headertvtc new


   Hôm nay Chủ nhật, 19/05/2024 - Ngày 12 Tháng 4 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
Phatdan2024  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

Di Tích Lịch Sử LỘC UYỂN

 Cuộc đời của Đức Phật Thích-ca Mâu-ni từ Đản sinh cho đến khi Nhập diệt đã để lại nhiều dấu ấn trên lãnh thổ Ấn Độ và hình bóng Ngài đã khắc sâu trong tâm tư nhân loại. Lộc Uyển là một trong bốn Thánh địa quan trọng, đáng ghi nhớ trong lịch sử Phật giáo. Chính nơi Lộc Uyển tĩnh lặng thanh bình này, Đức Phật đã giảng nói bài pháp đầu tiên. Nội dung bài pháp chỉ rõ những khổ đau, nguyên nhân và phương pháp hóa giải những đau khổ. Sự kiện này được mệnh danh là "Chuyển Pháp Luân".

Địa danh nổi tiếng này và sự kiện khai pháp đầu tiên của Đức Phật đã là đề tài cho nhiều tư tưởng Phật học, những tác phẩm nghệ thuật Phật giáo từ xưa đến nay lần lượt ra đời. Và đã lôi cuốn biết bao du khách đến chiêm bái, dù ngày nay Thánh địa này đã bị bào mòn bởi những thăng trầm, cát bụi và thời gian.

Trong những thế kỷ đầu tiên của thời kỳ Phật giáo hưng thịnh, dưới triều vua A-dục, Lộc Uyển đã trở thành một nơi tranh luận nổi tiếng giữa các tông phái và đạo giáo. Nơi đây, vua A-dục cũng cho người xây dựng nhiều di tích, Thánh địa này phát triển rực rỡ trong nhiều triều đại và cũng được trùng tu lại nhiều lần. Hai ngài Pháp Hiển và Huyền Trang đã đến chiêm bái Thánh tích này vào thế kỷ thứ V và thế kỷ thứ VII sau Công nguyên. Hiện nay, các nhà khảo cổ Ấn Độ đang trên đà khai quật lại di tích và trùng tu lại Thánh địa.

NHỮNG SỰ KIỆN LỊCH SỬ

+ Bài Pháp Đầu Tiên: Đức Phật bắt đầu vận chuyển bánh xe Pháp bảo, thuyết giảng cho năm anh em Kiều-trần-như bài kinh Chuyển Pháp Luân.

+ Bài pháp thứ nhì: Cũng tại nơi Thánh địa Samath này, sau khi tất cả năm vị tu sĩ chứng đắc quả Tu-đà-hoàn, Đức Phật giảng bài kinh Vô Ngã Tướng.

+ Cảm hóa Yasa và các bạn hữu.

+ Khởi đầu cuộc truyền bá chân lý: Đức Phật, vị giáo chủ đầu tiên, vị lãnh đạo tinh thần sáng suốt đã phát khởi phong trào hoằng pháp lợi sinh. Sau khi tế độ các đệ tử và khi các vị trải qua quá trình tu học, đã thân chứng giải thoát. Ngài gởi các sứ giả Như Lai đầu tiên đi khắp mọi nẻo đường lớn nhỏ của Ấn Độ xa xưa để truyền bá giáo pháp từ bi, bủa vầng hào quang trí tuệ che mát mọi nhà, mọi người, không phân biệt màu da, giai cấp, chỉ thuần vì mục đích an lạc giải thoát.

+ Thành lập Giáo hội Tăng-già: Lộc Uyển cũng là nơi thành lập Giáo hội Tăng-già đầu tiên, mọi thành viên trong Tăng đoàn đều có khả năng giác ngộ như nhau. Tăng đoàn có những vị tuổi già đầu bạc, cũng có những thanh niên cường tráng, có người thuộc giai cấp cao nhất, và không thiếu những người bị xã hội coi thường… Là tập thể của những người cùng chung chí hướng, cùng đồng hành vì mục đích giải thoát và lợi ích tha nhân, các vị đều sống đời vô sản, buông bỏ mọi thành kiến cùng sống với nhau như anh em một nhà.

