headertvtc new


   Hôm nay Thứ sáu, 22/11/2024 - Ngày 22 Tháng 10 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

HỘI THỨ HAI

Biết vậy!

Miễn được lòng rồi;

Chẳng còn phép khác.

Gìn tính sáng tính mới hầu an;

Ném niềm vọng, niềm dừng chẳng thác.

Dứt trừ nhân ngã thì ra tướng thực kim cang;

Dừng hết tham sân mới lảu lòng mầu viên giác.

Tịnh độ là lòng trong sạch, chớ còn ngờ hỏi đến Tây phương;

Di Đà là tính sáng soi, mựa phải nhọc tìm về Cực Lạc.

Xét thân tâm, rèn tính thức, há rằng mong quả báo phô khoe;

Cầm giới hạnh, địch vô thường, nào có sá cầu danh bán chác.

Ăn rau ăn trái, nghiệp miệng chẳng hiềm thửa đắng cay;

Vận giấy vận sồi, thân căn có ngại chi đen bạc.

Nhược chỉn vui bề đạo đức, nửa gian lều quý nữa thiên cung;

Dầu hay mến thửa nhân nghì, ba phiến ngói yêu hơn lầu gác.

Chú thích:

- Miễn: Cốt

- Nén: Ném

- Niềm: Niệm.

- Thác: Lầm lẫn.

- Lảu: Làu làu.

- Mựa: Chớ. Mựa phải nhọc: chớ phải nhọc.

- Thửa: Điều.

- Vận: Mặc.

- Chỉn: Chỉ.

- Nhân nghì: Nhân nghĩa.

GIẢNG:

Hội thứ hai bắt đầu bằng hai chữ “Biết vậy!”, được dùng như một hình thức chuyển ý giữa hai hội. Trong hội này Ngài dạy chúng ta tu cốt nhận và sống được với tâm chân thật của mình, chứ không có phép nào khác. Giữ gìn tánh sáng suốt, buông bỏ các vọng niệm thì được an ổn. Chúng ta thấy dù ngôn ngữ thời xưa, cách chúng ta đến bảy, tám trăm năm, có những chữ không giống bây giờ, nhưng ý chính không khác.

Tu miễn được tâm nghĩa là phải làm sao nhận ra được tánh giác. Yêu tánh giác, sống với tánh giác, quý trọng tánh giác. Chỉ một việc duy nhất đó thôi. Tổ không dạy chúng ta tu theo một phương pháp nào mà dạy phải sống được với cái tâm của mình. Tâm nói cho đủ là tâm thể rỗng rang sáng suốt, nó không có hình tướng gì cả. Tu miễn được tâm, không có phép khác. Rốt ráo chỉ có một phép tu là sống được với tâm mình, không có cái khác. Dù có cái khác, cái đó cũng chỉ là những phương tiện hình thức bên ngoài, không thật.

Giữ gìn tánh sáng suốt, buông bỏ các vọng niệm. Chúng ta còn chạy theo vọng niệm, vướng mắc bởi vọng niệm lăng xăng nên không được an ổn. Bây giờ muốn được an ổn thì phải dừng lại đừng chạy theo nó nữa, chỉ hằng sống với tâm thể của mình. Phải buông. Buông tất cả. Vừa có một niệm dấy khởi liền buông, không lầm chạy theo niệm tưởng, không chấp nhận niệm tưởng, không mắc mứu niệm tưởng. Buông, bởi vì biết nó là niệm tưởng, là vọng tưởng không thật. Do vậy mình không bị kéo lôi, không chạy theo nó, tức là định tuệ hiện tiền. Lời dạy của Tổ và lời dạy của Hòa thượng Viện trưởng ngày nay cách xa hàng nghìn năm, nhưng ý vẫn không khác.

