headertvtc new


   Hôm nay Thứ tư, 25/12/2024 - Ngày 25 Tháng 11 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

Thư trả lời LÝ HÁN LÃO của thiền sư Đại Huệ - Định Huệ dịch  

Phụ thư hỏi

Gần đây tôi có duyên được gõ cửa thất Ngài để mong được kích phát chỗ tối tăm trì trệ, bỗng có chỗ tỉnh ngộ để vào.

Tôi tự cảm thấy căn mình ám độn, một đời học hiểu đều rơi vào tình kiến, buông cái này bắt cái kia, như mặc áo cũ rách đi trong đám cỏ gai bị dính mắc. Ngày nay, nhân một tiếng cười mà được cởi gỡ. Thật may mắn xiết bao! Nếu chẳng phải bậc đại tông tượng rủ lòng từ bi khai thị thì làm gì tôi được như thế.

 Từ ngày tôi ngộ nhập được pháp môn này, mặc áo ăn cơm, bồng con giỡn cháu, mọi việc vẫn đồng như xưa, nhưng đã hết bị tình ràng buộc và cũng chẳng nghĩ tưởng cho là kì đặc. Ngoài ra, các tập quán xưa, nghiệp chướng cũ cũng có phần nhẹ bớt.

Những lời Ngài dặn dò lúc chia tay, tôi chẳng bao giờ dám quên. Song, nghĩ lại, tôi mới được vào cửa, đại pháp chưa sáng, ứng cơ tiếp vật, tiếp xúc với mọi việc chưa được vô ngại, nên tôi rất mong mỏi được lời chỉ dạy của ngài để giúp cho tôi đi đến nơi đến chốn, ngõ hầu chẳng làm điếm nhục pháp tịch vậy.

Thư đáp của thiền sư Đại Huệ

“Từ ngày tôi ngộ nhập được pháp môn này, mặc áo ăn cơm,bồng con giỡn cháu, mọi việc vẫn đồng như xưa nhưng đã hết bị tình ràng buộc và cũng chẳng có nghĩ tưởng  cho là kì đặc. Ngoài ra các tập quán xưa, nghiệp chướng cũ cũng có phần nhẹ bớt”.

Tôi đọc kỹ lời này, hết sức vui mừng. Đấy là hiệu nghiệm của việc học Phật vậy.

Ví như ông chẳng phải là bậc đại nhân quá lượng, nhân một tiếng cười thấu được việc lớn thì ắt chẳng thể biết chính mình quả có cái màu nhiệm chẳng thể truyền. Nếu chẳng phải là người ngộ nhập như thế thì pháp môn hai chữ “nghi, nộ” đến tận đời vị lai cũng không thể nào phá hoại được. Giả sử khiến cho hư không rộng lớn kia làm miệng Vân Môn tôi, cỏ cây ngói đá đều phát ánh sáng trợ giúp tôi diễn nói đạo lý, tôi cũng chẳng biết làm sao nói cho ông tin được đoạn nhân duyên chẳng thể truyền, chẳng thể học này. Cần phải tự chứng, tự ngộ, tự nhận, tự thôi mới thấu triệt được chỗ cùng tột. Ông nay nhân một tiếng cười liền quên hết sở đắc thì đâu còn gì để nói nữa.

Ông già Mặt Vàng nói:”Chẳng chấp ngôn thuyết của chúng sanh, vì tất cả hữu vi đều là hư vọng. Tuy chẳng y ngôn thuyết mà cũng chẳng chấp vô ngôn thuyết.”
Trong thư ông viết: “Đã hết bị tình ràng buộc và cũng chẳng nghĩ tưởng cho là kì đặc” thật thầm khế hợp với lời ông già Mặt Vàng nói, chính lời nói này gọi là Phật nói, nói khác lời này là thiên ma Ba-tuần nói.

Kẻ quê mùa này trước kia có lời nguyện lớn: “Thà đem thân này thay tất cả chúng sanh chịu cái khồ địa ngục chớ không bao giờ dùng cái miệng này để đem Phật pháp làm cái việc lấy lòng người, khiến cho mù mắt người”. Ông đã đến chỗ này rồi thì tự biết việc này chẳng từ người khác mà được. Nhưng hãy cũng “vẫn như xưa”, lại cũng chẳng cần phải hỏi đại pháp sáng hay chưa sáng, ứng cơ ngại hay không ngại. Nếu nghĩ như thế thì chẳng “vẫn như xưa”.

