headertvtc new


   Hôm nay Thứ ba, 07/05/2024 - Ngày 29 Tháng 3 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

XỨ PHẬT CHỐN TỔ

  Tháp cổ rêu phong lăng mộ tổ
 Mơ màng chiêm ngưỡng cảnh sườn nam
 Ở cuối hồi chùa cây sung đổ
 Chùm đỏ, chùm xanh dưới nắng vàng.
                                                (H.Q.T)

Về xứ Phật mọi người như mở cờ trong lòng. Đặt chân lên những chỗ những nơi, những con đường mà Phật và chúng Tỳ-kheo đã ở và đã đi, ngay từ đầu tôi nhận thấy mình đang dấn thân vào một cuộc hành trình mới nhưng không lạ.

Mới vì tuy cũng đất đai sông núi, cây cỏ ruộng đồng với con người và sinh vật, như tất cả mọi nơi trên trái đất, và lại mang nhiều sắc thái rất gần với Việt Nam, nhưng có một điều gì từ trước đến nay tôi chưa từng cảm nghiệm. Không lạ vì phảng phất khắp nơi đều có sự hiện diện của Phật và Tăng đoàn, khi ẩn khi hiện, khi mờ khi tỏ.

Thánh tích đầu tiên đoàn thăm viếng là vườn Lộc Uyển. Điều gì đầu tiên và cuối cùng đều làm chúng ta khó quên. Nhìn phòng trưng bày lộ thiên tượng ảnh Đức Phật đang thuyết bài pháp Tứ Đế cho năm anh em Kiều-trần-như, với sự mỏi mệt bần thần sau trận cảm lạnh ở Sapa, tôi không thưởng thức hết đạo vị ở đây. Tôi chỉ thấy tô đậm thêm kỷ niệm trong lòng về khung ảnh treo trong nhà tôi hồi xưa. Mẹ tôi đã xin được ba hoặc bốn khung ảnh trong đó có bức Đức Phật thành đạo bên bờ sông Ni-liên, tín nữ dâng sữa, năm anh em Kiều-trần-như. Nhìn mãi những tấm hình này phải chăng từ nhỏ ngọn lửa xuất gia trong tôi đã được nuôi dưỡng?

Khi đến Bồ-đề Đạo tràng tôi mới thực sự thấy điều tôi không thể ngờ được. Hình như ở đây không có thời gian. Sáng trưa chiều tối chỉ từng nớ việc: đi nhiễu tháp, lạy Phật, tụng kinh, ngồi thiền, nghe Pháp. Chỗ chật người đông mà bao nhiêu việc diễn ra một lúc vẫn thành tựu tốt đẹp, không lấn cấn, không đụng chạm. Có chăng là vài tà áo chạm nhau sột soạt trên lối đi nhỏ hẹp, thậm chí có lúc người người đụng nhau, nhưng chẳng ai buồn để ý những ‘tiểu tiết’ này. Mọi người, hoặc dân địa phương hoặc từ mọi ngõ ngách xa xôi đến, đang dốc hết thân tâm tập trung vào việc trọng đại nhất đời người: tạo cho mình một vốn liếng tâm linh.

Chúng tôi đến sớm, chờ hơn nửa giờ, đúng 4 giờ sáng cổng mới mở cho vào khu vực chùa. Lễ Phật xong, mỗi người tự kiếm chỗ ngồi thiền. Đèn thắp sáng choang. Nghe rõ giọng tụng kinh, nhiều nhất bằng tiếng Pali, có khi bằng tiếng Hoa, chen lẫn vài tiếng cười khúc khích. Chung quanh người người chen chúc đi lại tấp nập. Thời gian ngồi thiền có lẽ khoảng hơn tiếng rưỡi đồng hồ, nhưng sao thấy quá nhanh. Điều ngạc nhiên là suốt ba buổi tọa thiền chúng tôi đều rất tĩnh lặng. Một sự tĩnh lặng thật trong thật lành như thể đang ngồi trong thiền đường hay trong thời kỳ nhập thất.Tĩnh lặng giữa ồn náo.

Ngồi trên xe buýt rời Bồ-đề Đạo tràng, tôi nghiệm ra rằng có một điều gì kỳ diệu trong cảnh ồn náo mà mọi nơi khác khó có được. Đó là niềm tin. Niềm tin từ những gương mặt thành kính, cao độ và mãnh liệt, đã lan tỏa cùng khắp. Có thể nói tôi như bị "nuốt chửng" trong khối tín ngưỡng này. Được giúp sức từ tha lực của chư Phật và của tín đồ đang hành đạo tại đây, trong tôi phát triển một sự an tĩnh sâu và đầy, thật bền vững. Bền vững bậc nhất vì phát sinh trong động nên không có cái động nào phá hủy nó được. Lần đầu tiên tôi nếm được sự hợp nhất giữa tín và định. Nếu không đặt chân trên đất Phật, có lẽ cả đời tôi không thể nào sống được những thời khắc tuyệt vời như vậy.