Dứt nhân ngã rồi, tướng thật hiện bày; dừng hết tham sân, tánh viên giác làu làu sáng suốt trùm khắp. Bấy giờ Tịnh độ là duy tâm, Di Đà là tự tánh chứ không chi khác. Ở đây nói phải dứt nhân ngã, dứt nhân ngã rồi thì tướng thật hiện bày. Dứt ngô ngã rồi thì thạât tướng hiện ra, nghĩa là ta không vướng bên này, không mắc bên kia, mới sống được với Trung đạo đệ nhất. Sống được với Trung đạo đệ nhất nghĩa thì đâu còn kẹt hai bên, đâu còn sanh đâu còn tử nữa, làm gì có khổ đau? Bởi chúng ta bị mắc bên này, vướng bên kia nên mới bị xé đôi xé ba, mới thấy đau đớn khổ sở dữ vầy nè. Cho nên người nào muốn sống được với thật tướng, sống được với tánh giác của mình thì phải dứt nhân ngã, tức không vướng bên này không mắc bên kia.

Từ chỗ lập cước đó, chúng ta mới có thể bước vào thế giới Bất Nhị. Bài pháp đầu tiên của Lục Tổ Huệ Năng, Ngài dạy “Không nghĩ thiện không nghĩ ác, cái gì là bản lai diện mục của Thượng tọa Minh?”, tức là không vướng bên thiện không mắc bên ác. Người nào được như vậy mới có cơ hội bước vào thế giới uyên nguyên, sống được với mặt mắt thật của mình. Quý vị cứ xem chừng nào mình hết tham sân, nhân ngã thì biết bao lâu mình sẽ giải thoát thành Phật, khỏi đi hỏi ai cả.

Mở con mắt ra thấy cái gì hợp nhãn thì thích, tức là niệm tham đã hình thành. Cái gì không hợp nhãn thì không thích, tức niệm sân đã hình thành. Cuộc sống của chúng ta luôn luôn bị tắng và ái kềm tỏa, nó sẵn sàng giết chết cái rỗng rang sáng suốt của mình. Một khi tắng ái đã hiện hình thì trời chuyển mưa gầm thét, đèn đuốc tối thui, bão tố sẽ tới. Ở đây Ngài dạy nếu dừng được tham sân thì tánh viên giác làu làu, nhân ngã hết rồi thì thật tướng hiện bày. Bấy giờ cảnh giới Tịnh độ hiện ra trước mắt chúng ta. Sống được với tánh giác tức là tự tánh Di Đà. Sống được với tâm chân thật thì Tịnh độ hiện tiền.

Thường xem xét lại hành động nơi thân tâm mình, không nên phô khoe ra bên ngoài. Chủ trương tu hành của Phật giáo thời Trần là Phản quan tự kỷ bổn phận sự, bất tùng tha đắc. Phản quan tự kỷ, tức xoay lại xem xét chính mình là việc bổn phận của người tu, đặc biệt là tu thiền. Giữ gìn giới hạnh tu hành để đối diện với vô thường một cách tự tại không sợ hãi, chứ không phải để cầu danh bán chác. Chúng ta tu hành để làm gì? Để sáng đạo, để làm chủ được mình. Sáng đạo, làm chủ được mình mới có thể tự tại đối với vô thường.

Vô thường là gì? Vô thường là sự đổi thay nhanh chóng, nó không tha thứ bất cứ pháp nào, bất cứ ai. Những gì có hình tướng đều bị vô thường chi phối nhanh chóng, ghê gớm. Cho đến, thân tứ đại của đức Thế Tôn cũng bị nó cướp đi, năm tám mươi tuổi Phật cũng thị tịch. Có thân này thì có sự chi phối của vô thường. Nó chi phối từng phút từng giây chứ không phải đợi lâu lâu mới đến một lần. Thân chúng ta hồi trẻ trung tươi tắn khỏe mạnh, da dẻ hồng hào căng thẳng, rồi mỗi ngày mỗi chút những nếp nhăn kín đáo ẩn khuất đâu đó từ từ hiện rõ hơn, cuối cùng chân chùn gối mỏi, má hóp da nhăn, tướng già yếu hiện ra không thể chạy trốn đi đâu được. Vô thường chi phối chúng ta bằng cách mài giũa, cạo gọt từng chút từng chút, đến lúc mình thấy ra thì mọi việc đã rồi! Người có đạo lực đối diện với cái suy yếu bệnh tật vẫn có chút tự chủ thì còn có thể kham nhẫn nổi. Còn kẻ không lo tu hành, đến chừng ấy rên la thảm thiết. Hoặc lúc bệnh nặng, thuốc thang không kịp đem đến liền nổi nóng nổi khùng lên, thân khẩu ý tạo nghiệp khổ đau nữa.

