CA TỲ LA VỆ
- Chi tiết
- Được đăng ngày Thứ ba, 27 Tháng một 2009 09:38
- Viết bởi nguyen
Đoàn chúng tôi đến Ca-tỳ-la-vệ cũng là một kỳ tích. Chiến tranh đã ngăn chận con đường lịch sử này. Chúng tôi vui mà nhà xe thì lo sợ, nhưng vẫn phải đi. Khi đặt chân đến vùng đất quê hương Đức Phật, âm vang bài hát năm xưa: "Người xưa đâu! Mà tháp thiêng cao đứng như buồn rầu. Lầu các đâu? Nay thấy chăng rừng xanh xanh một màu".
Thành Ca-tỳ-la-vệ là kinh đô của bộ tộc Thích-ca. Ngày xưa, Ca-tỳ-la-vệ bao gồm một vùng đất rộng lớn, ở biên giới Nepal - Ấn Độ. Nơi đây, vào năm 1897-1898, một người Anh tên là W.C. Peppe đã đào tìm được hai hũ đá có chứa xá-lợi của Đức Phật, và hiện nay được lưu giữ tại Viện Bảo Tàng Quốc Gia ở thủ đô Delhi.
Khi ngài Pháp Hiển đến Ca-tỳ-la-vệ thì nơi đây có: "Những ngọn núi đầy tuyết trắng của dãy Hy-mã-lạp-sơn nhìn xuống Ca-tỳ-la-vệ, một thành phố nằm dọc theo bờ dòng sông. Những bức tường đổ nát bằng gạch được bao bọc bởi một hào thành. Những bức tường của cung thành thì lớn hơn và biểu hiện một trung tâm văn hóa cao. Ngài đã đến Ca-tỳ-la-vệ, một nơi không có vua và không có cả thần dân. Ranh giới của thành phố được nhận biết qua những bờ thành mục nát. Một vài tăng sĩ và một số tín đồ đang ở đây. Đây là nơi mà thái tử Tất-đạt-đa đã chứng kiến cảnh sanh già bệnh chết, và đây là cửa thành đông, nơi thái tử đã ra đi bỏ lại sau lưng những dục lạc dương trần. Đây là nơi mà ngài A-tư-đà thiền định. Nơi mà Đề-bà-đạt-đa đã giết chết con voi. Đây là nơi mà mũi tên của thái tử đã ghim xuống sau đoạn đường bay trên 30 lý (4,8 dặm) và nơi đây đã phun lên một vòi nước, cũng là nơi mà 500 người họ Thích quy y theo Phật giáo. Những nơi như đất rung động sáu lần, nơi Đức Phật đã gặp vua cha sau khi giác ngộ, nơi Đức Phật giảng pháp cho chư thiên, nơi trời Đế Thích đã đứng hầu Phật và nơi mà Tỳ-lưu-ly sát hại dòng họ Thích, tất cả những nơi này đều được các tín đồ Phật giáo xây đền kỷ niệm".
Tây Du Ký của ngài Huyền Trang ghi chép tận tường hơn: "Nước này có một chu vi khoảng hơn 4000 dặm. Trong đó có trên 10 thành phố đều hoang phế và điêu tàn tột độ. Thủ đô cũng bị đất lấp và đổ nát. Cấm cung nằm trong thủ đô và có chu vi khoảng 14, 15 lý. Hoàng cung được xây dựng bằng gạch đỏ. Những nền tường vẫn còn cứng cáp và cao. Nơi nầy có lẽ đã bị bỏ phế từ lâu. Những làng mạc có dân cư rất ít và tiêu điều. Nơi đây không có ai trị vì cả; mỗi một phố có một người trưởng phố riêng. Đất đai rất mầu mỡ và được khai thác theo từng mùa. Người dân ở đây rất hiền và ngoan. Có lẽ có trên 1000 tăng xá bị bỏ hoang. Gần nơi cung thành vẫn còn một tăng xá có khoảng 3000 Phật tử đang tu học theo truyền thống Tiểu thừa".
Từ khi ngài Huyền Trang chiêm bái Ca-tỳ-la-vệ đến nay đã trải qua bao nhiêu thế kỷ, bao nhiêu thăng trầm của cuộc đời, Ca-tỳ-la-vệ cũng không nằm ngoài định luật đào thải vô tình của thiên nhiên. Ngày nay khi chúng tôi đến thì chỉ còn những bụi cỏ hoang dại và những hàng cây không thành hàng, bởi không người chăm sóc. Những ngôi tháp mà ngài Huyền Trang miêu tả chỉ còn là hình ảnh của ngàn xưa, hiện tại là cây cối bao trùm khắp.
Tôi chợt nhớ đến bài thơ của tổ Huyền Quang cảm tác:
Quên mình quên hết cuộc tang thương
Ngồi lặng đìu hiu mát cả vườn
Năm cuối trong rừng không có lịch
Thấy hoa cúc nở biết trùng dương.
