headertvtc new


   Hôm nay Thứ bảy, 23/11/2024 - Ngày 23 Tháng 10 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

Đêm Phổ Trà

 Thầy Trụ trì:
Nam-mô Phật Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni
Kính thưa quý Thầy, quý Sư cô và tất cả Phật tử. Sau ba ngày lưu lại Bồ-đề Đạo tràng, đoàn tương đối được chiêm bái đầy đủ. Đêm nay là đêm cuối, ngày mai chúng ta đến điểm mới thăm viếng, Ban Tổ chức mở tiệc trà để vừa họp mặt vừa trao đổi với nhau ít nhiều những cảm nghĩ của mỗi người.

Đến chiêm bái Thánh tích là duyên lành hy hữu trong đời của người con Phật, bởi có người đi được nhiều lần, có những vị chỉ đi được một lần chớ không có lần thứ hai, có những vị cả đời cũng chưa đặt chân đến nơi này. Trong buổi phổ trà tối nay, nếu các vị có cảm hứng thì cùng trao đổi để mỗi người có thêm nhiều kinh nghiệm.

Riêng tôi, qua thời gian chiêm bái Thánh tích quan trọng này, tôi có kinh nghiệm nhỏ: Về không khí tu hành thì thấy rất thanh tịnh. Như buổi sáng này chỉ ngồi tịnh tâm có chừng mười phút mà có sự thanh tịnh khác thường, ngay cả khi ngồi thiền tại phòng ở khách sạn cũng thấy yên lặng hơn nơi khác. Không biết quí vị có những cảm nhận gì, xin cùng trao đổi. Xin mời thầy Thông Như.

Nam-mô Phật Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni

***

Ban Tổ Chức (Đoan Trang):
Đây là lần thứ nhì con được đến đây viếng thăm Thánh tích này. Thấy không khí đặc biệt, khi trở về con luôn nhớ cảm xúc buổi uống trà đã qua và con cho đó là điều hạnh phúc. Vì muốn được chia sẻ niềm hạnh phúc, cảm xúc của ba ngày sống tại đây, con có đề nghị chú Tuệ Quán xin phép quý thầy được bày một buổi phổ trà. Chưa bao giờ con dự buổi phổ trà tầm cỡ thế này, hôm nay con rất vui. Trong tâm con muốn tạo duyên cho cả đoàn cùng ngồi lại với nhau, và chân tình chia sẻ những gì mình nhận được. Phần điều hành buổi trà con xin quý Thầy nhận.

***

Thầy phó Thông Như:
Từ khi xuất gia đến nay, tôi chưa hề nghĩ đến việc xuất ngoại hay về xứ Phật chiêm bái Thánh tích. Vì đó là điều vượt quá khả năng bản thân tôi.

Khoảng giữa tháng 12-2007, tôi được một huynh đệ là thầy Thông Không giúp đỡ phương tiện cho một vé đi Ấn Độ chiêm bái Thánh tích cùng đi với quý Thầy và Phật tử trong Tông môn. Thầy còn khuyến khích đây là duyên tốt nên đi. Tôi hoan hỉ nhận lời và bắt đầu chuẩn bị hành trang cho chuyến đi.

Sau đó vì điều kiện sức khỏe, khiến tôi lo ngại không biết có đi được không? Nhưng rồi tôi không thể nào bỏ qua duyên tốt này nên nhắm mắt đánh liều, bụng thầm nhủ chuyến này chắc là phải khiêng về thôi! Trước khi đi, tôi cầu nguyện Tam bảo gia hộ cho tôi đi được bình yên trở về. Hành lý chỉ vỏn vẹn một vali mười ba ký, vậy mà xách còn không nổi, cứ đi đến đâu thì nhờ quý nhân giúp đỡ, vậy mà cũng xong.

