headertvtc new


   Hôm nay Chủ nhật, 05/01/2025 - Ngày 6 Tháng 12 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
Phatdan2024  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

BỒ ĐỀ ĐẠO TRÀNG

 Thuở ấy, trời đất thanh thanh màu như ý,
Rừng ôm bóng ngủ dưới sương gầy,
Trăng… và trăng… lưng trời đáy nước,
Đêm trở mình,
Người vẫn ngồi đây.
Người vẫn ngồi đây,
Cội Bồ-đề xoe tán,
Dòng sông lấp lánh,
Đêm trở mình, trăng chếch ngả về tây.

Trúc Thiên

Muốn tìm hiểu khái quát về lịch sử Bồ-đề Đạo tràng, chúng ta y cứ vào hai nhà du hành ngài Pháp Hiển và ngài Huyền Trang.

Theo sử liệu ngài Pháp Hiển đến thăm Bồ-đề Đạo tràng vào năm 409 sau Tây lịch, ghi: "Tại chỗ Đức Phật thành đạo có ba ngôi tháp, nhiều vị sư tu hành. Gia đình dân chúng xung quanh cúng dường các thức ăn đầy đủ không thiếu thứ gì. Các vị sư giữ giới luật thanh tịnh trang nghiêm".

Ngài Huyền Trang chiêm bái Bồ-đề Đạo tràng vào năm 637, viết rằng: "Về phía đông cây Bồ-đề, có một tháp cao chừng 52 thước, nền tháp độ 20 thước vuông, tường bằng gạch xanh, trét vôi chu nam: các khám tượng của mỗi tầng đều thếp vàng. Bốn mặt tường đều đầy những tượng khắc rất đẹp; chỗ này là hình ảnh những chuỗi ngọc dài, chỗ kia những vị tiên. Ngọn tháp là một trái Amlak bằng đồng thếp vàng. Mặt phía đông, có một tòa lầu ba tầng và các mái hiên, cột trụ và cột nhà cùng cửa lớn và cửa sổ đều được trang hoàng với những ảnh tượng bằng vàng hay bạc, với ngọc ngà đính vào tượng và các kẽ hở. Những phòng âm u và những dãy hành lang bí mật đều có cửa mở vào trong những tầng lầu. Về phía mặt và phía trái đều có tượng đức Bồ Tát Quan Thế Âm và tượng đức Bồ Tát Di Lặc, nhưng tượng này đều bằng bạc và cao độ ba thước tây. Tại chỗ tháp hiện tại, vua A-dục ban đầu có lập ngôi chùa nhỏ, về sau có một người Bà-la-môn lập lại ngôi khác to rộng hơn nhiều".

So sánh hai tư liệu trên, xét đến niên đại thành lập ngôi Đại tháp, là khoảng thế kỷ thứ VI, khi ngài Huyền Trang đến viếng trông thấy và ghi chép lại, và mô tả ngôi Đại tháp giống như ngôi Đại tháp hiện nay. Trước hai ngài Pháp Hiển và Huyền Trang, vua A-dục cũng từng đến Bồ-đề Đạo tràng chiêm bái đã kiến tạo tháp cúng dường, ghi bia lưu niệm và có lẽ đã bị hư hoại.

Ngôi Đại tháp Bồ-đề, cây Bồ-đề thiêng liêng và tòa Kim Cang là ba dữ kiện có liên quan đến sự chứng ngộ của Ngài

1. Ngôi đại tháp Bồ-đề: Là ngôi tháp chính vuông vức mỗi bề 15 mét và nhọn dần lên đỉnh theo hình kim tự tháp. Bốn cạnh tháp có bốn tháp nhỏ. Bên trong thờ tượng Phật Thích-ca Mâu-ni ngồi thiền dưới cội Bồ-đề hướng mặt về phía Đông giống y tư thế Đức Thế Tôn đã ngồi khi thành đạo, được tạc vào thế kỷ thứ 10 Tây lịch.