DI TÍCH LỘC UYỂN

- Dhamekh Stupa (Tháp chuyển pháp luân): Đại tháp Dhamekh được vua A-dục cho xây dựng vào khoảng năm 300 trước Công nguyên. Kích thước hiện tại của tháp này với chiều cao là 31,3m? và đường kính là 28.3m? Phần dưới của đại tháp được bao quanh với những phiến đá có đường nét chạm trổ xinh đẹp về những loại hoa kiết tường, hoa sen. Trên những đường nét chạm trổ đó có 8 khám thờ bằng đá kích cỡ vừa đủ cho một tượng Phật như người thật ngồi bên trong. Nhưng ngày nay thì các pho tượng ấy đã không còn nữa. Trụ tháp này tương truyền rằng ngày xưa không có to lớn đến như thế. Bên dưới tháp có ngọc xá-lợi Phật, sợ bị hủy hoại, bị đánh cắp nên tháp được đắp thêm bên ngoài luôn để bảo vệ. Theo năm tháng, qua các thời đại, tháp trở thành tròn, to lớn như bây giờ. Đại tháp này nổi bật trong khuôn viên rộng lớn của Lộc Uyển. Đây là một trong những kiến trúc to lớn còn sót lại sau thời gian bị tàn phá. Nhà khảo cổ Cunningham khi cho đào bới phần trên cùng của ngôi tháp thì tìm thấy một tấm bảng đá ghi "Dhamaka" nói rằng đây là nơi Đức Phật thuyết giảng bài pháp đầu tiên. Tấm bảng đó cũng đề cập rằng đây là nơi mà năm anh em Kiều-trần-như sống và tu khổ hạnh sau khi họ từ bỏ Đức Phật tại Bồ-đề Đạo tràng.

- Tháp Chaukhandi: Nằm gần con đường tẽ đi vào Lộc Uyển và cách không xa từ Viện Bảo tàng khảo cổ Lộc Uyển. Tháp này đánh dấu nơi Đức Phật gặp lại năm người bạn khổ hạnh đồng tu. Theo các tài liệu ghi chép lại thì tháp này được xây dựng trong thời đại Gupta tức là vào khoảng thế kỷ thứ V sau TL. Trong những thời gian sau này khi Lộc Uyển bị tàn phá và rơi vào quên lãng thì tháp này cũng như những nơi khác ở Lộc Uyển đã bị dân làng đến lấy gạch đá đem về xây dựng. Tháp hiện chẳng còn gì ngoài một mô đất cao với những phần gạch còn sót lại. Ngày nay di tích ấy vẫn còn, đứng chơ vơ trên một nền gạch rộng lớn với các bụi cỏ hoang dại rải rác khắp nơi, thiếu người chăm sóc.

 - Mulagandha Kuti (Tịnh xá Hội Đại Bồ-đề): Là nơi ngày xưa Đức Phật đã an ngự. Từ cổng chính đi vào Lộc Uyển là ngôi tịnh xá Mulagandha Kuti cao lớn sừng sững. Ngôi tịnh xá này nguyên được Hội Mahabodhi cho xây dựng vào năm 1931 với chiều cao 30.48m. Lối kiến trúc của tịnh xá này lấy từ mẫu của Đại tháp Bồ-đề ở Bồ-đề Đạo tràng. Bên phải của tinh xá là một khu vực nhỏ, nơi có tạc hình tượng của Đức Phật và năm anh em Kiều-trần-như ngồi nghe pháp xung quanh. Sau lưng tượng Đức Phật là cây Bồ-đề, được chiết nhánh từ cây Bồ-đề nguyên thủy tại Tích Lan. Chùa không lớn nhưng rất trang nghiêm và thanh thoát nhờ tường cao và những bức họa sống động diễn tả cuộc đời Đức Phật từ lúc đản sinh cho đến khi nhập Niết-bàn. Những bức vẽ này do một họa sĩ rất nổi tiếng vào những thế kỷ trước họa ra, được truyền lại cho đến nay, nét vẽ sắc sảo, điêu luyện, hiện thực, màu sắc hài hòa, tao nhã.

