CUỘC HỒI HƯƠNG VĨ ĐẠI
- Chi tiết
- Được đăng ngày Thứ bảy, 10 Tháng một 2009 07:37
- Viết bởi nguyen
Nam-mô Phật Bổn Sư Thích-Ca Mâu-Ni
Đoàn chúng ta đầy đủ nhân duyên về đây chiêm bái lễ thánh tích Phật Niết-bàn, đây là Đại tháp kỷ niệm nơi làm lễ trà tỳ kim thân của Đức Thế Tôn. Xin nhắc lại một ít ấn tượng để cho trong đoàn cùng ghi nhớ.
Trong mùa hạ cuối cùng Đức Phật an cư tại một làng ở ngoại ô thành Tỳ-xá-ly, là khu vực chùa Kiều-đàm-di mà hôm qua đoàn đã ghé. Sau ngày mãn hạ, một hôm Phật cùng ngài A-nan đi vào trong thành Tỳ-xá-ly khất thực và thọ trai ở cụm rừng.
Khi đó, Phật mới bảo ngài A-nan, chúng ta hãy đi đến ngôi đền Càpàla để nghỉ trưa. Trên đường đi Phật dừng lại nhiều lần ngắm phong cảnh rồi bảo ngài A-nan: "Thành Tỳ-xá-ly này phong cảnh thật đẹp, mà ngôi đền Udena cũng đẹp và các ngôi đền khác cũng đẹp, cả đến đền Càpàla mà chúng ta sắp đến cũng xinh cũng đẹp". Vì đang buồn nhớ ngài Xá-lợi-phất đã nhập diệt nên ngài A-nan không để ý lời Phật. Một lúc Phật bảo ngài A-nan: "Thầy có biết không! Người nào đã trau dồi, phát triển đầy đủ đức hạnh, thực hành đầy đủ nguyện lớn cũng như chứng nghiệm đầy đủ thực tại an lạc thanh tịnh có đủ các phương tiện khéo, người ấy nếu muốn thì cũng có thể sống đến một kiếp hay thêm nữa. Như Lai cũng đã trau dồi phát triển đầy đủ các đức hạnh và thực hành đầy đủ các nguyện lớn cũng như chứng nghiệm đầy đủ thực tại an lạc thanh tịnh đó, có đủ các thiện phương tiện cho nên nếu muốn thì Như Lai cũng có thể sống đến một kiếp hay thêm nữa". Đúng ra lúc đó ngài A-nan thỉnh Phật trụ thế, nếu Phật hứa khả thì Phật còn sống lâu thêm. Nhưng khi ấy Ngài chỉ thưa là: "Bạch Thế Tôn! Vâng". Ngài A-nan bỏ qua cơ hội tốt. Thế nên sau này Phật tuyên bố nhập Niết-bàn, Ngài liền thỉnh thì Phật nói quá trễ rồi.
Khi đến ngôi đền Càpàla, sắp đặt chỗ nghỉ cho Phật xong, ngài A-nan mới ra ngoài đi thiền hành, bỗng thấy đất đai rung động dữ dội, Ngài vội trở về hỏi Phật lý do? Phật bảo: "Này A-nan, có tám nguyên nhân làm cho đại địa chấn động. Lý do thứ nhất là vì đất nương trên nước, nước nương trên gió, gió nương vào không gian. Khi gió thổi làm nước động, nước làm cho đất động. Đó là nguyên nhân thứ nhất. Lý do thứ hai là khi một tu sĩ đắc thần thông hay một vị trời có thần lực thực hành phép quán về địa đại hay quán về thủy đại thì nó cũng làm cho đất chấn động. Rồi lý do thứ ba, thứ tư, thứ năm là khi một vị Bồ Tát nhập thai, đản sinh hay thành đạo cũng làm cho đất chấn động. Còn lý do thứ sáu là khi một vị Phật chuyển pháp luân cũng khiến đất chấn động. Lý do thứ bảy là khi Đức Phật quyết định nhập diệt, nhập Niết-bàn. Lý do thứ tám là Phật nhập Đại Bát Niết-bàn".