Đền tháp cao 52m, do Quốc vương Miến Điện trùng tu vào năm 1874, có thuyết ghi trên nền ngôi tháp là do vua A-dục xây cất vào khoảng thế kỷ thứ ba trước Tây lịch, đánh dấu nơi Đức Phật thành đạo. Bên trong có tạc tượng cao khoảng 2m.

Ngôi đại tháp này là một di sản tinh thần của Phật giáo. Hàng trăm ngàn du khách cả tăng lẫn tục, từ các nơi trên thế giới đã đến Bồ-đề Đạo tràng để cầu nguyện và tu tập. Những nét đẹp cổ kính, nghệ thuật của đại tháp từ từ đã được giữ gìn tốt đẹp.

2. Cây Bồ-đề: Cây tọa lạc phía sau đại tháp rất to lớn, tàn lá sum suê bao phủ đầy lá tươi xanh tốt. Đã hơn 25 thế kỷ, cây Bồ-đề cũng biết bao lần sanh và diệt rồi lại sanh. Theo ông Alexander Cunningham, thì cây Bồ-đề này là cháu chít của cây Bồ-đề gốc và cây này mới hơn 100 tuổi. Cây Bồ-đề rất được tôn trọng kính thờ vì đó là biểu tượng cuộc đời và sự giác ngộ của Đức Phật

 3. Tòa Kim Cang: Tòa bằng đồng mạ vàng dài 2,28m, rộng 1,5m và cao 0,9m; trên mặt và xung quanh tòa có khắc nhiều hoa văn rất mỹ thuật. Tòa nằm bên dưới giữa cội Bồ-đề và ngôi Đại tháp. Tòa Kim Cang là vật thiêng liêng nhất ở Bồ-đề Đạo tràng, vì đây là trung tâm của vũ trụ phát sáng năng lực thức tỉnh từ Đức Phật. Chính tại nơi tòa ngồi này, Đức Phật đã giác ngộ. Song ngày nay đến chiêm bái thì chúng tôi không thấy rõ tòa Kim Cang vì tòa đã được bao phủ bởi những tràng hoa, khăn vải của Phật tử dâng cúng dường.

Ngoài ba điểm trên, còn có những vật thiêng liêng khác như là nơi Đức Phật đã trải qua bảy tuần sau khi giác ngộ hoặc có những vật thiêng liêng liên quan đến cuộc đời của Ngài tại Bồ-đề Đạo tràng.

4. Trụ đá vua A-dục: Có ba trụ nhỏ do vua A-dục dựng ngay cổng ra vào của Đại tháp và một trụ lớn ở trước hồ rồng Muchalinda.

 5. Những kiến trúc quanh tháp: Có vô số những kiến trúc tháp nhỏ, trung ở chung quanh tháp làm nổi bật sư uy nghi của Đại tháp. Đặc biệt những tháp này do những vị vua chúa, quan thần đã xây dựng để nhớ ơn Đức Phật hoặc sau khi họ thành công được một việc gì thì xây tháp để tạ ơn.

6. Sông Ni-liên-thuyền: Cách Đại tháp 180 mét, sông này ngày nay được gọi là sông Lilajan. Bề rộng của sông gần 1km. Đây là nơi Đức Phật đã tắm trước khi Ngài lên tọa thiền và thành đạo.

7. Sujata-Kuti:  Là nơi nàng Sujata dâng sữa. Vượt sông Ni-liên-thuyền đi về hướng nam 2km, là một miếu nhỏ có hình Đức Phật ngồi thiền và cô gái chăn cừu Sujata dâng sữa, để đánh dấu chính nơi đây Sa-môn Cồ-đàm đã nhận bát cháo sữa từ nàng Sujata cúng dường.

