headertvtc new


   Hôm nay Thứ sáu, 22/11/2024 - Ngày 22 Tháng 10 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

HỘI THỨ NHẤT

Mình ngồi thành thị;

Nết dùng sơn lâm.

Muôn nghiệp lặng an nhàn thể tánh;

Nửa ngày rồi tự tại thân tâm.

Tham ái nguồn dừng, chẳng còn nhớ châu yêu ngọc quý;

Thị phi tiếng lặng, được dầu nghe yến thốt oanh ngâm.

Chơi nước biếc, ẩn non xanh, nhân gian có nhiều người đắc ý;

Biết đào hồng, hay liễu lục, thiên hạ năng mấy chủ tri âm.

Nguyệt bạc vừng xanh, soi mọi chỗ thiền hà lai láng;

Liễu mềm hoa tốt, ngất quần sanh tuệ nhật sâm lâm.

Lo hoán cốt, ước phi thăng, đan thần mới phục;

Nhắm trường sanh, về thượng giới, thuốc thỏ còn đâm.

Sách Dịch xem chơi, yêu tánh sáng yêu hơn châu báu;

Kinh nhàn đọc dấu, trọng lòng rồi trọng nữa hoàng kim.

Chú thích:

- Nết: Nếp.

- Rồi: Rảnh rỗi.

- Dầu: Mặc tình.

- Mấy chủ: Mấy chú.

- Vừng xanh: Vầng xanh, chỉ bầu trời.

- Thiền hà: Sông thiền.

- Sâm lâm: Bủa khắp.

- Dấu: Thích thú. “Đọc dấu” là đọc một cách thích thú.

- Trọng nữa: Trọng hơn.

GIẢNG:

Hội thứ nhất, Ngài nói tâm trạng của riêng mình, đồng thời cũng là tâm trạng chung của những vị chuyên tâm tu hành. Tuy ở đâu, không nhất thiết là thành thị hay thôn quê, rừng núi, bất cứ hoàn cảnh nào mình cũng phải tu hành, tâm tư cũng trong sạch thuần tịnh. Người biết tu lúc nào cũng ứng dụng được đạo, không luận ở đạo tràng hay trên non cao mới tu được. Đó là chân tinh thần tu hành, nhất là tu Thiền.

Đối với vọng tưởng mà hẹn một thời gian, một cơ hội nào đó mình sẽ điều phục thì xem như là đầu hàng nó rồi. Ngay bây giờ không trị nó thì nó trị mình, lôi dẫn mình đi thôi. Mà nó lôi được mình là mạnh hơn mình rồi, càng lôi thì càng mạnh hơn, làm gì có chuyện mai mốt mình quật được nó, thắng nó. Hơn nữa chúng ta nên nhớ vô thường không cho phép chúng ta hẹn. Trông ngóng mong đợi một cái gì ở ngày mai tức là ta tự hủy diệt từng phút giây sống hiện tại. Cho nên tự mỗi chúng ta ý thức tu hành, ý thức công phu, áp dụng cho được đạo lý vào đời sống của mình. Và cái thể hiện được đạo lý trong đời sống hằng ngày của mình chính là sự an nhàn tịnh lạc nơi mỗi chúng ta.

Vua Trần Nhân Tông nói lên tâm trạng của Ngài là tâm trạng của một người có trách nhiệm lớn, và những thứ vật chất cám dỗ hay nhiều thứ khác nữa của một bậc đế vương mà chúng ta không có, nhưng Ngài vẫn tu được. Ngài nuôi dưỡng tâm đạo liên tục để cuối cùng đi đến giai đoạn xuất gia và thành đạo. Vì thế những gì Ngài ghi lại trong bài phú này đều là chỗ sống thực, chỗ chiêm nghiệm Phật pháp của Ngài trong cuộc đời, lúc còn đang ở thế gian cũng như khi sắp về núi. Tuy ở tại chốn ồn ào nhất mà vẫn hành đạo được, vẫn an vui với đạo.

