Đường Về Trí Đức
- Chi tiết
- Được đăng ngày Thứ tư, 19 Tháng tư 2017 13:28
Hạnh Chiếu
Đoàn Thường Chiếu đón Thầy từ Đà Lạt về tại ngã tư Dầu Giây. Xe vừa lăn bánh, tôi nhận được chỉ thị từ trung ương:
- Cô báo cho Trí Đức biết Thầy ghé thăm.
- Mô Phật.
Thế là bác tài tăng tốc, đồng thời tôi đánh dây thép khẩn về cho thầy Đắc Thành. Bên kia đầu dây có tiếng trả lời: “Số máy quý khách vừa gọi hiện không liên lạc được, xin quý khách vui lòng gọi lại sau”. Máy nhập thất. Quay sang Sư đầu bếp, tiếng bíp bíp liên tục. Máy đang hóa duyên. À, nhớ ra rồi, gọi thầy Khả Nhuận. May quá bên kia đầu dây hết sức sốt sắng:
- A lô! Cô Chiếu hả ? Có chuyện gì không?
- Thưa Thầy, Sư phụ báo Sư ông vô thăm. Thầy hoan hỷ cho quý thầy cô hay, chuẩn bị đón Sư ông.
- Rầu, rầu.
Từ ngày Trí Đức khởi công xây dựng, hôm đó là lần đầu Thầy ghé thăm. Được tin, cả chùa mạnh ai nấy chạy, vọng tưởng tha hồ lên ngôi, đầu óc quay mòng mòng, không dừng lại được. Một tiếng sau, vẫn là thầy Khả Nhuận, người luôn nhấc máy trong lúc khẩn trương:
- Thưa Thầy, Sư ông gần tới rồi.
- Đã xong.
Thầy Nhuận dân Đắk Lắk, xuất ngôn toàn thoại đầu khó hiểu. Đây là một trong những bậc khai quốc công thần của thiền viện, gan dạ cùng mình, ngày không sợ nóng đêm không sợ lạnh, cuốn mình trong các chòi canh ngủ giữ đồ, mặc tình mưa nắng dội, giữ gìn an ninh toàn cõi Trí Đức. Công đức và tấm lòng của thầy, Tăng Ni nơi đây mãi mãi không quên.
Xe Thầy tôi từ từ lăn bánh giữa hai hàng Tăng Ni rợp sắc y vàng, đại chúng mặt mày sáng trưng, hôn trầm vô ký dứt bặt, chỉ còn Thầy ngự giữa chúng đệ tử với trời đất bao la.
Thầy Thường Chiếu dẫn đầu chư Tăng đảnh lễ Ân sư, chúng tôi nép mình sau đuôi xì xụp lạy, ước gì Thầy ở lại lâu lâu với chúng con. Thầy nhìn lên sơ đồ xây dựng, duyệt qua danh sách ban hưng công, rồi quay sang hỏi thầy Thường Chiếu:
- Chú định công trình này xây dựng bao lâu?
Thầy Thường Chiếu vẫn một nét kính cẩn khi đối diện trước Ân sư:
- Bạch Thầy, tụi con cố gắng làm trong vòng hai năm.
- Đủ tiền làm không?
- Dạ con cũng chưa biết. Nhờ ơn Tam bảo gia hộ, có Thầy chắc không sao.
Thầy cười, lấy ra một bao thơ:
- Cho chú tiền cái nè!
Một tràng pháo tay vang lừng, thầy Thường Chiếu và chúng tôi sụp lạy, lạy rồi lạy nữa, sung sướng như trẻ thơ được bố mẹ phát quà mỗi sáng. Không biết cái bao thơ đó tới bây giờ thầy Thường Chiếu có còn giữ hay không, chớ tôi thì đã thờ nó ở trong lòng và thấy mình quá đủ khi được làm con ông trưởng giả.
Uống nước xong, Thầy chống gậy đi thẳng ra công trình, vẫn quắc thước tinh anh như ngày nào. Một đàn con già trẻ có đủ, nối nhau theo chân Ân sư. Thầy thị giả không quên vác theo cái ghế bành bung, do tự tay chư Tăng đóng riêng cho Thầy, tới đâu Thầy mệt thì để xuống thỉnh Thầy ngồi nghỉ. Cả hai viện Tăng Ni cùng thi công một lúc, nhìn công trình ngổn ngang, Thầy lo lắng nói với thầy Thường Chiếu:
- Thấy mê mê, ngán quá chú ơi!