Phật mới bảo ngài A-nan: "Như Lai đã quyết định trong ba tháng sẽ diệt độ, cho nên quả đất chấn động".
Lúc đó, tôn giả A-nan quỳ xuống đảnh lễ thỉnh: "Xin Đức Thế Tôn đừng có diệt độ sớm như thế, xin Đức Thế Tôn thương xót chúng con".
Phật vẫn ngồi im lặng. Ngài A-nan bạch ba lần. Phật bảo: "Đủ rồi A-nan, không nên khẩn cầu Như Lai, thời gian cầu khẩn ấy đã qua rồi". Tức là Ngài A-nan đã để qua mất cơ hội. "Này A-nan nếu thầy có đức tin nơi Như Lai, thì thầy nên biết rằng những quyết định của Như Lai là những quyết định hợp thời và hợp cơ duyên. Như Lai đã nói là Như Lai sẽ diệt độ trong ba tháng nữa, thầy hãy cho mời tất cả các vị khất sĩ, các vị Tỳ-kheo ở trong vùng quy tựu về giảng đường, (giảng đường Trùng Các tại Đại lâm, ở Tỳ-xá-ly) bảy ngày nữa Như Lai sẽ thông báo quyết định này cho đại chúng". Ngài báo cho đại chúng biết Ngài sẽ nhập diệt.
Đại chúng nhóm họp xong, Phật nhìn khắp rồi bảo: "Này các Tỳ-kheo! Những gì Như Lai đã thực chứng và đã trao truyền lại cho quý vị thì quý vị hãy thận trọng giữ gìn, chuyên cần học hỏi, tu tập để chứng nghiệm và hãy khéo léo truyền đạt lại cho thế hệ tương lai, nếp sống phạm hạnh cần được nối tiếp vì cuộc sống của muôn loài". Tức là Phật nhắc nhở chư vị Tỳ-kheo tu hành phải giữ gìn giới đức, giới pháp, học hỏi tu tập cẩn thận để có sự chứng nghiệm thật sự chứ không phải chỉ học trên chữ nghĩa, trên văn tự thôi. Phải vừa học hỏi, vừa thực hành tu tập để có sự chứng nghiệm, rồi đem chỗ mình chứng nghiệm đó khéo truyền đạt lại cho những thế hệ tương lai, như vậy khiến cho Phật pháp được tiếp nối lâu dài ở thế gian. "Này các Tỳ-kheo, những pháp môn tu mà Như Lai đã truyền đạt lại cho quý vị tuy nhiều, nhưng Như Lai có thể tóm lược lại trong Ba mươi bảy phẩm trợ đạo, các pháp môn như là Tứ niệm xứ, Tứ chánh cần… Các vị phải chuyên cần học hỏi tu tập, thực chứng rồi khéo léo truyền đạt lại cho người khác". Phật nhắc nhở các vị Tỳ-kheo khéo léo tu tập để truyền lại cho người. "Này các Tỳ-kheo, Như Lai đã thường nói các pháp hữu vi đều là vô thường, có sinh thì có diệt, có họp thì có tan, các vị hãy tinh tấn lên để đạt tới giải thoát". Đây là những lời Phật nhắc nhở trước khi Phật Niết-bàn.
