của nước lụt, của lửa dữ, của con cái phá sản. Tất cả những gì người đời ham thích ôm giữ, cố chấp tham đắm đều không thể giữ được. Thành ra người tu nhận được điều đó rồi thì an tâm, từ an tâm tiến đến vô tâm dễ dàng. Vô tâm thì tự tại với những thứ đó. Tự tại thế nào? Ví dụ như do phước duyên, ta có thể cất nhà lầu thì cứ cất nhà lầu mà ở, chớ không phải keo sẻn ôm giữ tiền của không dám đụng đến. Nhưng mai kia vì nhiều lý do khác nhau hoặc nước lụt hay hỏa hoạn, cái nhà lầu ấy bị hư hoại, ta biết rõ nó sẽ như thế nên không lo buồn, đau khổ thái quá. Không ở nhà lầu, ta ở nhà tranh vách đất vẫn an vui, không có nhu cầu đòi hỏi gì cả. Đó là tự tại. Cho nên ta tùy nghi sử dụng phúc duyên của mình trong mọi thời, mọi hoàn cảnh, không cố chấp, không bám víu, không cố thủ bảo vệ những gì không cần thiết.
Trong kinh Kim Cang, Phật dùng ví dụ dạy chúng ta sử dụng các pháp tu như một phương tiện để đạt đến mục đích cứu cánh. Ví như người qua sông cần phải có thuyền bè. Đã qua sông rồi thì thuyền bè hãy vứt đi. Nếu người tiếc rẻ còn vác thuyền bè trên vai đi, người này không sáng tí nào hết. Nhưng chưa qua sông mà bỏ thuyền bè, Phật nói người này cũng không sáng suốt luôn. Cho nên chúng ta cần qua sông thì có thuyền bè, qua sông rồi thuyền bè để lại cho người khác đi, đừng có mang trên lưng nữa.
Trở lại vấn đề vô tâm là vấn đề chính yếu của người tu hành. Người muốn được vô tâm trước tiên phải có trí tuệ. Không có trí tuệ thì không cách gì mà vô tâm được. Bởi các thứ ngoại duyên bên ngoài có sức hấp dẫn, có sức lôi cuốn lạ lùng đối với chúng sanh. Mà muốn có trí tuệ thì phải tu. Bây giờ tu làm sao? Trước nhất, với phương tiện tối thiểu là kinh giáo. Nhờ sự chỉ giáo của Phật Tổ, của các bậc thầy dạy dỗ chỉ bảo chúng ta tu pháp môn như thế, đường hướng hành trì như thế, chúng ta phải nỗ lực thực hành, chớ không phải học suông.
Tuy kinh giáo không phải thật, đó chỉ là phương tiện nhưng bước đầu tiên chúng ta phải nương theo những lời dạy ấy mới biết rõ đường lối tu hành. Song yếu tố quyết định là sự tu tập của mỗi người. Người trước dùng phương tiện đó để chỉ giáo cho chúng ta, bây giờ chúng ta đủ duyên được nghe, được học, được hiểu tới nơi tới chốn rồi sau đó phải hành trì. Nếu không hành trì chúng ta không thể nào thâm nhập được ý kinh, không thể nào thấy rõ được lợi ích thiết thực và quý báu từ giáo pháp của đức Phật.
Kinh nói “Hành thâm” nghĩa là thực hành sâu xa, nếu chúng ta không hành làm sao thâm được? Chỉ học khơi khơi thôi thì ngàn đời cũng không nếm được chút pháp vị sâu xa vi diệu nào của kinh. Ai hiểu và thâm nhập như vậy, người đó sẽ là người có tin vui trên đường về quê. Còn nếu chúng ta học khơi khơi không suy nghiệm, không hành trì, không tu tập thì cứ sống trơ trơ vậy thôi. Thành thử việc bổn phận của chúng ta hiện nay ngoài học hiểu, nghiên cứu, còn lại hai phần ba năng lực là tập trung vào công phu, nhà thiền gọi là hạ thủ công phu.
