headertvtc new


   Hôm nay Thứ năm, 05/12/2024 - Ngày 5 Tháng 11 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

  • Bài mới nhất

  • Bài đọc nhiều nhất

  • Lịch thuyết giảng

thanhtutoantap new3

PHẬT GIÁO TRÚC LÂM VỚI NHỮNG NÉT SON TRONG LÒNG DÂN TỘC

PHẬT GIÁO TRÚC LÂM VỚI NHỮNG NÉT SON TRONG LÒNG DÂN TỘC

Thích Thông Phương
***
Yentu00(Tham luận tại hội thảo “Phật Giáo Trúc Lâm Yên Tử và công tác qui hoạch, bảo tồn, phát huy những giá trị của Khu di tích Yên Tử hiện nay” do Học viện Phật Giáo Việt Nam tại Hà Nội kết hợp với GHPGVN tỉnh Quảng Ninh tổ chức nhân Đại lễ tưởng niệm lần thứ 705 ngày nhập Niết Bàn và khánh thành bảo tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông vào ngày 02/12/2013 tại Hội trường lớn GHPGVN tỉnh Quảng Ninh)
***

 

I- ĐẾN VỚI MỌI TẦNG LỚP

Phật Giáo Trúc Lâm gắn liền với vua Trần Nhân Tông, một bậc tôn quí trong thiên hạ, nhưng sẵn sàng từ bỏ đời sống quyền quí, cao sang mà đi tu, chứng đạo, và đem ánh sáng chân lý giác ngộ để soi sáng lại cho tất cả mọi người khiến cùng được lợi ích. Từ trong triều đình cho đến người dân nơi thôn quê, với người trí thức thì Ngài giáo hóa theo trí thức; với người bình dân thì giáo hóa theo bình dân, cốt làm sao giúp cho người người chuyển hóa mê lầm, đi theo con đường hướng thiện, để xã hội càng đi lên.

Đức Phật Hoàng cũng như Thiền sư Pháp Loa, Thiền sư Huyền Quang, thường giảng kinh Pháp Hoa, kinh Hoa Nghiêm, Truyền Đăng Lục, Đại Huệ Ngữ Lục…ở những chùa lớn gần thành thị cho hàng trí thức được nghe, đồng thời các Ngài cũng đem pháp Thập Thiện giáo hóa cho người dân dã, là thích ứng với từng căn cơ, không phân biệt quí tiện, sang hèn.

II- PHÁT HUY TRÍ TUỆ CHÂN THẬT NƠI MỖI NGƯỜI

Trong nhà Thiền có nói đến hai thứ Trí tuệ: Trí tuệ hữu sư và Trí tuệ vô sư. Trí hữu sư là trí do nghiên cứu, học hỏi, có thầy dạy, là trí tuệ tiếp thu từ bên ngoài mà được. Đây là trí tuệ phương tiện để dẫn vào Đạo, chưa phải là trí tuệ chân thật. Chính trí vô sư là trí tuệ do công phu tu hành chân thật mà tự tâm mở sáng. Không do ai dạy, không do từ nơi Thầy mà được. Như các nhà bác học chuyên tâm đi sâu một vấn đề, rồi bất chợt trong giây phút nào đó tự phát minh ra, tự sáng tỏ vấn đề ngoài chỗ suy nghĩ của mình.

 Cũng như Thiền sư Pháp Loa tham học với Sơ Tổ Trúc Lâm đã lâu, một hôm trình ba bài kệ đều bị Ngài lấy bút gạch bỏ hết, Sư trở về phòng đầu óc nặng trĩu, hết biết suy nghĩ gì nữa, bỗng nhìn thấy bông đèn tàn rụng, liền mở sáng trí tuệ vô sư. Lúc này không có ai dạy cả mà lại tự sáng tỏ, vượt ngoài chỗ suy nghĩ bình thường. Từ đó, Sư lấy đây làm chỗ sống và chỉ dạy cho người. Cho đến khi sắp tịch, Sư tóm tắt ý nghĩa qua bài kệ:

 

                        Vạn duyên tài đoạn nhất thân nhàn
                        Tứ thập dư niên mộng huyễn gian
                        Trân trọng chư nhân hưu tá vấn
                        Na biên phong nguyệt cánh man khoan

        Dịch:
                        Muôn duyên cắt đứt một thân nhàn
                        Hơn bốn mươi năm giấc mộng tràng
                        Nhắn bảo mọi người thôi chớ hỏi
                        Bên kia trăng gió rộng thênh thang
                                                                    (HT. Thích Thanh Từ)

 

Bên kia trăng gió rộng thênh thang, là muốn ngầm chỉ đến chỗ sống của trí tuệ chân thật kia. Chỗ này cần phải người tự thể nghiệm, phải là hành giả thật sự. Từ đó mà truyền lại cho người. Chính đây là mạch sống của chư Tổ, giúp cho người học thêm vững niềm tin mà tiến bước, đồng thời chứng thật cho giá trị cao quí của Chánh pháp Như Lai. Chính chỗ này mà vua Trần Nhân Tông sẵn sàng bỏ hết những quyền quí, cao sang, danh vọng tột bực ở thế gian để vào Đạo, tìm ra lẽ thật hi hữu này.

 III- NÂNG CAO GIÁ TRỊ CUỘC SỐNG THÊM Ý NGHĨA

 Tạo nhơn duyên cho người người sống có đạo đức, trí tuệ, sáng tỏ được tâm tánh chính mình, nhận rõ lẽ thật, giả nơi con người theo tinh thần Thiền Tông. Bởi chúng ta sống mà không rõ được gì là mình, gì là tâm, thì cuộc sống này thật sự là thiếu ý nghĩa sống. Vì mình là chủ cuộc sống nhưng mình là gì lại chưa sáng tỏ.