  

 8- Bó cỏ Kusa: Sau đó, Ngài băng qua bên kia sông đến rừng cây tìm chỗ tọa thiền, bỗng có người bán cỏ đi ngang dâng cho Ngài một bó cỏ Kusa (kiết tường). Lấy cỏ làm nệm Ngài phát nguyện phải đạt đạo trước khi rời chỗ ngồi này.

9. Khổ hạnh lâm: Vượt khỏi sông Ni-liên-thuyền đi xe khoảng ba mươi phút về hướng Gaya, rồi đi bộ khoảng một tiếng đồng hồ nữa sẽ đến một ngọn núi có hang đá tối, bên trong có thờ tượng Bồ Tát đang tu khổ hạnh.

Ngoài ra, còn có vô số những chùa chiền, đặc biệt những chùa thuộc vùng Đông Nam Á như: Nhật Bản, Thái Lan, Tích Lan, Miến Điện, Lào, Taiwan, Trung Hoa, Việt Nam, Nepal, Tây Tạng, Ấn Độ, Bangladesh, Bhutan, Sikim … Mỗi chùa với những nét nghệ thuật của nước mình, đã tạo nên một sự tổng hợp hài hòa sinh động của ngành mỹ thuật Phật giáo hiện đại, tại Bồ-đề Đạo tràng trong kỷ nguyên mới này.

Khi đoàn chúng tôi chiêm bái Đại tháp, những khuôn mặt với đôi mắt ướt phản chiếu niềm hạnh phúc bên trong, diễn đạt nhiều cảm xúc. Những hình ảnh đẹp và tôn nghiêm của khung trời Đại tháp này, là những biện minh hùng hồn cho giá trị của chân lý, và nói lên được những gì Phật dạy.

Sáng đầu tiên 21-02-2008, đoàn đến viếng Thánh tích Bồ-đề Đạo tràng.

Từng đôi chân nhanh bước, bước thay tiếng lòng… Từng đôi mắt sáng, luôn ánh nụ cười xoay đáo tâm mình… Từng đôi tai lắng nghe giai điệu của đạo tràng… Khi đó trong tâm mọi trăn trở, vui buồn vắng bóng, chỉ còn lại tiếng Thầy …

Nam-mô Phật Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni

Hôm nay, đoàn chúng ta về nơi Bồ-đề Đạo tràng, Thánh tích này là nơi kỷ niệm Đức Phật giác ngộ thành đạo và cũng là một trong bốn điểm động tâm của Phật giáo. Đây là một nhân duyên lớn trong đời của chúng ta, nếu xét sâu xa thì mỗi người chúng ta có mặt ở đây bao lâu rồi? Không biết bao lâu phải không? Từ lúc bất giác một niệm mê, đi vào trong kiếp luân hồi đến bây giờ kiểm lại thời gian không tính được. Nếu mỗi vị có được cặp mắt như Phật để nhìn xa về kiếp luân hồi thì mới thấy ghê sợ, mới thấy mỗi người chúng ta đều đi đủ hết các đường trong các nẻo luân hồi, không thiếu đường nào hết. Từ địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh… có đủ cả. Cho nên, trong kinh có đoạn Phật nói: Dù ở bất cứ nơi nào, nếu cắm cây gậy xuống thì cũng đều là chỗ chúng ta đã từng bỏ thân mạng. Kiếp luân hồi nó ghê sợ như vậy. Vậy mà, đời này chúng ta đủ duyên lành, được gặp Phật pháp, được trở về viếng Bồ-đề Đạo tràng là nơi Đức Phật giác ngộ thành đạo, đủ biết chúng ta có trồng sâu chủng tử Bồ-đề, nên hôm nay kết được duyên này, thì đây là sự kiện thật ý nghĩa, rất quan trọng đối với chúng ta. Nói như vậy, để mỗi vị biết trân trọng và phát triển duyên lành sẵn có của mình, để từ đây về sau chúng ta đi lên, không còn đi xuống, đi trở lại trong kiếp mê lầm nữa.