Ngài nói rằng tuy ở thành thị mà tâm không vướng danh lợi; sống an nhàn tự tại, toàn bày thể tánh của mình. Nếu chúng ta không phải là người vững tâm, không có sự cả quyết đối với cuộc đời mình, đối với việc tu hành của mình, thì rất dễ lêu lổng lơ đễnh qua ngày, đặc biệt trong giai đoạn hạ thủ công phu. Vì lý do này lý do khác, chúng ta chểnh mảng để cho các việc tạp nhạp xen vô sinh hoạt tu tập của mình. Điều này người xưa gọi là một nắng mười mưa. Đó là vì chúng ta yếu, không đủ sức tỉnh sáng, nên gặp đâu là mắc mứu đó.

Nếu chúng ta có một thái độ dứt khoát, nắm vững chủ trương đường lối rõ ràng, một bề nhìn thẳng tiến tới thì nhất định chúng ta sẽ vượt qua tất cả những cái tầm thường của thân tâm này. Vì chưa có được những phút giây phấn đấu quyết liệt nên chúng ta cứ lang thang trong vòng trần lao phiền não mãi thôi. Đôi khi tôi thấy mình giống như lục bình trôi vậy, dòng nước lên thì trôi lề mề lên theo, dòng nước xuống thì theo dòng nước mà lề mề xuống, nghĩa trôi giạt là như thế.

Ở đây, Tổ nói tuy ở thành thị mà tâm không vướng danh lợi, sống một cách an nhàn, đó là sống được với tánh giác. Chúng ta ngày nay cũng học theo Tổ, tuy đang ở giữa cuộc đời này, chung quanh có vô vàn những sự việc phải tiếp cận, phải đối diện, nếu mình luôn tỉnh táo sáng suốt thì sẽ được bình ổn, ngược lại không khéo tỉnh sáng thì bất ổn. Cũng cùng một sự việc, mà người có trí tuệ ứng xử khác, người si mê ứng xử khác. Người trí tuệ thì sống trong mọi hoàn cảnh đều được an vui, kẻ si mê dù ở trên đống nhung lụa cũng khổ đau như thường. Khổ đau vì không thấy đủ, vì tham lam, sân hận, ích kỷ v.v… Trong cuộc sống tương giao, nếu chúng ta không khéo sẽ dễ xảy ra nhiều vấn đề không vui với nhau. Những mâu thuẫn ấy dần dần lớn lên, nếu không hóa giải cho tiêu dứt thì nó sẽ trở thành dòng sông nghịch lưu nhấn chìm chúng ta trong phiền não khổ đau.

Một vị vua đang ngồi trên ngai với bao nhiêu việc bề bộn của quốc gia, vậy mà Ngài tu hành được, để lại những kinh nghiệm cho chúng ta noi theo tu tập. Thật quý giá biết chừng nào! Câu kế tiếp Ngài nói, tự mình tỉnh táo nề nếp công phu, mỗi ngày qua là mỗi an nhiên rỗng sáng. Ngài đã sắp đặt được việc tu hành của mình, phát triển liên tục không để gián đoạn. Dù bận rộn việc nọ việc kia, vất vả cách mấy Ngài cũng giữ công phu nề nếp. Nề nếp nghĩa là giữ đều đặn, Ngài tu tập như một người bình thường, chứ không phải xuất cách như các Thiền sư nói “một nghe ngàn ngộ” hay “một nhảy vào thẳng đất Như Lai”. Nề nếp là có bài bản liên tục, đều đặn mà đâu ra đó.