(Theo Sự Tích Đức Phật Thích Ca)
Đoạn cuối trong kinh Di Giáo ghi: "Thế nên, các ông phải biết, thế gian đều là vô thường, có họp thì phải có tan, chớ có ôm lòng sầu não. Tướng thế gian là như vậy, phải siêng năng tinh tấn để sớm cầu giải thoát, lấy ánh sáng trí tuệ mà diệt trừ các tối tăm nghi ngờ, thế gian thật là mong manh, không có gì bền chắc, nay Ta được nhập diệt giống như là trừ được bệnh dữ. Đây là xác thân nên bỏ, là vật tội ác tạm gọi là thân, nó bị chìm trong biển cả già bệnh sinh tử, đâu có người trí nào được trừ diệt nó như giết được giặc thù mà chẳng vui mừng". Đây là lời nhắc nhở chung cho các Tỳ-kheo, là những lời dặn dò cuối cùng khi Phật sắp nhập Niết-bàn. Phật nhấn mạnh lại cho tất cả nhớ rõ thế gian là vô thường, có hợp thì có tan, nên phải siêng năng sớm cầu giải thoát. Xác thân con người có sinh ắt có tử, đó là lẽ thường. Dù là thân Phật có ba mươi hai tướng tốt, mà đã có sinh thì phải có diệt. Điều căn bản này nhắc tất cả chúng ta ý thức được để rồi bớt chấp thân, bớt chấp thế gian. Thế gian là tướng tạo tác nên đều sinh diệt. Thân này cũng vậy có sinh ra thì phải có chết đi, đó là lẽ thường, không phải là chỗ bám chấp, không phải là chỗ nương tựa lâu dài bền vững, chỉ tạm mượn nó thời gian.
Nếu chỉ nói lý thuyết không thì sợ mọi người nghe chưa tin mạnh. Còn ở đây Phật nói bằng thực chứng ngay bản thân của Ngài. Nghĩa là thân tướng của chúng ta có đẹp cũng chưa hơn Phật. Chính thân Phật ba mươi hai tướng tốt, cao lớn đầy đủ những phước đức như vậy, nhưng rồi cũng hoại diệt. Còn thân chúng ta có đáng gì? Vậy mà bám vào thân này rồi tạo tác những nghiệp này nghiệp khác để đi vào chỗ tối tăm đau khổ gọi là vô minh si mê. Cho nên ở đây Phật đem bản thân mình mà nhắc nhở cho tất cả. Hiểu được như vậy chúng ta bớt chấp vào xác thân này, nhờ vậy nhẹ bớt chấp ngã. Trong Chứng Đạo Ca của ngài Huyền Giác, có câu: "Phóng tứ đại, mạc bả tróc, tịch diệt tánh trung tùy ẩm trác". Nghĩa là buông bốn đại, đừng có nắm bắt thì ở trong tánh Niết-bàn tịch diệt, lặng lẽ mặc tình ăn uống. Tức là buông chấp xác thân bốn đại này. Buông được rồi, không phải là sẽ mất không còn gì hết mà khi đó ở trong tánh Niết-bàn tịch diệt lặng lẽ tùy duyên ăn uống, tự tại, không lo ngại, không gì chướng hết. Đó mới là chỗ sống chân thật vui nhất của chính mình, còn thân này thì chỉ tạm mượn thời gian thôi. Nếu người hiểu đạo khéo mượn thân tứ đại để tu hành tạo những công đức lành. Phật gọi là người trí. Còn người không khéo, bám chắc ái luyến vào nó, rồi tạo nghiệp dẫn mình đi vào trong đau khổ, đó là điều rất đáng buồn. Phật gọi là người mê.
Phật lại nhắc nhở xác thân này là cái đáng bỏ, là vật tội ác cho nên người trí diệt được nó như diệt được giặc, rất đáng mừng. Như vậy, ý nói chết là vui chứ không phải buồn. Vì bỏ được thân tạm bợ. Thứ hai là biết rõ đường đi nên mới vui. Nếu chỉ biết lờ mờ giống như ngài Qui Sơn nói: "Tiền lộ mang mang, vị tri hà vãng". (Đường trước mờ mờ, không biết đi về đâu?) Thì lúc đó thật là đáng buồn. Chư Tổ nói con người lúc sắp từ giã ra đi thì đau đớn giống như con cua bị lột vỏ. Con cua mà bị lột vỏ thì nó đau đớn vô cùng. Chúng ta cũng vậy, lúc thần thức sắp rời bỏ thân này rất là đau đớn, cộng thêm những nghiệp cũ hiện ra nữa, nếu không khéo tu thì lúc đó vừa đau, vừa bị nghiệp cũ ám ảnh, dẫn chúng ta đi vào chỗ tối. Việc này cũng nhắc nhở mọi người chúng ta lúc còn sống, còn tỉnh phải tận dụng thời gian để tinh tấn tu hành, tạo những công đức lành, tích lũy những nghiệp tốt, để ngày cuối đời ra đi nhẹ nhàng, an tâm có chỗ nương tựa.