 Quí vị đọc kỹ lịch sử thấy Thái tử Tất-đạt-đa sau khi vượt thành xuất gia tìm đạo, ban đầu học đạo với hai vị đạo sĩ tu tiên. Vị đầu tiên là ông Alara Kalama dạy tu pháp thiền Vô sở hữu xứ. Ngài chỉ học thời gian ngắn là đã đạt hết sở học của ông thầy. Qua đó, Ngài thấy chưa giải quyết được vấn đề sinh tử từ lâu thắc mắc, nên từ giã đến học đạo với ông Uddaka Ramaputta dạy thiền Phi phi tưởng xứ, chỉ thời gian ngắn Ngài cũng đạt xong phần thiền này, và cũng chưa thỏa mãn, chưa giải quyết được vấn đề sinh tử. Cuối cùng Ngài từ giã hết, cùng năm anh em ông Kiều-trần-như đến Khổ hạnh lâm để tu khổ hạnh trong vòng sáu năm. Nhưng sau đó Ngài cũng thấy chưa giải quyết được vấn đề. Ngài cũng từ giã luôn, đi đến sông Ni-liên-thuyền và sau khi nhận bát cháo sữa của chị em Sujata dâng cúng, Ngài tắm rửa và đến cội cây Tất-bát-la, lúc đó gặp một người nông dân gánh cỏ ngang qua, Ngài xin một ít trải làm tọa cụ ngồi. Khi ấy Ngài chưa có ngồi trên hoa sen, thật ra Ngài cũng không có ngồi trên hoa sen mà là ngồi trên cỏ. Ngày nay, chúng ta thờ Ngài ngồi trên hoa sen với ý nghĩa tượng trưng, Đức Phật đã từ trong sinh tử, từ bùn lầy của thế gian này mà vượt lên, giống như hoa sen từ bùn mà vươn lên khỏi bùn. Kinh ghi, khi đó Ngài phát nguyện: "Nay tôi vì chúng sinh đau khổ, ngồi dưới cội cây này, cho đến khi chứng được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, nếu chưa toại nguyện thì có tan xương nát thịt quyết không đứng lên". Như vậy, chúng ta thấy ý chí mạnh mẽ vươn lên của Ngài, nguyên nhân cũng từ chúng sinh đau khổ chứ không phải cho bản thân. Nếu ở trong đoàn chúng ta mỗi vị đều có ý chí tu hành như vậy thì cũng dễ thành đạo lắm. Ngài có tinh thần dứt khoát, nếu ngồi nơi đây không thành đạo dù xương tan thịt nát cũng không đứng dậy. Mỗi người chúng ta có ai được như vậy không? Chúng ta thua Phật chỗ đó, nên lễ Phật hoài không chán. Đức Phật, Ngài dứt khoát nên được thành đạo.

Chúng ta xét kỹ Đức Phật Thích-ca thành đạo là thành ở đâu? Trên lịch sử thì thành đạo tại Bồ-đề Đạo tràng, ngồi tại cây Bồ-đề, nhưng đúng ý nghĩa thì Ngài thành đạo là thành ngay nơi tâm giác ngộ của Ngài và từ đó đi giáo hóa chúng sinh, đó mới là chỗ thành đạo. Đây là một sự kiện lịch sử trọng đại trong nhân loại, không phải tầm thường. Nếu xét trên thế gian này thì có mấy Đức Phật? Lịch sử nhân loại chỉ có một Đức Phật Thích-ca, có cha, có mẹ, có lịch sử và hôm nay chúng ta đến chứng thực rõ ràng những di tích, là một sự thật chớ không phải truyền thuyết để lại. Còn những Đức Phật Di-đà, Phật Dược Sư… là những Đức Phật được Đức Phật Thích-ca thuyết lại. Song vì chúng ta nghe quen rồi nên thấy nó hơi thường, chứ còn xét kỹ đó là sự kiện lớn, nếu không có sự kiện này thì chúng ta đang còn ở đâu? Chúng ta còn lang thang ở nẻo nào! Chính nhờ Phật giác ngộ, đem ánh sáng giác ngộ đó truyền dạy lại chúng sinh, chúng ta cũng có duyên lành, chắc là những đời trước cũng được nghe và kết duyên với Phật, nên đời này ra đời vẫn còn chủng tử Phật pháp tu học. Như vậy, nói lên để nhắc tất cả chúng ta ý thức được duyên lành hy hữu của mình, từ đó trân trọng giữ gìn và phát triển chớ không được xem thường.

