headertvtc new


   Hôm nay Thứ bảy, 23/11/2024 - Ngày 23 Tháng 10 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

LỘC UYỂN

 Tán lá rừng cây, mỗi búp chồi non ngời thịnh đức
Đường hoa lối cỏ, từng viên sỏi nhỏ hiện tôn nhan.

(Trích...)

Đối với chúng tôi, viếng thăm Thánh tích Ấn Độ tựa hồ như về quê cha đất tổ, tìm lại di sản tinh thần mà mình đã và đang thọ hưởng. Đạo lý này không phải bỗng nhiên hiện hữu hay được tạo nên từ ngày hôm qua, mà là công trình khám phá vĩ đại của một người đã dày công trong vô số kiếp, tự trau dồi giới hạnh và phát triển trí tuệ đến mức tuyệt đỉnh. Ngài tự mình khám phá chân lý và từ bi rọi sáng cho thế gian mê muội.

Kinh sách ghi rằng, thuở xa xưa Lộc Uyển là một vùng hoang sơ, nơi chỉ có các bậc Thánh nhân tìm đến tu tập. Đó đây những bụi cây gai góc hoang dại, và xa kia là những mỏm đá cheo leo của một vài sườn núi bị thời gian xói mòn đổ vụn. Một vài tháp đá kỷ niệm nơi các bậc thánh xưa tu tập vẫn còn đó và có nơi chỉ còn lại những nền hoang vắng. Những khu rừng cây xa xa thường là nơi vui đùa của bầy nai tơ hiền lành ngơ ngác. Nai chạy nhảy biến hiện ở khắp mọi nơi, và đôi khi dạn dĩ đến bên những ẩn sĩ gầy đét nhìn ngó như lạ lùng kinh ngạc. Cảnh giới thanh tao nhàn hạ của muôn thú, và cảnh của các nhà tu khổ hạnh ép xác luyện tâm vì cầu giải thoát, quả là một hình ảnh thần kỳ. Con người trong cảnh ấy là một linh vật phi thường, biết sống có ý nghĩa giữa thiên nhiên và muôn thú vô tư, bao la đầy màu sắc.

Đám nai hiền lành kia được Thầy Trụ trì và mọi người trong đoàn cho thức ăn. Ngẫm ra, chúng cũng đã có duyên hoặc là đang kết duyên với đoàn chúng tôi. Mong rằng, những con nai kia sớm chuyển kiếp làm người gặp Phật pháp tu học.

Chúng tôi theo chân Thầy Trụ trì và người hướng dẫn dạo quanh khu vườn rộng lớn. Nhìn lại cảnh điêu tàn của những đền đài đổ nát, những đống gạch vụn đã từ lâu bị chôn vùi dưới lòng đất và nay được khai quật. Chúng tôi chạnh lòng nhớ đến công đức vô lượng của các bậc tiền nhân, của vua A-dục đã bước theo dấu chân của đấng cha lành, thọ lãnh giáo lý siêu việt của bậc toàn giác, tự trau dồi, tự phát triển và xuyên qua bao thăng trầm lịch sử, từ thế hệ này sang thế hệ khác trong suốt hai mươi lăm thế kỷ, trao truyền lại nguyên vẹn cho chúng ta ngày nay những lời vàng ngọc của đức Bổn Sư.

Đoàn tập trung đến bên chân tháp tụng kinh lễ bái. Nơi đây, cảnh quan, âm ba và lòng người thanh thoát, gợi nhớ người xưa từng trải qua năm tháng công phu, chuyển hóa nội tâm. Ngày nay, đàn hậu bối đến đây đảnh lễ muộn màng, nghe lòng nao nao, chạnh nhớ ân đức khai đạo sâu dày của Đức Thế Tôn, xin mượn lời xưa tỏ lòng kính ngưỡng:

Lánh chợ vào rừng tóc bạc phơ
Non cao rũ áo ngát hương thừa
Chùn khăn những muốn hầu bên chiếu
Treo dép đà nghe khép cửa chùa.
Trăng dọi sân trai chim khoắc khoải
Tháp không bia chữ,mộ thờ ơ
Bạn thiền thôi cũng đừng thương xót!
Non nước ngoài am đó dáng xưa.
(Tr.110 - Thiền Sư Việt Nam)

Sau chuyến hành hương, Sư cô Như Chánh đã bộc bạch đôi dòng cảm niệm như sau:

Mùa xuân năm Mậu Tý vừa qua hội đủ duyên lành, con được cùng tham dự chuyến hành hương về xứ Phật. Tuy không chuyên viết văn con cũng xin mạn phép ghi lại đôi dòng cảm nghĩ về chuyến đi đầy ấn tượng, không phải chỉ riêng con mà các thành viên trong đoàn có lẽ mỗi người đều mang về một cảm xúc của riêng mình.