Hằng ngày đi đứng nằm ngồi, sáng trưa chiều tối, lúc nào cũng tập trung vào việc đó. Không ai động địa gì được mình trong lúc ta đi, ta ngồi, ta làm việc. Lúc nào tâm niệm mình cũng khăng khắng vào chỗ đó. Nếu chúng ta có công phu rồi, những việc như ăn uống, ngủ nghỉ, tiếp khách, làm việc… bao nhiêu sự duyên không dính dáng gì tới chúng ta cả. Ví dụ huynh đệ ngồi tại nhà Tròn một tiếng đồng hồ, người này tới nói cái này, người kia tới nói cái kia, tất cả những thứ ấy qua đi qua đi, chỉ có đương sự là vẫn tỉnh táo ngồi đó thấy, nghe đầy đủ rõ ràng, phải không? Lúc đó tâm ta bình thường, an nhiên sáng suốt, thấy nghe tự tại không bị vướng mắc bởi ai hết, cũng không vướng rừng cây, âm thanh, ánh sáng, mưa nắng… Ta ngồi đó một cách bình thường, nghe thấy rõ ràng người đi lại, mọi thứ cứ hiện hữu và trôi chảy bình thường. Đó là cách sống của người tu thiền. An nhiên, giải thoát.
Trái lại chúng ta để mất thì giờ trong đời thường, trong các sự duyên thì sẽ mất mình từ sáng tới trưa, từ trưa tới chiều, từ chiều tới tối. Cứ thế ngày này sang ngày khác, cuối cùng việc tu hành không dính dáng gì hết, rất uổng, rất đáng tiếc! Thời gian qua đi, sức khỏe không còn sung mãn như khi ta còn trẻ, tâm trí cũng muội nhược chậm lụt, việc tu hành chậm tiến hơn nữa. Qua bốn mươi năm mươi tuổi, sức khỏe suy thoái từng ngày, từng giờ, dù chúng ta có khéo bồi dưỡng, gìn giữ cơ thể tới đâu, các cơ quan trong nội tạng cũng phải suy thoái.
Quý vị lớn tuổi có thể kiểm nghiệm điều này rất rõ ràng. Ngày hôm qua thức ăn đó ta dùng thấy ngon miệng, bữa nay cũng thức ăn đó có khi làm ngon hơn mà mình dùng không được. Cái dùng không được này, phần lớn là do sức khỏe cơ thể không cho phép. Do vậy chúng ta không muốn tóc bạc nhưng nó vẫn cứ bạc, không muốn chân run nó vẫn cứ run. Nhất là mấy cái răng ta sửa soạn hằng ngày, chùi rửa cạo gọt, bịt trắng bịt vàng, cuối cùng bể vẫn cứ bể, rơi vẫn cứ rơi. Làm sao bảo đảm được, nó luôn thay đổi trong từng giai đoạn, từng sự sống của mình. Trong kinh nói mỗi lần cơ thể có sự thay đổi như vậy là mỗi lần vua âm phủ gửi thư cho mình. Đó là những bức thư gửi thông thường, còn có những bức thư vừa tống đạt là cắt đứt liền.
Ở đây Tổ dạy dừng ba nghiệp thân tâm mới trong lặng, đạt một lòng tức đạt được tâm này mới thông suốt Tổ giáo. Khi ba nghiệp thanh tịnh, tâm mới sáng suốt. Trong Tịnh độ các vị Tổ đã dạy “Tam nghiệp hằng thanh tịnh, đồng Phật vãng Tây phương”. Ở đây nói dừng được ba nghiệp thì thân tâm trong lặng. Ngược lại y cứ trên văn nghĩa mà hiểu, chỉ là hạng thiền khách lạc loài bơ vơ. Nếu chúng ta chỉ bám theo những cái giả tạm, những hình tướng bên ngoài, mắc mứu với nó thì mình thuộc loại thiền khách bơ vơ. Chữ “bơ vơ” Ngài dùng ở đây tức là không dính dáng, không liên hệ được đạo. Bởi vì như Tổ thì tâm thanh tịnh, nếu tâm mình không thanh tịnh thì đâu thể liên hệ được với Tổ. Hoặc muốn thông suốt kinh giáo thì tâm phải sáng tỏ, nhận được nhất tâm hay một tâm mới thông suốt kinh giáo. Nếu ta không được như thế thì thấy bơ vơ lạc loài vì chẳng có sự liên hệ đồng cảm nào đối với các bậc thầy đã chỉ đường dẫn lối cho mình.