"Phật nhắc các thầy Tỳ-kheo phải nên nhất tâm siêng cầu đạo xuất thế, dù là pháp động hay bất động đều là tướng bại hoại, bất an. Các ông hãy thôi chớ có nói nữa, thời giờ sắp hết rồi ta sắp diệt độ, đây là lời chỉ dạy sau cùng của Ta". Nếu lúc đó chúng ta có mặt chắc cũng rơi nước mắt. Ngài nhắc nhở đệ tử phải luôn nhất tâm siêng cầu đạo xuất thế. Bởi vì tất cả thế gian dù là tướng động hay bất động đều là tướng vô thường hư hoại. Động tức là những pháp có tạo tác, có làm ra, đều thuộc về vô thường. Cho đến các pháp bất động cũng thuộc về vô thường. Bất động là những pháp gì? Tức là những pháp thuộc về thiền phàm phu, như tứ thiền, bát định... Tuy là pháp bất động nhưng còn có ngã, còn mong muốn sinh về các cõi trời như cõi Tứ thiền hay cõi Vô sắc để hưởng phước báo. Cho dù sống hàng triệu năm, hoặc cả tám muôn kiếp nhưng khi sức thiền định hết rồi cũng rơi trở lại thế gian, cũng ở trong luân hồi không giải thoát được. Kinh Pháp Hoa nói rõ là "Tam giới vô an, du như hỏa trạch". (Ba cõi đều không an ổn giống như nhà lửa). Bất cứ chỗ nào ở thế gian này, dù lên các cõi trời đều nằm trong tam giới, đều bị lửa vô thường đốt hết, không có chỗ nào an ổn. Phật nhắc nhở các vị Tỳ-kheo tu hạnh giải thoát, còn quí Phật tử cũng nghe để ý thức cuộc đời vô thường, thân mình mỏng manh tạm bợ khéo lợi dụng nó để sống cuộc sống thật sự có ý nghĩa.
Biết thân tạm bợ rồi thì chúng ta phải dùng nó cho đúng nghĩa, phải khéo ứng dụng Phật pháp vào cuộc sống. Bởi vì mỗi một ngày qua đi không thể lấy lại được. Hôm nay tất cả trong đoàn chúng ta ngồi tại đây, nhưng rồi ngày mai không còn tìm lại cảnh này, không còn tìm lại nhân duyên này, qua rồi không còn kéo lại được nữa. Nên trong nhà thiền dạy phải sống trở về ngay thực tại, chúng ta có duyên lành tốt gì thì phải biết trân trọng, sống cho đúng ý nghĩa, đừng để nó qua mất rồi sau ăn năn hối tiếc.