Tứ động tâm, đầu tiên của chuyến đi là vườn Lộc Uyển bầu trời trong xanh, ánh sáng ban mai rực rỡ, bầy nai dạn dĩ nhận thức ăn từ tay du khách, những thềm gạch xưa và trụ đá của vua A-dục đánh dấu nơi Đức Thế Tôn chuyển pháp luân lần đầu tiên. Quanh đại tháp, những đoàn người hành hương với đủ màu sắc, chú tâm đọc tụng những lời Phật dạy bằng âm thanh bản xứ của họ trên những bãi cỏ xanh. Chúng con được Thầy Trụ trì Thiền viện Trúc Lâm hướng dẫn cả đoàn tụng kinh lễ bái, đi nhiễu tháp và sau đó Thầy đã giảng bài pháp đầu tiên, Tứ Diệu đế. Chúng con nghe như pháp âm vi diệu của Đức Thế Tôn vẫn vang mãi đến ngày nay.

Nam-mô Phật Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni

Kính thưa tất cả Tăng Ni và quý vị Phật tử trong đoàn, hôm nay chúng ta đầy đủ duyên lành về đất Phật đảnh lễ chiêm bái Thánh tích, căn bản là Tứ động tâm, là những di tích quan trọng. Đức Thế Tôn cũng từng dạy: Trong một đời người nếu ai được đến viếng bốn Thánh tích thì đó là duyên lành và phước báo được sanh về nhàn cảnh.

Lộc Uyển này là nơi Đức Phật chuyển pháp luân lần đầu tiên, là mốc điểm lịch sử quan trọng. Bởi vì có chuyển pháp luân tức có thuyết pháp, mới có chánh pháp, ngày nay chúng ta được học hỏi tu tập.

 Bài pháp đầu tiên được Phật thuyết là Tứ Diệu đế. Tứ Diệu đế là bốn lẽ thật hay bốn chân lý nhiệm mầu, vi diệu. Nhiều người học Phật lầm nhận cho pháp Tứ Đế là Tiểu thừa, còn mình tu theo Đại thừa thì cao hơn. Sự thật pháp Tứ Đế trùm cả Tiểu thừa và Đại thừa. Bài pháp đầu tiên mà Phật chuyển pháp luân có ý nghĩa đánh thức thế gian, giúp mọi người điều lớn lao là nhận ra lẽ thật. Như vậy, đầu tiên Ngài nói đến lẽ thật, bắt đầu từ lẽ thật. Mà lẽ thật đó từ đâu phát sinh? Từ ánh sáng giác ngộ của Phật.

Nếu nghiên cứu kỹ pháp Tứ Diệu đế, chúng ta phải công nhận là một pháp rất căn bản và cũng rất hợp với khoa học. Nhiều nhà nghiên cứu học Phật cho đạo Phật nói cái gì cũng vô thường cũng khổ, bi quan khiến mọi người hết muốn làm ăn gì hết. Đó là hiểu chưa hết đạo Phật, mới nghiên cứu nửa chừng thôi. Nội dung bốn chân lý này Phật nói về nhân quả thế gian và xuất thế gian. Nhân quả đi trong luân hồi là nhân quả của thế gian. Khổ đế là quả, Tập đế là nhân. Song Phật không nói nhân trước mà nói quả trước, bởi vì chúng ta hiện đang sống trên cái quả, nên nói Khổ đế để chỉ cho chúng ta thấy được đúng lẽ thật, thấy mình sinh ra, sống trên thế gian này là khổ. Khổ thấy đúng là khổ, không trốn tránh, không che đậy. Thường con người thấy khổ nhưng không muốn nói khổ, mà muốn nói vui. Dụ như đời là khổ song găïp nhau luôn chúc hạnh phúc, chúc vui vẻ. Nếu bản chất thế gian là hạnh phúc thì khỏi cần phải chúc. Nhưng sự thật bản chất thế gian là khổ, luôn luôn có những điều bất như ý, cho nên người ta chúc nhau để mong mỏi được vui, điều đó đã nói lên lẽ thật của thế gian là đau khổ.