Ví dụ ăn sáng rồi ta làm việc gì đó, trong lúc làm mình nghiệm lại thấy không dính dáng gì với Phật pháp. Bởi tham sân phiền não dẫy đầy, mọi thứ cũng còn vướng mắc. Tới giờ đi học, giờ tọa thiền, giờ tụng kinh, tất cả thời gian sinh hoạt của mình, kiểm lại thấy cái nào ta cũng vướng mắc. Trong khi đó các bậc thầy của mình không vướng mắc. Như vậy làm sao ta tiếp cận được với thầy, nói gì đến Phật, Bồ-tát? Có khi ta gặp một vị thầy cao cả ngộ đạo, ngồi hầu thầy hằng tiếng đồng hồ mà không dính dáng gì hết. Tại vì ta không với được cái ngộ đạo, cái sáng suốt, cái đặc biệt nào hết trơn. Ngài nói ra mình không hiểu, ý tứ của Ngài mình không nhận, là vì mình còn mịt mù, tối đen đây nè! Cho nên Tổ nói đó là hạng thiền khách bơ vơ. Dù ngồi trước thầy, dù ở trong đạo tràng, nếu không nỗ lực tu hành ta vẫn bơ vơ như thường. Cho nên người biết thương phận mình thì phải cố lên, làm sao trong từng phút giây khắc tỉnh, khắc tiến được.
Điểm thứ hai là người còn thưa hỏi hữu lậu, vô lậu, Đại thừa, Tiểu thừa là còn kẹt trong phương tiện, chưa đến được chỗ cứu cánh. Chỉ ai nhận biết tâm chân thật làu làu, sáng như gương mới không còn bị nhiễm ô bởi căn trần huyên náo. Bấy giờ người đó tự tại đối với tất cả sự kiện chung quanh. Ở đây nói chẳng ngại thời tiết, nhân duyên thay đổi. Người nào tâm sáng, trí thông thì đối với tất cả các cảnh duyên đổi thay chung quanh, họ không bị dao động chút nào cả. Còn lăng xăng thưa hỏi vô lậu, hữu lậu, Đại thừa, Tiểu thừa là còn kẹt phương tiện. Chỉ có ai tâm sáng làu làu mới nhận và sống được với tâm thể của mình, người đó là người tự tại với các cảnh duyên.
Thật ra việc này cũng không phải khó khăn quá mức như chúng ta tưởng. Nếu quá khó khăn thì người xưa đã không tu được. Người xưa đã làm thành, để bài bản lại cho mình mà ta tu không được là tại mình, chớ không phải tại khó quá. Nói thế để chúng ta không tự khinh mình mà phải ráng lên. Ráng đây không phải sự thể hiện qua hình tướng bên ngoài, bởi vì nó không phải khuân vác nặng nề, cũng không phải đẩy cây kéo xe gì, mà ta dùng sức lực để ráng. Chỉ là vâng lời Phật dạy cái ấy “đừng ngó” nghe con thì ta đừng ngó. Còn lén lén ngó là không ráng tí nào hết. Các Thiền tăng mình có cảm thông chuyện ấy không?
Phật bảo “cái đó đừng nghe con” thì thôi tắt đi, đừng sấn tới. Phật bảo ăn vừa phải thôi thì đừng có phình bụng ăn mãi. Mấy việc này phải ráng. Ráng mà thật ra không có gì để ráng, bởi vì cái ráng của Phật dạy là buông xuống chớ không phải gánh lên. Chúng ta đọc lại đoạn sử của Bồ-tát Sĩ Đạt Ta, Ngài là một ông hoàng sắp lên ngôi, mọi người trọng vọng cao cả như thế đó, mà Ngài trút bỏ tất cả những tiện nghi để đổi lấy một đời sống tu hành chẳng có gì cả. Bên dòng A-nô-ma Thái tử đã cởi bỏ tất cả áo bào, ngọc ngà châu báu, lấy gươm cắt tóc và nói những lời dứt khoát, rồi một thân một mình vào trong rừng tu khổ hạnh. Khổ hạnh đến mức độ mỗi ngày ăn một hạt mè hạt đậu, thân thể chỉ còn da bọc xương nhưng mà trí tuệ thì tuyệt vời. Nuôi dưỡng ý chí mạnh mẽ như thế, dám buông bỏ như thế mới có thể thành tựu được giác ngộ giải thoát. Còn chúng ta ngày nay ăn một ngày mấy bữa, nên không còn thì giờ đâu nữa mà tu hành.