 - Cây Bồ-đề và tượng Đức Thế Tôn thuyết pháp cho năm anh em ngài Kiều-trần-như. Tượng nắn khéo, tô đắp vào năm 1988. Cây Bồ-đề được mang từ Tích Lan về trồng năm 1931 và xung quanh cội có một tháp nhỏ với nhiều cửa kính như cửa sổ, bên trong mỗi một cửa kính có một vị cổ Phật đang ngồi thiền. Tất cả gồm 28 vị như Phật Tỳ-bà-thi, Phật Thi-khí, Phật Tỳ-xá-phù, Phật Câu-lưu-tôn, Phật Câu-na-hàm Mâu-ni, Phật Ca-diếp, Phật Thích-ca-văn và những vị Phật khác....

- Vườn nai: Mặt bên của khu vực đào bới khảo cổ trong phạm vi Lộc Uyển là một khu vườn nai rộng lớn. Tại đây người ta có thể trông thấy nhiều nai được nuôi dưỡng và bảo tồn..

- Các nền tháp tự viện: Từ bên ngoài đi vào và mặt sau của đại tháp Dhamekh là một vùng rộng lớn gồm nhiều nền móng tháp và các tự viện khi xưa. Theo ngài Huyền Trang thì nơi đây trong thời Ngài có khoảng 30 tự viện và 3000 tăng sĩ tu học. Có lẽ sự hưng thịnh của Phật giáo tại nơi đây thật sự bắt đầu chấm dứt vào thời gian người Hồi giáo xâm chiếm và tàn sát vùng này.

Năm 1794 trong các cuộc khai quật của nhà khảo cổ Col. C. Mc Kenji và Cunningham sau đó các Xá-lợi Phật đã được tìm thấy từ tháp Dharmarajika. Theo sự ghi lại của ngài Huyền Trang thì trước đại tháp này có một trụ đá của vua A-dục.

- Trụ đá vua A-dục: Kế bên khu vực khảo cổ, bên trong hàng rào sắt là một phần của trụ đá vua A-dục. Nhà vua cho xây trụ đá này vào khoảng 250 trước TL trong dịp đi chiêm bái các thánh địa Phật giáo tại vùng này. Trụ đá nguyên thủy cao 21.33m trên đỉnh có tạc tượng sư tử bốn đầu. Thời gian sau trụ đá bị gãy và trong các cuộc khai quật sau này người ta đã tìm thấy được phần trên của trụ đá, phần này được đưa vào trưng bày trong Bảo tàng viện khảo cổ ở Lộc Uyển. Phần dưới thân trụ đá vua A-dục cho khắc những hàng chữ Bramin khuyến bảo các đệ tử Phật nên sống hòa hợp trong tăng đoàn. Theo các ký sự ghi lại thì trụ đá này đánh dấu nơi Đức Phật phái 60 người đệ tử A La Hán đầu tiên trong giáo đoàn đi khắp nơi để tuyên dương Phật pháp.

 Ngày nay, chúng ta đến chiêm bái Lộc Uyển, nơi lưu dấu ngọn đuốc chánh pháp được thắp đầu tiên, và tiếp tục tỏa sáng để giải tỏa những gút mắc tâm linh cho nhân loại. Bài học về vô thường càng rõ nét, đã khích động mạnh mẽ đến tâm linh mỗi người khi chứng kiến những thăng trầm thành hoại của lịch sử. Bên cạnh những thăng trầm đó, có một điều mà ai cũng thầm nhận, đó là dù trải qua bao nhiêu biến cố, Đạo Phật vẫn âm thầm tồn tại và phát triển.
 

[ Quay lại ]