headertvtc new


   Hôm nay Chủ nhật, 19/05/2024 - Ngày 12 Tháng 4 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
Phatdan2024  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

Về Thăm Bồ Đề Đạo Tràng

 Luôn có hai vế đối nghịch trong đời người: hoặc vui buồn, hoặc có không… xen lẫn với nhau, không trạng thái nào cố định. Nhưng! Hãy đến để mà thấy, hãy đọc rồi cùng đồng cảm:

Trong chuyến thăm Phật Tích năm 2007, khi vừa chân ướt chân ráo tới Bồ-đề Đạo tràng, tôi đã "phang ngang" một câu cùng quý cô rằng "Năm sau con sẽ đưa đoàn hành hương về đây". Cũng nhờ một câu ‘không qua suy nghĩ’ mà năm nay tôi đủ duyên cùng phụ với chú Tuệ Quán đưa Đoàn về thăm xứ Phật.

Bồ-đề Đạo tràng, cái tên không xa lạ gì đối với mỗi người con Phật. Tại đây Đức Bổn Sư đã trải qua những tháng ngày khám phá tâm mình và chứng thành Phật Đạo. Tôi đoán chắc rằng mỗi người chúng ta, ai nấy đều có những đồng cảm khi đặt chân đến nơi này. Nhưng bên cạnh đó, mỗi người cũng sẽ có những cảm nhận ‘rất riêng’.

Với tôi, những kinh nghiệm về ‘Bồ-đề Đạo tràng’ không thể được mô tả qua bài viết. Chỉ khi nào bạn đặt chân đến nơi đây, đối diện với ‘Đại Tháp’ uy nghi, hít thở cái không khí trong lành và hòa mình vào cái ‘yên lặng hùng tráng’ của cội Bồ-đề thì bạn sẽ tự có một giải đáp chân thật về ‘Bồ-đề Đạo tràng’. Như kẻ độc ẩm tự biết hương vị của chén trà trên tay, có nói nhiều chỉ tốn công mô tả. Nếu như đủ duyên, mời kẻ đối ẩm một chén trà là tất cả đều được cảm thông. Đây cũng chính là lý do tôi thích được đưa Đoàn về thăm Đất Phật, để được chiêm ngưỡng nét đẹp bình dị trên gương mặt của mỗi người, để được nhìn thẳng vào mắt nhau và mỉm một nụ cười ý nhị. Nói như vậy thì ngang đây phải đề chữ ‘Hết’, và lồng thêm một câu quảng cáo: ‘Xin mời bạn tham dự chuyến hành hương năm sau’. Đôi khi ‘nhiều lời’ cũng rất cần thiết, nên thôi tạm qua lại vài dòng để chia sẻ kinh nghiệm cùng bạn hữu.

Sau ba ngày đường vất vả, từ Đề-li, đoàn lấy xe lửa đi Varanasi (thành Ba-la-nại), viếng thăm Lộc Uyển và sông Hằng. Ngày 20 tháng 2 năm 2008, đoàn lên xe bus tiếp tục cuộc hành trình về Bồ-đề Đạo tràng, quận Gaya, tỉnh Bihar. Xe khởi hành lúc một giờ trưa. Bốn chiếc xe bus chở 124 vị, hơn 200 hành lý và một bộ Đại Tạng Kinh do phái đoàn Úc cúng dường chùa Kiều Đàm Di, Vaisali. Khung cảnh trên đoạn đường từ Varanasi về Gaya rất đẹp, những cánh đồng hoa cải vàng trải thảm hai bên đường, xen lẫn là những vườn xoài xanh um. Những phụ nữ Ấn mặc những chiếc sa-ri sặc sỡ, ngồi thành từng nhóm nhổ cỏ, hoặc đội những bó rơm đi thành từng hàng điểm tô cho khung cảnh đồng ruộng thêm sống động. Xe chạy mỗi hai tiếng thì dừng. Con đường này chỉ dài có hơn 200km, mọi năm nó được mệnh danh là con đường đầy ổ "khủng long", mỗi lúc xe dằn, ai nấy đều ‘tê tái’. Năm nay con đường đã được tráng nhựa, nạn kẹt xe cũng được giảm bớt. Gần tám giờ tối, đoàn tới khách sạn Mahayana, Bồ-đề Đạo tràng. Theo kinh nghiệm bản thân, tôi biết chắc mọi người đều hồi hộp khi về đến đây. Những sách vở, lời kể về Bồ-đề Đạo tràng chắc đã góp phần thêu dệt khung cảnh nơi đây trong tâm trí của mỗi người. Phần tôi, dù đã được đến đây, nhưng sự trở lại làm tôi cũng hồi hộp không kém… tôi thích được chứng kiến sự rung động của mỗi người khi đặt chân trần trên thềm đá và ngắm nhìn Đại Tháp Giác Ngộ lần đầu tiên.

