headertvtc new


   Hôm nay Thứ ba, 07/01/2025 - Ngày 8 Tháng 12 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
Phatdan2024  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

VIỆT NAM PHẬT QUỐC TỰ

 Sư cô Như Chánh viết: Đến Việt Nam Phật Quốc Tự của Thầy Thích Huyền Diệu, chúng con được Thầy Trụ trì Trúc Lâm nhắc nhở "Phản văn văn tự tánh" qua tiếng đại hồng chung vừa mới được khánh thành, lòng thật nhẹ nhàng. Chúng con cũng tự hào Việt Nam có ngôi chùa trên đất Phật.

***

Sáng hôm nay sau khi kính lễ Đại tháp Bồ-đề, đoàn đến viếng Việt Nam Phật Quốc Tự của Thầy Thích Huyền Diệu. Chùa vẫn còn đang xây cất. Ngôi chùa trên đất Phật là tâm nguyện của Thầy Trụ trì. Chùa có lối kiến trúc theo phong cách Việt Nam, nhiều nghệ nhân quê nhà được mời sang hợp tác. Thầy Trụ trì Trúc Lâm và cả đoàn quây quần bên Đại hồng chung vừa mới khánh thành, Thầy gióng ba tiếng chuông, in như là :
            Nổi pháp lôi, đánh pháp cổ
            Bủa mây từ hề rưới cam lộ
            Voi rồng giẫm bước nhuận ân sâu
            Năm tánh ba thừa đều tỉnh ngộ.

                                                                Chứng Đạo Ca
Chúng ta hãy cùng đọc đoạn văn: Thưa các vị, chúng tôi đã sống xa quê hương hơn 30 năm chỉ với một nguyện ước duy nhất là cố gắng xây dựng được một ngôi chùa mang tên Việt Nam thân yêu, trên mảnh đất cội nguồn của Đạo Phật, như mang đóa hoa đến một vườn hoa để tạo nên một gam màu hài hòa cho cuộc sống mỗi ngày thêm đầy ý nghĩa. Đồng thời, cũng muốn góp tiếng nói nho nhỏ cho quê hương, cho dân tộc và Phật giáo Việt Nam ra thế giới bên ngoài.

  

Tuy nhiên, những thành công khiêm tốn này của thầy trò chúng tôi chỉ như là người lót đá đầu tiên cho một con đường, nên còn rất nhiều sự thiếu sót bởi khả năng và những mặt khách quan khác. Vì vậy, chúng tôi luôn nguyện cầu Tam Bảo gia hộ, để trong tương lai có được các vị chân tu, thật tài đến đây gìn giữ và phát triển đúng với tầm vóc, một ngôi chùa đại diện cho dân tộc và Phật giáo Việt Nam trên đất Phật; đồng thời, góp phần tô điểm cho Thánh địa nở hoa Từ-bi, để mang lại nền hòa bình chân chính cho nhân loại trong thế kỷ thứ 21 này.

Chúng tôi cảm phục những tâm hồn có hoài bão lớn lao, mong rằng hoài bảo của Thầy Huyền Diệu sớm được thực hiện viên mãn và mãi mãi tiếp nối trên đất Phật.

Đoàn dành thời gian ghé thăm chùa Tây Tạng… Mỗi ngôi chùa đều có nét đặc thù của bản xứ, đồ sộ, nguy nga… Khác với hình ảnh ngôi chùa ở những vùng quê Việt Nam mà ông Hoàng Quang Thuận diễn tả:
             Chùa tháp lơ thơ vài khóm trúc
             Gió đưa nghiêng ngả tợ người say
             Một thời pháp yếu thiền tâm mở
             Xanh rì, bát ngát cỏ cùng cây.

Sau đó, đoàn dành thời gian mua quà lưu niệm.

Đoàn đến viếng chùa Việt Nam "Viên Giác Tự". Thầy Trụ trì hãy còn trẻ. Ngôi chùa có lối kiến trúc giao lưu giữa hai nền văn minh đông tây. Là tụ điểm sinh hoạt Phật pháp cho khoảng ba trăm người ngoại quốc đến tu học. Chúng ta thêm phần hãnh diện về một người Việt Nam hoằng pháp trên xứ người. Chúng tôi chợt nhớ đến đoạn văn của Sư ông đã ghi trong quyển Phật Giáo Dân Tộc: "Là người Việt Nam, bất luận bình dân hay trí thức, chúng ta đều thấy có trọng trách tìm hiểu những gì liên quan với dân tộc và đất nước thân yêu của mình. Sự nhận thức ấy giúp cho chúng ta có nhận thức chính xác về tư tưởng, tính tình của đồng bào ta. Nếu là người trí thức Việt Nam mà không biết gì về truyền thống dân tộc thì không xứng đáng là trí thức.

  

Thế nên, sự nghiên cứu những mối liên quan với dân tộc thực là điều kiện tối thiểu của những người yêu dân tộc, quê hương xứ sở. Đạo Phật đã chung sống với người dân Việt gần hai mươi thế kỷ, sợi dây liên lạc đã thắt chặt đạo Phật với dân tộc Việt Nam thành một khối bất khả phân ly. Tư tưởng đạo Phật đã thấm nhuần tinh thần dân tộc. Bởi sự liên hệ mật thiết này nên người dân Việt coi đạo Phật là đạo của Tổ tiên truyền lại. Đạo Phật bị phá hoại thì tinh thần dân tộc cũng lung lay. Vì thế, để bảo vệ tinh thần dân tộc, gìn giữ tín ngưỡng truyền thống của Tổ tiên, người Việt Nam tự thấy có bổn phận bảo vệ đạo Phật một cách hồn nhiên".
 

[ Quay lại ]