Giống như sinh hoạt ở các Thiền viện vậy, cứ sáng năm giờ nghe một hồi kiểng là xả thiền, sáu giờ nghe một tiếng bảng là tiểu thực, bảy giờ nghe tiếng kiểng là chấp tác, mười giờ nghe một hồi kiểng là nghỉ làm việc, mười một giờ nghe tiếng bảng là thụ trai v.v… cho tới đi học, tụng kinh, tọa thiền, ngủ nghỉ luôn luôn có chuông kiểng hướng dẫn đều  đặn như vậy. Ban ngày thì nghe lệnh báo ban ngày, ban đêm thì nghe lệnh báo ban đêm, theo một nề nếp. Nề nếp này tuy ta không thấy nhưng mình làm sai là có người thấy liền. Ví dụ như tối các vị am thất chung quanh Thiền viện thường hay lắng nghe tiếng hô thiền khoảng bảy giờ rưỡi, hôm nào tới bảy giờ bốn mươi phút mà không nghe tiếng hô thiền là người ta biết ngay ông thầy chịu trách nhiệm hô thiền hôm đó đã chểnh mảng rồi. Bởi vì nhờ nghe hô thiền, nghe tiếng chuông hòa quyện với âm thanh của một thiền sinh, hô lớn lên những lời nhắc nhở của chư Tổ để mọi hành giả bước vào giờ tu tập. Chung quanh mọi người nghe rõ ràng như vậy quen rồi, đã thành thời khóa rồi. Nếu hôm nào mình không hô thiền đúng giờ thì nhất định người chung quanh sẽ phê phán liền. Đó là vì nề nếp bị đảo lộn. Cho nên trong công phu rất cần đến một nề nếp đàng hoàng.

So với vua, với Thái thượng hoàng, chư tăng chúng ta đâu có bận rộn hơn được. Mình cũng không có gia đình con cái gì hết mà vô nề nếp không được là nghĩa làm sao? Hồi xưa người ta bận rộn như thế mà còn giữ nề nếp tu hành được, điều này cho thấy mình không thể viện lý do gì để lơ là chểnh mảng trong công phu tu tập cả.

Tham ái dừng, niệm lăng xăng yên lắng. Một khi xả bỏ những thị phi ồn náo rồi thì sẽ được tự tại trong đời sống của mình. Không phải tự nhiên chúng ta được tự tại, bao nhiêu thứ đắm trước mê lầm nó hết, mà phải có tu hành. Có tu hành, có áp dụng lời Phật Tổ dạy, chúng ta thấy những gì không thật bỏ đi, hoặc những gì ta nuôi dưỡng chỉ càng làm khổ mình thêm thì buông hết. Nhờ lời Phật dạy, nhờ các bậc đi trước đã thể nghiệm chỉ lại cho chúng ta, từ đó mình cũng đi vào thể nghiệm mới thấy lâu nay mình mê lầm. Tỉnh ra rồi ta mới buông được, buông được mới an được. Ví như chúng ta không biết vàng là gì, khi ra chợ người ta đưa vàng giả vàng thật chi cũng thích hết. Bởi cái nào mình thấy cũng lóng lánh mà. Có khi đồ giả còn đẹp, còn mỹ miều hơn đồ thật nữa. Do đó mới có chuyện bị lầm. Khi có người chỉ dẫn, hay ra mình lầm rồi, tự nhiên không bảo ta cũng bỏ miếng vàng giả ngay.

Khi công phu tới một trình độ nhất định nào đó, trí tuệ mỗi ngày mỗi sáng, chúng ta thấy được thực chất của các vấn đề. Từ đó sự thể nghiệm của mình mới đi vào chiều sâu, niềm an vui giải thoát cũng theo đó mà sâu lắng hơn. Chừng ấy mới thấy công phu tu tập hằng ngày mang tính quyết định cho mình, chớ không phải ai khác”. Khi các niệm lăng xăng lặng xuống hết, ta sống yên ổn rồi, bấy giờ nghe ai nói cái gì, phê phán chi chi mình vẫn cứ thản nhiên thôi. Ai có chê cười ông tăng quê ta cũng chẳng nao núng. Làm ruộng cũng là làm ruộng cho mình, trồng rau làm rẫy cũng là trồng rau làm rẫy cho mình, ngồi thiền tụng kinh cũng là ngồi thiền tụng kinh cho mình v.v… không có cái khác xen vô. Bao giờ chúng ta ý thức một cách rõ ràng, quán triệt như vậy mới yên.