Buổi sáng trời còn mờ sương, khung cảnh tịch tĩnh của Đại Tháp thật hùng vĩ. Đoàn người nối nhau đi từ khách sạn sang khuôn viên Đại Tháp, ai nấy đều khấp khởi cho cuộc ‘hội ngộ’ vô giá này. Cô Từ Anh sắp xếp cho đoàn nhận hoa, xếp hàng và theo chân quý thầy vào bên trong để nhiễu Tháp và dâng hoa cúng dường Đức Phật. Quý thầy, quý cô trang nghiêm trong những chiếc y vàng, nối theo là đoàn Phật tử trong những chiếc áo tràng màu lam, hai tay nâng những dĩa hoa với lòng thành kính. Mỗi người một vẻ, nét đẹp nhẹ nhàng hiện ra trong từng bước chân thinh lặng. Có những cặp mắt đăm chiêu cố ngăn những cảm xúc tràn dâng trong lòng. Những giọt nước mắt tràn bờ lăn xuống má, những tiếng khóc thút thít vì xúc động… với tôi mỗi vị đẹp như một Bồ Tát. Tôi tự hỏi lòng - Có cái gì trong đời này ý nghĩa và giá trị hơn khi mình có thể nhìn thấy sự chấn động thật sự trong tâm của mỗi người con khi được về thăm quê Cha đất Tổ?

Bồ-đề Đạo tràng năm nay đông hơn năm trước. Từng đoàn người nườm nượp xếp hàng lần lượt tiến vào bên trong khuôn viên của Đại Tháp. Cả ngày, hàng chục đoàn đến từ nhiều quốc gia trên thế giới - phong cách, ngôn ngữ, tập tục có thể khác nhau, nhưng tất cả đều có chung một lòng tôn kính đối với Đức Từ Phụ. Nơi đây ngôn ngữ không còn là vách ngăn giữa con người. Một ánh mắt, một nụ cười, một nét trầm ngâm sâu lắng cũng đủ nói lên tất cả những gì mỗi người từng ôm ấp.

Tôi thích nhất những buổi sáng sớm sang tọa thiền bên cội Bồ-đề. Trong không khí yên lặng, mỗi người nhẹ nhàng chọn cho mình một chỗ ngồi. Ở đây không có thời khóa bắt buộc, không có chuông hô thiền và không có cả vị giám thiền với chiếc thiền bản qua lại. Mà nơi đây, trong mỗi một người, sự nỗ lực tinh tấn xuất phát tận đáy lòng mình. Chúng tôi, ai nấy đều tranh thủ vun bồi thêm niềm tin vào Đạo Pháp của chính mình. Những phút giây này, ai có thể ‘sống’ giùm mình được đây?