Khi đến Thái Lan, thấy nước bạn phát triển quá nhiều mặt, nào đường sá, nhà cửa, xe cộ … Còn về mặt tôn giáo thì đến đâu cũng thấy chùa chiền nguy nga tráng lệ và trang nghiêm. Chúng tôi du thuyền trên con sông dài, thấy cá dưới sông rất nhiều và không ai chài bắt cả, nhận thấy giáo lý từ bi của Phật đà đã thấm nhuần sâu trong tâm thức của người dân Thái.

Từ giã Thái Lan chúng tôi lên Ấn Độ. Sau khi ổn định chỗ ở, đoàn đến viếng Thánh tích đầu tiên đó là Lộc Uyển. Đây là nơi Đức Phật Chuyển Pháp Luân lần đầu tiên, từ đó đến nay, dòng sữa pháp của lòng đất Thánh này đã tuôn chảy chân lý không ngừng, mở ra nẻo sáng tâm linh cho những người hữu duyên.

Sau đó, đoàn đến Bồ-đề Đạo tràng. Chung quanh khu Đại tháp, người ta bán đồ lưu niệm rất nhiều, đủ hết, giá cũng không quá đắc, chỉ ngại đường xa không biết làm sao mà đem về thôi. Mỗi ngày sáng chiều hai thời làm lễ, sau thời tụng kinh, chúng tôi đi nhiễu tháp ba vòng. Rất nhiều đoàn hành hương như: Miến Điện, Tích Lan … người Tây Phương cả những người bản xứ cũng tập trung về Đại Tháp hoặc tụng kinh, tọa thiền, lễ bái, trì chú, giảng pháp … Tuy ngôn ngữ, quốc gia, phương pháp hành lễ khác nhau, song tất cả đều cùng giống nhau một điểm là rất mực thành kính. Có những vị ngày đêm lễ bái không mỏi, có những đoàn thay nhau tụng kinh không dứt, nhiều âm thanh của đa quốc gia cùng hòa quyện với nhau tạo thành một thứ âm thanh động mà yên, đặc biệt những âm thanh này không hề làm rối loạn tâm của những người chiêm bái, mà nó cộng hưởng thành một không khí đượm đầy tính chất thiêng liêng sùng tín.

Qua những hình ảnh trên, làm tôi nhớ đến hình ảnh Thái tử Tất-đạt-ta bỏ ngôi vàng điện ngọc, vợ đẹp con yêu, để vào nơi núi sâu hang vắng tu hành cho đến khi Ngài thành quả Phật. Tôi đã cố kềm chế sự xúc động. Ngài hiện thân với một tâm hồn cao cả như thế, mà ngày nay hàng đệ tử Phật như tôi đây ngẫm lại thật là xấu hổ. Hình ảnh, kỷ niệm nơi đây thật ấn tượng làm tôi nhớ mãi không quên.

Lần lượt, đoàn đến viếng Thánh tích Phật Niết-bàn. Chúng tôi đến sớm dâng y cúng dường. Tất cả đều xúc động. Lời kinh Di Giáo vẫn còn văng vẳng đâu đây, trước khi Phật Niết-bàn, Ngài vẫn còn hướng về các đệ tử tha thiết dặn dò. Tôi càng thêm xúc động.

Khi đến Thánh tích Lâm-tỳ-ni, nơi Đức Phật đản sinh. Ngài ra đời để cứu vớt chúng sinh đang chìm trong sông mê biển khổ. Phế tích còn đây mà người xưa thì giờ đã biền biệt phương nào? Tôi ngậm ngùi.

Sau mười bảy ngày hành hương chiêm bái Thánh tích trên đất Phật, đã để lại ấn tượng sâu sắc và nhiều kỷ niệm khó quên. Thông Như thầm cảm niệm ân đức Tam bảo đã âm thầm gia hộ cho đoàn, cho Thông Như một chuyến đi đầy đạo lý, tốt đẹp và bình yên.

***

Thầy phó Thông Phổ:
Dòng cảm xúc của Thầy được diễn đạt qua nội dung hai bài hát đậm đà đạo lý:
"Để buổi Phổ trà có đạo vị và ấm cúng, cũng vừa có không khí trẻ trung vui tươi, yêu cầu cả đoàn cùng hòa ca bài hát mà nội dung nhắc chúng ta ghi sâu hình ảnh của đấng cha lành và diệt tam độc:

                    Lẳng lặng mà nghe Đức Phật Thích-ca thành đạo
                    Đệ tử chúng con cương quyết diệt tham sân si.

