Buổi Ngọ Trai Tại Nhà Thuần Đà
- Chi tiết
- Được đăng ngày Thứ bảy, 17 Tháng một 2009 10:44
- Viết bởi nguyen
Lúc bấy giờ, Đức Phật dừng tại Pava, người thợ rèn Thuần-đà đến xin thỉnh được cúng dường Phật và chúng tăng tại nhà vào ngày mai. Thế Tôn nhận lời.
Ngày hôm sau, thợ rèn Thuần-đà dọn một loại nấm quý (có sách nói là thịt heo…) dành riêng dâng Thế Tôn. Sau khi dùng xong, Thế Tôn dạy gia chủ đem thức ăn thừa ấy chôn sâu xuống đất, vì không ai có thể dùng được.
Trên đường đi Ngài nhuốm bệnh. Tôn giả A-nan trách thí chủ cúng dường dâng thức ăn không tốt.
Thế Tôn nói: "Trong tất cả buổi cúng dường ngọ trai cho Thế Tôn, được phúc báu nhất là người cúng dường đầu tiên (Sujata) và người cúng dường sau cùng là thợ rèn Thuần-đà".
Sau vài giờ nghỉ khỏe, Thế Tôn tiếp tục đi đến Câu-thi-na. Ngài dạy tôn giả A-nan tìm một chỗ nằm giữa hai cây song thọ.
Thế Tôn nằm đầu xoay về hướng bắc, giữa đêm thanh vắng, dặn dò từ biệt các đệ tử, Ngài an lành nhập Niết-bàn.
Chúng tôi lên xe trở về chùa. Viếng thăm đền đài nơi đây, để lòng người biết trân trọng lịch sử, biết kính quý các bậc tiền nhân, biết dặn lòng soi xét trước sau để đời người không luống qua vô ích.
Đây là những dòng cảm niệm mà huynh đệ trong đoàn đã ghi lại: Thăm chùa Kiều Đàm Di do Ni sư Khiết Minh xây dựng, đủ duyên lành cả đoàn cùng rước lễ dâng cúng Đại tạng kinh. Sau đó, phát quà cho dân nghèo tại chùa.
Câu-thi-na – là nơi Phật nhập Niết-bàn. Đoàn cùng dâng y lên Thánh tượng Đức Thế Tôn, chúng con lòng dâng niềm cảm xúc, tụng kinh, nhiễu quanh tượng. Ngài tuy nhập Niết-bàn nhưng pháp thân Ngài không bao giờ mất, tâm chúng con hòa vào tâm Phật. Lời Phật dạy vẫn còn đây: "Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi, thắp từ ngọn đuốc của chánh pháp".
BIÊN GIỚI
Chúng tôi đến biên giới Ấn Độ - Nepal, đang chờ đợi làm thủ tục. Đường biên giới đông nghẹt xe cộ, người tới lui nhiều lắm. Người buôn bán bình dân áp theo đoàn xe mời du khách mua đặc sản. Bao giờ cũng vậy, người nghèo luôn chịu thiệt thòi nhất. Giữa trưa bụi nắng, miệng không ngớt mời mọc, dù mua hay không mua họ vẫn không thể hiện sự bực bội. Tôi thương nét đáng yêu ấy của người dân Ấn Độ. Họ nghèo, họ xin ăn, song họ hiền lành chất phác. Nhìn gương mặt rạng rỡ của họ khi bán được món hàng, sao vui lạ! Tôi thầm cầu mong cho họ bán được nhiều hơn để gương mặt rạng rỡ ấy không bao giờ tắt nụ cười.