headertvtc new


   Hôm nay Thứ ba, 07/05/2024 - Ngày 29 Tháng 3 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

Hồi Tưởng Một Chuyến Đi

 Mỗi hơi thở trên quê hương Phật là một bài thơ, chúng ta đã vượt qua nhiều chặng đường lịch sử và cũng đã nhận rất nhiều điều mầu nhiệm từ nội tâm. Cho nên chỉ một đôi dòng được thố lộ, tâm tình và chia sẻ với nhau từng cảm niệm cũng là điều vô cùng trân quý:

 Bồ-đề Đạo tràng, sớm mai mờ sương, những ngọn đèn quanh tháp lung linh tỏa sáng ảo huyền như cảnh thần kỳ. Những người con Phật thành kính tụ hội quanh ngôi Đại tháp và cội Bồ-đề, tiếng tụng kinh bằng ngôn ngữ Pali, âm vang từ những viên sỏi nhỏ thả chạm vào đĩa của những vị tu theo Tây Tạng, những bước chân cử động nhẹ nhàng của các vị lễ lạy quanh Tháp, chúng con ngồi thiền dưới trời sương, bầy chim vỗ cánh hót vang rền trên nóc đại tháp khi trời hừng sáng. Mọi âm thanh vang lên rõ ràng không lẫn lộn, không khí tịch tĩnh vẫn trùm khắp. Chiều tối ánh trăng rằm treo trên bầu trời trong xanh, ngọn đại tháp sáng rực ánh đèn tạo một khung cảnh hùng vĩ thanh nhã.

Sư cô Như Chánh

Những ngày tại Bồ-đề Đạo tràng đã để lại ký ức ngọt ngào,trong giây phút hội ngộ giữa ta với ta, giữa ta và "người xưa" , "chốn xưa", thời gian như dừng lại. Giấc mơ của hôm qua, viễn cảnh của ngày mai vắng bóng, hiện tại hội tụ trong một cái nhìn, lòng người hoan hỷ, lắng nghe trong niềm cảm xúc từ chính mình.

Nam-mô Phật Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni

Hôm nay là ngày đầu tiên phái đoàn chúng ta viếng thăm Bồ-đề Đạo tràng nơi Đức Phật giác ngộ thành đạo. Buổi sáng chúng ta đã làm lễ, và chiều nay cũng đã làm lễ, nhiễu quanh Đại tháp, nhiễu quanh cây Bồ-đề để chúng ta đồng tưởng niệm đến Phật, được kết duyên lành sâu với Ngài, và ấn tượng thêm mạnh mẽ trong cuộc đời tu học của chúng ta. Đây xin nhắc lại bảy tuần lễ đầu tiên sau khi Phật thành đạo.

- Tuần lễ đầu tiên: Sau khi Phật thành đạo, tuần lễ đầu tiên Đức Phật vẫn ngồi yên dưới cội cây Bồ-đề chứng nghiệm hạnh phúc giải thoát. Trong kiếp sinh tử từ vô thỉ đến nay đã lăn lộn lang thang trong vòng lẩn quẩn, đã chịu biết bao nhiêu đau khổ, hôm nay được hoàn toàn giải thoát, thì niềm vui đó quá lớn lao. Thành ra tuần lễ đầu tiên Ngài vẫn ngồi yên dưới cội Bồ-đề để chứng nghiệm lại hạnh phúc giải thoát. Ngài cũng suy niệm về pháp Mười hai nhân duyên.

 - Tuần lễ thứ hai: Theo tư liệu ghi sau tuần lễ đầu tiên Ngài bình thản đứng cách cây Bồ-đề khoảng 100 mét về hướng đông, tức ngôi tháp phía trước để Ngài nhìn lại cây Bồ-đề, tưởng nhớ lại nơi Ngài đã giác ngộ thành đạo. Tháp là di tích do vua A-dục dựng lên để kỷ niệm.