Và để cho bầu không khí phấn khởi sôi động và tình thân giữa mọi người được kết chặt hơn, thầy yêu cầu cả đoàn hòa ca bài hát thứ hai:

                   Chúng ta là chim bốn phương bay về đây
                   Về đây chúng ta sống trong đạo thiêng
                   Chúng ta là hương gió mang đi ngàn phương
                   Nguyện đem gieo rắc khắp nơi ánh vàng.

***

Sư cô Thích Nữ Hạnh Đạt:
Nam-mô Phật Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni
Kính bạch quý Thầy, quý Sư cô và toàn thể Đại chúng. Con cảm thấy có nhiều phước báo, vì con được đoàn chấp thuận cho phép dự vào chuyến đi chiêm bái Thánh tích lần này, thật là hy hữu đối với con. Xin chân thành cảm ơn Ban Tổ chức.

Riêng bốn ngày nay đối với con không có niềm vui nào bằng. Chính từ trường ở đây khiến cho con cảm thấy như mình gần gũi Đức Phật tuy Ngài đã tịch diệt cách nay 2500 năm mà con cứ tưởng như chính Ngài còn đâu đây. Tại nơi Bồ-đề Đạo tràng này đã khơi dậy trong con niềm khát khao ban đầu, là đi con đường trở về chính mình. Khi phát tâm xuất gia con có làm bốn câu thơ. Thời gian này bốn câu thơ đó cứ văng vẳng trong đầu, con xin đọc bốn câu thơ để thay nội dung cho dòng cảm xúc của mình được dâng lên cúng dường:

                    Có một thiền sư vẫy gọi ta
                    Từ đâu thăm thẳm giữa sa-bà
                    Hồi chuông giác ngộ lay trong máu
                    Rền khắp châu thân Ta réo Ta.

***

Phật tử Diệu Nhàn (Cà Mau):
Trước hết con biết ơn Ban Tổ chức đã tạo duyên cho đoàn hành hương đi viếng xứ Phật. Và con xin được nói lên đôi điều cảm xúc chân thành của con:

                    Nhìn lên phưởng phất hương trầm tỏa
                    Đức Phật từ bi miệng mỉm cười.

Cô Diệu Nhàn xin mọi người vỗ tràng pháo tay để cúng dường Đức Phật.
(Có người bình: Điều này đặc biệt! Hồi nào đến giờ chưa nghe ai nói cúng dường Phật bằng tràng pháo tay bao giờ đâu! Quả là quá vui!)
Cô cảm tác:

                      Sống không giận không hờn không oán trách
                      Sống mỉm cười như thử thách thương đau
                      Sống vươn lên cho kịp bước chân Ngài
                      Sống chan hòa với muôn loài đồng cảm
                      Sống là động nhưng lòng bất động
                      Sống là thương nhưng lòng chẳng vấn vương
                      Sống an vui danh lợi vẫn xem thường
                      Sống bất biến giữa dòng đời vạn biến.

Qua tiết mục của Phật tử Diệu Nhàn đã làm không khí buổi phổ trà thêm vui nhộn và ấm cúng.
Một tiết mục quá đặc sắc.

***

- Nhân câu chuyện của đạo hữu Tuệ Quán dẫn đến Thiền trà Triệu Châu. Thầy Trụ trì kể: Công án Trà Triệu Châu và hỏi: Quí vị có thắc mắc, tại sao người chưa đến cũng uống trà đi! Người đã đến cũng uống trà đi! Vị viện chủ thắc mắc thì Ngài cũng bảo uống trà đi! Là sao?

