headertvtc new


   Hôm nay Thứ tư, 25/12/2024 - Ngày 25 Tháng 11 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

CÔNG ĐỨC CÚNG DƯỜNG

Chân Hiền Tâm    

I. Cúng dường thế nào là đúng pháp?

Trong một lần tiếp xúc với bạn hữu, có người đã đặt vấn đề: “Phật dạy ‘Y pháp bất y nhân’, nhưng trong việc cúng dường, làm sao có thể cúng dường cho một vị mà mình đã thấy vị ấy phạm nhiều lỗi, mà lỗi nặng nhất là vướng vào ái dục?”.

Một vấn đề không thể không mổ xẻ.

‘Y pháp bất y nhân’ là một trong Tứ y Phật dạy cho hàng Bồ tát trong kinh Niết Bàn, là những hành giả đã có niềm tin đối với Phật tánh, chánh tà có thể phân định rõ ràng mà không bị cái chánh tà ấy cuốn mất tâm mình. Biết ‘Tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức’ nên cũng biết ‘Tâm tịnh thì cõi Phật tịnh’. Tất cả đều từ tâm sinh thì cảnh giới trước mắt dù thuận hay nghịch cũng là pháp bảo lưu xuất từ pháp giới, giúp hành giả tăng tiến trên đường tự lợi cũng như lợi tha.

Một khi thấy được cảnh trước mắt dù thuận hay nghịch cũng chỉ là pháp bảo, đó chính là ‘Y pháp bất y nhân’.[1] Với cái nhìn như thế thì cúng dường cho tăng chúng thanh tịnh hay không thanh tịnh, có lẽ không phải là vấn đề cần đặt ra đối với những hành giả đó. Còn một khi đã thấy phân vân trong việc cúng dường thì nên theo đúng pháp cúng dường cho tăng nhân mà Phật đã dạy trong kinh Đại Thừa Bản Sinh Tâm Địa Quán, phẩm Báo Ân mà cúng dường. Kinh dạy:

Này Thiện nam tử! Thế gian và xuất thế gian có 3 loại tăng:

1. Bồ tát tăng: Như Văn Thù Sư Lợi, Di Lặc v.v… Tuy nêu Văn Thù Sư Lợi v.v… nhưng là muốn nói đến hàng tăng ni đã chứng căn-bản-trí trở lên.  

2. Thanh văn tăng: Như Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên v.v… Đây chỉ cho hàng tăng chúng đã chứng quả La Hán.

3. Phàm phu tăng: Những vị đã thành tựu biệt giải thoát giới, là chân thiện phàm phu, đầy đủ chánh kiến, hay vì người khác diễn thuyết, khai thị các pháp thánh đạo làm lợi ích cho chúng hữu tình, gọi là phàm phu tăng. Dù chư vị chưa được giới định cùng với tuệ giải thoát, nhưng nếu cúng dường cho chư vị thì vẫn được phước vô lượng. BIỆT GIẢI THOÁT GIỚI là chỉ cho giới mà một Tì kheo hay Tì kheo ni phải thọ như 250 giới, 348 giới v.v…

ĐẦY ĐỦ CHÁNH KIẾN là nắm vững lý Duyên khởi đang chi phối thế gian này, mà phần lý tối thiểu là Nhân quả ở thế gian. Như Phật dạy trong kinh: “Bố thí cúng dường là nhân, giàu sang phú quí là quả”. Theo đó mà làm gọi là tin biết nhân quả, gọi là có chánh kiến. Còn nói “Tắm nước sông Hằng rửa sạch hết tội lỗi” hay “Ăn gạo lứt muối mè sẽ được giàu sang”, gọi là tà kiến. Tà kiến là cái thấy sai lầm, vì nó do cái tưởng của mình mà ra, không phải là cái thấy phù hợp với thật lý nhân quả đang chi phối thế giới này. Sống theo tà kiến là đang đẩy mình vào con đường khổ nạn.  

GIỚI ĐỊNH TUỆ VÔ LẬU cùng với TUỆ GIẢI THOÁT là chỉ cho thứ mà hai hàng tăng ni  trên đã có.

Ba loại trên gọi là chân thật phước điền tăng.

Như vậy, tăng ni của Phật không phải chỉ có đầu tròn áo vuông là đủ, mà phải được trang bị bởi Giới định tuệ vô lậu hay Tuệ giải thoát, hoặc tối thiểu cũng phải nghiêm trì được giới luật mà chư vị đã thọ, mới gọi là tăng ni của Phật.  