Từ ấn tượng mạnh mẽ này, suốt cuộc hành hương tiếp theo tôi đều hạnh phúc. Hạnh phúc bùi ngùi thương cảm khi chứng kiến nàng Sujata dâng sữa, và ông Thuần-đà cúng dường bữa ăn cuối cùng cho đấng Từ Phụ trước khi nhập Niết-bàn. Hạnh phúc được chia sẻ lòng kính ngưỡng và tâm cúng dường Thế Tôn của ông Cấp-cô-độc, bà Tỳ-xá-khư và thái tử Kỳ-đà nơi vườn Kỳ Thọ. Hạnh phúc chất ngất hào khí khi bước chân vào lòng sông Ni-liên, đi theo con đường giác ngộ của đức Thích-ca Mâu-ni. Hạnh phúc khinh khoái được trôi ngược dòng thời gian hơn hai ngàn năm trăm năm, tươi tỉnh trong ánh sáng nụ cười bất diệt của ngài Ca-diếp khi đến đỉnh Linh Thứu.

Chính từ đỉnh Linh Thứu, Đức Phật tuyên bố: "Ta có chánh pháp nhãn tạng, Niết-bàn diệu tâm, thực tướng vô tướng nay truyền trao cho Ca-diếp", và kim ngôn này đã khai nguyên Thiền tông. Từ đây Tổ Tổ truyền nhau ở Ấn sang Hoa đến Việt. Ba dòng thiền Việt Nam, Tỳ-ni-đa-lưu-chi, Vô Ngôn Thông, Thảo Đường đến đời Trần thống nhất thành thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, mở cửa cho chúng ta, con Rồng cháu Tiên ngày nay, nối bước theo Thầy, Tổ trên đường tu chứng giải thoát. Trong nắng và gió ở độ cao vừa tầm, lời Thế Tôn như bàng bạc đâu đây. Là phiến đá kia, là mỏ chim ưng in hình giữa trời rộng, hay thung lũng xanh rờn dưới triền núi với những mái lều nhấp nhô?

Không phải riêng tôi mà hình như mọi người đang tắm mình trong:

                Khê thanh tiện thị quảng trường thiệt
                Sơn sắc khởi phi thanh tịnh thân
                Dạ lai bát vạn tứ thiên kệ
                Tha nhật như hà cử tợ nhân
                Suối reo là tướng lưỡi rộng dài
                Màu non kia Pháp thể Như Lai
                Đêm ấy tám vạn bốn ngàn kệ
                Ngày sau làm sao nói với người.

                                                             Tô Đông Pha

Có lẽ bận lên núi quá mệt tôi không kịp để ý vài hang động nằm rải rác, tương truyền là thất đá của ngài A-nan và Xá-lợi-phất. Xuống núi tôi mới ‘cảm’ được không gian tịch lặng nơi cửa vào động và từ đó lan tỏa đến từng viên đá cuội bé tẻo teo suốt dọc con đường mòn. Không gian này ở bên ngoài hay bên trong, hay không ở đâu mà đâu đâu cũng không thiếu vắng? Phải chăng:

                Quán mộc tùng trung nhất tiểu am
                Thạch sàn vi tọa thảo vi lung
                Đổ môn khẩu tợ Duy-ma-cật
                Mạc vấn tiền tam dữ hậu tam
                Am nhỏ giữa rừng trùng trùng xanh
                Giường đá tĩnh tọa dưới mái tranh
                Cửa đóng như miệng Duy-ma-cật
                Trước ba sau ba (*) chớ hỏi han.

                                            Hám Sơn Đức Thanh

Còn nữa, còn nhiều nữa, và cuối cùng là hạnh phúc hồn nhiên và ấm lòng theo nụ cười rực rỡ của em bé học trò, lúc em cầm trang vở đ ang tập viết đặt ngang ngực cho tôi chụp ảnh. Có phải em muốn cho tôi biết, đây chữ của em đang viết, thành quả đầu đời của tuổi thơ học đường?

Em bé Ấn Độ thân thương! Xin em hãy giữ nụ cười tươi thắm này mãi mãi. Cho dù em có lớn lên trên quê hương thiếu thốn của em - thiếu vật chất nhưng chắc chắn không thiếu tấm lòng thương yêu và mộ đạo. Cho dù em có lớn lên giữa phong ba bão táp của trần gian đau khổ, chúng tôi tin tưởng em, và những cư dân ở đây, sẽ giữ mãi được nụ cười. Bởi vì ánh sáng của bậc Toàn Giác hơn hai ngàn năm trăm năm đã chan rải, bây giờ đang chan rải, thì chắc chắn sẽ tiếp tục chan rải hạnh phúc tin yêu không những cho nơi đây mà cùng khắp thế gian.

Sư cô Thuần Bạch
 

[ Quay lại ]