Đoàn Đi Tàu Trở Lại Delhi
- Chi tiết
- Được đăng ngày Thứ ba, 24 Tháng Hai 2009 08:58
- Viết bởi nguyen
Đoàn chúng tôi trở lại Ấn Độ. Đoạn đường không dài lắm mà phải mất nhiều thời gian vì trở ngại trên đường. Xe gặp phải ngày lễ của người Hồi giáo, dân chúng vận áo mới vui vẻ nắm tay đi tràn ngập đường. Họ cười nói còn chúng tôi thì rầu lo cả lên. Sợ trễ tàu lửa, sợ có sự cố, sợ đủ thứ sợ… Thầy Thái Tiến thấy cảnh ngoạn mục cũng không buồn lấy máy quay. Còn tôi thì không lo gì cho mấy, tôi tin tưởng vào đức độ của Thầy của chúng tăng, của cả đoàn nên bình thường.
Cuối cùng, đoàn cũng vượt qua được những chướng ngại đến kịp trước giờ tàu lăn bánh. Hơi tiếc một điều là không được xem kỹ, vì hôm nay đúng ngày lễ hội thỉnh nước sông Hằng của người Ấn. Họ trang hoàng rực rỡ dụng cụ lấy nước, từ địa phương rất xa, cùng nhau đi bộ suốt ngày đêm để múc chỉ khoảng nửa lít sông Hằng về uống hoặc thờ, nếu không đi được thì mướn người. Đây đúng là truyền thống tín ngưỡng đặc biệt mà chúng ta không thể tìm thấy ở bất kỳ dân tộc nào trên thế giới.
Sân ga Delhi tấp nập người qua kẻ lại, phu khuân vác và người lang thang xin ăn rất nhiều. Hình ảnh của những người ăn xin, những con chó lang thang đầu đường xó chợ luôn tồn đọng trong tâm trí tôi. Từ xa tiếng còi báo hiệu giờ chuyển bánh, ai nấy đã ngồi yên vào vị trí. Bên đường người ăn xin già còn đứng dõi mắt nhìn theo chúng tôi, cho đến khi đoàn tàu xa hút
Có lần tôi thấy một bà già
Bà tiễn con đi trấn ải xa
Tàu chạy lâu rồi bà vẫn đứng
Lưng còng đổ xuống bóng sân ga. (NB)
Vậy là từ giã Nepal, từ giã đất thiêng Phật giáo, nơi khao khát trở về trong thế giới của Phật giáo đồ; giã từ dãy Hy-mã-lạp sơn sừng sững trầm hùng, từ giã những nhà tu với bao nhiệt thành tìm cầu chân lý tối hậu, và tạm biệt những em bé mè nheo xin tiền, những con chó đói mà không bị đối xử tàn nhẫn, mong ngày gặp lại. Đêm đã buông tự bao giờ, nhưng trong tâm hồn của mỗi người đã và đang xuôi chiều tư duy về hơn 2.500 năm lịch sử.
ĐẠO BAHAI
Hôm nay đoàn chúng tôi có mặt tại Delhi, khí trời ấm áp. Chúng tôi vừa đến thủ đô liền đi tham quan trước giờ quy định nên còn đứng đợi ở cổng đền Đạo Bahai. Khuôn viên đền rất rộng, nghệ thuật trang trí đơn sơ, nhưng rất sinh động, có thần. Có lẽ điều mà tín đồ đạo này chú ý là phần tinh thần hài hòa bác ái, cánh cửa hòa bình mở rộng, nối vòng tay lớn cùng nhân loại năm châu, nhìn chung Đạo này lấy lý bất tranh, yêu thương làm tông chỉ.