Lại có một loại gọi là phước điền tăng. Đối với xá lợi Phật và hình tượng Phật cùng các pháp chế giới của tăng thánh, sinh lòng kính tin sâu đậm, tự mình không có tà kiến, khiến người cũng được như vậy. Hay diễn nói chánh pháp tán thán Nhất thừa, tin sâu nhân quả, thường phát thiện nguyện, tùy chỗ phạm lỗi của mình mà sám trừ nghiệp chướng. Phải biết lực tin Tam bảo của người này hơn hẳn các ngoại đạo vạn lần, cũng hơn hẳn bốn loại Chuyển vương thánh luân, hà huống là các loại chúng sinh khác. Như hoa Uất Kim dù héo vẫn hơn hẳn các loài hoa dại. Tì kheo chánh kiến cũng như vậy, vẫn hơn chúng sinh trăm ngàn vạn ức, dù hủy cấm giới cũng không hoại chánh kiến. Do nhân duyên này mà gọi là phước điền tăng.

Phật đưa thêm một loại tăng chúng nữa để việc  cúng dường có thể mở rộng, mà chúng sinh cũng yên tâm hơn trong việc cúng dường.

Hàng tăng ni Phật nói đây, chánh kiến đã vững nhưng trên sự vẫn chưa hành tốt lắm. Nghĩa là ‘kiến hoặc’ đã trừ mà ‘tư hoặc’ thì chưa xong, tuy vậy luôn có tâm sửa lỗi, không biện minh hay bẻ quẹo kinh luận theo lỗi lầm của mình. Đó chính là dù HỦY CẤM GIỚI CŨNG KHÔNG HOẠI CHÁNH KIẾN.

HAY DIỄN NÓI CHÁNH PHÁP là diễn nói về Nhân quả, Nhân duyên, Tứ đế v.v… mà Phật Tổ đã để lại trong kinh luận.

TÁN THÁN NHẤT THỪA là chỉ cho chúng sinh thấy tất cả đều có tánh Phật, đều có đức tướng và trí tuệ của Như Lai, chỉ do vô minh mà không có được lực dụng như Phật.

Muốn Tam bảo trường tồn, muốn cúng dường cho tăng chúng được đúng pháp, thì cứ theo những gì Phật đã nói trên mà cúng dường.  

II. Cúng dường nào có công đức lớn nhất?  

Hỏi: Giữa một người bất thiện đang đói và một bậc đại tăng đang đầy đủ, bố thí cho ai phước báu lớn hơn?

Đáp: Trong kinh Trung bộ III, phẩm Phân Biệt Cúng Dường, Phật có phân ra 14 loại như sau:

Này Ananda! Có 14 loại cúng dường phân loại theo hạng người:

1.          Bố thí cho các đức Như Lai.

2.         Bố thí cho các vị Độc Giác Phật.

3.          Bố thí cho các vị A La Hán.

4.          Bố thí cho các vị trên đường chứng quả A La Hán.

5.          Bố thí cho các vị chứng quả Bất lai.

6.          Bố thí cho các vị trên đường chứng quả Bất lai.

7.          Bố thí cho các vị chứng quả Nhất lai.

8.          Bố thí cho các vị trên đường chứng quả Nhất lai.

9.          Bố thí cho các vị chứng quả Dự lưu.

10.       Bố thí cho các vị trên đường chứng quả Dự lưu.

11.       Bố thí cho các vị ngoại học đã ly tham trong các dục vọng.

12.       Bố thí cho những phàm phu giữ gìn giới luật.

13.       Bố thí cho những phàm phu theo ác giới.

14.       Bố thí cho các loài bàng sinh.

Tại đây, này Ananda! Sau khi bố thí cho các loại bàng sinh, cúng dường này hy vọng đem lại 100 phần công đức. Sau khi bố thí cho các phàm phu theo ác giới, cúng dường này có hy vọng mang lại 1000 phần công đức. Sau khi bố thí cho các phàm phu gìn giữ giới luật, công đức này có hy vọng mang lại 100000 phần công đức …

Công đức cứ theo các cấp bậc phân chia trên mà tăng dần cho đến các đức Như Lai.

Điều đó cho thấy, bố thí cúng dường cho người có tâm hạnh càng thiện thì phước báu càng lớn, không kể đó là xuất gia hay tại gia. Song quả báo bố thí lại không chỉ lệ thuộc vào Đối-tượng-được-bố-thí mà còn lệ thuộc thêm 2 duyên khác là Vật-phẩm-bố-thí và Tâm-hạnh-người-đang-bố-thí cùng với nhiều điều kiện như sau:

1. Chủ thể bố thí: Người bố thí cúng dường có công việc lương thiện, hành vi lương thiện, tâm lượng rộng lớn v.v… sẽ có phước báu nhiều hơn người bố thí với tâm lượng nhỏ hẹp, hoặc làm các nghề bất thiện, hoặc có những hành vi bất thiện.

