LỊCH SỬ NALANDA
- Chi tiết
- Được đăng ngày Thứ Sáu, 02 Tháng một 2009 07:44
- Viết bởi nguyen
Nalanda được nói đến nhiều trong văn chương Phật giáo và văn chương Jain. Ngài Xá-lợi-phất sanh gần Nalanda. Đức Phật cũng thường ghé thăm chỗ này khi Ngài đến thăm thành Vương Xá. Niganthanah-Taputta, vị sáng lập ra đạo Jain cũng sanh gần Nalanda.
Vua xứ Ma-kiệt-đà có lập một ngự uyển không xa Nalanda mấy. Nhưng chỉ từ khi Nalanda trở thành một Đại học viện Phật giáo, thánh địa này mới thực sự được nổi tiếng khắp thế giới, vì những vị giáo sư của Nalanda được xem là giỏi nhất xứ Ấn Độ. Vua A-dục là người sáng lập ra Nalanda nhưng không phải học viện Nalanda, mà chỉ là chùa Nalanda. Ở đây vua này cũng thiết lập một tinh xá và cúng dường phẩm vật tại ngôi tháp Xá-lợi-phất. Chúng ta không thể biết rõ Đại học viện Nalanda lập từ thời nào; có lẽ bắt đầu thế kỷ thứ nhất, trước Tây lịch, vì ngài Long Thọ sanh vào thế kỷ thứ hai, được xem là theo học tại đó và sau trở thành Viện trưởng. Điểm này được ghi trong lịch sử. Theo thời gian, Đại học viện Nalanda trở thành to lớn, và có lần sinh viên theo học đến số 10 ngàn người. Sinh viên đều được miễn phí, vì các phí tổn đều do các nhà vua chu cấp hoặc các đàn việt đài thọ. Sinh viên chỉ chuyên lo tu học. Theo ngài Huyền Trang chính các vị vua đã dâng cúng tinh xá cho chư Tăng. Ngài Pháp Hiển đến thăm Ấn Độ vào thế kỷ thứ năm, không nói đến Nalanda; có lẽ Nalanda chỉ nổi tiếng vào những thế kỷ sau, và khi Ngài đến viếng, chỉ là một Học viện nhỏ như các Học viện Phật giáo khác.
Trái lại, khi ngài Huyền Trang đến Ấn Độ vào thế kỷ thứ bảy, Nalanda đã thành một trung tâm học vấn. Ngài học ở đây độ 13 năm. Ngài nghiên cứu các hệ thống triết học Phật giáo dưới sự chỉ dạy của Viện trưởng Giới Hiền. Vị này được xem là vị học giả Phật giáo nổi tiếng nhất ở Ấn Độ. Thời bấy giờ ngài Huyền Trang cũng học Nhơn minh, văn phạm, y học, Vệ-đà của Bà-la-môn giáo. Dưới đây là đoạn văn tả Nalanda của Ngài:
"..Số Tăng sĩ đông đến vài ngàn đều là những bậc tài năng xuất chúng. Những bậc này phần nhiều là những vị kỳ tài, danh tiếng vang đến cả những nước ở ngoài. Đức hạnh của những vị này hoàn toàn thanh tịnh, không thể chê trách gì. Họ theo giới luật một cách chơn thành. Quy luật của tu viện rất nghiêm khắc và tất cả Tăng sĩ đều bắt buộc phải tuân theo. Cả nước Ấn Độ đều kính phục và tuân theo những lời chỉ dạy của những vị này. Cả ngày họ không có đủ thì giờ để hỏi và trả lời những câu hỏi có ý nghĩa sâu xa. Từ sáng cho đến tối, các vị này đều luôn luôn biện luận. Già và trẻ đều giúp đỡ lẫn nhau. Những ai không thể biện luận về kinh điển đều không được kính trọng và phải lẩn tránh vì xấu hổ. Những nhà học giả từ các thành thị khác, muốn mau có danh tiếng trong các cuộc biện luận đều đến Nalanda rất đông, để được giải đáp những điểm mình còn nghi ngờ, và vì vậy danh tiếng của những vị ở Nalanda được lan truyền rất rộng. Cũng vì vậy mà có nhiều người muốn có danh của Nalanda để được người ta kính trọng. Các người ở các giới khác muốn dự các cuộc biện luận phải bị người giữ cửa hỏi vài câu khúc mắc, nhiều người không trả lời được phải trở về. Phải học giỏi cả tân và cựu kinh điển mới được thâu nhận. Những sinh viên lạ mặt phải tỏ sự biệt tài của mình trong những cuộc biện luận gắt gao, và số người bị hỏng so với những vị trúng tuyển độ 7, 8 phần 10".