Thầy Thường Chiếu nhỏ nhẹ thưa:
- Dạ, tụi con sẽ vén gọn lại.
- Ờ, gọn gọn lại. Mình còn lo tu nữa.
- Dạ.
Trí Đức sanh sau đẻ muộn mà thật là diễm phúc quá chừng. Thầy xuất hiện như ánh mặt trời xua tan bóng tối, cát bụi phiền não cũng bay vèo, nhường chỗ cho điện đường mọc lên, trang nghiêm thẳng tắp như bóng từ Ân sư.
Sư cô Huệ Hiền dẫn đầu Ni chúng nhà bếp ra đảnh lễ Thầy.
Tôi ghé tai hỏi nhỏ:
- Đón Thầy từ sáng sớm, nhà bếp nấu kịp không?
Sư già cười mủm mỉm:
- Sư ông về, không ăn cũng no. Nói vậy chứ xong hết rồi.
Tôi phục Sư sát đất. Trong những công trình xây dựng của một số thiền viện lớn, Sư và Ni chúng đệ tử luôn là hộ pháp trong khâu ẩm thực. Chẳng nề gian nan, không sợ khó nhọc, lo lắng đầy đủ thức ăn cho Tăng Ni, Phật tử và đội ngũ thợ thi công. Khách đến bất cứ lúc nào cũng “có ngay”, nụ cười đôn hậu khiêm cung. Thiệt là ở đâu bếp cần Sư có, ở đâu bếp khó có Sư.
Trí Đức, Thanh Nguyên, Chánh Giác… có duyên nợ với Sư cô nhiều lắm.
Thời gian đầu lập quốc, Trí Đức dựng lán trại, mái lợp tôn cũ. Nửa đêm mưa lớn, gió tốc mấy tấm tôn đập rầm rầm, nhà cửa ướt ráo. Ni chúng thu mình trong góc nhà cũng không xong, nước cứ tuôn xối xả, thế là cùng nhau đội thau… ngồi thiền, hy vọng sau cơn mưa trời lại sáng. Thiệt là chứng tích một thời, vạn sự khởi đầu nan. Như vậy mà Sư cô cùng huynh đệ chịu đựng suốt hai năm thi công, lúc nào cũng vui vẻ, không một tiếng than van. Công hạnh ấy đã làm nên tên tuổi một lão ni vừa Huệ vừa Hiền trong lòng Tăng Ni, Phật tử đạo tràng Thường Chiếu.
Thăm một vòng Trí Đức, Thầy lên xe về Thường Chiếu, để lại những lời dặn dò cần thiết và niềm vui sướng bất ngờ cho Tăng Ni nơi đây. Công trình nhờ thế hoàn thành trước dự kiến. Việc tu học của tứ chúng lập tức được đưa vào sinh hoạt ngay khi thiền viện còn đang xây dựng. Cội đại thọ cắm sâu vào lòng đất, bóng râm tỏa mát xa vô cùng, hoa trái đong đưa trĩu nặng cành.
Cho tới bây giờ, đường về Trí Đức đối với tôi cũng như đường về Linh Chiếu, quen thuộc đến từng hơi thở nắng mưa. Đi đâu cũng trở về. Về đến chùa thấy tự nhiên nhẹ nhõm, hít thở tận tình lọn gió thân quen. Mỗi lần nhìn thấy mái ngói uy nghi đỏ thắm, là mỗi lần tôi nhìn thấy một tòa Trí Đức hiển hiện bóng dáng Ân sư với các bậc huynh trưởng khả kính. Thầy ban cho Tăng Ni giới thân huệ mạng và luôn cả trái tim nhân từ. Những gì chúng đệ tử có được ngày hôm nay đều từ công đức và nguồn bi trí của Thầy. Ân sư đã để lại trong tâm khảm chúng đệ tử lòng kính thương và cảm trọng vô bờ.
Ở đây, từng lối sỏi hàng cây, từng ánh mắt nụ cười mới cũ thân sơ, đều cộng sinh một hơi thở chân thật tinh khôi. Tôi được nuôi dưỡng 29 năm ở Linh Chiếu và từng bước trưởng thành tại Trí Đức. Tam bảo, Thầy Tổ, huynh đệ là tinh tủy nuôi dưỡng tâm Bồ-đề cho tôi trong suốt cuộc hành trình về nguồn. Đạo tình cao vời, ân sâu nghĩa nặng, khó mà đáp đền.