Cho nên, trong kinh Phật nói vô thường là lửa dữ hay quỷ dữ, bởi vì nó độc hại ghê gớm lắm. Tuy nghe thế, nhưng chúng sanh không thấy gì ghê gớm cả, nên chấp nhận vô thường một cách dễ dàng. Chúng ta còn có thể nuôi giữ vô thường mà không tí gì sợ sệt. Chư Phật và Bồ-tát thì khác. Các ngài nói nó là rắn độc, là lửa dữ nên chừng nào dập tắt được nó mới yên. Như rắn độc, bao giờ mình lôi nó ra khỏi nhà mới yên không nơm nớp lo sợ. Đằng này, chúng ta không thấy như vậy nên sống với lửa dữ, với rắn độc rất là bình yên. Đó là điểm đặc biệt của chúng sanh trầm luân trong sanh tử. Chúng sanh quên mất mình đang bị lửa dữ thiêu đốt ngày đêm, nên cứ lo tranh đấu, hơn thua, phải quấy lăng xăng, không chịu nghĩ lại thân phận của mình. Thành ra, thiền tông Phật giáo đời Trần luôn luôn chủ trương phản quan tự kỷ để có thể đối địch lại vô thường.

Thật ra chủ trương phản quan tự kỷ rất gần gũi, thiết thực với chúng ta. Ta tu hành để làm chủ được mình. Trong hoàn cảnh xã hội văn minh tiến bộ một cách “tốc độ” như hiện nay, con người chạy theo vật chất bên ngoài như bông vụ, không biết ở đâu mà dừng, thì sức chi phối của vô thường còn khủng khiếp hơn nữa. Nếu ai tu hành được, sáng đạo được mới thực sự bình yên đối với sự đổi thay ấy. Chúng ta chưa sáng đạo thì chưa thể bình yên đâu. Thế cho nên việc trước mắt, khẩn cấp của mình bây giờ là phải sáng đạo, nỗ lực tu gấp lên, nếu lơ mơ vô thường đến dẫn đi hồi nào cũng không hay. Huynh đệ không mãnh tỉnh, vẫn cứ nuôi con rắn độc trong nhà, vẫn cứ hòa hoãn với quỷ dữ vô thường, thì con đường sanh tử không có ngày cùng, khổ đau cũng theo đó không biết đến bao giờ mới chấm dứt. Cái gan dạ của chúng sinh là ở chỗ đó, dám giỡn với quỷ dữ vô thường! Có lẽ mình bị luân hồi lâu quá, nên mình gan tợn! Gan hơn Bồ-tát, hơn Phật nữa! Phật, Bồ-tát khi đã thành đạo rồi thì không nói, nhưng lúc còn công phu, các ngài rất ngán sợ vô thường. Bởi vì nó cướp mất, nó thiêu đốt, nó sát hại thân tâm chúng ta, nếu mình không tỉnh sẽ tiêu tan hết những cơ hội tu tập và phúc lành của mình.

Ăn rau ăn trái bình thường, nghiệp miệng chẳng hiềm điều đắng cay. Thân mặc vải thô vẫn không phân biệt đẹp xấu. Đó là đời sống của người tu. Đạm bạc như vậy. Ăn mặc bình thường, yên phận, chỉ cốt làm sao sáng được việc của mình, chứ không có chi khác.

Tu về đạo đức thì nửa gian lều còn quý hơn ở thiên cung. Chữ “nữa” dấu ngã có nghĩa là hơn. Ưa thích nhân nghĩa, chỉ ba phiến ngói vẫn yêu hơn lầu gác. Đây là lời dạy của một ông hoàng nên khác hơn chúng ta. Ngài nói người tu về đạo đức thì nửa gian lều quý hơn thiên cung. Bởi vì người tu quý ở đạo đức, ở trong thất lá nhà cỏ nhưng quý báu như ở trên cung trời vậy. Ngài trọng nhân nghĩa, nên xem ba miếng ngói còn hơn lầu gác. Như chúng ta biết, Tổ tu ở núi Đông Cứu năm năm và thành đạo tại đây, Trúc Lâm thuộc dãy Đông Cứu. Hòa thượng Tôn sư có đến được Ngọa Vân am, nơi đó vẫn còn một tháp đá đề là Phật Hoàng tháp. Dấu tích Ngài tu hành ngày xưa đến nay vẫn còn. Cho nên tinh thần của Tổ là trọng đạo đức, mến nhân nghĩa chứ không phải vật chất hay địa vị, danh vọng ở đời.