Có người hỏi: “Muốn dừng được những niệm tham chấp của mình thì phải làm sao?” Đây là một câu hỏi khó trả lời bằng miệng, mà cần phải trả lời bằng chính sự thực hành của mình mới được. Các huynh đệ nghiệm lại lòng mình xem, quả thực những niệm tham chấp trong ta vẫn còn nhiều lắm phải không? Còn tham lam, còn sân hận là còn ngô ngã. Nếu ngô ngã sạch thì không nổi bực gì hết, không ham muốn gì hết, rõ ràng như vậy. Cho nên muốn dứt tham chấp thì phải dứt ngã trước cái đã. Nghe khen mình phừng phừng phấn chí, bị chê mặt dàu dàu sầu não v.v… đó là hiện tượng ma mị của ngô ngã. Người sống được tự tại là người làm chủ tất cả những thứ đó.

Thiền sư Bạch Ẩn khi bị người ta đem con đến thảy vào lòng, vu khống cho Ngài đến thế mà Ngài cũng “Thế à!”. Sau đó họ chịu không nổi, tới phân trần xin mang con về, Ngài cũng “Thế à!”. Đó là người thật sự đã có công phu. Chúng ta ngày nay còn vướng mắc nhiều lắm, nhất là bệnh ngô ngã rất nặng nề. Bệnh này làm khổ đương sự đành rồi, mà còn làm khổ huynh đệ chung quanh nữa. Do vậy chúng ta cố gắng tu hành làm sao cho hết mê lầm, mạnh dạn dẹp tan bản ngã mới mong yên vui được.

Tham ái nguồn dừng là những thứ lăng xăng thị phi dứt, từ đó cái thấy cái nghe của mình không còn lầm nữa. Sở dĩ thấy nghe lầm là vì tham ái vọng động dẫn, chúng ta chạy theo những thứ ấy và lầm nhận nó là mình. Còn thấy nghe tự tại, không bị vô minh ngoại cảnh cuốn trôi thì thấy là thấy, nghe là nghe. Cái hay thấy hay nghe ấy chính là tánh giác sáng suốt của mình, nó vốn bất sanh bất diệt. Đó là cái thấy cái nghe của người có công phu và sống đạo. Chúng ta bây giờ cũng thấy nghe mà xa cách trời vực với tánh giác. Con người khổ sở là vì cái bệnh thấy nghe tầm bậy này đây. Như người thích nghe âm nhạc, giỏi phân biệt âm thanh thì khi nghe một bản nhạc trổi lên là họ chạy theo cho tới quên hết mọi thứ chung quanh và quên ngay cả chính mình luôn. Một khi chủng tử này đã huân sâu thì gặp duyên thích hợp nó sẽ trổi dậy. Đó chính là nguyên nhân để dẫn chúng ta đi mãi trong luân hồi sanh tử.

Những lúc chúng ta thiếu tỉnh giác, hoặc khi ngủ mê, chết giấc các chủng tử nghiệp ấy phát ra. Cho nên có những người ban ngày nói chuyện với ai, tối ngủ họ kể lại hết trơn hết trọi. Nói lén, nói thầm gì đều khai ra đầy đủ. Rồi đến lúc sắp chết, cận tử nghiệp hoành hành thì bao nhiêu là thứ hiện ra. Các thứ niệm lự cù cặn phát ra, nó điều động và dẫn mình đi vào một quá trình sanh tử mới. Nói lên những điều này để huynh đệ chúng ta phấn đấu tu hành, không nên dễ duôi qua ngày. Con đường phía trước đều do mình định đoạt, khổ hay vui đều do chúng ta hết, không ai khác vào đó thay thế được. Tóm lại, khi công phu đã ổn thì những thứ ồn ào chung quanh sẽ lắng yên và mình không còn lầm bởi những thứ bên ngoài nữa. Thấy nghe rõ ràng mà vẫn lặng yên không bị dao động bởi sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp.

