headertvtc new


   Hôm nay Thứ bảy, 23/11/2024 - Ngày 23 Tháng 10 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

VÔ THƯỜNG SÓNG NẮNG

 Rời sông Hằng, chúng tôi lên xe đi tiếp đến Bồ-đề Đạo tràng. Con đường xa diệu vợi, cũng phải hơn một buổi mới đi qua hết. Tôi lại nhớ đến Đức Phật, ngày xưa Ngài đã từng qua lại trên những con đường này biết bao nhiêu lần để hóa độ chúng sanh. Đây là lối đi từ vườn Lộc Uyển, nơi Phật chuyển pháp luân, đến Bồ-đề Đạo tràng. Phật không phải đi bằng xe, bằng máy bay như chúng tôi hiện giờ, mà Ngài đã tự đi trên đôi chân bình thường của chính mình. Đi với tâm an nhiên tĩnh tại bất động chứ không phải với một tâm nôn nóng, vội vã, biến đổi sát-na như chúng tôi hiện giờ. Cho nên lực đi của Ngài là lực đi vô tận, còn chúng tôi chỉ là một sức mong manh, cứ mãi nương tựa mà thôi. Chưa đi đã thấy mệt!

Sáng hôm sau chúng tôi đến viếng Khổ hạnh lâm và dòng sông Ni-liên-thuyền, nơi Đức Phật đã phát lời thệ nguyện vĩ đại: "Nếu ta chứng được quả Phật, thì bát này phải nổi trên mặt nước và trôi ngược dòng sông trở lại." (Phật Giáo Đại Cương - Giác Nguyện). Quả nhiên cái bát nổi trên mặt nước và trôi ngược lại dòng sông, đến khi gặp phải một xoáy nước mạnh thì chìm xuống đáy sông. Nhờ lời thệ nguyện này mà Ngài đã chứng đạo và truyền mãi đến ngày nay.

Sông Ni-liên-thuyền không như ngày xưa, chẳng phải là một dòng sông trong xanh, nước mênh mang như tôi dự tưởng. Trước mắt tôi, chỉ là một dải cát trắng trải dài, lác đác đây đó vài vũng nước. Dòng sông đã trở thành bãi cát khô cạn. Vô thường đã có mặt ở đây tự bao giờ. Và dòng sông A-nô-ma, bên cạnh thành Ca-tì-la-vệ cũng vậy. Ngày xưa Phật phải nhờ vào sức thần của ngựa Kiền-trắc mới qua sông được, mà giờ đây chỉ còn là một cánh đồng, một lối đi mà thôi.

Những bài học vô thường này đã nhắc nhở cho chúng tôi biết là bao nhiêu! Nếu không biết nương vào đây để tỉnh thức thì sẽ trầm luân vĩnh kiếp.

Nhưng một khi đã chiêm nghiệm, đã thấm sâu được lý vô thường thì vô thường lại biến thành sức sáng tạo tuyệt vời vô biên cho đời sống. Mặc dù những thứ này chỉ là huyễn hóa ảo giác, nhưng đồng thời ta khám phá ra được cái lực kia của mỗi người lại vô tận, lại bất biến thênh thang.

Nếu không có sự vô thường thì làm sao ngày hôm nay khi bước chân đến xứ Ấn, tôi có dịp chiêm ngưỡng những công trình được xem là kỳ công của thế giới. Một công trình quá điêu luyện, quá tinh vi của nền văn hóa hàng ngàn năm.

Hay là những tiến bộ khoa học mà tất cả đều do bàn tay khối óc con người tạo dựng. Cho nên vô thường đã được xem như những nét chấm phá cần thiết, để tô điểm thêm cho bức tranh tĩnh mặc ngàn đời bất biến thế thôi. Vô thường không còn là một đối thủ đáng sợ của cái thường hằng, mà đã trở thành một phần tất yếu, một đóng góp tích cực cho cuộc đời. Tương tự, giống như cái chết không còn là một điều sợ hãi cho chúng ta. Cái chết chỉ là một phần rất đáng yêu của sự sống, nó giúp cho sự sống được hoàn hảo, được tốt đẹp hơn lên. Có phải?

Cả đoàn chúng tôi lại đi kinh hành trên dòng sông Ni-liên-thuyền, qua đến bờ kia và trở lại. Đi để thấm sâu những lời dạy của chư Phật tự ngàn xưa - Vô thường - Bất diệt.

Dòng Ni-liên-thuyền khô cạn nước, Thầy dẫn cả đoàn đi kinh hành theo hướng Đức Thế Tôn đã đi khi Ngài nhận bó cỏ rồi đến Bồ-đề Đạo tràng, chúng con lại nguyện thầm cho đời đời ngôi Tam bảo trường tồn dìu dắt chúng sanh vượt bể khổ đến bờ giác ngộ.

Sư cô Thuần Hậu
 

[ Quay lại ]