headertvtc new


   Hôm nay Thứ bảy, 23/11/2024 - Ngày 23 Tháng 10 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

Về Thăm Thánh Địa VARANASI

 Chúng tôi theo chân Thầy Trụ trì và đoàn hành hương Về Xứ Phật. Khi vừa đặt chân đến Varanasi, đã thấy tòa tháp tròn cao và trụ đá vua A-dục, là chứng tích lưu dấu nơi chuyển pháp luân của Đức Phật Thích-ca. Phật tử chúng tôi vui mừng như con trẻ xa cách lâu ngày được về gặp lại mẹ hiền, khích động lòng mỗi người, những giấc mộng thế gian bấy lâu tan biến theo sự chuyển biến lớn này.

  

Sau khi chứng được đạo quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, Đức Phật Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni từ Bồ-đề Đạo tràng quyết định đến Varanasi vượt hơn 200 km đường bộ, để hóa độ cho năm anh em ông Kiều-trần-như.

Trong kinh Đại Phương Tiện Phật Báo Ân, Đức Phật kể nhân duyên hóa độ cho năm anh em ông Kiều-trần-như: "Kiếp quá khứ lâu xa, Phật ra đời hiệu là Tỳ-bà-thi tại nước Ba-la-nại. Vào thời tượng pháp, có vị Quốc vương nhân hậu sinh một thái tử tên là Tu-xà-đề, nhân tướng đẹp đẽ trang nghiêm. Lúc đó, giặc tạo phản, Thái tử cùng Vua cha và Mẫu hậu chạy lánh nạn, bị khô cạn lương thực. Vì lòng hiếu thảo, mỗi ngày Thái tử lóc thịt của mình để làm thức ăn lót dạ cho cha mẹ qua cơn đói khát.

Đến khi thân thể tàn tạ và biết mình sẽ chết, thái tử Tu-xà-đề phát nguyện: Đời trước nếu tôi có tạo điều oan nghiệt gì thì từ đây trở đi nguyện cho nghiệp ác dứt sạch và không còn dám tái phạm. Nay tôi đem thân nầy để cúng dường cha mẹ, nguyện cha mẹ tôi được nhiều điều phước đức.

 Sau khi chết, phần xương thịt sót lại bố thí cho côn trùng…. Nương công đức này đời vị lai tôi sẽ thành Phật hóa độ chúng sinh. Khi thái tử phát nguyện rồi, đất trời rúng động… đến cõi trời Đao Lợi cũng rung chuyển. Bấy giờ, vua Thích Đề Hoàn Nhân liền cùng chư thiên xuống thế gian hóa làm sư tử, hổ lang... gào rống dọa dẫm. Khi ấy, Thái tử nhẹ nhàng nói: "Nếu các ngươi muốn ăn thịt thì cứ ăn, cớ làm sao lại gầm gừ thế!". Đế Thích hiện nguyên hình nói: "Ta chính là Thiên Đế Thích xuống đây thử tâm ngươi. Nay ngươi bỏ được những thứ khó bỏ, đem xương thịt mình để cứu cha mẹ, tạo nhiều công đức như thế là muốn làm Ma vương, Phạm vương, Nhân vương hay Chuyển luân thánh vương chăng?" Thái tử đáp: "Tôi một lòng cầu đạo Vô thượng Bồ-đề để độ thoát chúng sinh". Đế Thích nói: "Ngươi thật là đại ngu. Đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác phải chịu cực khổ rất lâu sau mới thành, ngươi đây làm sao chịu nổi cực khổ ấy". Tu-xà-đề đáp: "Giả sử vòng sắt nung đỏ trên đầu nhưng tôi không vì sự ấy thối tâm cầu Phật đạo". Đế Thích nói: "Ngươi chỉ nói suông thì làm sao ta tin ngươi được". Tu-xà-đề liền lập thệ nguyện: "Nếu lời tôi không dối trá thì xin cho thân thể được bình phục như cũ." Thái tử vừa phát nguyện bỗng thân thể như cũ, đẹp đẽ gấp bội lúc trước. Bấy giờ Đế Thích khen ngợi: "Quý hóa thay! Ta nay không thể bì với ngươi, ngươi tinh tấn dũng mãnh không bao lâu sẽ chứng đạo Vô thượng. Nếu như chứng được đạo, nguyện độ tôi trước tiên". Sau đó Thiên Đế Thích liền ẩn mất.