BẢO TÀNG VIỆN
Chúng tôi đến viếng Viện Bảo tàng. Một kho tàng lịch sử và nghệ thuật phong phú quí giá như thế chỉ xem với hơn tiếng đồng hồ làm sao hết được. Những tượng Phật, tượng thần nơi đây có sức hấp dẫn lớn với chúng tôi. Có tượng thần chơi nhạc, có tượng nhảy múa… mỗi mỗi đều có thần và rất sinh động. Chúng tôi đến bên xá-lợi xương Phật đắp y thành kính đảnh lễ. Chúng con thành tâm tri ân Tam bảo. Hình ảnh này gây ấn tượng sâu trong lòng chúng con, mà suốt đời khó bề tái hiện lại. Nếu đơn thuần nhìn về góc độ nghệ thuật thì những kiệt tác nơi Viện Bảo tàng này thật hết sức tinh mỹ.
Người nay biết được người xưa, thời sau biết được thời trước là nhờ sự lưu truyền lịch sử. Xin nghiêng mình kính lễ những bậc tiền nhân đã quên mình cống hiến cho lịch sử. Trái tim của chúng con hòa nhập vào hiện cảnh, cuồn cuộn xuôi về hơn hai ngàn năm lịch sử. Chúng con đã chính mắt mình nhìn thấy nơi Phật sinh ra, đi qua đoạn đường Ngài đã đi, uống dòng sữa mà năm xưa Ngài từng uống và bây giờ chúng con phải tạm biệt quê hương Ngài, không biết bao giờ trở lại.
Dòng lưu niệm:
… Hiện nay tại Viện Bảo tàng Quốc Gia NewDelhi còn tôn trí xá-lợi xương Phật, xá-lợi này được một nhà khảo cổ học người Anh tên là: Wc. Peppe khai quật tại thành Ca-tỳ-la-vệ ở Nepal – Ấn Độ vào năm 1897-1898, đã tìm được hai hũ đá, trong đó có chứa xá-lợi xương Phật và xá-lợi xương này được các nhà khảo cổ học thế giới công nhận "Đây đúng là xá-lợi xương Phật thật".
Đoàn hành hương của chúng tôi đến đây có nhiều người xúc động mà không cầm được nước mắt, riêng tôi cảm thấy trong lòng có một niềm hân hoan và hỉ lạc khó tả, niềm tin sâu xa vào tự tính Như Lai, muôn đời bất sanh bất diệt cùng với lòng dũng mãnh và ý chí kiên cường.
XÁ LỢI PHẬT
Sau mười mấy ngày dong ruổi trên xứ Ấn để chiêm bái Thánh tích, đi qua những nơi Đức Phật từng để lại dấu chân, ngày cuối cùng chúng tôi trở lại Delhi. Thời gian ở đây không bao nhiêu, nên buổi sáng đó chúng tôi đến ngay Viện Bảo tàng quốc gia để chiêm bái xá-lợi Phật.
Đứng trước xá-lợi Phật, tôi thấy dường như cả cuộc đời Ngài trải dài ra. Từ khi đản sanh, đến xuất gia, khổ hạnh, thành đạo, chuyển pháp luân, hóa đạo, già bệnh và cuối cùng là nhập Niết-bàn. Mọi thứ đều là một bài học quá lớn, quá chí thiết cho chúng sanh. Ngài đem chính mình ra để giáo hóa, để chỉ bày vì đây cũng là bản hoài của chư Phật. Khi già Phật cũng già như ai, da nhăn tóc bạc. Khi bệnh Phật cũng đau đớn như mọi người, nhưng nhờ ý chí sắt đá Ngài giữ tâm chánh niệm tỉnh giác và chịu đựng cơn đau không một lời rên siết. Ngài khắc chế bệnh trạng bằng thiền định. Và điều quan trọng nhất là Ngài đã sống, đã hành xử như thế nào mà khi nhập Niết-bàn, Ngài để lại những viên xá-lợi vô giá này cho đời sau tín nhận.
Có đến được xứ Ấn, có tận mắt chiêm ngưỡng Tứ động tâm và những nơi Phật từng đi qua, thì chúng ta mới tin được rằng cách đây hơn hai ngàn năm đã có một con người vĩ đại, thật sự xuất hiện ở đời, giống hệt chúng ta, cũng đau khổ và thành tựu đạo quả. Chứ không phải là nhân vật hư cấu, không là một thần linh khác người. Nhờ đó mà niềm tin càng được lớn mạnh.
