headertvtc new


   Hôm nay Chủ nhật, 22/12/2024 - Ngày 22 Tháng 11 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

Viện chủ CHƠN KHÔNG HẠ SƠN

hinh01Lệnh giải tỏa đã được ban hành, nhưng các thủ tục di chuyển tiến hành chậm chạp, nên Tu viện Chơn Không vẫn còn yên vị trên núi Tương Kỳ.

Hạ năm 1985 lại đến. Lúc bấy giờ Thiền viện Bát Nhã đã được tháo dỡ di dời về Phổ Chiếu, các am thất đã dần dần hạ sơn. Nhưng mùa an cư kiết hạ vẫn tổ chức bình thường, số Tăng ni tham dự trên dưới 30 Thiền sinh.

Ðầu năm 1986 thì lệnh di chuyển Tu viện Chơn Không chính thức được thực thi, mọi việc được xem như đã an bài, theo duyên biến hiện, nên chẳng ai còn bận tâm về việc đi, ở như mấy năm về trước. Tất cả như đã sẵn sàng, nên đón nhận tin này với lòng thanh thản.hinh02

Ngày 6/3/1986 (AL) việc tháo dỡ chuyển dời được bắt đầu. Thiền sinh các Thiền viện từ Long Thành đến Bà Rịa và Phật tử các nơi cùng về Chơn Không chi lo công việc, y theo lời Hòa thượng chỉ dạy. Mọi vật liệu tháo dỡ đều được thu nhặt, gìn giữ cẩn thận, để chuyển về Thường Chiếu dựng lập cơ sở mới.

Sau khi đưa hai tượng Phật xuống núi an toàn, tiếp theo tháo dỡ Chánh điện chùa Viên Phước rồi đến Thiền đường Chơn Không. Từng viên đá chẻ được chắt chiu, chuyền tay qua dòng người xếp dài từ Thiền đường ở lưng chừng núi đến hang Ông Hổ ở chân núi. Công việc nhọc nhằn kéo dài từ sáng tới chiều, người người thấm đẫm mồ hôi, cả dến chan hòa nước mắt. Nhưng ai lấy lòng dặn lòng, gắng sức chu toàn công việc như là cách tỏ lòng hiếu kính của hàng môn hạ đối với Thầy, qua bao tháng năm lao nhọc khai sơn phá thạch, thắp sáng ngọn lửa Thiền, gây dựng chiếc nôi khôi phục Thiền tông, cho hàng hậu học sáng mắt sáng lòng. Dấu ấn hào hùng này muôn thuở không phai, thì Chơn Không dù ở hay đi khỏi núi Tương Kỳ vẫn nguyên lành một thể bất biến!

hinh03Qua 10 ngày đồng lao cộng lực, đêm cuối cùng nấn ná trên ngọn Tương Kỳ. Trăng ngày 17 tỏ rạng, trời bao la, biển ánh lên màu bạc, từ Phương trượng nhìn xuống, một bãi trống ngổn ngang đá gạch. Tăng ni, Phật tử đến bái biệt vị chủ Sơn Môn để sáng mai đưa Thầy xuống núi, lòng cũng xao động. Sau bài pháp ngắn của Viện chủ nơi Phương trượng, mọi người cung kính vái chào Thầy rồi xuống theo lối Ðại Mai. Trên cao vầng trăng vằng vặc, ngọn Tương Kỳ chìm lặng trong ánh trăng khuya. Người người tuy đi giữa ngổn ngang đá gạch mà lòng nhẹ tênh, ngẫm lại bao tháng năm qua, động dụng tùy duyên, mà chỗ Chơn Không sâu thẳm nơi mình chưa từng biến đổi!

Sáng 18/3/1986 (AL), Tăng ni, Phật tử tụ hội về mảnh đất Chơn Không đón Hòa thượng hạ sơn. Thời gian như ngừng lại, không gian im ắng tứ bề. Hòa thượng trang nghiêm, cung kính đốt nén hương trước mộ thân sinh, rồi chống gậy xuống núi, theo sau là Tăng ni và Phật tử. Người bước đi thanh thoát, nhẹ nhàng như những lần đi dạo ngày thường. Chính phong thái ung dung, cốt cách tự tại của Người đã làm an lòng hàng môn hạ, vơi đi những hoài niệm chốn cũ đường xưa.hinh04

Xuống đến chân núi, người người dừng bước, nhìn nhau ái ngại giây phút tạ từ! Hòa thượng cười vui, lên xe thẳng về Thường Chiếu, vùng trời diệu hữu phía trước đang chờ. Ðoàn người tiễn đưa quay nhìn Chơn Không lần cuối, rồi lặng lẽ chia tay, mỗi người mang riêng một nỗi niềm!

Như vậy hai mươi năm qua (1966 - 1986) trên ngọn Tương Kỳ biết bao dấu ấn dạn dày, đá mềm chân cứng, khai mở sơn môn. Thầy trò bên nhau, nối lửa mồi đèn. Rồi những tháng ngày lao đao, lận đận, Pháp âm tạm lắng,

hinh05Thời gian vẫn lặng lẽ trôi. Ðất trời vẫn một màu tịch tĩnh. Thể Chơn Không muôn thuở vẫn còn nguyên. Ðâu đây trên ngọn Tương Kỳ như còn ẩn giấu sức sống Thiền kỳ diệu. Hứa hẹn một ngày…. lại phát huy quang đại!

[ Quay lại ]