- Tuần lễ thứ ba: Bấy giờ Phật còn quanh quẩn nơi cội Bồ-đề nên chư thiên nghi ngờ, không biết là Ngài đã đắc quả hay chưa? Đức Phật đọc được tư tưởng đó, nên dùng oai lực tạo một con đường đi kinh hành tới lui. Theo tư liệu ghi dưới mỗi bước chân Phật có một hoa sen nở, con đường này hiện nay cũng được xây bằng gạch lên cao một mét nằm song song cạnh phía Bắc của Đại tháp, tất cả có 18 hoa sen.

- Tuần lễ thứ tư: Sau khi Phật thành đạo thì Ngài ngự trong bảo cung, chiêm nghiệm về lý nhân quả tương quan, rồi phát ra một vầng hào quang sáu màu.

- Tuần lễ thứ năm: Ngài trở lại ngồi dưới cội cây Ajapàla. Trong lúc Phật ngồi tham thiền ở đây thì có ý tưởng: "Quả thật là đau buồn nếu sống mà không có ai để Ta lễ bái và tỏ lòng tôn kính, hay là Ta hãy sống gần một vị đạo sĩ, Bà-la-môn nào để tôn kính và sùng bái. Có lẽ là Ta sống gần vị đạo sĩ, Bà-la-môn và lễ bái vị ấy hầu nâng cao giới đức đến chỗ toàn thiện. Nhưng Ta không thấy ai có giới đức hơn ta để mà Ta cộng tác, tôn kính lễ bái, kể cả Chư thiên, Ma vương, Phạm thiên ở các cõi trời hay các đạo sĩ, Bà-la-môn ở cõi người". Tức là về giới đức Ngài thấy trên thế gian này không ai hơn được Ngài.

Ngài lại nghĩ: "Có lẽ Ta nên sống gần một vị đạo sĩ hay một vị Bà-la-môn để tôn kính hay lễ bái hầu nâng cao định lực đến chỗ toàn thiện. Nhưng Ta không thấy thế gian này vị đạo sĩ hay Bà-la-môn có định lực hơn để Ta cộng tác, tôn kính và lễ bái", Ngài thấy về định lực cũng không ai hơn được Ngài. Tức là về giới cũng không ai hơn, về định cũng không ai hơn".

Ngài lại nghĩ tiếp: "Có lẽ Ta nên sống gần một vị đạo sĩ hay một vị Bà-la-môn để tôn kính hay lễ bái hầu nâng cao trí tuệ đến chỗ toàn thiện. Nhưng Ta không thấy trên thế gian này vị đạo sĩ hay Bà-la-môn có trí tuệ hơn Ta để ta cộng tác, tôn kính và lễ bái. Có lẽ ta nên sống gần một vị đạo sĩ khác hay một vị Bà-la-môn để tôn kính hay lễ bái hầu nâng cao giải thoát đến chỗ toàn thiện. Nhưng Ta không thấy thế gian này vị đạo sĩ hay Bà-la-môn có mức độ giải thoát hơn Ta để Ta cộng tác, tôn kính và lễ bái". Ngài thấy về trí tuệ, giải thoát cũng không ai có trí tuệ giải thoát hơn Ngài nữa.

Ngài lại nghĩ: "Hay là Ta nên sống trong sự tôn kính và lễ bái trong giáo pháp của chính Ta đã chứng ngộ". Như vậy thì Ngài chỉ còn biết tôn kính giáo pháp mà chính Ngài đã chứng ngộ, chứ không tìm thấy ai có thể để cho Ngài tôn kính nữa, không ai hơn nữa.

