headertvtc new


   Hôm nay Thứ sáu, 19/04/2024 - Ngày 11 Tháng 3 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

LÂM TỲ NI

Chiều ngày 27-02-2008, đoàn y áo chỉnh tề đến đảnh lễ nơi Phật đản sinh. Nhà thơ Tống Anh Nghị cảm tác bài thơ:

Tôi cảm niệm một ngày sinh cổ đại
Một kỳ hoa, một tư tưởng trọn lành
Mà thơm ngát hương bình an giải thoát
Một cây xanh thành ức triệu rừng xanh.
… Mừng ngày sinh, ngày bắt đầu ý nghĩa
Một cuộc đời không ỷ lại gấm hoa
Không khởi sự bằng quyền uy đế bá
Xem Cung đình là ngục khổ hà sa.

 

Lạy Thái tử, ngày lọt lòng thân mẫu
Giữa tấm lòng mong mỏi vạn sinh linh
Chim đâu đó là bạn hiền vây đậu
Gió phương nào là quạt đến vuốt ve.
Chỉ có thế mà sen vàng hóa thể
Tự con người năng lực mới khai sinh
Nuôi tư tưởng phấn hoa thơm trí tuệ
Hẹn giác hành vĩ đại chúng điêu linh.
Mừng đản sinh, ngày khởi đầu lịch sử
Một vĩ nhân mà bản chất thường dân
Công khai hóa, lòng đại từ muôn xứ
Đón nhận đều như nắng ấm trời xuân.

Vào thời vua Tịnh Phạn, vườn Lâm-tỳ-ni là một khu vườn đầy hoa tươi cỏ lạ. Trong vườn có đầy cây xanh và bóng mát. Vẻ đẹp của Lâm-tỳ-ni đã quyến rũ đến độ hoàng hậu Maya trên đường từ Ca-tỳ-la-vệ về lại quê cha mẹ phải ngừng chân nghỉ và thưởng ngoạn.

Lâm-tỳ-ni nằm trên một ngọn đồi thuộc chân dãy Hy-mã-lạp-sơn, ngày nay thuộc vương quốc Nepal và trên đường từ thành Ca-tỳ-la-vệ đi Devadaha. Đây là một khu đất rộng 4km x 4km, trồng rất nhiều cây Simsapà. Đền Mayadevi và cột trụ Asoka, dựng lên vào khoảng năm 250 trước TL. Bên trong đền là cấu trúc nền nhà cổ xưa đã được khai quật, trong đó có một bia đá đánh dấu nơi Đức Phật đản sinh. Cạnh đền thờ là hồ Pushkarini, nơi Bồ Tát được tắm rửa sau khi đản sinh. Theo các sử liệu thì thái tử Siddharttha đản sanh vào ngày Vesak (tức là ngày trăng tròn tháng năm theo lịch Ấn Độ) vào năm 624 hoặc 625 trước Tây lịch.

Tuy Lâm-tỳ-ni là một trong những nơi quan trọng của thánh tích Phật Giáo nhưng nhiều năm tháng đã bị bỏ hoang và được nhà khảo cổ người Đức, ông Fóhrer, phát hiện vào năm 1895 qua tàn tích trụ đá vua A-dục, nhân một cuộc du ngoạn dưới chân ngọn đồi thuộc rặng núi Churia.

Lâm-tỳ-ni: Vào thời đại đế Asoka đến viếng thì vẫn còn là một thôn thịnh vượng có nhiều cảnh trí nên thơ. Nhà vua đã cho dựng bốn ngọn tháp và một trụ đá bằng sa thạch có tượng một con ngựa trên đầu trụ. Ngày nay trên trụ đá chúng ta vẫn còn thấy hàng chữ: "Sau hai mươi năm lên ngôi, vua Priyadrasi, người được chư thiên yêu mến, đã thân hành viếng thăm và cúng dường cũng như lễ bái nơi đây. Bởi vì Đức Phật, thánh nhân dòng họ Thích, đã được đản sanh ra tại trụ xứ này".

Không xa trụ đá là một hồ nước, đánh dấu nơi hoàng hậu tắm sau khi sanh thái tử. Đứng xa xa nhìn hồ nước vô cùng nên thơ, bầu trời phản chiếu trong nước một màu xanh ngọc bích, màu xanh da trời đã bị màu xanh rêu của nước biến thể đi, và tàn cây Bồ-đề to lớn với những cành dài vươn trên hồ như muốn tắm mình trong nước thật là nên thơ.

Ngày tháng xoay vần, đổi thay, Thánh tích Phật giáo này cũng không ngoài cuộc thịnh suy. Nơi đây đã đi vào quên lãng hơn sáu thế kỷ, nhưng thông điệp của Đức Phật đã bất diệt, lớn dần và trở nên quan trọng qua từng thế kỷ. Nhất là trong thế kỷ này Giáo lý Phật-đà lại càng có giá trị hơn bao giờ hết. Những lời dạy về từ bi, hòa bình, bao dung và con đường giác ngộ đã được tất cả tôn giáo trên thế giới đón nhận.

ĐỀN THỜ HOÀNG HẬU  MAYA DEVI

 Kế bên trụ đá vua A-dục là một ngôi đền của hoàng hậu. Trong đó có một bức phù điêu chạm hình Đức Phật đản sanh, đây là nơi được cúng bái từ đầu kỷ nguyên Tây lịch. Bức phù điêu diễn tả hoàng hậu đang giơ tay vịn cành cây và một em bé đứng thẳng người trên một toà sen, với một vòng hào quang tròn quanh đầu, trong khi hai thiên thần đang tưới nước và rải hoa từ những bảo bình để cúng dường.

Bức phù điêu này đã được vua Malla của triều đại Naga dâng cúng, một triều đại đã cai trị vùng Karnali của Nepal vào thế kỷ XI đến thế kỷ XV. Ngài Minh Châu đã ghi nhận rằng đền thờ này bên trên còn rất mới trong khi nền đá dưới hiện rõ nét rêu phong. Những nhà nghiên cứu cho rằng đền thờ này được xây dựng trên nền của một ngôi tháp do chính vua A-dục cúng dường. Theo Tây Du Ký thì việc này rất có thể, vì ngài Huyền Trang đã ghi nhận kế bên trụ đá là một ngôi tháp đánh dấu nơi vua trời Đế Thích đã đưa tay đỡ thái tử khi đản sanh.

[ Quay lại ]