Đức Phật ngày xưa khi nhận bát sữa rồi, Ngài chuẩn bị tòa cỏ và một ý chí kiên quyết là: “Ta thệ ngồi nơi đây, nếu không đạt được đạo quả Vô thượng Bồ-đề, dù thịt nát xương tan cũng không rời khỏi tòa này”. Chớ không như chúng ta, vừa lên bồ đoàn liền khởi nghĩ dưới miền Tây chỗ nào mát mẻ, cất cốc xuống dưới tu cho khỏe, tu miền Đông mệt quá. Chúng ta cứ thế, năm này miền Đông, tháng sau miền Tây, mai mốt ra miền Trung, bây giờ nghe nói miền Bắc có thiền viện cũng muốn ra miền Bắc tu nữa. Thế thì bao giờ chúng ta mới ngộ đạo?
Ở đây nói chỉ ai nhận biết được tâm chân thật làu làu rồi, sống được với tâm thể đó, thì cảnh duyên chung quanh sẽ không làm gì được người này. Ngược lại, kẻ chưa nhận được, chưa sống được với tâm thể của mình sẽ bị cảnh duyên bên ngoài quấy rầy nhiều lắm. Nên ở trong trường hợp này người xưa dạy chúng ta phải tránh duyên. Nếu cảm thấy mình chưa đủ thực lực, còn yếu kém thì hãy tránh duyên, như vậy mới không mất mạng vong thân. Nói tránh duyên tức là nói đến phương tiện. Vì vậy phải hiểu và biết cách tránh duyên. Có những nơi ta tránh được, có nơi không nên tránh chỗ đó. Đã là phương tiện thì không phải cứu cánh, nên trong giai đoạn tránh duyên để tu tập, cần phải ý thức vươn lên. Làm sao công phu mỗi ngày một tiến bộ, để ta có thể tự chủ mà sống tùy duyên. Như vậy mới đúng với chân tinh thần Phật dạy.
Cho nên đối với lời dạy của người xưa, chúng ta cần phải thể nghiệm cho kỹ. Việc tu tập có khi trôi chảy, nhưng cũng lắm lúc cay đắng làm sao, có những lời Phật dạy, chúng ta tu hoài, trậm trầy trậm trật mà cũng chẳng đi tới đâu. Thật là xấu hổ. Đó là gì? Là nghiệp tập hay tập khí, tức những chủng tử xấu của mình sâu dầy quá. Tập khí, chữ “tập” là nhóm họp lại, chữ “khí” là hơi hướm, như vậy tập khí là cái hơi hướm còn tồn đọng lại trong ta, do những thói quen từ trước đã tạo nên. Tu trị tập khí này không phải chuyện dễ, khó khăn vô cùng. Nhiều Phật tử dưới miền quê ham tu, cũng thích ăn chay nhưng ăn không nổi, nghe các thầy Trụ trì dưới chùa quê bảo nếu ăn chay không nổi, con cứ chay kỳ. Chay mà kỳ! Quý vị hiểu chay kỳ không? Nghĩa là ăn có thời kỳ chớ không phải lúc nào cũng ăn chay. Ai ăn chay không nổi về quê chắc dễ tu, lúc nào thấy không chay thì kỳ. Tôi nói vui vậy thôi, chớ đó chẳng qua là tập khí, mà chúng ta không vượt thắng nổi thôi.
Tôi còn nhớ một người huynh đệ cùng tu ngày xưa rất thích ăn đồ chiên xào. Thầy nói ăn cơm nước tương ngán lắm, có cái gì chiên để lên là thấy khoái liền. Không biết nghiệp gì? Chắc nhiều đời cũng chiên xào dữ lắm. Sau khi xuất gia thọ đại giới, thầy cũng học khóa Giảng sư và ra giảng dạy Phật pháp. Nhưng không hiểu hơi hướm làm sao, cứ mỗi lần đi ngang mấy tiệm xào nấu thì thầy động niệm. Lúc đầu thầy thấy khó chịu lắm, vì nghĩ không thể nào mình ăn được những thứ đó. Nhưng cái khó chịu đó đổi chiều hồi nào không hay, nó thành ra dễ chịu, lạ đời vậy đó. Cuối cùng bị nghiệp dẫn, thầy phạm giới ăn mặn. Sau lần ấy, thầy thấy xấu hổ vô cùng, xấu hổ đến mức độ muốn chết quách cho rồi. Thế là thầy đi tuốt ra miền biển kiếm một ngôi chùa ngoài đảo hẻo lánh, cuộc đời kể như bỏ đi.