Vâng, qua sau hạ hồi mới có thể gặp lại, rất hợp ý tôi. Nếu nôn nóng chạy tìm không thôi thì chẳng tương đương vậy.

Ngày trước thấy ông quá vui mừng, vì thế nên tôi chẳng dám nói trắng ra, sợ e ngôn ngữ làm tổn thương ông. Nay sự vui mừng của ông đã hết, nên tôi mới dám chỉ ra việc này. Thật chẳng phải dễ dãi mà cần phải sinh lòng hổ thẹn mới được. Thường thường người lợi căn thiện trí được nó chẳng phí sức nên sanh tâm khinh dễ chẳng chịu tu hành. Họ phần nhiều bị cảnh giới trước mắt cướp đoạt đem đi, làm chủ không được, lâu ngày chầy tháng mê muội không phản tỉnh, đạo đức không thắng được nghiệp lực, ma có cơ hội thuận tiện khuấy phá, nhất định họ bị ma nắm lấy sai khiến, đến lúc mạng chung cũng không đắc lực.Ông nên khẩn thiết ghi nhớ lời tôi nói trong buổi chia tay: ”Lý thì đốn ngộ nên vọng tưởng do nơi ngộ mà đều tiêu. Sự phải tiệm trừ nên tập khí phải theo thứ lớp dần dần mới hết”, đi đứng ngồi nằm cần nhất chẳng được quên.Ngoài ra, các thứ ngôn cú sai biệt của cổ nhân chẳng nên lấy đó làm thật, nhưng cũng chẳng nên cho đó là hư. Lâu ngày thuần thục tự nhiên âm thầm khế hợp với bản tâm mình, bất tất phải cầu thù thắng kì đặc nào khác.

Xưa, Hòa thượng Thủy Lạo[1] hỏi Mã Tổ: [2] “Thế nào là ý Tổ sư từ Ấn Độ sang?”

Tổ bảo: “Lại gần đây ta nói cho nghe”.

Thủy Lạo vừa đến gần, Mã Tổ thộp ngực, đạp cho một đạp té nhào. Thủy Lạo bất giác đứng dạy vỗ tay cười ha hả.

Tổ hỏi: “Ông thấy đạo lý gì?”

Thủy Lạo thưa: “Trăm ngàn pháp môn, vô lượng diệu nghĩa, ngày nay ở trên đầu một sợi lông biết hết được cội nguồn”.

Mã Tổ bèn thôi.

 

Tuyết Phong[3]  biết Cổ Sơn [4] cơ duyên đã thuần thục. Một hôm, ngài bỗng thộp ngực nắm đứng Cổ Sơn: “Là cái gì?”

Cổ Sơn hoát nhiên liễu ngộ. Tâm liễu ngộ cũng liền biến mất, chỉ mỉm cười khoát tay mà thôi.

Tuyết Phong hỏi: “Ông làm đạo lý đó ư?”

Cổ Sơn khoát tay nói: “Hòa thượng có đạo lý gì?”

Tuyết Phong bèn thôi.

 

Thiền sư Đạo Minh[5] ở Mông Sơn thuở xưa đuổi theo Lư hành giả[6] đến núi Đại Dửu đoạt y bát. Lư Công để y bát trên tảng đá rồi nói: “Y này là vật tiêu biểu để làm niềm tin, có thể dùng sức mạnh để dành được sao? Mặc cho ông cứ lấy đi!”

Đạo Minh giở lên không nổi, bèn thưa: “Tôi cầu pháp chứ không phải vì y bát, cầu xin hành giả chỉ dạy cho”.

Lư Công bảo: “Chẳng nghĩ thiện, chẳng nghĩ ác, chính ngay khi ấy cái gì là bản lai diện mục của thượng tọa Minh?”

Đạo Minh ngay lúc ấy đại ngộ, toàn thân toát mồ hôi, rơi lệ lạy thưa: “Nãy giờ, ngoài mật ngữ, mật ý ra, còn có ý chỉ nào nữa chăng?”