Ở đây thì các Ngài đã thật sự sáng tỏ được trí tuệ chân thật nên hiểu rõ lẽ thực nơi chính mình bằng chính trí tuệ do thực tu, thực ngộ mà hiện bày, nên chứng thực không nghi ngờ.

 Như Sơ Tổ Trúc Lâm đã thổ lộ qua bài kệ Xuân Vãn:

 

                    Niên thiếu hà tằng liễu sắc không
                    Nhất xuân tâm sự bách hoa trung
                    Như kim khám phá đông hoàng diện
                    Thiền bản, bồ đoàn khán trụy hồng.

    Tạm dịch:
                    Thuở bé đâu từng rõ sắc không
                    Xuân về rộn rã nức trong lòng
                    Chúa xuân nay bị ta khám phá
                    Ngồi lặng nhìn xem rụng cánh hồng.

 

Tức là lúc trước, khi chưa hiểu đạo, thì tâm còn bị ngoại cảnh chi phối nên mỗi độ xuân về, lòng cũng theo cảnh mà rộn rã, động theo cảnh xuân, không làm chủ được. Nhưng nay nhờ công phu tham thiền, Ngài đã nhận ra chúa xuân, tức sáng tỏ được ông chủ chân thật muôn đời nơi mình, là thật sự biết rõ chính mình. Giờ đây, Ngài đã giải đáp được chính xác cho câu hỏi: “Cái gì là chính mình”, cuộc sống bây giờ mới sống có ý nghĩa và soi sáng lại cho nhiều người.

 IV- ĐEM LẠI NIỀM TỰ TIN NƠI MỖI NGƯỜI

 Là chỉ ra chân lý giác ngộ vốn có sẵn nơi mỗi người, vì ai ai cũng có tâm, tức là đều có khả năng giác ngộ để vươn lên khỏi cái chúng sanh mê lầm này, chớ không phải cúi đầu chấp nhận làm chúng sanh mãi mãi. Như trong bài kệ Cư Trần Lạc Đạo có câu:

                     Gia trung hữu bảo hưu tầm mích
                    Đối cảnh vô tâm mạc vấn Thiền.
                    Trong nhà có báu thôi tìm kiếm
                    Đối cảnh không tâm chớ hỏi Thiền

 

Nghĩa là kho tàng của báu Tánh Giác vốn có sẵn trong Tâm của mỗi người, cần tự nhận trở lại nơi mình, không phải tìm cầu xa xôi, cũng không phải tự khinh mình, vì: “Kia đã là trượng phu, thì ta đây cũng vậy”.

 Và Thiền là tâm thanh tịnh sáng ngời ngay trước mọi cảnh mà không bị cảnh ràng buộc, che mờ. Là sống ngay trong đời mà không mất tâm thiền. Là đem Đạo đến gần với người cư sĩ còn sống trong trần mà vượt lên khỏi trần, không phải lìa trần mới có Đạo.

 Cũng như trong bài phú Cư Trần lạc Đạo ở hội Thứ nhất đã trình bày:

 

                    Mình ngồi thành thị
                    Nết dùng sơn lâm

 

Là ở thành thị nhưng không bị thành thị làm ô nhiễm, không bị che mờ tánh sáng suốt. Như vậy là người cư sĩ cũng có thể ở trong trần mà vươn lên khỏi trần, như hoa sen trong bùn mà nhô lên khỏi bùn. Cũng như Thượng sĩ Tuệ Trung, một vị tướng, một cư sĩ sống trong đời thường nhưng tâm thiền thật sáng tỏ, đời sống thật thanh thoát đầy đạo lý, trí tuệ thật siêu xuất, khiến cho nhiều vị xuất gia còn phải đến tham học với Ngài.

V- TÓM KẾT

Đời Trần với Phật Giáo Trúc Lâm đã làm nổi bật cho nền Phật Giáo nước nhà trên nhiều phương diện và để lại những bài học quí giá cho chúng ta ngày nay rất có giá trị.

 

Mỗi người ở một góc nhìn và phát hiện ra những nét hay của riêng mình để cùng đóng góp chung lại mà làm rạng rỡ cho sự nghiệp quí báu của Tổ tông, đồng thời khiến cho bạn bè trên thế giới tìm hiểu càng thêm kính quí.

Yên Tử được gắn liền với Phật Giáo Trúc Lâm, với dòng Thiền của nước Việt và tên tuổi của vị Tổ, là ông vua nước Việt, một danh nhân của các thời đại, là một đại nhân duyên thật hi hữu, rất cần được tôn trọng và phát huy đúng mức.

 Tóm lại, học người xưa để xét lại ngày nay, và phát huy những điều hay tốt, khiến cho sự nghiệp hoằng dương Chánh pháp, cho ánh sáng chân lý giác ngộ của Đức Phật ngày càng soi sáng thêm trên thế gian này, giúp cho cuộc đời thêm an vui, bớt đau khổ, là trách nhiệm chung của những người con Phật.

Chúng tôi xin được chia sẻ một góc nhìn về Phật Giáo Trúc Lâm để góp phần cho ngày lễ kỷ niệm Đức Phật Hoàng viên tịch được thêm nhiều ý nghĩa.
Kính chúc hội thảo thành công tốt đẹp!

 

[ Quay lại ]