headertvtc new


   Hôm nay Chủ nhật, 19/05/2024 - Ngày 12 Tháng 4 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
Phatdan2024  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

BÌNH MINH TRÊN SÔNG HẰNG

 Năm giờ sáng, đoàn tập trung cùng đi viếng sông Hằng. Nguồn nước sông này đã cung cấp cho toàn cõi Ấn Độ rộng lớn. Thuở xưa, khi cần thí dụ đến số lượng to lớn thì Đức Phật thường đem cát sông Hằng để so sánh: Hằng hà sa số Phật, hằng hà sa số thế giới…

HTML clipboardTính chất đặc biệt nhất của sông Hằng là vùng đền thờ và Ghat để tắm cầu nguyện ở Ba-la-nại, nơi mà người dân Ấn tôn sùng và kính ngưỡng như là một nơi linh thiêng bậc nhất. 

 

HTML clipboard

Đoàn chúng tôi đi vào khu phố chợ, dọc theo các ngõ hẻm dẫn xuống sông Hằng. Cạnh bờ sông có nhiều bậc tam cấp. Đây là điểm sinh hoạt dành cho du khách đến du thuyền ngắm cảnh mặt trời lên và nhiều nét sinh hoạt tín ngưỡng đặc biệt của người dân Ấn.

 


 

Theo sách kể thì tháng ba hàng năm là ngày lễ đặc biệt của hàng tu sĩ Ni Kiền Tử. Họ lõa thể đứng tụ tập bên sông. Sau đó từng nhóm đi ngựa hoặc đi bên sông, hoặc ngồi quây quần bên đống lửa. Thân thể "lồ lộ", tóc râu dài lê thê và mình đầy những tro trông đến kỳ dị.

 Mọi người đi ghe trên sông để nhìn ngắm quang cảnh chung quanh. Trên bờ là nơi thiêu xác người. Khi người cáng xác chết đến bằng hai thanh gỗ đơn sơ, người thân lặng lẽ đi sau, không khóc than tủi phận cho người chết, lúc tiễn đưa cũng không kèn, không lễ nhạc. Cái chết ở vùng đất tâm linh lạ thường như vậy đó, tầm thường và đơn giản đến bạc bẽo vô tình. Người Ấn tin tưởng dòng sông linh thiêng cao quý này có thể rửa sạch tội lỗi của người quá cố, vì thế dù cách xa thế nào người ta vẫn mang đến bờ sông Hằng này để hỏa thiêu rồi ném tro xuống sông. Thông thường có bốn loại người khi chết sẽ không bị thiêu: Bị rắn cắn và người trúng độc chết có thể được cứu chữa khi cơ may đến. Em bé mới sinh còn trong trắng chưa tạo tội và bậc hiền trí có công năng tu tập loại bỏ được phiền não nên cũng không cần thiêu bỏ xuống sông để rửa tội.

Chúng tôi đậu thuyền vào bờ và lên bãi cát bờ kia của sông Hằng. Nhìn mặt trời lên, không biết có ai trong đoàn thầm cầu nguyện không? Chỉ thấy mọi người hoan hỉ ghi ảnh lưu niệm. Chúng tôi tìm đạo lý gì ở những nơi này? Đây không phải là con sông linh thiêng được tôn sùng nhất Ấn Độ hay sao? Nó đã đi vào lịch sử với hơn 5000 năm văn hiến, đã cùng chung hưởng vinh nhục qua bao thời đại, đã bình đẳng thu nhận bao nhiêu thế hệ sinh linh không phân biệt nghèo giàu, sang hèn, chỉ lặng lẽ bao dung và không hề than trách. Sông Hằng là người mẹ chung của dân tộc Ấn Độ.

 Một con chó đi theo Thầy xin ăn. Thầy và nhiều người cho nó thức ăn. Thầy đã vuốt đầu nó, tôi thầm nguyện sau này nó được hữu duyên gặp Phật pháp tu học. Chó ơi! Ngày nay chó no bụng, ngày mai ra sao? Nhiều người cơm còn chưa no, áo không đủ ấm thì làm sao chó no lòng được? Biết nói sao và biết làm gì đây? Tôi thấm thía câu Sư ông đã dạy: "Cứu khổ chúng sinh là dạy cho người giác ngộ". Nhưng niềm vui và khao khát của chúng sinh là những bữa ăn no đủ, làm sao có thể chuyển hóa những con người bất hạnh, nghèo thiếu ấy biết tin sâu nhân quả, chuyển ác làm lành, quy y Tam bảo đây!

Những gì Phật nói khi xưa đều có thể trông thấy. Ấn Độ ngày nay vẫn còn mang nhiều màu sắc cổ lạ lùng.