Trong Tây Vức Ký, ngài Huyền Trang có ghi thêm một đoạn là: Sau khi Như Lai nhập Niết-bàn, mọi việc hoàn tất thì ngài A-nậu-lâu-đà dùng thần thông bay về trên thiên cung báo với phu nhân Ma-da: Đấng pháp vương đại thánh đã nhập Niết-bàn. Lúc đó phu nhân Ma-da nghe tin khóc thương đau đớn, đến nỗi hôn mê rồi sau tỉnh lại cùng các thiên thần bay tới rừng Song Thọ này thấy các di vật y Tăng-già-lê, bình bát, tích trượng của Phật để lại càng buồn thương khóc lóc thêm nữa. Sau khi tỉnh lại bà nói: "Phước báo nhân thiên đều hết cả rồi. Chuyện thế gian đâu còn ngó ngàng gì đến nữa, các món này không còn chủ nhân". Tức là di vật còn đây mà Phật đã nhập Niết-bàn rồi. Khi ấy Đức Như Lai vận thần thông làm cho nắp quan tài bật ra, ai nấy đều tận mắt nhìn thấy Phật ngồi, hai bàn tay chắp lại an ủi mẹ. Ngài A-nan cố nén đau đớn thỉnh giáo Đức Phật, nếu sau này có người hỏi đến việc này thì phải nói như thế nào? Phật mới bảo: "Ngươi nên giảng sự thật rằng: Sau khi Phật đà nhập Niết-bàn thì mẹ Ngài từ trên trời giáng hạ xuống rừng Song thọ. Như Lai từ kim quách ngồi dậy chắp tay thuyết pháp". Tức là nhắc nhở những người con bất hiếu ở thế gian sau này, Phật còn giữ hiếu thảo huống nữa là những người khác.
Hôm nay chúng ta đủ duyên về nơi Đức Phật nhập Niết-bàn, đến thăm chỗ làm lễ trà tỳ của Đức Phật, xin nhắc lại chút nhân duyên để cùng đại chúng tưởng nhớ.
Nam-mô Phật Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni
Thầy Trụ trì TVTL
Đến tợ vầng trăng, theo nước trăm sông về biển cả
Đi như cánh hạc, cùng mây vạn núi hướng trời cao.(*)
Khu di tích Đại Bát Niết Bàn: Có chùa Đại Niết-bàn được xây dựng vào năm 1956, trên nền ngôi chùa cổ xưa. Bên trong là tượng Phật nằm, dài khoảng 6.1m, được khai quật vào năm 1876-1877. Tượng Phật được tạc từ một khối đá màu hồng đỏ, vào khoảng thế kỷ 5 TL, tư thế Đức Phật nằm nghiêng bên phải, mặt nhìn về hướng tây, đầu hướng về phương bắc. Phía sau chùa là một tháp lớn đánh dấu nơi Đức Phật nhập diệt.
Đoàn chúng tôi đến dâng y đảnh lễ tụng kinh và nhiễu chung quanh ba vòng. Rất bi hoài, rất cảm động. Ngay giờ phút này đây, ít ai nói ra được một lời tỏ bày niềm kính thương trọn vẹn. Con muốn học làm họa sĩ để vẽ lại chân dung hòa ái của Ngài, muốn làm sao để không cô phụ tấm lòng người cha kính yêu của tất cả muôn loài. Những năm tháng trau dồi kinh điển, con thuộc lòng nhiều đoạn văn tả lại cái giây phút bất diệt này đây, cái phút giây mà chúng tăng than khóc, chư thiên ngậm ngùi… Nhà văn Võ Đình Cường đã ghi lại như sau:
"Trong mấy tháng sau cùng, khi sắp từ giã cõi đời, Ngài vẫn đi hoằng hóa, nhưng Ngài không thể đi xa, chỉ quanh quẩn trong địa hạt xứ Câu Thi, trong những ngày cuối cùng đó Ngài vẫn thâm tình dạy bảo cho đệ tử: "Hãy tinh tấn lên để giải thoát, hỡi các ngươi rất thân yêu của ta!"
Và Ngài nhập định rồi vào Niết-bàn.
Lúc ấy sao mai vừa mọc. Nhưng trời đất bỗng tối tăm, mọi vật đứng yên. Sự sống ngừng lại. Chìm lặng, chìm lặng khắp nơi.
Nhưng lập lòe xa xa một ánh sáng. Rồi hai, ba, rồi năm, rồi mười, rồi một trăm, một ngàn, một vạn. Ôi! Rồi hằng sa ánh sáng của những ngọn đuốc soi đường cho những người con đến chậm, chiếu sáng rực cả khu rừng, cả vòm trời, cả tám hướng và mười phương...