Những bia ký cũng chứng tỏ sự vĩ đại của Nalanda và công nghiệp của các vị vua duy trì và cung cấp vật dụng phí tổn cho Đại học đường ấy. Bia ký khắc trên lá đồng của Devapala (810 - 850) ghi rõ chỗ cả năm làng ở quận Ragjir, dùng để cung cấp các vật dụng ăn uống cho các vị Tăng sĩ, và chép các kinh điển tại Viện do vua Sumatra lập lên. Chúng ta còn thấy Nalanda cũng được những vua ngoài Ấn Độ ủng hộ.
Trong những vị vua ủng hộ Đại học viện Phật giáo có vua Harsha ở Kanouj về thời đại Gupta. Vua này rất sùng bái Phật giáo. Chính trong đời vua này, ngài Huyền Trang đến thăm Ấn Độ. Theo ngài Huyền Trang thì vua Harsha có lập một ngôi chùa bằng đồng và chuyển số thuế của một trăm làng để Đại học viện tiêu phí, và hai trăm gia đình trong những làng ấy cúng dường các thức ăn uống như gạo, sữa và bơ. Một vị Bà-la-môn, Suvishnu đồng thời với ngài Long Thọ, có lập ít nhất là 108 ngôi tinh xá cho cả hai phái Đại thừa và Tiểu thừa.
(Đường Về Xứ Phật)
Từ giã Nalanda với quá khứ huy hoàng, với đền đài phòng ốc, với lịch sử vẻ vang thuở đông vầy tăng chúng. Sự nghiệp này đã trải từ máu và nước mắt của các bậc tiền nhân, xin được cúi đầu trân trọng trước thánh tích. Thầy Thị giả tìm đâu được trên nền vách rêu phong của Viện vài cây Bồ-đề nhỏ, tôi lưu tâm giữ gìn, chăm sóc, mong sao hạt giống trí tuệ của tiền nhân sẽ vươn sức sống và tỏa sáng mãi khôn cùng, dù ở bất cứ vòm trời nào.
Dưới đây là dòng lược thuật lại quá trình chiêm bái của một thành viên trong đoàn:
Núi Linh Thứu với hương thất Phật, hương động các ngài A-nan, Xá-lợi-phất… Nơi đây, vì thương xót chúng sanh đời sau, Đức Thế Tôn đã truyền trao Chánh pháp nhãn tạng cho ngài Ca Diếp để dòng thiền tiếp nối và chúng con là hàng hậu bối đang theo bước chân Ngài.
Trúc Lâm Tinh Xá, có một điện thờ nhỏ nơi cổng vào, và các bụi trúc lớn được trồng quanh điện thờ Đức Thế Tôn. Cả đoàn dùng cơm trưa bên hồ nước, tự cảm nhận không gian nơi các vị Thánh tăng đã ngồi thọ thực cách đây 2552 năm, không khí mát và yên tĩnh.
Ghé thăm Nalanda, nơi Bồ Tát Long Thọ đã học và thành Viện trưởng, nơi ngài Huyền Trang ở lại mười ba năm để nghiên cứu các hệ thống triết học Phật giáo với sự chỉ dạy của Viện trưởng Giới Hiền.
Sau đó ghé thăm chùa Trung Quốc với tượng thờ ngài Huyền Trang. Chúng con đã được học về Ngài với sư cô Thuần Chánh, nay lại đủ duyên lành trên đất Phật tận mắt thấy những điều đã học, ghi lại trên các bức họa, nói về cuộc hành trình gian nan hiểm trở và đầy dũng khí của Ngài. Con tự nhận thấy rằng các vị Bồ Tát lớn luôn thị hiện ra đời để dẫn dắt chúng sanh trong cõi Ta-bà này. Giúp chúng con thêm vững lòng tin sâu Tam bảo, luôn hộ trì cho chánh pháp trường tồn.
Thăm chùa Kiều Đàm Di do Ni sư Khiết Minh xây dựng, đủ duyên lành cả đoàn cùng rước lễ dâng cúng Đại tạng kinh. Sau đó, phát quà cho dân nghèo tại chùa.