Hạnh Nguyện
- Chi tiết
- Được đăng ngày Thứ tư, 07 Tháng một 2009 09:45
- Viết bởi nguyen
Từ núi lạnh tới biển im muôn thuở
Đỉnh đá này và hạt muối đó chưa tan
Tuệ Sỹ
Bihar, Ấn Độ 2008
Khách rời chiếc xe đò, bước xuống mặt đường nhựa, từng lớp bụi tung lên mù mịt mỗi khi có xe chạy qua, trời đã xế trưa, mặt trời đỏ rực, nóng bức. Mới tháng hai mà Bihar đã nóng, càng nóng hơn với các gam màu đỏ, vàng, nâu từ y phục của người bản xứ. Hai bên đường hàng quán san sát, người đông nghẹt, chen chúc trước các sạp bán đồ lưu niệm.
Xen lẫn với cái náo nhiệt, ồn ào của con đường, không gian như được dịu đi bởi tiếng đàn Sitar vẳng lên từ các gian hàng bán dĩa nhạc. Tiếng đàn mang âm hưởng man dã của miền Trung Á pha lẫn với tính huyền ảo và bí ẩn của văn hóa Ấn Độ. Tiếng đàn không chững chạc, trầm tĩnh như đàn nguyệt, không thánh thót như đàn tranh, cũng không quyến rũ, tình tứ như tiếng lục huyền cầm. Tiếng Sitar như những hạt mưa, rơi miên man, quấn quýt, vờn quanh tiếng trống Tabla như đời sống dân cùng đinh, miệt mài vất vưởng qua những khổ đau, trắc trở của cuộc đời. Tiếng đàn buồn nhưng không bi ai như tiếng nhị hồ, chỉ buồn mang mang, cam chịu như những dòng nước nhỏ len lỏi bình thản qua những khe đá nóng, khô ráo của vùng Bắc Ấn khô cằn, của những nỗi khổ đời đời của chúng sinh. Tiếng đàn, tiếng trống, tiếng lao xao của khách du lịch, giọng nài nỉ của những người ăn mày, lời mời chào của những người bán hàng, tất cả hòa lẫn với cái nóng bức và bụi bặm của c on đường, tạo thành một khung cảnh náo động đến mức chóng mặt. Khách tự hỏi, cõi Ta-bà này có giống như cõi ta-bà của hai ngàn năm trăm năm trước không?
Bước qua vòm cổng cao, bỏ lại sự náo nhiệt bên ngoài, khách thở phào nhẹ nhõm. Tấm bia dựng ngay bên trái lối vào, nét chữ đơn giản: Di tích Nalanda. Đi lần theo các bức tường nâu đỏ, dọc ngang theo những dấu tích còn lại của trường đại học Phật Giáo lớn nhất lịch sử, cuối cùng khách dừng lại ở một góc xa của giảng đường xưa, bồi hồi xúc động. Nơi đây đã từng vang lên các lời giảng của các ngài Long Thọ, Vô Trướùc, Thế Thân, Tịch Thiên, đã có lúc nơi đây có cả mười ngàn Tỳ-kheo và ba ngàn giảng sư miệt mài biện luận triết lý Phật giáo. Nơi đây cũng đã từng là nơi sản sinh các vị luận sư danh tiếng nhất của Phật Giáo Đại Thừa và cũng là trú xứ của những vị đại sư cuối cùng trước khi Phật Giáo suy tàn ở Ấn Độ. Khách bùi ngùi tự hỏi, trong suốt mười thế kỷ đó, mình đã từng là gì, ở đâu, sao mãi bây giờ vẫn còn lang thang trong cõi này.
Từ xa đoàn hành hương Việt Nam đang hành lễ, lời kinh Bát Nhã thoáng vọng lại: "Không có trí tuệ cũng không có chứng đắc. Vì không có chỗ được nên Bồ Tát y theo Bát Nhã Ba La Mật Đa, tâm không ngăn ngại…" Một niềm cảm khái sâu xa dâng lên trong lòng, khách thấy tâm mình như tan loãng cùng với vạt nắng xế chiều, lóa trên mặt sân gạch bằng đất nung đỏ của giảng đường đại học Nalanda.
Chánh Huyền