Hai chữ Trí Đức được Thầy ban cho với mong mỏi chúng đệ tử nơi đây đầy đủ trí tuệ và đức hạnh. Thiếu một trong hai thì không thể gọi là Trí Đức. Đường về Trí Đức vì thế cũng là đường về tự tâm, mang theo hạnh nguyện “thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sanh”, ôm trái tim Bồ-tát đi vào đời, đến với muôn sinh như về với chính mình. Khách hữu duyên vì thế cũng là khách hữu tâm, bền lòng và tinh tấn không ngừng.
Được sống chung với đại chúng là niềm hạnh phúc lớn lao, là nguồn động lực giúp tôi vượt qua chính mình, quên đi bệnh tật và biết thế nào là yêu thương, tha thứ. Chị em nương tựa Tam bảo, gầy dựng niềm tin nơi chính mình, từng khắc thời gian vượt qua đau chân, vọng tưởng, hôn trầm một cách… thật thấy thương. Gì thì gì, chúng tôi quyết nắm tay nhau cùng tiến lên. Có Phật ngự trong tâm, có Thầy Tổ huynh đệ, không còn gì để sợ, không ai có thể chặn đường.
Nhìn thấy Ni chúng với những va vấp buổi đầu, tôi chợt nhớ mấy câu thơ cũ của Ni sư Viên Chiếu:
Ngày xưa con còn bé,
Có làm khổ Thầy nhiều?
Thầy ơi! Khi con hiểu,
Tóc Thầy đã muối tiêu.
Không phải muối tiêu, tóc Thầy tôi bây giờ đã trắng phiêu phiêu, nên xin mạn phép sửa lại một tí: “Thầy ơi! Khi con hiểu, tóc Thầy trắng phiêu phiêu”. Soi lại gương xưa, nương từ lực của Thầy, tôi mãi mãi là đứa đệ tử cần được bảo ban. Trên đoạn đường Phật đạo dài lâu, lần theo dấu chân Ân sư, tập lấy trí tuệ làm sự nghiệp, lấy tình thương làm lẽ sống, nguyện cùng đại chúng tu học đến viên thành Phật đạo mới thôi.
Thầy bảo ít nói một câu vọng, siêng tu một niệm chân, thâu ngắn ngàn năm khổ. Ở trong vòng tay đại chúng để được cảm thông, chia sẻ và tu hành, còn gì bằng! Chúng ta là bạn đạo của nhau. Mỗi vị có mặt nơi đây là một thiện hữu tri thức. Một người tu có niềm vui sẽ đem đến niềm khích lệ và động viên cho rất nhiều bạn đồng tu. Tới một lúc nào đó, chúng ta biết dừng lại thực sự, tự ngắm mình trong tịnh lặng uyên nguyên, tự dưng ta biết cười. Phật nói nguồn vui này hơn hẳn các dục lạc trong ba cõi. Thầy tôi đã từng cười như thế. Cho đến bây giờ nụ cười ấy vẫn còn nguyên vẹn trong từng tâm khảm mỗi đứa đệ tử năm xưa. Từ ái, bao dung và tiếp sức cho chúng nhân lên đường.
Thiền viện bước vào tuổi lên năm. Năm năm đi qua một đời người cũng như năm phút đi qua một ngày, sơ ý một chút là mất hút. Mỗi phút là 60 giây, mỗi giây là 60 cái chớp mắt, mỗi cái chớp mắt là 60 niệm tưởng sinh diệt trong tâm. Dòng sanh tử cũng theo đó mà tiếp nối hay dừng lại. Cho nên không thể xem thường từng khắc thời gian nhỏ nhoi chóng vánh, càng không thể xem thường từng phút trở mình trong công phu. Không có những lúc té lên té xuống để tập đứng dậy thì không có ngày
mình biết đi. Không có vui buồn đan xen trăn trở thì không có sự trưởng thành để chúng ta hoàn thành tâm nguyện sau cùng, chừng nào thành Phật mới vừa lòng con.
Đường về Trí Đức vì thế mãi mãi là con đường thân quen. Thầy trò, huynh đệ chúng ta nắm tay cùng đi, cùng về đến nhà. Đông vui.