CÁI TẾT CUỐI CÙNG TRÊN SƠN MÔN
- Chi tiết
- Được đăng ngày Chủ Nhật, 12 Tháng Hai 2017 13:53
- Viết bởi Super User
Thầy Trụ trì Chơn Không y lời dạy của Thầy Viện chủ sửa soạn lần ăn tết cuối cùng theo sự hướng dẫn của Thầy Viện chủ. Thầy đã chuẩn bị lương phạn bánh mứt cho đủ dùng 3 ngày tết. Với bánh tét đã gói một giạ rưỡi nếp (200 đòn bánh). Những lương thực này nhằm vào Thiền sinh ruộng rẫy sức ăn như … voi
Và rồi tết đến, mọi người trên núi đều ăn tết cuối cùng, "đón giao thừa cuối cùng". Ðể rồi thăm viếng nhau ngày xuân trên non "lần cuối", mùa xuân "cuối cùng" và … nói đạo lý "cuối cùng"!
Nghe nó sao ấy! hình như người ăn tết, ăn bánh mứt không phải là ăn tết, ăn bánh mứt mà lo ăn cái "cuối cùng", nhai cái "cuối cùng", uống cái "cuối cùng". Cái "cuối cùng" đã trở thành quà xuân cho nhau vật phẩm "lì xì".
Các Chiếu đổ người về, hết Chiếu này đến Chiếu khác. Những Thiền sinh này về lại thăm non "lần cuối". Thăm Chơn Không, bà mẹ già lần sau cùng để rồi dìu bà cùng xuống núi ở chung miền ruộng rẫy. Các đứa con nhỏ lớn của Mẹ đã về đây. Chúng đã xúm xít trong lòng mẹ, đã như lòng chia xớt với mẹ nỗi niềm núi non. Những đứa con gái và con trai này đã bên mẹ nói lên lòng hiếu thảo của mình qua gia tài của mẹ, qua nguồn hơi ấm, giọt sữa linh thiêng. Và bọn trẻ, những đứa con gái bé bỏng đã nằm trong lòng mẹ ngửa mặt nhìn người, xin hát cho mẹ nghe. Hát rằng:
Mẹ, mẹ là nguồn nước dòng Tào, là nải chuối buồng cau. Là ánh mắt trăng sao khi con lạc lối. Mẹ ….
Chơn Không vẫn còn.
Rồi mùa xuân 1984 lại qua đi. Chơn Không vẫn còn đó. Vẫn chưa có giải quyết cụ thể nào.
Và mùa hè đến, Chơn Không vẫn còn đó. Chơn Không "còn", người lại đổ về thăm. Thăm để rồi Chơn Không "đi". Chơn Không "còn" và Chơn Không "đi", nghe sao cũng vui. Nếu từ nơi ý nghĩa Chơn Không sẽ thấy có gì chẳng ứng hợp. Chơn Không bất động … "Thị chư pháp không tướng, bất sanh bất diệt, bất cấu bất tịnh, bất tăng bất giảm" Chơn Không là thế ấy!
Chơn không "còn" và "đi" người thăm viếng cho chừng ấy. Từ những miền xa, người đã biết qua Chơn Không một lần, hay chưa đã có biết qua chút hương vị Chơn Không cũng đều muốn đến thăm một lần chót để rồi Chơn Không sẽ đi.
Trong số người về thăm, cũng đã có người Tri khố Chơn Không dạo trước. Thầy đã về đây thăm lần này là lần thứ ba (1981-1984) mới đặt chân lên núi được. Những lần trước chỉ đứng từ xa nhìn 2 cái đĩa lủng trên chóp núi, rồi ngậm ngùi xót xa quay về.
Hôm nay Thầy đã về lại Chơn Không này cùng với số đệ tử. Gặp lúc Tu viện kiểm cây trồng để rõ số lượng mà tính bồi hoàn huê lợi. Thầy đã cùng số đệ tử và quý Thầy chia nhau tìm đếm.
Buổi sáng đếm cây trời thật u ám, mưa giăng lất phất. Việc đi lại có phần trở ngại đôi chút. Về phần quý Thầy chẳng có gì đáng nói. Riêng số Phật tử khi phải làm việc này, các vị đã có vẻ mặt như buổi sáng hôm nay. Các vị không thể giấu được nét mặt buồn. Những cây cối hay là sản vật đã trải qua biết bao công sức của Thầy mình và các vị sư bác, sư chú … trong nhựa sống, nó đã mang theo sự sống người gây tạo ra nó. Chúng là hiển hiện bao kỷ niệm của Thầy mình và bao Thầy khác.
Tìm cây đánh số, trải qua khu Thiền Thất, qua những ngôi thất nhỏ xinh xinh. Các Phật tử phải dừng lại và hỏi qua lai lịch từng ngôi thất và từng vị đã Trụ trì trong nó. Nhìn thấy rêu rác, nhìn mái tôn lá ủ, nhìn cửa đóng im ỉm, ổ khóa sét rỉ, cảnh vật u hoang, người Phật tử làm sao không cảm khái. Có vị đã động lòng sa nước mắt. Ngửa mặt nhìn lên như nói với mình rằng: nước mắt mình hay nước mắt trời đây!
Tiếc thay, người Phật tử đâu hay rằng: "Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng" (phàm có tướng thảy đều hư vọng). Có gì đâu!
Nhứt thiết hữu vi pháp
Như mộng huyền bào ảnh
Như lộ diệc như điện
Ưng tác như thị quán
Tất cả pháp hữu vi
như mộng huyễn bọt bóng
Như sương như điện chớp
Hãy nên xem như vậy
Vả, đã "phi cổ lai câm" (chẳng xưa nay) thì có gì kỷ niệm, có gì để nuối tiếc. Buồn thương, vương vấn có ích gì? Nước mắt mình hay nước mắt trời, cũng chỉ là nước. Cũng chỉ là:
"Ảo hoá phù vân không khứ lai"
trò ảo hoá như mây bay qua lại suông
Có gì đâu phải phiền lòng.
Chơn Không chưa đi nghĩa là Chơn Không vẫn còn. Chơn Không vẫn còn. Chơn Không đi rồi đâu có nghĩa là mất.
"Hoa lưu động khẩu ưng trường tại"
Rồi hết lớp này thăm đến lớp khác thăm. Trong số ấy lại rất nhiều xin được quy y để nhỡ sau này Chơn Không xuống núi thì cũng còn chút gì đó.
Và khách đến thăm đều lấy làm lạ, cảnh vật vẫn còn như thuở nào, không có vẻ gì hoang phế và vẫn giữ được sự sạch sẽ.
Sân đường xá vẫn được quét dọn hằng ngày. Cỏ rác cũng được là đúng kỳ đúng lứa. Cà ớt rau cải vẫn cứ xanh tươi.
Tăng chúng vẫn xem kinh đọc sách, hay chống gậy rong chơi, dáng vẻ vẫn thong dong nhàn hạ.
Nhưng Chơn Không hãy còn được ăn tết lần cuối cùng nữa. Tết nhất cũng được đặt ra và chuẩn bị cho cái tết. Cái tết năm 1985 này cũng khá đông vui.
Ðịa điểm được chọn di chuyển đến là Thiền viện Thường Chiếu, Long Thành.
Người Chơn Không đã an nhiên chờ đợi cái ngày ấy - ngày xuống núi.