Trong nhà thiền dạy phải sống ngay hiện tại. Tách trà trước mắt chỉ cần uống chứ đâu cần thắc mắc gì.
Quí vị hiểu chưa, nếu chưa hiểu thì coi như chưa xong, vậy buổi phổ trà này vẫn phải tiếp tục: Hãy uống trà đi!
Một tràng pháo tay…

***

Thầy Trung Sang:
Con rất vui khi được hướng dẫn quý thầy, quý cô và Phật tử viếng Thánh tích. Con thầm cầu mong Tam bảo gia hộ cho tất cả đều được khinh an trong suốt cuộc hành trình.

Con xin hát cúng dường …

Nội dung bài hát nói về tình yêu, hạnh phúc phù du của thế nhân. Chủ đề này bao quát cả tư duy và đời sống của kiếp người.

***

Sư cô Thuần Bạch:
Nhìn hình ảnh của chư tăng ni đi viếng thánh tích, qua cuộn phim của đoàn đi trước, con cứ mường tượng như hình ảnh của chư Tỳ-kheo thời xưa. Vì vậy mà con đăng ký đi Ấn độ. Đến xứ Phật, con xét thấy đạo Phật không phải là quốc giáo, nhưng qua cái nhìn của con, con thấy đạo ở khắp nơi, ngay cả những người nhận tiền của người bố thí, có cái gì là lạ, mặc dù đời sống họ khó khăn, không được giáo dục kỹ, lại thêm cuộc sống thiếu vệ sinh… nhưng mà chỉ cần cười với họ là họ đáp tình, ngoài ra không có những tệ nạn mất cắp … cũng không có thái độ sân giận đối với du khách khi trái ý như những nơi khác, chỉ cần như vậy là đã thấy hạnh phúc rồi, từ ngày khởi hành đến nay con vui, con khỏe và thanh tịnh.

***

Phật tử Dạ Lan hát bài "Tán ca Thầy" và ngâm thơ cúng dường.

Thầy Đăng Châu:
Tôi rất xúc động khi được dự trong bầu không khí hôm nay. Tôi thầm nghiệm: Không biết phước đức gì mà chúng con được về xứ Phật! Không biết hữu duyên từ bao nhiêu kiếp, bao nhiêu đời mà hôm nay lại được theo chân quý thầy đến viếng nơi đây. Bước đi trên bãi cát sông Hằng, nơi mà Đức Phật đã từng đặt chân, rồi hôm nay, nhiều điều bất chợt khiến chúng ta đi trên dòng sông Ni-liên-thuyền hướng đến Đại tháp, đến những Phật tích, đền thờ … và đây là điều ai cũng cảm nhận được.

Con không biết nói điều gì hơn, có lẽ tâm tình của mọi người đều hướng về công đức của quý thầy, nguyện sẽ tinh tấn tu học.

Trong kiếp người của con, lúc còn lang thang nơi thế tục, cũng hơi bày vẽ một chút. Tuy giờ con người cũ đã chết, chỉ còn Đăng Châu mới, nhưng do cảm xúc của đêm nay, con cố nhớ lại những cảm tác để được trao đổi cùng huynh đệ

            Tôi vẫn nhớ mây nổi
            Đi về một cửa không
            Tam độc bọt nước giả
            Còn mất mấy hồng trần.
            À a á a… à á a à…
            À a á a… à á à a…
            Sắc vốn thật là không
            Không vốn thật là sắc
            Thọ uẩn hành thức kia
            Mây bay ngoài cửa động.
            Tham sân từ tâm diệt
            Tham sân từ tâm sanh
            Trong ngoài duyên dứt bặt
            Bọt với nước chung đồng.
            Giữa hiên đôi dép rách
            Ngai vàng dẵm vân du
            Nghe chuông lòng gióng giả
            Nghìn năm vẫn tuyệt mù
            Lặng yên,lặng yên nhé!
            Phù vân nguyện quay về
            Tử sinh lìa sinh tử
            Minh nguyệt lộ sơn khê.
            À a á a… à á a à
            À a á a… à á a a…
Không khí lắng đọng, mọi người quay lại với chính mình hơn.
 

[ Quay lại ]