Khổ Hạnh Lâm
- Chi tiết
- Được đăng ngày Thứ bảy, 20 Tháng mười hai 2008 05:37
- Viết bởi nguyen
Với tinh thần bất khuất, nay đây mai đó trong vùng Magadha để tìm trạng thái vắng lặng và hoàn toàn tịch tĩnh, một ngày kia Đạo sĩ Gotama đến Uruvela, thị trấn của xứ Senâni. Nơi đây Ngài tìm ra một địa điểm giữa đám rừng tươi tốt, bên cạnh một dòng sông ngoạn mục, uyển chuyển uốn mình trong lòng hai bãi cát trắng phao, trải dài dưới ánh mặt trời.
Ngài nghĩ như sau: "Cảnh vật quả thật hữu tình, cụm rừng đẹp đẽ, dòng sông thú vị với bãi cát trắng và cách thôn xóm không xa, ta có thể dễ dàng đến đó trì bình."
Vào thời bấy giờ, và đến nay vẫn còn, ở Ấn Độ có sự tin tưởng mãnh liệt rằng nếu không khép mình vào lối tu khắt khe ép xác khổ hạnh ắt không thể thanh lọc thân tâm và tiến đến giải thoát cùng tột. Trưởng thành trong niềm tin này, Đạo sĩ Gotama và nhóm đạo sĩ gọi là năm anh em Kiều-trần-như bắt đầu cuộc chiến đấu phi thường kéo dài sáu năm trường, tự khép mình vào nếp sống cực kỳ kham khổ.
Nhằm ngăn ngừa, không để tâm đeo níu theo những thú vui của nhục dục ngũ trần, Bồ Tát đã khép mình vào lối sống cực kỳ kham khổ. Mặc dầu ép xác khổ hạnh đến mức cùng cực, Ngài không đến gần mục tiêu giải thoát hơn. Chính Ngài thuật lại trong bài kinh trên như sau:
"… Rồi tư tưởng sau đây phát sanh đến tôi: ‘Dầu các đạo sĩ hay các nhà tu khổ hạnh trong quá khứ đã chịu những cảm giác nhức nhối, đau đớn dữ dội hay xót xa như thế nào, thì cũng đến mức này là cùng, không thể hơn nữa. Dầu các đạo sĩ hay các nhà tu khổ hạnh trong tương lai sẽ chịu những cảm giác nhức nhối, đau đớn dữ dội hay xót xa như thế nào thì cũng đến mức này là cùng, không thể hơn. Tuy nhiên, đã trải qua bao nhiêu khắc khổ, khó khăn và đau đớn mà ta không đạt được điều chi tốt đẹp, xứng đáng với sự giác ngộ cao thượng và trí tuệ vượt hẳn những trạng thái của loài người.
... hay là còn con đường nào khác dẫn đến Chứng Ngộ Cao Thượng chăng?"(*)
Trên là một văn kinh ghi lại bước đường tầm tu học đạo gian khổ của Phật. Đọc qua, chúng con nghe lòng tràn đầy cảm khái về quá trình chiến đấu của Ngài. Hôm nay, đoàn chúng con từ vạn dặm xa xôi, chân thành về đây kính lễ. Ngoài tấm chân tình ấy ra, đoàn hành hương còn chuẩn bị chút ít quà: gạo, tiền để tặng cho con cháu của vùng đất thiêng này. Với lòng trân trọng đặt từng bước chân lên vùng đất tâm linh, chúng con ngồi nơi mà Ngài đã từng ngồi, đi qua những đoạn đường, dốc đá mà Ngài đã từng leo và chúng con đã hít thở trong bầu không khí kiên cường, bất khuất của một dũng sĩ cương quyết chiến thắng giặc thù nội tâm. Mặt trời lên cao, gần quá ngọ, đoàn vội vã trở về để lại niềm khát vọng chưa thỏa của những người dân bản xứ còn mong mỏi được nhận chút đặc ân gạo, tiền. Thật là đáng tiếc! Đứng trước sự nghèo thiếu như dòng thác lũ của dân nghèo, đoàn chúng tôi không thể thực hiện viên mãn bản hoài thương yêu chia sẻ như đã mong muốn. Âu cũng là duyên.
"Dù nhìn dưới bất kỳ góc độ nào, du khách cũng đều chung tâm trạng và cảm hoài cho cảnh đời của các em bé nhỏ trong nhiều gia đình nghèo nát tả tơi đang run mình trong những chiếc chăn đen đầy bụi bám; tội nghiệp những người phu khuân vác, người thợ đạp xích lô vì họ là những người bất chấp cái khó của cuộc đời cố xâm mình bươn chải vào cái lạnh cái nóng để nhọc nhằn kiếm được những đồng xu trong ngày hầu che chở cho gia đình. Cái khổ đau lam lũ chồng chất của kiếp người như bày ra trọn vẹn ở nơi họ và nơi cuộc sống của chính họ. Quanh năm suốt tháng quần quật mà được gì đâu ngoài những đồng xu kiếm được vừa đủ mua một vài bó rau, ký gạo. Rồi những nơi họ ở thường vỏn vẹn đơn sơ như chính cuộc đời của họ; một mái nhà tranh dựng nghiêng nghiêng trên bốn bờ tường đất sét, một hai cái giường bằng dây thừng bện lại, một lu nước và một vài con bò con. Căn chòi tranh bé nhỏ ấy lại phải bao trọn cả gia đình năm bảy người và đôi khi cũng phải dành chỗ cho những chú bò, chú bê con chung sống.
Vậy đó, cuộc sống đa phần của người dân ở đây là vậy. Nhưng trong hoàn cảnh sống ấy, có lẽ người ta cũng phải tìm ra hạnh phúc, lạc thú của cuộc đời để tiếp tục vươn lên sống. Hoặc giả, họ tìm chút tình bé bỏng nơi các con vật trong nhà, trong vườn dù là một con bò hay con bê nhỏ. Người và vật thắm thiết với nhau lắm. Các con vật ấy là bạn, là ân nhân của mọi người: nó giúp người cày cấy, cho sữa để nuôi sống cả gia đình, cho phân để đốt lò thế củi, cho niềm vui bạn hữu với con người".
***
Sau khi ghé thăm một số chùa như chùa Tây Tạng, Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản, chùa Việt Nam Viên Giác Tự. Đoàn đến Khổ hạnh lâm, trước Thánh tượng ghi lại hình ảnh Bồ-tát Gotama chỉ còn da bọc xương đánh dấu sáu năm khổ hạnh, con tự cảm thấy hổ thẹn trước những yếu đuối của mình.
Trên đền những con khỉ đến xin ăn, dưới dốc núi là đoàn người nghèo khổ, tật nguyền đang xếp hàng chờ phát quà. Khổ đế trần gian đang hiện ra trước mắt chúng con. Trên suốt dọc chuyến hành trình, những người dân bần cùng thuộc giai cấp thấp nhất của xứ Ấn, sống vất vưởng trên các vỉa hè, công viên, màn trời chiếu đất, chỉ sống bằng tiền bố thí của mọi người. Nhân duyên, quả báo. Chỉ thầm cầu nguyện cho mọi người đủ duyên lành quy hướng Tam bảo để được giải thoát khổ đau.
Sư cô Như Chánh