Sống tại đây một thời gian, Phật tử phát hiện ra có ông thầy ở nơi này nói chuyện Phật pháp rất có duyên. Vậy là họ kéo nhau đến tiền hô hậu ủng, kính trọng và chiều chuộng thầy hết mức. Thầy muốn gì được nấy và nhất là Phật tử sợ thầy bỏ đi nên cuối cùng hơi hướm cũ nổi dậy, thầy chẳng những chay mà qua kỳ luôn. Thế nhưng Phật tử sẵn sàng bỏ qua, họ nói “Thầy ơi! Cứ ăn mặn cho có sức khỏe để thầy tu chớ, không ăn như thế làm sao thầy có sức khỏe nổi”. Cuối cùng, kỳ cũng không giữ được nữa, thầy sống như một kẻ thế gian, khỏe mạnh lắm.
Thời gian thầy nghĩ lại thấy xấu hổ quá nên âm thầm bỏ đi. Phật tử phát hiện ra mất ông thầy, mọi người đều thương tiếc, bởi thật ra thầy sống rất đàng hoàng, chỉ có mỗi cái tội ăn uống kỳ như vậy thôi. Thầy về lại thành phố và tiếp tục lạng quạng với tập khí cũ, cuối cùng kết liễu cuộc đời bằng một cái chết thật đáng thương. Câu chuyện đã cho chúng ta thấy nếu không có sức gia trì của Tam bảo, không có thiện hữu tri thức bên cạnh và nhất là không có ý chí, không có sự quyết tâm thì con đường tu hành của mình thật khó khăn vô cùng!
Cho nên tập khí rất là nguy hiểm. Muốn trị tập khí phải dùng đến công huân thiền định. Thiền định sâu dày mới trị được. Trong kinh A Hàm kể lại, lần đó đức Phật cùng các vị đại đệ tử dự lễ cúng dường của chư thiên. Khi nhạc trời vi diệu vừa trổi lên, cả hội chúng đều hết sức ngạc nhiên vì thấy Tôn giả Ca Diếp động thân, múa theo điệu nhạc. Thấy thế, đức Thế Tôn nói: “Trong nhiều đời Tôn giả Ca Diếp đã từng là một vị nhạc sư tuyệt vời, nên bây giờ nghe tiếng nhạc vi diệu, tập khí cũ khởi lên khiến Ngài như thế”. Tôn giả Ca Diếp còn bị ảnh hưởng bởi tập khí cũ, huống là chúng ta ngày nay. Nếu không dè dặt giữ mình thì khó mà tu tập được.
Ví dụ thầy nào thích ăn bánh mì buổi sáng thì xin đừng bước ra khỏi cổng Thường Chiếu. Nếu thích cái gì làm cái nấy là chấp nhận sống với tập khí, thế thì chừng nào thành tựu được thiền định. Bởi chúng ta không sử dụng trí tuệ làm sao được định? Một niệm dấy khởi liền lao theo, xem như mất trí tuệ rồi. Chúng ta sử dụng tập khí như vậy mãi thật nguy hiểm vô cùng. Cho nên đây là chỗ công phu của chúng ta. Vừa khởi niệm lên liền thôi. Thôi riết nó quen, “thôi” không được thì “Thôi đi mày ơi!”. Phải quở mạnh như vậy nó mới sợ, nếu không nó sẽ dẫn mình đi.