Lúc ấy, từ cõi Phạm Thiên có vị trời hiểu được ý Phật mới hiện đến quỳ lễ bái chắp tay bạch Phật rằng: "Bạch Đức Thế Tôn! Quả thật như vậy. Những bậc Ứng cúng Chánh đẳng Chánh giác, trong quá khứ đều tôn kính và sùng bái giáo pháp này; bậc Ứng cúng Chánh đẳng Chánh giác, trong tương lai đều tôn kính và sùng bái chính giáo pháp này; thế nên bạch Thế Tôn! Ngài là bậc Ứng cúng Chánh đẳng Chánh giác trong đời hiện tại cũng nên tôn kính và sùng bái chính giáo pháp này. Kính bạch Đức Thế Tôn: Các bậc Chánh biến tri trong quá khứ, tương lai và hiện tại đã, sẽ và đang cứu chúng sinh thoát khổ đều tôn kính giáo pháp này, đó là đặc tính chung của chư Phật". Vị Phạm thiên bạch xong thì đi nhiễu một vòng rồi biến mất. Những vị Phạm thiên này do tuổi thọ lâu nên biết được chư Phật quá khứ, và bạch Phật cũng giống như điều Ngài đã nghĩ. Bởi vậy, ai muốn được tôn kính và lợi ích, khi nhớ đến lời dạy của chư Phật cũng nên hiểu giáo pháp cao thượng này. Cuối tuần lễ thứ năm, khi Phật xuất định có vị Bà-la-môn đến gần chào thân thiện rồi hỏi: "Kính bạch Gotama! Đứng trên phương diện nào ta trở thành bậc thánh nhân và những điều kiện nào làm cho ta trở thành thánh nhân". Tức là hỏi những điều kiện thành thánh nhân. Lúc đó, Phật nói bài kệ đại ý: "Bậc thánh nhân thì tật xấu không còn, cũng chẳng còn ngã mạn cũng chẳng còn nhiễm nhơ, sáu căn thanh tịnh, sở học rốt ráo, sống đời thanh cao, dù đi bất cứ nơi nào chỗ nào cũng an nhiên tự tại, không lo sợ gì hết".

- Tuần lễ thứ sáu: Sau đó Phật rời cội cây đó đến cội cây Mucalinda, ở chỗ gần cái hồ, Ngài ngồi thiền tại đây một tuần lễ nữa để chiêm nghiệm hạnh phúc của sự giải thoát. Lúc đó mây kéo tới có một trận mưa to đổ xuống. Khi ấy có con rắn thần từ hang chui ra lấy đuôi quấn bảy vòng chung quanh Đức Phật rồi nó phùng mang lên che trên đầu của Ngài, nhờ vậy mà mưa gió không làm ướt thân Phật. Đến cuối ngày thứ bảy, trời quang mây tạnh. Rắn thần tháo ra khỏi thân của Đức Phật rồi biến thành một vị thanh niên đứng chắp tay trước mặt Phật. Đức Phật đọc bài kệ khen ngợi và khuyên nhủ: "Phải sống trong đời không ràng buộc, phải vượt qua dục vọng của sáu căn, hạnh phúc cao cả hơn hết thì không gì hơn là xa lìa chấp ngã". Nghĩa là hạnh phúc lớn và cao cả hơn hết là hạnh phúc xa lìa chấp ngã. Trong kinh Phật luôn luôn nhắc đến điều đó, cho nên trong giáo lý của Phật vô ngã là căn bản. Người tu làm gì cũng phải bước qua con đường này, tức là bước qua cửa vô ngã. Nếu chưa qua cửa đó là chưa xong. Nếu tu Phật mà chưa hết ngã, là chưa giải thoát được.

- Tuần lễ thứ bảy: Đức Phật lại từ cội cây này bước sang cội cây Ràjàyatana, ở nơi đó Ngài chứng nghiệm hạnh phúc giải thoát. Đến cuối tuần Ngài đi đến cội cây Ajapàla. Ngài khởi niệm: "Giáo pháp mà Như Lai đã chứng ngộ, là thâm diệu, khó nhận thức, khó lãnh hội, vắng lặng, cao siêu không nằm trong phạm vi lý luận, rất tế nhị". Về giáo lý vi diệu chứng ngộ của Ngài, nó vượt ngoài ngôn ngữ lý giải, phải là người thực sự chứng nghiệm đến thì mới có thể nhận được.