Trước khi Phật thành đạo, tức là lúc Ngài còn là Bồ tát, lúc đó Ngài ngồi yên lặng rồi có tư tưởng khởi lên: "Thế giới này thật là điên đảo, người ta sinh ra, rồi lớn lên, rồi già chết, rồi bỏ xác thân này, rồi trở lại ở một xác thân khác, cứ vậy tiếp nối hoài. Đời sống của thế gian là như vậy. Vô vị, vô nghĩa như vậy mà người đời thì cứ bám vào đó, mê lầm rồi trầm luân trong khổ não không có ai tìm ra con đường giải thoát, huống nữa là giải thoát già nua và tử biệt! Ôi! biết đến bao giờ mới thoát khổ, thoát sinh lão bệnh tử". Như vậy, trước khi thành đạo Ngài có tư tưởng cảm thương cho cuộc sống luân hồi. Bao nhiêu chúng sinh cũng vậy cứ trầm luân trong đó, cứ sinh ra lớn lên già, bệnh, chết cứ lặp đi lặp lại như vậy hoài mà chúng ta lại thấy an lòng. Nhiều người cứ thấy ông bà, cha mẹ của mình như vậy, rồi mình cũng như vậy, là chuyện thường, nhưng Phật thì không yên lòng. Ngài băn khoăn tìm kiếm lối thoát và cuối cùng vượt thành xuất gia để tìm ra con đường và giải quyết vấn đề đó.

Khi thành đạo Đức Phật mới thốt lên: "Ta lang thang trong vòng luân hồi qua bao kiếp sống, tìm mãi mà không gặp kẻ làm nhà, đau khổ thay kiếp sống cứ tái diễn mãi. Hỡi kẻ làm nhà, nay ta gặp được ngươi rồi, ngươi không thể làm nhà nữa, cột, đòn tay ngươi đều gãy cả. Nóc sàn nhà của ngươi đã tan vụn rồi. Ta đã chứng đắc Niết-bàn, bao nhiêu dục ái đều dứt sạch". Ngài đã giải quyết xong vấn đề sinh tử. Ngài thấy rõ đã lang thang trong vòng luân hồi này qua bao kiếp sống, nhưng tìm không ra kẻ làm nhà. Cuối cùng Phật đã tìm thấy và quyết không còn làm nhà nữa, những duyên kèo cột đòn tay đều rã hết rồi, Ngài được giải thoát. Quí vị tìm ra kẻ làm nhà chưa? Quí vị biết ông chủ làm nhà chưa? Đó tức là ái dục và chấp ngã. Chính lòng ái dục và chấp ngã, nói chung là tham ái chấp ngã, đó là kẻ làm nhà. Do tham ái chấp ngã bám chắc vào, hết bỏ thân này là bám vào thân khác, không chạy đâu khỏi hết. Bởi vì quá ái luyến, bám vào cái ngã này, vì còn có tình chấp ngã nên còn đi trong luân hồi. Dù cho mình tu cao cách mấy, tu giỏi cách mấy mà tình chấp ngã chưa hết, thì vẫn còn đi trong luân hồi. Cho nên, ông Uddaka Ramaputta (Uất-đầu-lam-phất) tu chứng tới Phi phi tưởng xứ mà vẫn không ra khỏi luân hồi.

