Bồ Đề Đạo Tràng
- Chi tiết
- Được đăng ngày Thứ hai, 08 Tháng mười hai 2008 07:39
- Viết bởi nguyen
Tất cả dòng cảm nghĩ dù ngắn dù dài đều cùng chung tựu điểm nói về cảm xúc từ "tâm", có khi diễn đạt chiều sâu triết lý, có khi biểu hiện cảm xúc chân tình, làm rung động lòng người:
Buổi khuya gần bốn giờ sáng, chúng tôi thả bộ đến Bồ-đề Đạo tràng. Khí trời vẫn còn lạnh, con lộ vắng người và yên tĩnh. Bồ-đề Đạo tràng dường như không ngủ - đèn vẫn sáng rực suốt đêm.
Những bóng người âm thầm thiền tọa rải rác khắp nơi. Tiếng tụng kinh vang vang đâu đó. Chúng tôi đến cội cây Bồ-đề, tìm một góc nhỏ và lặng lẽ trải tọa cụ ngồi thiền. Xung quanh được bao trùm bởi một làn khí thanh thoát, nhẹ nhàng nên đã giúp cho chúng tôi rất nhiều trong việc lắng tâm để trở về với chính mình. Trên khuôn mặt mọi người đều lộ vẻ hoan hỷ, sùng kính và một lòng hướng về đức Từ tôn.
Nhìn vào khung cảnh trang nghiêm này, với bao nhiêu con người cùng tụ hội nơi đây, có ai dám bảo rằng trong tâm mỗi con người đã từng là bãi chiến trường luôn nổi lên bất tận những thứ phiền não, gian dối, hận thù, khổ đau! Thế mới hay thiện ác bất phân.
Bởi vậy, nếu không biết thắp lên ngọn đèn tỉnh thức, một ánh sáng hằng hữu, thì làm sao dung hòa, để phai nhạt đi mọi thứ sanh tử không cùng này.
Câu nói của Phật sau khi thành đạo, dường như đang văng vẳng bên tôi: "… Trong bao kiếp lang thang luân hồi, ta đã tìm gặp kẻ xây cất nhà. Bây giờ ngươi chớ hòng xây cất, sườn nhà, đòn dông… đã không còn. Như Lai đã chứng tròn đạo quả." (Đức Phật Và Phật Pháp - Narada)
Kẻ đó là ai? Mỗi người hãy tự khám phá lấy, để rồi một ngày nào đó lời nói của Phật cũng chính là lời nói của mình đã thốt tự đáy lòng.
Thật ra, nếu nhìn sâu hơn thì sẽ thấy rằng những phiền não này chỉ là những lượn sóng nhỏ, là những bọt nước lao xao trên mặt của cả một đại dương mênh mông sâu thẳm. Với độ sâu ngút ngàn, với khoảng rộng vô cùng kia, sự yên ả thanh bình và lắng đọng của biển tâm, mắt nào nhìn thấy được?
Sự thinh lặng trong ngần này có bao giờ đụng chạm hay làm tổn thương đến ai đâu - hằng hiện diện mà chẳng ai biết ai hay! Nên con người đã mê lầm mà không biết nó có mặt. Con mắt trần gian chỉ thấy nỗi khổ đau mà không nhận ra được sự bình an đã miên viễn nằm trong lòng bàn tay tự bao giờ
Ngũ ấm phù vân không khứ lai
Tam độc thủy bào hư xuất một.
Huyền Giác
Một khi thấy rõ được điều này rồi, thì bao nhiêu thứ hơn thua được mất… trong cuộc đời đều rũ sạch, không còn quan trọng. Người ta sẽ sống với nhau thật hết lòng, để đến khi chia tay ra đi chẳng chút bận lòng.
Cho nên khi đến đây, Bồ-đề Đạo tràng, nơi Đức Phật đã thành đạo, sau 49 ngày thiền định, Ngài đã sống được trọn vẹn chỗ thinh lặng tinh khôi kia, đã thành tựu được Vô thượng Bồ-đề, Chánh đẳng Chánh giác sẵn có nơi chính mình. Mọi người đều noi theo gương sáng này mà lặng lẽ đi, lặng lẽ ngồi, lặng lẽ sám hối, chẳng hề có một tiếng động âm thanh nào khác, vang lên. Ngoại trừ những lời kinh. Ngẫm cho cùng, một con người dù có độc ác, si mê đến thế mấy đi nữa, thì đó cũng chỉ là những thoáng lao xao huyễn hóa, chỉ dao động trên bề mặt của biển tâm mà thôi, và luôn nhớ rằng, mỗi người còn có cả một "Đại dương tâm" quá thênh thang rộng lớn vô cùng kia. Há không thể dung nhiếp và chuyển hóa được sao! Và thành đạo chỉ là thành cái vốn đã sẵn có, vốn đã thanh tịnh sáng suốt tự bao giờ. Chúng ta mong rằng mọi duyên lành có đủ để ai cũng mau tỉnh thức quay về, để cùng nắm tay nhau hoan hỷ sống hòa bình thương yêu - Thế thôi.
Sư cô Thuần Hậu