Thái tử Tu-xà-đề chính là tiền thân của Đức Phật Thích-ca, còn Thiên Đế Thích kia là tiền thân của ông Kiều-trần-như. Vì đại nguyện và nhân duyên đó mà sau khi thành Phật, Ngài hóa độ cho năm anh em ông Kiều-trần-như đầu tiên, kể từ đó PHẬT, PHÁP, TĂNG xuất hiện đầy đủ trên thế gian tại thánh địa Varanasi này.

Đối với một thanh niên Phật tử đang trên đường học hiểu Phật pháp như tôi, khi ghi lại nội dung câu chuyện trên, lại càng tin sâu lý nhân quả nghiệp báo. Từ vô lượng kiếp Phật đã phát tâm cầu đạo và nhân lành ấy không mất. Hiện tại tôi chắc tín rằng duyên lành của tôi đối với Tam bảo, đời này và về sau đạo tâm không lui sụt.

Đến với Varanasi, quang cảnh mùa xuân mát dịu, người dân quanh vùng thân thiện hiếu khách, cuộc sống tương đối gần gũi, dễ mến. Trong nội viên, cảnh lễ bái trang nghiêm của các tu sĩ và Phật tử từ các nước như Việt Nam, Trung Quốc, Thái Lan… mang đầy màu sắc truyền thống tôn giáo khác nhau. Tất cả đến đây với lòng chân thành biết ơn công đức giáo hóa của Đức Phật và đặc biệt là mong kết mối duyên sâu dầy với chánh pháp hầu mong sớm được giác ngộ giải thoát.

Nhìn các đoàn Tăng Ni, Phật tử trang nghiêm hành lễ hiện bày sự tôn kính thuần khiết, khiến tôi cảm nhận dường như Đức Phật và Tăng đoàn vẫn còn hiện diện quanh đây, âm thanh của những bài pháp nhiệm mầu văng vẳng trong tâm não tôi mãi.

Giáo lý Tứ Diệu đế mà Đức Phật đã trình bày đầu tiên cho năm người huynh đệ nghe, đã chuyển đổi cái nhìn, mở sáng tâm thức trong tích tắc, ngài Kiều-trần-như ngay đó nhận được chánh kiến giống như tìm lại được đồ vật mà từ lâu quên mất. Phật pháp chỉ tột những điều căn bản, dẫn dắt chúng sinh noi theo cửa Bát-nhã vào nhà Như Lai, thắp sáng hiện hữu trên khắp nẻo đường Ấn Độ xa xưa, dần chuyển hóa thành tiếng rống sư tử lan tỏa khắp cả chân trời đông tây.

Cũng ngay bây giờ, thoáng chốc trước mắt tôi hình ảnh Thế Tôn đang ngự trên tòa cao thuyết pháp, từ ái vỗ về, chỉ dạy pháp yếu: Đây là khổ các con nên biết… Âm thanh ấy vang xa và sâu thẳm soi thấu lòng những người con đến muộn, năm xưa, hôm nay và mãi mãi không mất. Dù là cảnh giới do thức biến, song vẫn khiến tâm tôi tràn đầy lòng thương kính và hỷ lạc.

Các thiền sư mỗi khi ngộ đạo có Ngài khóc. Tôi chưa cảm nhận được giây phút ấy như thế nào, vì tôi chưa được như các Ngài. Song, giây phút này tôi cũng muốn cất tiếng khóc, khóc để xé tan màn vô minh tăm tối nghìn đời, khóc để đừng bao giờ đặt chân tiếp trên vòng xoay luân hồi nữa, và khóc vì tôi và tất cả chúng sinh đang lặn hụp trong sáu nẻo vẫn chưa ra khỏi.

Đến được với Varanasi, tận mắt chiêm ngưỡng và từng bước chân đặt lên mảnh đất Phật, không biết do từ trường, do niềm tin hay sự gia hộ nào mà tinh thần tôi càng thêm kiên cố. Giờ đây, trước mắt tôi chỉ một con đường thẳng tắp, con đường của niềm tin, của trí tuệ, của yêu thương và bàng bạc lòng tri ân sâu xa đối với đấng cha lành.

Nhờ đã gieo trồng duyên lành sâu với Tam bảo, chúng tôi cảm nhận được lợi ích lớn lao, tương lai dù sớm hay muộn, chúng tôi chắc chắn sẽ được nhiều thành quả tốt trên con đường tu học giải thoát.
 

Tâm Nguyên Hải
 

[ Quay lại ]