2. Vật phẩm bố thí: Vật phẩm cúng dường từ nguồn tài chánh lương thiện sẽ có phước báu lớn hơn vật phẩm từ nguồn tài chính bất thiện.

3. Đối tượng được bố thí: Bố thí được cho người có phẩm hạnh càng lớn thì quả báo nhận được càng lớn. Trong bài pháp Phật dạy trên, mỗi câu đều có hai chữ HY VỌNG. Hy vọng, nghĩa là không khẳng định. Đó là vì quả báo không chỉ lệ thuộc vào Đối-tượng-được-cúng-dường mà còn bị mức độ thanh tịnh của chủ thể và phẩm vật chi phối.

Ba duyên trên nếu thanh tịnh tất cả thì phước báu sẽ lớn hơn là chỉ có hai hay một duyên thanh tịnh. Tùy mức độ thanh tịnh của mỗi duyên mà ta lại có vô vàn các quả báo sai khác.

Nếu chỉ y cứ vào Đối-tượng-được-bố-thí thì cúng dường cho đại tăng phước báu vẫn lớn hơn. Nhưng trên mặt tổng thể thì mọi thứ có thể thay đổi.

Nếu không màng đến phước báu lớn nhỏ cho riêng mình mà chỉ nghĩ đến việc cứu người trước mắt, thì rõ ràng tâm lượng của Chủ-thể-bố-thí đó rất lớn.[2] Vì thế, đứng trên mặt tổng thể để tính phước báu, thì phước báu khi cho kẻ bất thiện lúc đang đói chưa chắc đã ít hơn khi cúng dường một vị đại tăng.

Đứng về mặt công đức tu hành mà nói, thì công đức bố thí của kẻ có tâm lượng rộng lớn luôn lớn hơn kẻ có tâm lượng nhỏ hẹp, người có tâm lượng vị tha luôn lớn hơn kẻ có tâm lượng vị ngã, cúng dướng hồi hướng cho toàn thể chúng sinh, công đức sẽ lớn hơn khi chỉ hồi hướng cho riêng bản thân và gia đình.

Trong kinh Địa Tạng Bổn Nguyện, Phật dạy Bồ tát Địa Tạng Vương: “Trong cõi Nam Diêm Phù Đề có các vị quốc vương, hàng tể phụ quan chức lớn, hàng đại trưởng giả v.v... nếu gặp kẻ nghèo túng, nhẫn đến kẻ tật nguyền câm, ngọng, điếc, mù v.v… mà có thể đủ tâm từ bi, lại có lòng vui vẻ tự hạ mình, tự tay mình đem của ra bố thí cho tất cả những kẻ đó, hoặc bảo người khác đem cho, lại dùng lời ôn hòa dịu dàng an ủi, thì các vị đó sẽ được phước lợi bằng phước lợi công đức cúng dường cho trăm hằng hà sa chư Phật. Vì sao? Vì các vị đó phát tâm đại từ bi đối với kẻ nghèo cùng và tàn tật. Phước lành được hưởng quả báo như thế này: Trong trăm nghìn đời thường được đầy đủ những đồ thất bảo, huống là những thứ để thọ dụng như y phục, đồ uống ăn v.v...”.

Như vậy, cúng dường cho chúng sinh tàn tật nghèo khổ v.v… với tấm lòng kính trọng thương yêu, công đức cũng bằng cúng dường không phải chỉ cho một vị Phật mà cho hằng hà sa chư Phật. Vì thế, có những người không theo đạo Phật, không cúng chùa, chỉ lo bố thí cho người nghèo với tâm thương yêu thật sự cũng được phước lộc lớn.

Có điều, gieo duyên với Tam bảo thì sẽ nhận được sự hộ trì của Tam bảo, nhận được sự chỉ dạy của Phật Pháp Tăng dưới nhiều hình thức, hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp, biết cái gì nên làm, cái gì không nên làm để tránh tai ách về sau.  

Kinh Tứ Thập Nhị Chương lại nói thêm: “Cúng dường cho một ngàn ức tam thế chư Phật ăn, không bằng cúng dường cho một vị vô niệm, vô tu, vô chứng ăn”. Vị vô niệm, vô tu, vô chứng là chỉ cho Phật tánh trong mỗi chúng sinh, là cái tánh mà Phật và chúng sinh đồng có. Cúng dường cho vị tam vô đó là tự ta phải tu hành để thân chứng chân như Phật tánh của chính mình.