Vì nghĩ như vậy nên Phật chưa có ý định đi truyền bá giáo pháp. Nhân đó, Ma vương hiện đến trước Phật nói: "Bạch Thế Tôn, chúng sinh ở cõi này ngang ngược, ngu muội, bao nhiêu vị Phật ra đời trước đây đều không độ được chúng, thôi xin Thế Tôn đừng có phí công vô ích, xin Đức Thế Tôn hãy nhập đại Niết-bàn vô sanh bất diệt từ đây để tận hưởng hạnh phúc giác ngộ giải thoát". Ma vương thỉnh Phật nhập Niết-bàn.

Thế Tôn bảo: "Này ma Ba-tuần, Như Lai đã vì đại nguyện cứu khổ chúng sinh nên mới xuất hiện ở thế gian này, Như Lai chỉ nhập đại Bát Niết-bàn sau khi đã thành lập Giáo đoàn với đầy đủ ba ngôi Tam bảo và truyền đạt đầy đủ giáo pháp cao thượng cho các vị Tỳ-kheo, để tiếp nối nhau chỉ dạy cho chúng sinh, thôi ngươi hãy đi đi, đừng có quấy rầy ta vô ích". Phật nói rõ bản nguyện của Ngài ra đời để cứu khổ chúng sinh, mà chưa thuyết pháp, chưa xong bản nguyện thì Ngài chưa nhập Niết-bàn.

Lúc đó, Phạm Thiên đến bạch Phật, thỉnh Phật chuyển pháp luân: "Bạch Đức Thế Tôn, cầu xin Ngài hãy truyền dạy giáo pháp của Phật. Có những chúng sinh ít nhiều cũng bị cát bụi làm vướng trong mắt nếu không được nghe giáo pháp của Phật sẽ bị trầm luân sa đọa, nhưng họ cũng có thể ngộ được chân lý". Tức là có những chúng sinh, cũng có mê, cũng có chướng, nhưng mà nghe pháp thì cũng có thể ngộ được chân lý. "Thuở xưa, ở xứ Ma-kiệt, có phát sinh một giáo pháp không hoàn hảo do người còn trần tục nghĩ ra, nay xin Đức Thế Tôn hoan hỉ mở rộng cửa vô sinh bất tử, để chúng sinh được nghe giáo pháp giải thoát của đấng trọn lành. Bậc toàn giác toàn tri, đứng trên đỉnh tối cao của lâu đài Pháp bảo, cũng như người đứng trên ngọn núi đá cao nhìn xuống thấy rõ ràng từng người ở vòng quanh thế giới. Xin đấng hoàn toàn hạnh phúc hãy nhìn xuống chúng sinh đang đắm chìm trong biển khổ sinh tử. Xin Ngài hãy cương quyết lên, vị anh hùng, vị chiến thắng, vị lãnh đạo, vị cứu thế. Xin Ngài hãy truyền bá chánh pháp khắp thế gian chắc chắn có nhiều người lãnh hội được". Đây khen ngợi Phật là vị anh hùng, vị chiến thắng. Đúng như vậy. Đức Phật là vị chiến thắng chính mình, chiến thắng sinh tử.

Khi ấy, Đức Phật nhận lời đi thuyết pháp.

Đây là bảy tuần lễ đầu tiên sau khi Phật thành đạo, có những di tích mà hiện tại vẫn còn lưu nơi Bồ-đề Đạo tràng. Hôm nay nhắc lại, chúng ta đồng tưởng nhớ đến Đức Phật.

(Tham khảo theo tư liệu của ông Trần Hữu Danh)

Nam-mô Phật Bổn Sư Thích-Ca Mâu-ni
Bài pháp buổi chiều - Thầy Trụ trì Trúc Lâm


 

[ Quay lại ]