Thế nên, người tu dùø xuất gia hay tại gia thì phải nắm vững điều này. Mình tu lâu thì tình chấp ngã càng phải nhẹ bớt, chưa giải thoát thì cũng phải giảm nhẹ chứ không thể càng tu lâu mà nó vẫn còn y nguyên, hoặc càng tu lâu cái ngã nó càng to thì chắc là tu sai rồi. Lấy đó mà suy thì biết ai tu sai tu đúng, chứ đâu cần phải nói tu cao tu thấp gì? Người tu mà nhẹ tình chấp ngã thì tâm cởi mở, tâm cởi mở thì bớt phiền não. Phiền não nhiều là do chấp ngã nhiều, nếu bớt chấp ngã thì nhẹ phiền não. Đó là lẽ thật, là giải thoát.

Đoạn khác ghi: Lúc đó Ngài reo lên: "Ta đã thấu pháp thâm diệu khó nhận, khó hiểu, vắng lặng tuyệt vời, không biện giải gì được. Nó tinh tế, chỉ có thánh nhân mới hiểu được. Như người đời thì thích bám níu vào chỗ ưa thích, mà đã bám níu đã ưa thích thì bị trói buộc trong ưa thích, làm sao rõ lẽ cái này sinh ra từ cái kia, và tất cả đều diễn ra trong vòng nhân quả và cũng rất khó nhận định tại sao phải chấm dứt, hết tạo tác trong đời, đừng gây nghiệp tái sinh, phải xả trừ hết bám níu, phải diệt hết mê luyến, phải tịnh tâm, phải chứng Niết-bàn". Lúc này Ngài đã giác ngộ thành đạo, đã thấu được pháp thâm diệu, tức là pháp sâu xa, mầu nhiệm khó nhận, khó hiểu, vượt ngoài tâm suy nghĩ sinh diệt của phàm phu, nó vắng lặng tuyệt vời không có lý giải gì được. Chỗ thành đạo, chỗ chứng đạo của Ngài không phải là chỗ lý luận, mà vượt ngoài lý luận. Chính chỗ đó sau này người học Phật hay người đệ tử Phật học đạo cũng phải học đến chỗ đó, vượt ngoài văn tự, ngôn ngữ, lý luận. Muốn học như vậy thì phải học làm sao? Phải học bằng nội tâm của mình, phải học bằng sự thực hành; phải chiêm nghiệm, phải đi sâu vào chứ không phải chỉ dừng trên học giả. Người học Phật đúng nghĩa phải là người hành giả. Chính vì vậy, chỗ này không phải là chỗ bắt chước.

Do đó, khi Đức Phật thành đạo rồi, ban đầu Ngài không muốn đi thuyếùt pháp. Ngài thấy chỗ này sâu xa, khó hiểu, vượt ngoài cả ngôn ngữ hý luận. Nói ra thì chúng sinh không hiểu tới, rồi có thể hiểu lầm thành xuyên tạc. Phạm thiên đến thỉnh Phật ba lần, Ngài mới hứa sẽ thuyếât pháp. Điều này cũng là ý nghĩa để nhắc nhở cho người đệ tử Phật sau này đi thuyết pháp biết rõ đây chỉ là phương tiện, dùng ngôn ngữ để diễn tả chỗ không thể nói hết được. Muốn thấu được chỗ Phật nói ra chưa hết ấy thì phải làm sao? Phải học qua hết ngôn ngữ văn tự kinh điển của Phật, để chứng nghiệm vào lẽ thật thì mới cảm thông với Phật, mới hiểu đúng được ý Phật. Nếu chỉ dừng trên ngôn ngữ văn tự thì lại thêm bệnh chớ không hết bệnh. Vì sao? Vì học hiểu nhiều quá nên cái ngã càng to, cho tôi hiểu hết rồi. Thật ra, đó chỉ là kiến thức, là cái hiểu vay mượn thôi. Phật biết trước nên nhắc người học Phật phải tu học thấu qua điều đó. Phật nói pháp là để cho chúng ta tu, nên phải hiểu thấu lời Phật dạy để cởi mở bớt những tình chấp, bớt phiền não, được giải thoát giác ngộ. Hiểu được chỗ đó mới hiểu được ý nghĩa sâu xa của Phật. Nhưng người đời thì thích bám níu vào chỗ ưa thích nên bị trói buộc trong đó, nên Phật nói rằng: "Do vậy, làm sao rõ lẽ cái này sinh ra từ cái kia", tức là lý nhân duyên. "Mọi thứ đều do nhân duyên sinh, diễn ra trong vòng luân hồi và cũng khó nhận định được tại sao phải chấm dứt tạo tác trong đời". Bởi vì người tu còn tạo tác là còn đi trong sinh tử. Tạo tác tức là tạo nghiệp, muốn giải thoát thì phải dứt tạo nghiệp, đừng gây nghiệp tái sinh, xả hết những cái bám níu, mê luyến. Đó là con đường giải thoát.