Nam-mô Phật Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni
Hôm nay, đoàn chúng ta lại đầy đủ nhân duyên được về quê hương của Phật. Lúc còn trẻ, còn thiếu niên Ngài sống tại thành Ca-tỳ-la-vệ, nơi cung điện này và hiện giờ chúng ta đang tham quan tại cổng phía đông của thành.
Cách nay hơn 2500 năm, Thái tử Tất-đạt-đa đã vượt thành xuất gia tại cổng này, đây vẫn còn di tích. Hiện tại mỗi người ngồi đây và cũng cảm nhận thấy sự vô thường của cảnh vật. Ngày xưa ở đây là cung điện nhộn nhịp mà bây giờ nó hoang tàn như thế này, cũng đủ nhắc nhở chúng ta thấy sự đời luôn luôn là vô thường, mỏng manh.
Tuy sống trong cung điện sang cả huy hoàng, đầy đủ thú vui thế gian, nhưng khi nhìn thấy các cảnh già bệnh chết, là nhân duyên giúp Thái tử phát ý chí mạnh mẽ, vượt thành quyết tìm con đường giải thoát, và cuối cùng Ngài thành tựu giác ngộ vô thượng, truyền lại cho thế gian, nhờ vậy hôm nay chúng ta được học hỏi, tu tập theo.
Theo luật vô thường, có sinh có thành thì có hoại, nhưng mà trong cái vô thường chúng ta nhận ra được "cái gì đó" để chúng ta nương tựa, đây mới là điều quan trọng. Quí vị nhớ bài thơ của thiền sư Mãn Giác:
Xuân khứ bách hoa lạc.
Xuân đáo bách hoa khai.
Sự trục nhãn tiền quá.
Lão tùng đầu thượng lai.
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận,
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.
Hai câu thơ đầu nói về sự vật vô thường. "Xuân đi trăm hoa rụng, Xuân đến trăm hoa nở". Tại sao Ngài nói xuân đi trước rồi xuân đến sau? Thường chúng ta phải nói xuân đến trước, còn Ngài nói ngược lại. Bởi vì đây là bài kệ thị tịch. Khi sắp thị tịch nói để an ủi đệ tử, cũng vừa nhắc nhở tu hành. Sắp thị tịch tức là đi, là rời bỏ thế gian này nên nói xuân đi thì trăm hoa rụng. Tuy nhiên khi xuân đến thì trăm hoa sẽ nở. Cái có nở có tàn đó là mùa xuân của sự vật vô thường, Ngài nhắc nhở mọi người nhớ đời là vô thường. Mọi sự vật đều vô thường, thân người cũng vậy.
"Sự trục nhãn tiền quá" Là việc đời cứ trôi qua trước mắt. "Lão tùng đầu thượng lai" Nhìn lại trên đầu mình tóc bạc rồi. Quý vị lâu lâu nhớ lại thì sẽ thấy. Nhất là những người hơi lớn tuổi. Việc đời cứ thế trôi qua không bao giờ dừng lại, và ngôi thành nhộn nhịp của ngày xưa, bây giờ thì hoang phế. Hiện tại mỗi người ngồi đây, rồi thời gian trôi qua chúng ta sẽ nuối tiếc quá khứ của giây phút hiện tại này. Bốn câu trên Ngài muốn nói mọi sự mọi vật trong thế gian luôn là vô thường.
"Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận. Đình tiền tạc dạ nhất chi mai" (Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết. Đêm qua sân trước một cành mai). Điều này quan trọng. Tức là không phải hoàn toàn mùa xuân tàn thì hoa rụng hết, mà vẫn còn nhìn thấy một cành mai ở trước sân của đêm qua. Tại sao không nói còn một hoa mai nở, hoặc là một chùm mai nở mà nói một cành mai? Đây là ý sâu của thiền sư. Nếu còn một chùm hoa mai hay một đóa hoa mai đẹp rồi nó cũng rụng nữa. Nhưng cành mai thì còn đó, và mùa xuân năm tới thì cành mai lại nở hoa. Cũng vậy, Ngài ra đi, Ngài tịch tuy bỏ thân này nhưng khi đủ duyên thì Ngài lại hiện qua thân khác, mất là mất thân này, chính Ngài đâu có mất! Chúng ta cũng vậy, thân này sẽ theo sự vô thường giống như hoa mai có nở có tàn, nhưng mà trong đó có "cái không mất". Chính cái không mất đó là điểm mà mỗi người chúng ta cần nhớ để nhận được sống được, đây là niềm vui lớn trong đời.
Vậy hôm nay, đứng trước cảnh cũ thì cảnh đã đổi thay, tìm lại người xưa cũng không còn nữa, nhưng còn lại "cái gì đó" thì để dành cho mỗi người nhớ, phát minh ra và sống trở về, để thực sự đúng ý nghĩa là "trở về quê hương Phật".
Nam-mô Phật Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni
Thầy Trụ trì TVTL