Cho nên chúng ta tu hành phải nỗ lực phấn đấu, khắc phục, chuyển hóa những tập khí bất thiện. Đừng để nó lén lút rủ rê đi vào con đường xấu, uổng một đời tu. Khi thần chết đến, không biết mình sẽ về đâu? Tôi nhấn mạnh ý này để nhắc nhở huynh đệ, nhất là các vị trẻ tuổi phải thường xuyên cảnh giác, nắm vững dây giàm, đừng cho con trâu hoang của mình hung hăng bứt dây. Biết mình ưa thích cái gì, yếu với cái gì thì đừng lân la gần gũi với nó, không khéo nó sẽ dẫn mình đi nhanh tới mức không ngờ được đâu. Giữ mình như vậy mới hy vọng giữ vững được đạo nghiệp. Huynh đệ phát tâm tu phải biết quý trọng đời tu bằng cách gìn giữ trí tuệ và giới hạnh của mình trong từng phút từng giây.
Điểm thứ ba là trong quá trình tu tập phải chín phen đúc chín phen rèn mới thành vàng ròng. Người tu hành chẳng tham tài lộc thế gian, chỉ vui sống đời chay lạt trang nghiêm thanh tịnh. Ở đây Tổ dạy Vàng chưa hết quặng, xá tua chín phen đúc chín phen rèn. Vàng ở trong quặng còn lẫn cát bụi tạp nhạp, muốn lọc thành vàng ròng thì phải đưa vô lò luyện. Không phải luyện một lần, mà chín mười phen mới ra vàng ròng. Việc tu hành của chúng ta cũng vậy, phải trải qua nhiều thử thách khó khăn, vượt qua được những bờ mê mới bước lên bến giác.
Bờ mê chính là nghiệp chướng của chúng ta, nặng hay nhẹ tùy mỗi người. Nghiệp duyên không ai giống ai cả. Có huynh đệ tuy nhỏ nhưng quyết tâm tu rất đáng khen ngặt nỗi lại bị bệnh hoạn. Bác sĩ nói u xơ thì xem như tiêu đời rồi. Ai nghe mà không sợ, phải không? Miệng tuy nói cứng chứ cũng muốn sống để tu hành chứ! Phải nhai gạo lứt muối mè, uống Địa Long… uống thuốc dữ lắm chứ đâu phải “Thôi kệ nó”. Nói “Kệ!”, nhưng cũng run trong bụng ấy chứ! Cho nên bệnh hoạn cũng là một chướng duyên lớn trên đường tu hành.
Vì vậy đủ duyên gặp thầy lành bạn tốt, anh em ráng lên. Đừng để thời gian qua rồi sau tìm lại không được. Duyên tốt qua rồi rất khó tìm lại. Ngày nay chúng ta ở trong điều kiện thế này, có pháp tu rõ ràng, mà cứ lơ lơ lửng lửng qua ngày, mai mốt vua Diêm La gửi thư tới hốt hoảng không biết làm sao? Tới giờ ngồi thiền thì đừng để tâm rong ruổi tây đông, chuyên tâm nhất ý để nhận lại cái chân thật của chính mình. Như vậy mới đối đầu với sanh tử nổi chứ. Chúng ta đừng đánh mất những cơ hội thuạân lợi để sống lại với tánh giác, nhất là những lúc được sống yên ổn trong đạo tràng, trong Thiền viện như vầy.
Bây giờ lòng mình chưa yên, còn thứ này thứ khác tạp nhạp quá thì phải lọc lựa. Bỏ đi những thứ không cần thiết, giữ lại những thứ thật. Tổ dạy muốn có vàng ròng thì phải chín phen rèn chín phen luyện, như chúng ta đây không biết bao nhiêu phen, miễn làm sao ra được vàng ròng để dùng là tốt. Như vậy mới không cô phụ tâm tu hành ban đầu, không phụ cuộc đời mình, không làm uổng đi kiếp người. Chư Tổ cũng như các vị tiền bối thường răn nhắc chúng ta nhiều về việc mất thân này, khó tìm lại được. Cho nên được thân người, lại gặp Phật pháp, phát tâm tu hành là điều rất quý báu, chúng ta đừng để mất chủng duyên lành sâu dày này.