Cho nên, người tu muốn giải thoát thì phải cởi mở những cái bám níu, những dính mắc, mà cởi mở càng nhiều thì càng nhẹ. Tu vậy là tu đúng, càng tu càng nhẹ nhàng, càng bớt phiền não càng được an vui.

Hôm nay đủ duyên về đây, cùng nhắc nhở những điều căn bản về lịch sử giác ngộ của Phật, chúng ta nghe rồi chiêm nghiệm để hiểu được những ý nghĩa sâu xa và ứng dụng tu học đầy đủ cho xứng đáng là người con Phật. Cầu nguyện duyên lành hôm nay giúp cho tất cả được luôn luôn tăng trưởng tâm Bồ-đề, chủng tử giác ngộ tăng trưởng đến khi viên mãn. (Buổi sáng)

Nam-mô Phật Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni

Thầy Trụ trì T.V Trúc Lâm

Trong ba ngày viếng Bồ-đề Đạo tràng, tâm hồn con người lắng sâu trong vùng trời tâm linh bất diệt này. Tiếng kinh cầu, tiếng lá rơi… tất cả đều là âm thanh đạo vọng từ ĐẠO TRÀNG NƠI ĐÂY.

Tờ mờ sáng tinh sương, khí trời lạnh, chúng tôi đoàn hành hương về đất Phật gồm khoảng 120 người do Thầy Trụ trì Thiền viện Tăng – Trúc Lâm Phụng Hoàng - dẫn đầu theo hàng một từ khách sạn Mahayana tiến thẳng đến Bồ-đề Đạo tràng. Trong tinh thần chánh niệm và nao nức của mỗi người con Phật được về đây thăm nơi Đức Phật tọa thiền và giác ngộ viên mãn.

Tiến gần đến cổng vào Bồ-đề Đạo tràng, trước mắt tôi sừng sững giữa trời mù sương tỏa, ngôi đại tháp cao vút giữa không gian và ánh trăng kỳ diệu thay, tỏa sáng cả bầu trời cùng ngôi đại tháp đã làm tâm tôi bàng hoàng – ánh trăng nào đây? Ánh trăng bỗng nhiên tỏa sáng một cách lạ lùng xung quanh tôi và bao trùm vạn vật. Tôi vẫn thấy những con người tới lui, qua lại, tôi vẫn nghe những âm thanh của tiếng tụng kinh nhưng hầu như những sắc thanh ấy không còn ảnh hưởng đến tôi nữa, trong tôi chỉ còn lại một sự an bình và tĩnh lặng. Cảm giác này làm tôi khựng lại lúc lâu dù chân vẫn bước, tôi đã chiêm nghiệm ra rằng sắc thanh chỉ là những cảnh bên ngoài, nếu tôi không theo những sắc thanh đó thì dù có hằng vạn người, hằng bao âm thanh vang dội vẫn không dính dáng. Tôi bước đi theo đoàn qua những bậc cấp, tiến thẳng vào chánh điện thờ Phật Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni. Cửa chưa mở, đoàn nhiễu quanh tháp ba vòng. Đại tháp có tượng Phật Thích-ca, còn riêng tôi, quí Thầy, quí Sư cô và Phật tử cũng đã nhiễu tháp của chính mình bao nhiêu vòng rồi? Đoàn chúng tôi đang nhiễu qua cội Bồ-đề nơi Đức Phật thành đạo, cây Bồ-đề thời Đức Phật đã được thay vài lần và sẽ mãi mãi thay để còn tiếp nối cho đến hằng ngàn năm sau nữa nếu mọi người đều tu tập để cây Bồ-đề của chính mình đâm chồi nẩy lộc.

