headertvtc new


   Hôm nay Thứ ba, 19/03/2024 - Ngày 10 Tháng 2 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

Bên ngọn Thái sơn

tvtltriducniAn Đức

Tiếng bảo chúng vang lên như xé tan bầu không khí của một đêm dài tĩnh mịch. Tôi giật mình thức giấc, khi nghe tiếng chuông chùa ngân xa từng hồi rồi im bặt báo hiệu sang một ngày mới.

Sau một ngày làm việc mệt nhọc, dù muốn dù không khi nghe tiếng kiểng rồi liền bật dậy, không còn lòng dạ nào mà nằm nướng, nề nếp thiền môn xưa nay là vậy. Mọi người khẩn trương thu xếp đồ đạc, vệ sinh cá nhân để lên điện Phật.

 Hồi ấy thiền viện còn đang xây dựng, phần lao động có lẽ nhọc hơn bây giờ rất nhiều, nhưng Sư phụ đã dạy: “Dù tụi con có làm Phật sự bận rộn vẫn phải thiết lập cho mình một thời khóa tu hành. Dù cho đôi chân có cháy rụi, có gãy ra từng khúc thì cũng phải ngồi cho bằng được. Tu là chính, còn làm tới đâu là do phước của mỗi người”. Việc học như uống nước, lao động như ăn cơm, tu như hơi thở. Lời Thầy dạy con luôn tạc dạ ghi lòng, mỗi lần như vậy, con như được tiếp thêm sức mạnh để vượt qua những khó khăn.

Huynh đệ ở đây đa phần chưa quen thức khuya dậy sớm, chưa quen với lao động tay chân, nhưng đã phát chân quy nguyên, các bạn cũng tự khép mình vào khuôn phép của viện. Có hôm lao tác mệt nhừ, lên ngồi thiền cứ thi nhau chào Phật, mà không có An nào dám bỏ xuống, vì có Thầy trấn giữ biên cương. “Không Thầy đố mày ngồi yên”, nhờ Thầy trấn thành mà Thiền đường giữ được quy củ.

Các bạn nhỏ mới xuất gia, như những chú chim non vừa lọt lòng mẹ, làm việc chi cũng cảm thấy mới mẻ lạ lẫm, có bạn chưa từng biết nấu cơm là gì. Làm việc gì Thầy cũng phải theo sát mà vẫn làm sai. Chúng càng ngày càng tăng lên với con số nhảy vọt, cho nên rồi quý thầy Ni phải uốn nắn, dạy dỗ rất nhọc nhằn. Và cũng từ đó ba Thầy chúng tôi đã trở thành “cô nuôi dạy trẻ” tự bao giờ. Phải chăn các tiểu ni từ việc ngồi thiền, tụng kinh, đi học… xem có trốn chui xuống kẹt đơn ngủ không, có xếp hàng đi thọ trai hay không. Phải nhắc nhở hoài, nói khô cả cổ. Thật là cực lắm vậy. Làm sao hiểu được nỗi lòng của Thầy, cho nên có câu:

    Làm thầy khổ lắm trò ơi!
    Phơi gan trải mật suốt đời không yên.

 Buổi đầu vào đạo, Ni chúng được quý Thầy sát cánh chăm lo dìu dẫn. Mỗi người vào chùa mang theo một tập nghiệp riêng, không ai giống ai, có lúc vì mê muội gây ra lỗi lầm làm cho Thầy phải lao tâm nhọc sức. Những lúc chúng con xao lãng công phu, Thầy thức tỉnh chúng con trở về với thực tại. Những lúc huynh đệ mềm lòng yếu đuối, Thầy hiện thân bằng tình thương của một người mẹ hiền, tiếp cận, lắng nghe và chia sẻ.

Sống bên Thầy con cảm thấy bình yên, khi được đón nhận lời dạy chân tình đầy đạo lý từ trên bục giảng, những giờ ở Trai đường. Nguồn pháp ấy cứ mãi trào dâng, là động lực sách tấn chúng con mỗi khi trái gió trở trời, phóng túng buông lung.

Hồi đó Ni đường chưa có, cây cối còn nhỏ chưa có bóng mát, thầy trò xúm xít nhau bên nhà khách tạm, nhưng cảm thấy ấm áp, mọi người vẫn sống vui vẻ quên hết lao nhọc. Có hôm thu hoạch đợt bắp đầu tiên, các bạn nhỏ nhóm lửa bên hiên nhà khách lùi khoai nướng bắp. Hình ảnh các tiểu ni hồn nhiên tươi tắn cùng cảnh vật buổi ban sơ, như nắng sớm ban mai còn ướt đẫm sương trời. Rồi mai này nắng sẽ lên cao, cây cối sẽ lớn dần. Mảnh đất nơi đây sẽ vun mầm cho những thân non vươn lên, hấp thụ tinh khí mặt trời mà ra hoa trổ quả.