Trong ngũ uẩn, ngoại trừ sắc uẩn ra, bốn thứ còn lại là thọ, tưởng, hành, thức thường đem đến cho chúng ta những ảo giác không thật. Khi ảo giác bừng bừng trổi dậy thì con người cũng bừng bừng lao theo vô minh để rồi tạo vô số nghiệp. Huynh đệ nhớ đừng để rơi vào quỹ đạo ấy, khổ lắm. Chúng ta thấy là mình có tu đó mà khi các giác quan tiếp cận với trần cảnh bên ngoài, ta vẫn còn bị lầm, huống là chạy theo các ảo giác vọng động thì không biết mình đi tới đâu nữa? Sở dĩ chúng ta khổ, chúng ta kết nghiệp là do lầm, chớ không có gì hết. Con mắt thấy không bảo đảm, lỗ tai nghe không chín chắn v.v… tất cả những cái ấy đều do ngô ngã xen vào. Bây giờ mình phải làm chủ, phải điều động lại.

Cảnh duyên bên ngoài có thuận lẫn nghịch, khi đối tiếp ai ai cũng thích cảnh thuận, ghét cảnh nghịch. Chính vì tâm chọn lựa yêu ghét ấy mà có khổ. Ở đây Sơ Tổ Trúc Lâm dạy cho chúng ta biết, khi tiếp cận với mọi thứ chung quanh, chúng ta phải là người có trí, đầy đủ bình tĩnh để cả quyết việc tu hành của chính mình, không bị sai lẫn, không bị lệ thuộc, không bị vấp ngã, không bị sức hút của tất cả những sự kiện chung quanh cuốn đi. Được vậy thì tâm bình thường an nhiên, bất động với tất cả các cảnh duyên. Hòa thượng Viện trưởng thường dạy chư tăng phải “biết vọng”, vừa có một niệm dấy khởi liền biết nó không thật, không chạy theo. Đó là hoa trí tuệ khai nở, tức trí Bát-nhã thường sáng. Công phu của chúng ta như thế.

Một khi thấy được lẽ thực của muôn pháp, thì ta là tri âm của chính mình, là tri âm của tất cả cảnh duyên. Tri âm là gì? Ví như người ta nói vật này tốt đẹp nhưng với người tu thấy nó biết là duyên hợp rồi sẽ hư hoại. Bởi thế đủ duyên thì dùng, hết duyên thì thôi, không đặt vấn đề đẹp xấu, không đặt vấn đề gì với các pháp nên không ghét không thương, không lấy không bỏ. Đó là tri âm. Bởi vậy Bồ-tát không nói Bồ-tát, mà những vị thấy được lẽ thật, gọi là tri âm của các pháp. Các ngài tới đâu, đi đâu, ở đâu cũng an nhàn, không vướng bận chi hết. Chúng ta bị vướng mắc nhiều thứ, là vì không thể tri âm với các pháp, vì tâm so sánh lấy bỏ còn nhiều quá. Vì thế các pháp cũng ngán mình, cũng né mình.

Có lần tôi cùng vài huynh đệ đi vào một nơi bán pháp khí. Tại đó người ta treo đủ loại linh, của Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Nhật Bản, Việt Nam… Mấy huynh đệ chọn lựa một hồi không biết nên mua cái nào. Có người bảo cái nào đắt nhất là tốt nhất. Tôi nói điều này chưa hẳn như vậy đâu, bởi tốt hay xấu gì rồi nó cũng sẽ hoại hết. Cuối cùng thầy trò chẳng mua được cái nào, đó là vì mình không phải tri âm của các pháp, nên không thể dùng được cái nào.

Ở đây đối với người tu, cần phải có cái nhìn thấu đáo, cái nhìn của người thấy được chân lý, thấy được lẽ thật của tất cả các pháp. Mà các pháp thì cái nào cũng hư hoại, giản dị như thế. Không có cái nào có thể tồn tại mãi được, thân mình rồi cũng hoại. Trong một giới hạn nào đó, một điều kiện thuận duyên nào đó chúng ta dùng nó, khi hết duyên, hết điều kiện thích hợp thì nó tan rã, trở về với thực tánh của nó. Cho nên người tu đối tiếp cảnh duyên lúc nào cũng sáng, như mặt trăng trí tuệ trải khắp, mặt trời giác ngộ bao la. Tức là lúc nào cũng phát huy được trí tuệ, sống được với tánh giác của mình, bao nhiêu ngô ngã bỉ thử vắng bóng, không còn bất cứ một loại bụi mù nào bu bám cả. Thấy muôn sự muôn vật bằng trí tuệ Bát-nhã thì thân tâm an ổn. Người không gây nghiệp luân hồi sanh tử để bị trôi giạt đời kiếp lăng xăng là người hằng sống với trí tuệ của mình.