Nói đến sông Hằng, là nói đến cảnh BÌNH MINH TRÊN SÔNG

Đây là con sông được nhắc đến nhiều nhất từ thời Phật còn tại thế. Nói đến sông Hằng là nói đến con số vô cực bất khả tư nghì, không thể tính đếm được. Cho nên trong trí tưởng của tôi luôn in đậm một con sông rộng lớn mênh mông, chẳng thấy được bến bờ. Nhưng khi đến đây thì mọi điều đã trái ngược, vẫn là một dòng sông bình thường nhỏ hẹp như bao nhiêu dòng sông khác. Có lẽ đây chỉ là một nhánh sông mà thôi. Chúng tôi ngồi trên những chiếc thuyền được chèo bằng tay, đôi lúc thả lỏng cho trôi chậm trên sông, hai bờ chẳng cách xa nhau mấy, chỉ cần đưa mắt nhìn là đã thấy bờ kia, một dải cát trải dài.

Sông Hằng được phát xuất từ dãy núi Hymalaya cao ngút ngàn rồi tuôn chảy gần khắp xứ Ấn. Mỗi khúc sông đều mang một vẻ mặt khác nhau. Từ lâu con sông này được nổi tiếng, nhờ tính cách thiêng liêng của nó. Hằng ngày, cứ mỗi buổi sáng khi mặt trời bắt đầu ló dạng, từng đoàn người lũ lượt kéo ra bờ sông làm lễ, cầu nguyện, thiền định và ngâm mình trong dòng nước lạnh… với một tâm thành khẩn. Bên cạnh đó, thấp thoáng những ngọn lửa bắt đầu cháy bùng, người ta đang đốt những tử thi vừa được mang ra. Cho nên con sông sẽ là nơi nhận trực tiếp những tro xương này, và những rác rến nhơ bẩn của thành phố đổ xuống!

Ngồi trên thuyền, tôi mở mắt lên cố nhìn ra sự trong suốt hay tinh khiết nào đó của dòng sông để minh chứng cho sự linh thiêng này, nhưng hoàn toàn không thấy. Tôi đã từng đi qua những nơi nước trong vắt soi rõ tận đáy, vừa thấy là có cảm giác nhẹ nhàng.

Tôi tự hỏi, như vậy thì sự linh thiêng ở chỗ nào, nếu chúng ta chỉ nhìn bằng con mắt của trần gian! Nếu không linh thì vì sao đã trải qua ngàn năm vẫn không thay đổi cái nhìn của con người ở đây? Niềm thành kính thần phục vẫn hiển lộ rõ ràng trên khuôn mặt từng người dân xứ Ấn. Thế mới biết cái linh thiêng đã bắt nguồn từ niềm tin bất động của con người. Một khi họ sẵn sàng buông sạch hết những thứ vô thường trong cuộc đời để quay về với chính mình, với lòng tin thánh thiện tinh khiết thì tự nhiên tâm an bình và giải thoát. Ngày nào họ còn niềm tin thì họ sẽ còn an ổn, thế thôi. Cho nên đối với một du khách từ xa đến thì "Sông Hằng linh thiêng" vẫn là một dấu hỏi còn bỏ ngỏ!

Sự linh thiêng chỉ có được ở một tâm vô nhiễm, bất khả tư nghì. Nó chỉ được cảm nhận trong cái vô ngôn chứ không thể thấy bằng mắt hay dùng ý thức để suy luận được. Không phải chỉ riêng sông Hằng mới có sự linh ứng này, mà thật ra nó đã hằng hữu ở nơi mỗi chúng sanh, đã sẵn có tự bao giờ. Nhưng con người đã không đủ niềm tin nên lại phải nương vào tha lực, vào dòng sông, vào những tập tục ngàn xưa để có sức đứng vững trong cuộc đời.Tôi lại nhớ

 đến bài hát của Sư cô Hạnh Huệ:

            . . . Núi linh không phải vì núi cao,
                 Núi linh không phải vì núi sâu
                 Núi linh vì có người sống đạo
                 Núi linh vì giúp đời thoát chiêm bao...

Thế thôi, bạn có tin chăng!

Buổi sáng tinh mơ, vẫn còn cái lạnh của đêm, của sương mai. Mặt trời bắt đầu lên, đỏ ửng từ chân trời và tròn sáng rực rỡ. Cho dù khi đã lên cao màu đỏ của mặt trời vẫn không tan. Đây là một đặc điểm của Bình minh trên sông Hằng. Chúng tôi rời thuyền lên bãi cát và cả đoàn đi kinh hành. Những bước chân thong thả, tỉnh thức và an bình vô cùng. Từng bước, từng bước và tôi chợt nhớ về những dấu chân Phật từng đi qua…

Sư cô Thuần Hậu

Tiếng hát dòng sông, lời nhắn nhủ của xác người vừa thiêu, tình yêu và sự ban phúc của dòng sông thiêng này được Sư cô Như Chánh diễn đạt qua vài hàng chân tình mộc mạc:

Dòng sông Hằng, với những đĩa hoa và nến do đoàn thả trên mặt sông vào buổi sáng sớm, lúc trời còn mờ tối, lấp lánh như những vì sao, nguyện cho chúng sanh thoát khỏi biển mê quay về ánh sáng của tự tâm.

"Chúng sanh khổ, nguyện xin cứu khổ". Chúng tôi mua cá từ những thuyền nhỏ của người dân địa phương nhờ Thầy phóng sanh và chú nguyện cho chúng quy y Tam bảo.
 

 

[ Quay lại ]