Mấy năm gần đây, khung cảnh thiền viện được tu bổ khang trang. Hoa kiểng sung túc, vườn mai, khóm trúc xanh tươi. Cứ mỗi năm gần Tết vào khoảng giữa tháng chạp, huynh đệ cùng nhau lặt lá mai. Thầy bảo không cho tưới nước để cho nó ra bông kịp mùa Tết. Lòng con cứ thắc mắc, sao cây mai phải chịu đựng bao ngày nắng hạn như vậy, đón nhận bao nhiêu giá rét của đêm đông, chắt chiu nhựa sống từ những hạt sương mai, để một ngày nào đó cành mai sẽ mang đến cho người những nụ hoa tươi thắm.

Nghĩ đến đây, con nhớ đến công đức Ân sư cùng mảnh đất nơi đây, đã dưỡng nuôi biết bao chồi non thơ dại. Năm năm qua, chừng ấy thời gian đã giúp cho cội rễ bắt đầu bám sâu vào lòng đất, được chăm bón chắt chiu, chỉ chờ đợi một lần trổ hoa, lan tỏa chút hương thơm cho đời.

Cũng từ mốc đó sức khỏe của Sư phụ hao mòn theo năm tháng, bụi thời gian đã để lại trên tóc Thầy từng sợi bạc, từng bước chân lên bục giảng mỗi lúc nặng nề hơn. Nhưng Sư phụ vẫn lên lớp dạy chúng con xuyên suốt, không bỏ sót một buổi giảng nào, luôn sách tấn nhắc nhở đại chúng.

Mỗi lần lên lớp, Thầy thường dạy chúng con: “Việc tu hành giống như đang leo lên dốc ngược, trời trưa nắng gắt gánh nặng đường xa. Phải biết bỏ bớt ra cho nhẹ gánh mà đi, chớ ôm thêm vào”. Chúng con vâng lời Thầy dạy, tập buông xả những gì không cần thiết, cũng ngộ được chút chút. Nhưng chỉ trong chốc lát lại quên đi, lâu lâu lượm lại bỏ vào trong tay nải đeo mang, chẳng những đeo mang nhiều khi còn giấu kín nữa, làm cho não hại thân tâm. Mà phiền não còn nhiều tức tu chưa tiến. Cho nên rồi cha già phải khô môi đắng miệng, gối Thầy đã mỏi mà con khờ nào hay. Mới thấy lòng từ của Sư phụ sao mà mênh mông như đại dương, vòi vọi như Thái sơn, ngôn ngữ thế gian thì nghèo nàn, hạn hẹp không sao diễn tả hết tâm hạnh vị tha của Thầy.

Chúng con cảm nhận vị ngọt của thâm tình Ân sư, không những là cái bánh cây kem, mà cả chất nhựa sống thấm sâu trong từng dòng huyết quản, là sợi dây vô hình kết nối chúng hữu duyên từ ba miền Bắc, Trung, Nam cùng nhau về đây tu tập, trong vòng tay mà Thầy đang dang rộng. Kỷ yếu 5 năm của Trí Đức Ni nói lên sự hình thành và phát triển, mọi người đều có những giây phút tâm tình, ôn cố tri tân, nhắc nhở chuyện xưa để tưởng nhớ bậc Tôn sư khai sáng, cũng là nhắn nhủ người sau nỗ lực nhiều hơn. Sự thành tựu trong bao năm qua về việc tu học thăng tiến, chính là kết tinh bao công lao khó nhọc của Sư ông cùng các bậc thầy. Người ươm mầm cho sự sống, đã hy sinh trong thầm lặng, vượt qua bao chông gai thử thách mới có ngày hôm nay.

 Năm năm qua chỉ là một cuộc hành trình mới bắt đầu, mà đạo lộ thì vô hạn, chưa đi đến đâu. Xin trân quý những gì con đang có, huynh đệ ngồi bên nhau thưởng thức chung trà thơm còn chưa cạn. Tất cả những vui buồn rồi sẽ qua đi như vết mờ của quá khứ, chỉ còn lại đây tình Linh sơn cốt nhục. Chúng ta không thể quên cội nguồn tâm linh, với nơi mình đã từng gieo hạt mầm niềm tin và trí tuệ buổi ban đầu.

Dù bao phen được mài giũa, lòng con đau như cắt, nhưng phải quên đi cái riêng của mình, để chế ngự thân tâm an ổn sống bên Thầy. Con vẫn theo gót chân Thầy mãi mãi, như những cọng cỏ non được sưởi ấm dưới tia nắng mặt trời, được bàn tay Người chăm sóc mà lớn lên từng ngày. Trải qua bao năm tháng, chỉ còn đọng lại nơi đây nghĩa Ân sư sâu nặng.

[ Quay lại ]