Một trong những điều thú vị khi ở trong khuôn viên Đại Tháp là đi nhiễu Tháp. Bạn có thể chầm chậm đi vòng quanh Đại Tháp từ vòng nhỏ ngay trên nền nhà bên ngoài Tháp, hay vòng rộng hơn phía sau bức tường ngăn khu vườn và nền nhà chính hoặc là vòng rộng nhất là hành lang phía trên bọc xung quanh Đại Tháp. Dù bạn chọn vòng nào để bắt đầu, bạn cũng sẽ thấy Đại Tháp sừng sững từ mọi góc cạnh. Vẻ đẹp uy nghi, hùng tráng mà ai nấy khi đối diện đều phải khép mình ngưỡng mộ. Nơi đây, bạn có thể liên tưởng tới những vị Tôn Túc, trong hơn 2.500 năm qua, đã từng đặt chân đến nền gạch này, gieo mình phủ phục trước cội Bồ-đề, đặt trán trên nền đất thiêng liêng với lòng biết ơn sâu sắc đối với Chân lý và Đạo pháp của Đức Bổn Sư. Theo tôi, trong một niệm yên lặng, bạn có thể thấy suốt tất cả và hiện diện với tất cả… Bao bọc xung quanh "Bồ-đề Đạo tràng" là những tự viện của Phật Giáo khắp nơi trên thế giới. Buổi chiều, đoàn được đi viếng thăm các tự viện – nào là chùa Nhật với Đại Phật Đảnh, chùa Tây Tạng v.v.. Mỗi ngôi chùa mang một sắc thái riêng, từ lối kiến trúc bên ngoài đến trang trí bên trong Chánh điện. Ngay đến hình tượng Đức Bổn Sư cũng thay đổi ít nhiều theo từng văn hóa của mỗi sắc dân. Đang lang thang giữa đoàn người qua lại, tôi chợt bật cười khi khởi lên ý nghĩ – mỗi quốc gia có một Đức Phật có hình tướng riêng biệt, mỗi một người lại có một Đức Phật mình thiết lập theo ý riêng của mình. Vậy trong đây, không biết ai đã khám phá được Đức Phật ‘không hình tướng’ của mình, luôn tròn vẹn nhưng không có chỗ trụ và có mặt ở mọi nơi, mọi lúc. Vậy đâu là Phật Việt Nam, Phật Miến Điện, Phật Thái Lan?

Tôi rất thích ‘phổ trà’, nhất là được ‘phổ trà’ tại Bồ-đề Đạo tràng. Không khí ở đây luôn cho tôi một cảm xúc nồng ấm. Ở đây, không có người già, người trẻ, người cao, người thấp… Tất cả những khác biệt đều được buông bỏ. Nơi đây chỉ có những người "đồng sự", cùng nương vào nhau, chia sẻ những kinh nghiệm và khích lệ nhau ‘tinh tấn’. Với tôi, được tận tay pha trà và dâng mời tất cả những người "đồng sự" là một đặc ân to lớn nhất.

Tạm biệt "Bồ-đề Đạo tràng", ngày 24 tháng 02 đoàn lên đường thăm núi Linh Thứu. Rời nơi đây, ai nấy không khỏi "bùi ngùi, xúc động". Những ngày tháng yên bình, sâu lắng luôn để lại một ấn tượng mạnh mẽ trong lòng mỗi người. Riêng tôi, tôi có một "Bồ-đề Đạo tràng" ở trong tâm, một ‘đạo tràng’ luôn có mặt quanh mình. Tôi tự nhủ lòng, trong cuộc đời, phải ráng tinh tấn và sống cho được như những ngày tôi đã sống ở đây.

Đức Phật vẫn còn đó, bạn có thấy chăng?

Tâm Bảo Tuệ

Chúng ta đều biết, Đức Phật Thích-ca Mâu-ni do nhiều kiếp huân tu, cuối cùng Ngài dụng công tọa thiền 49 ngày đêm dưới tàn cây Pipala được giác ngộ và thành đạo. Vì hiện tượng bất diệt đó, địa danh này đã trở thành Bồ-đề Đạo tràng và cây cổ thụ Pipala được đặt tên là cây Bồ-đề.

Không riêng đoàn hành hương chúng tôi mà là tất cả đều bị Thánh tích Bồ-đề Đạo tràng thu hút một cách kỳ diệu. Đối với chiếc nôi của lịch sử văn hóa Phật giáo này tất cả người con Phật đều ao ước ít nhất một lần đến chiêm bái. Bồ-đề Đạo tràng của năm tháng hoang tàn đổ nát không còn nữa, phút chốc chuyển hóa mạnh mẽ, và một lần nữa, nơi đây sẽ là trung tâm thế giới tâm linh của Phật giáo trên khắp thế giới. Với lòng tin và niềm tín thành thuần nhất khiến phát sinh sự thanh tịnh trong nội tâm của mỗi người. Đệ tử Phật tin rằng có những năng lực vô hình đang bao phủ khắp không gian ở Bồ-đề Đạo tràng, sẽ làm tăng thêm sức mạnh tâm linh của mỗi người trên con đường trở về tánh giác.