Khổ có nhiều thứ. Căn bản là Bát khổ: Sanh già bệnh chết… Đó là khổ của sanh tử, khổ của vô thường. Sinh ra là khổ. Nhưng sinh đây không phải chỉ hạn chế khi chúng ta sinh ra đời, vì giây phút ra đời chỉ khoảng vài phút. Sinh ra có mặt ở thế gian này là một sự khổ, rồi sinh thêm cái ngã, rồi thương yêu xa lìa. Người mà mình thương mến phải xa lìa là khổ. Người mà mình oán ghét không ưa mà gặp hoài cũng khổ. Điều mà cầu mong không toại ý cũng khổ… sở dĩ có những việc đó xảy ra là do vô thường. Vì vô thường nên mới có sinh rồi có già, chớ không thì sinh mãi đâu có già. Cũng do vô thường cho nên mới có thương yêu mà xa lìa, người mà mình đang thương yêu do vô thường thay đổi nên xa lìa. Còn kẻ oán ghét cũng vậy. Không muốn gặp nhưng vô thường đưa đến nên cũng gặp. Điều mà mình mong muốn nhưng không toại nguyện cũng do vô thường. Tính chuyện đó chắc đúng trăm phần trăm rồi, nhưng vô thường đến nên việc đó nó thay đổi không đúng ý của mình nên khổ. Nói chung năm ấm sí thạnh là khổ, mang thân năm ấm này là tập hợp các khổ.

Đó là lẽ thật, là chân lý ở thế gian. Không phải Phật ra đời mới có, mà đã có sẵn như vậy. Phật ra đời chỉ cho chúng sinh lẽ thật, chớ không phải Phật đặt ra những điều đó. Chân lý là như vậy, và luôn luôn đúng như vậy. Nên kinh Pháp Hoa nói: Pháp Phật nói sơ thiện, trung thiện, hậu thiện. Nghĩa là pháp mà Đức Phật nói ra trước, sau, giữa hay quá khứ, hiện tại, vị lai đều đúng như vậy, chớ không phải chỉ đúng lúc này mà không đúng lúc kia.

Khi Phật nói quả khổ cho mọi người thấy đúng, nhận đúng như thật rồi, Phật mới chỉ ra cái nhân là Tập đế. Tập đế là nhân để đưa đến những quả khổ trên. Tập đế chính là tham, sân, si, phiền não… căn bản là tham ái chấp ngã. Từ tham ái chấp ngã đó, dẫn đến bao nhiêu cái khổ.

Như vậy, Phật chỉ rõ để cho chúng ta thấy đúng lẽ thật thế gian, nhưng Phật không dừng ở chỗ đó. Phật chỉ lẽ thật rồi, Phật mới chỉ ra con đường thoát khổ. Nói khổ để thoát khổ chớ không phải nói khổ để chịu khổ. Cho nên sau khi nói nhân quả khổ của thế gian rồi, Ngài nói muốn hết khổ, thì sao? Thì phải dứt trừ cái nhân. Rất là khoa học. Tức trừ diệt tham sân si mạn nghi… đó là nhân tham ái chấp ngã. Còn những thứ trên là còn đi trong luân hồi, cho nên muốn hết luân hồi, hết khổ thì phải dứt cái nhân đó mới hết khổ, được an vui Niết-bàn là Diệt đế.

Diệt đế là chỗ an vui hết khổ. Nhưng nếu Phật chỉ dừng ở đó thôi thì cũng chưa hay, cũng giống như những triết lý của thế gian chỉ có lý tưởng đẹp mà không có phương pháp. Còn ở đây, khi Phật nói dứt khổ thì Phật đưa ra phương pháp, đường lối rõ ràng, chớ không phải nói trên lý tưởng, triết lý suông và đây tức là Đạo đế.

Đạo đế là con đường, là phương pháp cho chúng ta đi, tu đúng phương pháp hay đi đúng con đường thì dứt được cái nhân khổ sẽ được an vui Niết-bàn, rất rõ ràng, rất khoa học. Phật nói khổ để hết khổ, dứt khổ chớ không phải để mà khổ. Cho nên, nghiên cứu kỹ bài pháp Tứ Diệu đế này mới thấy đạo lý sâu xa, không dừng trên cái hiểu bình thường. Lần đầu tiên Phật chuyển pháp luân, ngài Kiều-trần-như giác ngộ trước hết, tiếp theo bốn vị kia lần lượt tỏ ngộ và chứng A-la-hán. Bắt đầu từ đó, thế gian có đủ Tam bảo. Đức Phật là Phật bảo, Tứ Diệu đế là Pháp bảo, năm vị Kiều-trần-như là Tăng bảo, đầy đủ Phật Pháp Tăng.

Tóm lại, từ lâu chúng ta lang thang trong kiếp luân hồi, hôm nay đủ duyên lành về được đất Phật, đến nơi này chiêm nghiệm lễ bái nơi Phật chuyển pháp luân lần đầu tiên, thấy tường tận rõ ràng và được kết duyên lành sâu với Phật. Xin cầu nguyện cho đoàn, trên được Tam bảo gia bị tất cả đều tăng trưởng duyên lành và tiến mãi trên con đường giác ngộ viên mãn, đồng vượt khỏi luân hồi chớ không còn trở lại trong đường vô minh tối tăm nữa.

Nam-mô Phật Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni

Thầy Trụ trì TVTL.
 

[ Quay lại ]