Một vị vua thời Trần đã ba lần đánh đuổi quân Nguyên Mông - một đoàn quân hung hãn nhất thế giới - ra khỏi bờ cõi nước Việt. Một vị vua anh hùng của đất nước, của dân tộc Việt Nam uy danh như thế, nhưng Ngài chỉ thích ba phiến ngói, nửa gian lều, sẵn sàng buông bỏ vương vị, buông bỏ tất cả khi đất nước thanh bình để lên núi tu hành. Thật đáng cho chúng ta khâm phục và noi theo biết ngần nào! Vinh danh như thế, quyền lực như thế mà Ngài từ bỏ như từ bỏ một đôi dép rách, quả là ý chí của một bậc trượng phu thoát tục. Vào đạo, Ngài cũng quyết chí tu hành cho thành tựu mới thôi. Cho nên năm năm ở Trúc Lâm Ngài đã tu khổ hạnh và cuối cùng thành đạo, Ngài trở thành Phật Hoàng Việt Nam và là đỉnh cao lãnh đạo Phật giáo thời ấy. Ở ngoài đời, Ngài là vị lãnh tụ tối cao của quốc gia, vào đạo Ngài là vị lãnh đạo tối cao trong đạo, mở ra Giáo Hội Trúc Lâm Yên Tử đưa Phật giáo Việt Nam lên đến đỉnh cao rực rỡ nhất từ trước đến nay.

Bài học lịch sử cho thấy sở dĩ vua Trần Nhân Tông lãnh đạo toàn quân và dân ta đánh thắng quân Nguyên Mông là nhờ tinh thần và ý chí thống nhất của toàn dân qua hai kỳ hội nghị ở Bình Than và Diên Hồng. Áp dụng bài học này cho việc tu hành cũng thế. Trong thiền viện chúng ta khoảng 150 huynh đệ lớn nhỏ, trong đó đủ thành phần đủ lý tưởng hết. Bất cứ một việc làm lớn nhỏ nào mà thống nhất thì chúng ta sẽ thành công. Ngược lại, một trăm mấy chục người mà mỗi người mỗi ý, đầu Ngô mình Sở, làm không ai giống ai hết thì kết quả sẽ dẫn đến rối loạn rồi lụn bại luôn. Ví dụ theo Thanh quy, giờ giấc công phu đâu đó rõ ràng. Tới giờ ngồi thiền thì toàn chúng đi ngồi thiền, tới giờ tham cứu thì tham cứu, tới giờ thụ trai thì thụ trai, tới giờ làm việc thì làm việc… Không có chuyện kẻ nói qua người nói lại, không ngó tới ngó lui gì cả. Với một quyết tâm thống nhất như vậy thì chúng ta sẽ yên. Sống trong nề nếp như thế nhất định tâm mình yên ổn. Như Tổ dạy người tu chỉ biết một việc thôi, đâu có việc gì khác nữa. Tâm rỗng sáng yên ổn đó là tự tánh Di Đà, là Tịnh độ, là thiền chứ gì nữa?

Không để vật dục lôi cuốn, làm chủ lấy mình, hằng sống với tánh giác, tức là không bị đôïng bởi những cảnh duyên bên ngoài, mình tự làm chủ lấy, hằng sống với tâm thể, với tánh giác của mình. Đó là lập trường duy nhất của người tu thiền. Trong hội thứ hai này, ý tôi vừa nêu lên với quý vị rất gần gũi với những điều Hòa thượng đã dạy chúng ta. Người tu hành phải làm chủ được mình, không để tham sân phiền não quấy rầy. Chúng ta tu hành cốt vượt qua sanh tử trần lao, không bị vô thường chi phối, chứ không tu hành để khoa trương hình tướng bên ngoài. Làm sao làm chủ được mình, sống bình thường, tự tại, giản dị, đó là an ổn nhất.

[ Quay lại ]