Trong kiếp luân hồi vô định, bình tâm suy xét thì mỗi chúng tôi đều có nhân duyên sâu với Phật pháp. Chính chủng tử này đã tạo duyên giúp chúng tôi đến đây chiêm bái và có sự chuyển hóa sâu sắc từ nội tâm. Thật ra, đối với những tác động nội tâm như thế, mỗi người đã từng cảm nhận nhiều lần trong quá trình tu học, nhưng sự chuyển biến tâm linh trong giây phút tại Bồ-đề Đạo tràng này thật đặc biệt và sâu sắc, tuy sự cảm nhận của mỗi người đều ở từng lãnh vực riêng, được biểu hiện qua thiền định, hoặc nương kinh hay qua cái thấy cái nghe… khéo nhận lại cái hằng hữu của mình. Song có người đem vấn đề ra suy xét, nhận định, có người chỉ nhận thấy niềm vui bàng bạc trong tâm hồn mà thôi. Biết rằng mỗi niềm vui dù sâu cạn nơi mỗi người đều có giá trị như nhau, song chỗ khác nhau của mỗi người là khéo bảo nhậm. Bởi quá trình giác ngộ, không chỉ trên lãnh vực chuyển đổi cái nhìn mà cần sự hỗ trợ của giới và định, hiểu và thực hành. Có vị biết trân trọng giây phút tỉnh giác này và luôn đồng hành phát triển, theo dõi từng chuyển biến tích cực nội tâm, điều này thực sự ích lợi. Có khi cũng nhận hiểu nhưng rồi tâm tiếp tục lang thang nhập cuộc vào những duyên cảnh mới, hoặc lâu lâu nhớ lại hay quên hẳn giây phút tỉnh giác quý báu của tâm, sự tỉnh giác này đã bị duyên trần vùi lấp. Đó là khác nhau của mỗi tâm hồn khi đến chiêm bái Thánh tích Bồ-đề Đạo tràng.

Cái thay đổi được con người là từ tâm, hoặc hướng thượng hay trầm luân cũng từ đó. Điều này ai cũng hiểu. Song việc thường soi xét vấn đề một cách sâu sắc và đặt ra cho mình một phương pháp phù hợp, nhất tâm xuyên suốt thực hành mới là khó, khó hơn cả việc băng mây vượt biển để tới xứ Ấn Độ xa xôi thăm viếng. Nghiệm kỹ lại, ông chủ xây nhà, số nhà ta đã biết, chỉ còn việc cuối cùng là làm sao gạt phăng hết mọi thứ không cần thiết đã đang và sẽ dính mắc, thì mục đích sẽ đạt đến, an vui với nội tâm tự tại.

Khi con người gặp nhau trên cùng lãnh vực tâm linh, thì sự xa lạ không còn là vấn đề nữa, đó là tâm trạng của những người đến Bồ-đề Đạo tràng. Mỗi ngày đến đây, cứ sau thời kinh và nhiễu quanh Đại tháp, chúng tôi cùng ngồi lại bên nhau, cùng nghe lời Thầy Trụ trì Trúc Lâm nhắc nhở, nói về ý nghĩa của từng thánh tích, hoặc nêu rõ tâm ý Phật Tổ. Tiếng Thầy thanh trong giữa sự chú ý của chúng tôi, không trau chuốt, không văn chương, cũng không dùng ngôn ngữ cao siêu huyền bí, mà là những lời giản dị xuất phát từ tâm của một bậc chân tu thực học.

Sáng hôm nay, thời thiền thay thời pháp hàng ngày, không khí mát lạnh, đượm chất thiêng liêng: Muôn nghiệp lặng an nhàn thể tánh, nửa ngày rồi tự tại thân tâm… Dứt trừ nhân ngã thì ra tướng thật kim cương, Dừng hết tham sân, mới lảu lòng mầu viên giác (STTL). Chúng tôi ghi nhận sâu sắc những giây phút thiêng liêng này trong suốt cuộc hành trình.

[ Quay lại ]