- Vì sao cúng dường như thế có công đức lớn nhất? Vì trong các thứ cúng dường, kinh nói PHÁP CÚNG DƯỜNG là lớn nhất. Pháp nói đây, chỉ cho sự tu tập và làm lợi ích cho chúng sinh. Đó là Vật-phẩm-cúng-dường thanh tịnh nhất.

- ‘Vị vô niệm, vô tu, vô chứng’ tuy chỉ cho Phật tánh của chính mình nhưng cũng chính là Phật tánh của mười phương chư Phật, cũng là Phật tánh của tất cả chúng hữu tình. Cúng dường như thế không phải chỉ cúng dường cho một hóa thân Phật mà chính là cúng dường cho cả tam thân Phật, không phải chỉ với một tam thân Phật mà với vô lượng vô biên tam thân Phật lẫn vô lượng chúng sinh. Trong trường hợp này, Đối-tượng-được-cúng-dường là tối thắng.

- Chủ-thể-cúng-dường muốn cúng dường được như thế thì “Thân tâm đều không”, mới có thể cúng đến. Đây là Chủ-thể-cúng-dường tối thanh tịnh.

Chủ thể, vật phẩm, đối tượng đều tối thắng nên cúng dường như thế có công đức lớn nhất.        

III. Bố thí cúng dường đối với người tu thiền

Với người tu thiền, mục tiêu cúng dường của chúng ta là để trở về sống lại được với Phật tánh của chính mình, tức cúng dường cho một vị vô niệm, vô tu, vô chứng, cho nên việc cúng dường bố thí của chúng ta chủ yếu ở mấy mặt:

1. Xả tâm tham.

2. Tập thói quen vì người.

3. Không chỉ bố thí cúng dường tài vật mà bố thí cả những tâm niệm sân giận, ngã mạn, vị kỷ  v.v… Độ tất cả vào vô dư niết bàn. 

4. Cúng dường Tam bảo là để Tam bảo được trường tồn ở thế gian, để gieo duyên với Tam bảo. Có gieo duyên với Tam bảo thì mình mới nhận được sự chỉ dạy của Tam bảo, biết cái gì nên làm cái gì không nên làm để tránh quả xấu trong hiện tại và tương lai, đạt được niết bàn rốt ráo.

5. Công đức có được đều hồi hướng cho Phật đạo và mọi loài chúng sinh.

Bốn phần trên là tự lợi. Phần cuối là lợi tha.

IV. Vài điểm cần lưu ý trong việc cúng dường 

Một số người khi bố thí, không biết đó là phước báu, chỉ do nghiệp lực trong nhiều đời thôi thúc, nên thường không tính chuyện bố thí cho ai là được phước lớn mà chỉ tập trung lo cho người thân hay người nghèo. Thậm chí đi cúng ở các chùa cũng lựa chùa nghèo mà cúng. Tấm lòng ấy rất đáng trân trọng. Có điều, mình nên phân định cho rõ chỗ này:

- Nếu xem tăng nhân đồng với người nghèo, tức thấy chỗ nào thiếu thì chia sẻ không màng đến các việc khác, trường hợp này không có gì để bàn.

- Nếu cúng dường tăng nhân là để Tam bảo được trường tồn, để gieo duyên hóa độ với chư vị trong hiện tại và tương lai, thì nên chọn tiêu chuẩn người có uy đức, thanh tịnh, ít nhất là giới hạnh phải đầy đủ mà cúng dường. Bởi hàng tăng nhân đó mới có khả năng duy trì chánh pháp, mới có khả năng hóa độ mình và người trong tương lai. Nếu cứ chọn tiêu chuẩn nghèo giàu làm đích hướng đến, thì ta dễ bỏ qua những tiêu chuẩn cần thiết cho mục tiêu ban đầu của mình. Việc cúng dường trở thành lầm lẫn. Chưa kể, khi lấy cái nghèo làm tiêu chuẩn trong việc cúng dường như thế, là ta đang tiếp tay sản sinh ra một lớp tăng ni có bề ngoài bao giờ cũng thiếu hụt, chùa chiền khi nào cũng lưng chừng. Đây là một thực tế mà không ít người đã từng gặp trên con đường cúng dường các chùa nghèo.


[1] Đây chỉ nêu ra một trường hợp, không phải là tất cả.

[2] Đây đang nói về tâm lượng vì người. Nếu cho vì họ làm vừa lòng mình v.v… tức tinh thần của việc bố thí vẫn qui ngã, thì quả báo không còn nằm trong phạm vi này nữa. 

 

[ Quay lại ]