 Đoàn vẫn từng bước, từng bước trang nghiêm vòng quanh Đại tháp, có những người lạy theo kiểu Tây Tạng, có chỗ thì tụng kinh, có chỗ thì tọa thiền… Sự tĩnh lặng và lòng tin của bao nhiêu người đã tạo nên một không khí trang nghiêm, thanh tịnh thật khó mà diễn tả…

Sau khi nhiễu tháp ba vòng, cửa chánh đã mở, chúng tôi tiến thẳng vào trong, một lần nữa dung nghi của Đức Phật làm tôi xúc động khôn cùng, nhớ bài Tán Phật:

                Đại từ đại bi thương chúng sanh,
                Đại hỷ đại xả cứu hàm thức
                Tướng đẹp sáng ngời dùng trang nghiêm
                                                                     Chúng con chí tâm thành kính lễ…

Con thành tâm kính đảnh lễ Ngài. Ngài đã hướng dẫn chúng con ra khỏi biển mê, lần lên bờ giác – giác biết con đường chân thật diệt khổ, giác biết sự thật của vạn pháp để ra khỏi sanh tử luân hồi. Con thành tâm đảnh lễ Ngài để nhớ thâm ân công đức của Ngài cũng như giúp con nhớ lại tánh giác, Phật tánh của chính mình để biết sống một cách an vui và làm lợi ích cho chúng sanh.

Thầy Trụ trì đang chủ lễ cho đoàn tụng bài Bát Nhã Tâm Kinh. Bài tụng hằng ngày của tăng chúng tu theo thiền phái Trúc Lâm Yên Tử do Hòa Thượng thượng Thanh hạ Từ hướng dẫn. Bát-nhã là trí tuệ và Ba-la-mật là tột cùng, là cứu cánh, chỉ khi nào tâm Không hay vô niệm thì trí tuệ ấy mới hiển bày. Vô niệm thì không có nghĩ hai bên, không phải quấy, không được mất v.v… không đối đãi. Từng lời kinh đã thật sự thấm sâu vào trong tâm tôi và giờ đây lục căn cũng thật sự viên thông: mắt thấy những người chung quanh, tai nghe văng vẳng tiếng kinh, mũi ngửi mùi hương của hoa và nhang, lưỡi nếm vị ngọt ngào của nước bọt, hai tay chắp lại hình búp sen, hai chân quỳ trên nền đất lạnh và ý không nghĩ suy. Lời Phật dạy thật đúng: Phiền não đau khổ hay chứng nghiệm Niết-bàn cũng chính từ sáu căn này mà thôi. Con xin cảm niệm vô cùng trước hết là những lời giáo dưỡng của Hòa thượng Ân sư, kế đến là thân giáo của quí Thầy, quí Sư cô cũng như khung cảnh huyền diệu của Bồ-đề Đạo tràng và sau cùng là quí Phật tử trong đoàn đã hòa hợp khiến cho chuyến hành hương nầy được vô cùng tốt đẹp.

Mùa An Cư PL. 2552 - 10.6.2008
Thuần Châu - TV. Quang Chiếu


 

[ Quay lại ]