Bao nhiêu bài học đó, nếu chúng ta không chịu học và thực hành để vượt qua, thì vẫn còn phải học mãi cho đến một ngày nào đó tự sáng mắt ra. Sanh già bệnh chết có ai không từng trải, nhưng mấy ai tỏ ngộ để giải thoát nỗi khổ của kiếp người.
Viên xá-lợi thuần là một viên châu trong suốt rỗng lặng, không hề có một bóng dáng, một tì vết nào cả. Nếu có chăng thì đó chỉ là bóng dáng phản chiếu của những vật bên ngoài mà thôi. Xá-lợi được đặt trên miếng nhung đỏ, nên tôi thấy loáng thoáng ánh lên màu sắc. Thực chất vẫn là một khối thủy tinh trong veo. Viên châu vốn là vô tướng, vô thanh… nhưng mọi tướng lại từ đây mà lưu xuất! Như vậy phải chăng viên Xá-lợi này là biểu trưng cho những gì thánh thiện tuyệt mỹ nhất, của một thực tướng bất khả tư nghì. Bao nhiêu thứ đều tiêu hoại, chỉ có cái tinh chất này mới là bất biến, dù đã trải qua hơn hai ngàn năm vẫn chưa hề mất dấu!
Sau khi chứng nhập được Vô thượng Bồ-đề, Đức Phật thành đạo và trải qua bốn mươi chín năm giáo hóa độ sanh. Ngài hoàn toàn sống an định ở chỗ đã chứng nhập, ở chỗ vô sanh kia. Sống bằng sức của chính mình, không nương tựa vào bên ngoài.
Nhất bát thiên gia phạn
Cô thân vạn lý du
Kỳ vi sanh tử sự
Giáo hóa độ xuân thu.
(Trích…)
Đức Phật hằng sống ở chỗ bất động, cho dù Ngài vẫn thuyết pháp, vẫn tới lui, sinh hoạt với thế gian. Cảnh và duyên luôn biến đổi nhưng tâm kia không hề phân tán, bị động. Nên đến lúc viên tịch, chỗ bất động địa này đã được thể hiện ra bằng hình ảnh viên xá-lợi - bất hoại như kim cương - không lực gì có thể phá vỡ được.
Ngày nay đến Ấn Độ, chúng ta thấy dường như đạo Phật không còn tồn tại được bao nhiêu. Nhưng điều này không có nghĩa là đạo Phật đã mất, mà đã được ẩn dưới nhiều dạng khác thôi. Đạo Phật không còn nổi ở trên bề mặt hình tướng mà vô hình đã len lỏi thấm nhuần vào tận tim gan máu huyết, tạo thành một dòng chảy luân lưu trong mỗi một con người, và không chỉ dừng lại ở xứ Ấn mà đã tuôn tràn khắp nơi, từ Á sang Âu, sang Mỹ… Nguồn linh này vô tận cho nên những biến thái cũng vô cùng.
Viên bảo châu không chỉ Đức Phật mới có, mà tất cả mỗi một chúng sanh đều có đủ. Chỉ cần có trí tuệ và đủ niềm tin là nhận được. Lối hành trì cũng rất đơn giản nhẹ nhàng. Và trong đời sống hằng ngày khi đối duyên xúc cảnh vẫn thấy, nghe mà chỉ biết thôi, không hề có niệm thứ hai - thì lo gì không an trụ được ở chỗ bất động kia! Sức kia không bị phân tán nên lâu dần thuần thục sẽ kết tụ thành khối, và viên Xá-lợi tròn đầy, hiển hiện.
Cả đoàn chúng tôi nhiễu quanh Phật ba vòng, tụng một thời kinh ngắn. Lòng tràn ngập tri ân và hoan hỷ. Trong ánh mắt mọi người đã được thắp lên một ngọn đèn bất tử - một VÔ TẬN ĐĂNG muôn thuở.
Sư cô Thuần Hậu