Tu để cầu gỉ ?
- Chi tiết
- Được đăng ngày Thứ ba, 03 Tháng mười một 2009 14:07
- Viết bởi nguyen
Huệ Ý
Tôi còn nhớ rất rõ khi mình đi tu. Đêm hôm đó đúng mười hai giờ ngày mùng một năm bảy lăm. Tôi trốn nhà từ Bình Định vào tới Sài Gòn. Khi gặp được Sư trưởng, Thầy hỏi:
– Con đi tu để cầu gì ?
Tôi trả lời ngắn gọn:
– Con tu để cầu giải thoát!
Một hôm đi theo Thầy vào thăm Viên Chiếu tôi thấy đời sống của quý cô nơi đây có cái gì đặc biệt, dễ thương. Từ đó tôi mon men tìm đến. Cuối cùng tôi quyết định xa Thầy, đi tìm giải thoát. Cho tới bây giờ tôi vẫn không quên cái cảm giác giải thoát, nhất là lúc thỉnh nguyện trước tiên đọc nội quy:
“Lời mở đầu, một thiền viện muốn có qui củ, có đường lối tu hành vững chắc lâu dài, tất cả thiền sinh trong thiền viện phải triệt để tuân hành đúng nội quy của thiền viện. Nội quy không phải sự ép buộc thiền sinh sống trong cảnh cơ cực vô lý mà do thiền sinh tự nguyện khép mình trong khuôn khổ phù hợp với đạo giải thoát.”
Đúng là một cảm giác rất thiêng liêng không những khi thỉnh nguyện mà lúc ngồi thiền, tụng kinh, đều là hương vị của giải thoát: Hương vị ấy chính là của ông Hòa thượng già Thường Chiếu truyền cho, có lẽ cũng nhờ thế mà tất cả thiền sinh thời đó chấp nhận dấn thân vào nơi khó khổ và vượt qua bao thử thách khó khăn.
Tôi có một cô đệ tử, nhìn nó cầu đạo thật tội nghiệp, nó bảo: “Con chỉ ăn mày lộc Phật – chết không đọa địa ngục là đủ”. Tôi nghe chỉ biết lặng câm không thốt nên lời.
“Độ sanh” mỗi lần nghe hai chữ này tôi cảm thấy ngán, nhiều vị đến thăm, thấy tôi ở trong làng dân tộc, các vị cười nói: – Huệ Ý chắc kiếp trước làm tù trưởng bộ lạc nên kiếp này sanh lên ở với người dân tộc.
Hôm nay đi đám ma về, tôi cứ nghĩ đến cái chết của Hạnh Tuyết, tôi tự hỏi không biết thế gian này là mộng hay thật, nếu thật, sao mới gặp đó, giờ lại mất đi, nếu mộng, sao không như lúc mơ,sáng ra quên sạch.
Đúng là “Một thoáng đã qua đời khác”. Thế mà chúng ta suốt ngày chìm trong quên lãng, nếu thế sao gọi là “Tăng Bảo”. Tăng Bảo thì phải “Thức tâm đạt bổn”. Nếu không như thế chỉ gọi là “Tăng rỗng” vì không thể thấy được kho báu của chính mình, đi tu như thế thì không thể giải thoát được.
Chúng tôi là những thiền sinh theo Hòa thượng Trúc Lâm học đạo nhiều năm, tôi nhớ năm nào mới mười tám, hai mươi tuổi mà nay hơn bốn mươi, chúng tôi diễm phúc lắm mới được gặp Bậc minh sư, người đã đắng miệng thiết tha chỉ cho chúng tôi thấy được kho báu của chính mình. Thật đáng hổ thẹn nếu chúng ta quên đi mục đích của chính mình.