Tu thiền là tu trí tuệ, tu thiền là gầy dựng lại nền móng, phát huy lại Bát-nhã lực của chính mình. Có trí tuệ Bát-nhã mới cắt đứt được tất cả những ngô ngã, những lầm chấp, những hơi hướm từ bao nhiêu đời ta đã dẫm chân và bị vướng mắc trong đó. Chỉ có trí tuệ Bát-nhã mới có thể triệt tiêu tất cả dây mơ rễ má, những hầm sâu tăm tối của vô minh. Do vậy cho nên pháp thiền là một pháp không có phương pháp. Tu thiền không đặt vấn đề tu chứng. Người tu thiền chỉ cần phá vỡ tất cả những hình thức, những sự kiện, những gì không thật để không còn bị lầm lẫn nữa thôi. Tu thiền là tu trí tuệ, sống lại với cái chân thật của chính mình.

Ở đây Ngài dạy không cần hoán cốt bay lên thượng giới, không uống thuốc trường sinh bất tử, tiên đạo để được sống lâu muôn tuổi, mà gìn một tánh sáng sẵn có nơi mình. Đối với người tu thiền làm sao cho tâm rỗng rang sáng suốt. Thiền sư là gì? Là người sáng suốt, tự tại đối với các pháp, không lầm các pháp. Ngài bảo đọc sách Dịch là đọc chơi thôi, còn lòng của Ngài yêu tánh sáng tức là yêu đạo, nhận sống được với tâm đạo cho nên càng đọc kinh Phật càng thích thú, càng phấn khởi, càng nhận ra và hằng sống được với tâm chân thật của mình. Chúng ta phải nhớ dù sống trong hoàn cảnh nào, người tu hành cũng một lòng yêu đạo, quý đạo, hằng sống với đạo. Đạo là gì? Là sống thực, sống tỉnh giác, sống thiền.

Tóm lại, trong hội thứ nhất này Ngài dạy chúng ta tuy ở giữa phố thị đông người nhưng tâm luôn rỗng rang, không vướng mắc những cảnh duyên rộn ràng của thành thị. Muốn thế phải sống bằng trí tuệ. Đó là tinh thần, là nếp sống của người tu. Trong chúng ta không luận ai, nếu ở chỗ đông đảo phố thị mà tâm được như vậy thì đã sống đạo, sống thiền rồi, không cần phải tìm đến rừng núi làm chi. Cái làm cho chúng ta không yên là những niệm lăng xăng, do vọng tưởng dẫn nên ta chạy đông chạy tây, buông cái này, bắt cái khác nên không lúc nào sáng suốt yên ổn hết. Đó là tình huống thông thường của người chưa sống được với tánh giác. Bây giờ chúng ta cố gắng sống cho có nề nếp, giữ lòng rỗng rang, làm sao những cảnh duyên bên ngoài không làm gì được mình hết.

Tổ dạy chúng ta là người tu thì hãy sống thế nào để đừng bị thị phi kéo lôi, như vậy là người làm chủ được mình, làm chủ được các giác quan khi tiếp xúc với trần cảnh bên ngoài. Có làm chủ như thế mới làm chủ được các cảnh duyên thuận nghịch, mới hết phiền não. Cảnh thuận thì nhận chìm mình trong cái thuận ý thuận tình, trong cái luyến ái nên tu không được. Cảnh nghịch thì ta lại bị bức xúc khó chịu nên cũng tu không được. Như vậy tìm đâu ra sự an ổn? Cho nên nói chúng sanh bị nhận chìm trong gọng kềm tắng ái hoặc cảnh duyên thuận nghịch. Cuối cùng dấy khởi vô lượng phiền não, chuốc lấy vô lượng khổ đau. Cho nên người tu phải làm chủ mình để có thể làm chủ thuận nghịch, mới mong thoát ly sanh tử.

[ Quay lại ]