Và trong đêm lặng lẽ trời khuya, nổi lên, nổi lên dần, rồi ngân lên cao, ngân cao lên mãi, lời tụng kinh nồng đượm tín thành phò đức Như Lai lên mấy từng trời, phò đấng từ bi vào Niết-bàn huyền diệu...
Và từ đấy cứ lan dần ra mãi...
Và "Lời Giáo Huấn Sau Cùng Của Đức Thích Tôn" được viết trong Trung Đẳng Phật học:
Lần thuyết pháp sau cùng của Đức Thích Tôn, trước khi nhập diệt được ghi lại trong kinh Di Giáo. Đọc qua, chúng ta có thể tưởng tượng thấy rõ ràng dưới Hạt-lâm, hàng đệ tử tiếp nhận ân dung của Phật, thấy rõ chính như quang cảnh cuối cùng khi Ngài sắp nhập Niết-bàn vậy. …
… Bấy giờ, các đệ tử vây quanh, đều kềm chế sự đau xót, lắng nghe Phật dạy những lời khuyên răn sau cùng. Ngài lại dạy tiếp: "Các ông hãy yên lặng không nên nói nữa. Thời giờ sắp hết, Ta muốn diệt độ. Đây là lời dạy bảo sau cùng của Ta" Tiếng nói của Ngài rất trang nghiêm, trải ngàn năm sau như vẫn còn nghe lời nói ấy của Ngài.
Đến như thân kim sắc sáng rỡ của Đức Thích Tôn, bay lượn giữa không trung, trên trời mưa hoa, trống trời vang dội, giáng hạ xuống cuộc đời ô trược này. Cho đến khi Ngài nhập diệt, chim thú kêu bi ai, cây cỏ trở màu tang tóc, đại địa rung động v.v... Các điềm ứng hiện này, cố nhiên là sự thật. Chẳng qua không bằng chuyện kể về một vị Tỳ kheo già, bằng xương, bằng thịt, ở bên bờ sông Bạt-đề, hướng về các đệ tử mà nuốt lệ và thân thiết chỉ bày, luôn luôn cảm hóa người một cách sâu sắc, không hề mỏi mệt. Cũng đủ cho chúng ta có niềm tin vững chắc.
Đoàn sang viếng nơi trà tỳ kim thân của Phật. Âm vang lời kinh tụng phát ra từ lòng tha thiết của người con Phật sao nghe hay và thâm trầm quá! Tâm tình này đã được Sư ông ghi lại và đọc tụng vào những ngày lễ kỷ niệm Đức Thế Tôn:
Đến Tám mươi tuổi Vào rừng Sala
Ở dưới hai cây Thế Tôn thị tịch.
Chúng tăng than khóc Chư thiên ngậm ngùi
Đức Phật hết duyên Niết-bàn an nghỉ
Ân cao đức trọng Làm sao đáp đền
Chỉ cố gắng tu Đạt được đạo quả
Mồi đèn nối lửa Đời đời không dừng
Đền ơn chư Phật Là ơn chẳng đền
Giáo hóa chúng sinh Là đền ơn Phật
Chúng con phát nguyện Cố gắng tiến tu
Theo gương Đức Phật Chúng sinh còn mê
Chúng con phải giác Chúng sinh còn khổ
Chúng con ban vui Không sót một người
Mới tròn bản nguyện.
Năm xưa, qua những tiết dạy cho thiền sinh Thiền viện đến đoạn tả về quang cảnh Phật Niết-bàn, Thầy Thủ Bổn tôi diễn đạt lại bằng cả lòng trân trọng và xúc cảm. Có lẽ đó là một trong những nguyên nhân giúp tôi ôm hoài bão được viếng xứ Phật. Hôm nay, con đang đứng nơi mà Thầy đã từng nhắc nhở, con nhớ đến Thầy và mãi trân trọng tinh thần, lời khuyên dạy của Thầy.