Có thân người là có được một phương tiện tối ưu, chúng ta nên sử dụng phương tiện này để đạt đến mục đích cứu cánh là giác ngộ giải thoát. Đọc học hành trạng người xưa, chúng ta thấy có nhiều vị đang là bậc sĩ tử đặc biệt, một khi nghe Phật pháp liền bỏ tất cả. Không đến trường thi mà đến trường Phật, thi để làm Phật. Nhận được yếu chỉ từ vị thầy rồi, các ngài quyết liệt hạ thủ, làm sao cho thành tựu đạo nghiệp viên mãn. Lọc lựa rèn luyện lấy cho được cái gốc vàng chứ không dùng cái tạp chất lẫn trong quặng. Một phen đã nhận ra tánh Phật rồi là các ngài sống như vậy.
Chúng ta dở hơn các ngài nhiều mà lại không biết tự thương mình, nên kéo lê đời mình trong quãng thời gian dài, để mất hết những cơ hội thuận lợi. Từ việc ăn việc ngủ, tất cả việc, cả đời qua đi, mất hết. Cái ý chí trượng phu lẫm liệt của một con người xuất trần thượng sĩ, dám độc hành độc bộ đâu rồi mà bây giờ mình không đi con đường đó, cứ lăng xăng trong thế gian hoài?! Đối với người tu phải đầy đủ ý chí, đi thẳng vào một việc lọc lựa, làm sao dùng được vàng ròng.
Tổ dạy chúng ta phải vui sống đời chay lạt, giới hạnh trang nghiêm. Những lời nói nghe nhẹ nhàng như vậy, nhưng muốn được thế cần phải nỗ lực công phu. Muốn sống đời trang nghiêm thanh tịnh, quả là khó khăn vô cùng. Chúng ta có quá nhiều thứ tạp nhạp lôi dẫn nên không tự trang nghiêm thanh tịnh cho mình được. Do vậy cần phải nhờ giới luật, thanh quy hỗ trợ để điều phục bớt những tập khí thế gian. Như nói mùa an cư là thầy trò phải cấm túc, Tam ngoạt an cư cửu tuần kiết chế. Như thế để làm gì? Để chúng ta có thời gian gạn lọc thân tâm cho trang nghiêm thanh tịnh. Thế mà mùa an cư nào tôi cũng là người đi nhiều nhất. Đôi khi ngồi trên xe, tôi thấy xót xa cho mình quá! Các huynh đệ phải cố lên, còn rảnh rang như quý vị là sung sướng lắm. Lớn lớn lên một chút làm Giảng sư, Trụ trì… nhiều duyên sự bắt buộc phải đi nhiều nói nhiều, không có đạo lực, không khéo tu sẽ mất mình thôi.
Điểm thứ tư là: Kẻ tham thiền học đạo phải biết chọn thiện tri thức. Học đạo thờ thầy, hy sinh hết tâm tủy cũng khó mong đền đáp, huống là người chẳng biết đến ơn đức sư trưởng mà có thể thành tựu đạo nghiệp được sao!
Chúng ta đã biết được phương pháp tu hành như vậy, thì tâm tâm niệm niệm nỗ lực tu hành và quý kính những bậc thầy đã dầy công tu hành sáng đạo, chỉ dạy lại cho chúng ta. Như Hòa thượng, giáo hóa độ sanh như thế nhưng cuối cùng đến lúc già Ngài nói: - Tới đây tôi phải ngừng để lo việc của tôi. Không phải được người ta quý trọng, duyên phúc lớn rồi mình cứ lao theo Phật sự mà quên tu. Một mai vô thường đến, chết mất đâu còn thì giờ để tu. Chúng ta học theo gương của Hòa thượng, gần gũi thiện hữu tri thức để tu hành. Việc tu có kết quả tốt đẹp, ta mới cảm trọng được ân đức sâu dày của các bậc Sư trưởng.
Chư huynh đệ! Hãy nhớ đến vô thường mà lo việc của mình. Các thiền sư nói: - Dù ông giảng tới trời mưa hoa, đá gật đầu, cũng không dính dáng việc này! Không phải ta làm được một số công việc Phật sự rồi cứ lăng xăng, cả đời buông hết trong đó là nguy! Đó là ý cuối cùng của hội thứ sáu này.
Tóm lại, người tu hành trước nhất phải làm sao vô tâm, kế nữa là tránh duyên, phải gan dạ nỗ lực tu hành, bỏ tất cả những thói hư tật xấu để cuối cùng hằng sống với tâm rỗng rang sáng suốt. Giống như người muốn có vàng thật phải qua chín phen luyện mười phen rèn.