Lư Công nói: “Ta nay đã vì ông nói đó tức là chẳng phải mật ý.Nếu ông phản chiếu lại diện mục của chính mình thì mật ở tại bên cạnh ông.Ta nếu nói được thì chẳng phải là mật vậy”.

 

Đem ba đoạn nhân duyên của ba vị tôn túc này để so với ông, nhân một tiếng cười mà liễu ngộ, hơn kém thế nào ông tự đoán xem. Lại còn có đạo lý kì đặc nào khác. Nếu còn có cái gì khác nữa thì đâu khác gì chưa từng liễu ngộ.Chỉ cần biết làm Phật, chứ đừng lo chẳng biết thuyết pháp. Người đắc đạo từ xưa đến nay tự mình đã đầy đủ, đem cái sức thừa của mình ra tùy theo căn cơ của người tiếp độ mà chẳng khởi ra một ý niệm nào, như gương sáng trên đài, ngọc sáng trong tay, người Hồ đến thì hiện bóng người Hồ, người Hán đến thì hiện bóng người Hán. Nếu có ý thì ắt là có pháp thật để cho người.

Ông muốn đại pháp sáng, ứng cơ không trệ ngại thì chỉ cần “vẫn như xưa”, chẳng cần hỏi người, lâu ngày tự được. Lời tôi dặn dò ông trước lúc chia tay, ông hãy biên để bên cạnh chỗ ngồi.Ngoài ra, không có gì nói nữa, dẫu có nói, đối với ông hôm nay cũng trở thành thừa.Cát đằng[7]9  rất  nhiều, hãy gác chúng lại.

 

Phụ thư hỏi:

Gần đây, tôi được thư ngài chỉ dạy cho đầy đủ hết ý chỉ sâu xa. Tôi tự nghiệm thấy có 3 điều:

1.                       Sự việc chẳng có nghịch thuận, tùy duyên liền ứng chẳng lưu lại trong lòng.

2.                       Tập quán đời trước sau đậm chẳng cần phải ra sức bài trừ mà tự nó nhẹ bớt.

3.                       Các công án của cổ nhân từ trước tôi mờ mịt bây giờ xem lại tôi đều thấu suốt.

Thư trước,tôi nói đại pháp chưa sáng bởi vì tôi sợ rằng mình mới được chút ít đã cho là đủ, nên muốn bổ sung thêm, chớ đâu dám cầu tri giải thù thắng nào khác. Tôi vẫn hằng khắc cốt ghi tâm lời Ngài dạy là “Trừ sạch dòng thức đang cuồn cuộn chảy, là điều cần phải làm”.

 

Thư đáp của thiền sư Đại Huệ

Sau khi đọc thư ông, tôi càng thêm mến trọng.Chẳng biết những ngày sắp tới ông có tùy duyên phóng khoáng, như ý tự tại được chăng? Trong bốn oai nghi ngồi nằm có chẳng bị trần lao thắng chăng? Thức và ngủ hai cái đã nhất như chưa? Ở chỗ “vẫn như xưa” không đánh mất chăng? Tâm sanh tử không tương tục được chăng?

Chỉ cần dứt hết tình chấp phàm phu, chứ tuyệt đối không nên có ý nghĩ cho rằng mình chứng thánh. Ông đã nhân một tiếng cười mà mở rộng con mắt chánh pháp (chánh nhãn), sở đắc liền mất thì đắc lực hay không đắc lực như người uống nước lạnh nóng tự biết. Nhưng trong cuộc sống hằng ngày phải y theo lời ông già Mặt Vàng đã nói:”Nạo sạch chánh tánh, trừ trợ nhân,trái hiện nghiệp” [8]. 

Cổ đức nói:

               Da dẻ lột ra hết

               Chỉ còn một chân thật

Lại như chiên đàn nhiều nhánh, róc ra hết, chỉ còn lại chiên đàn lõi. Đấy là chỗ tột cùng của “Trái hiện nghiệp, trừ trợ nhân, nạo sạch chánh tánh” vậy.

Ông thử nghĩ xem, nói như thế đối với người đã xong việc thật giống như cây quạt đem dùng vào tháng chạp, song e đất Nam lạnh nóng bất thường nên thiếu chẳng được.

   Một tiếng cười.

   


[1] Hòa thượng Thủy Lão, người Hồng Châu, nối pháp Mã Tổ Đạo Nhất.

[2] Mã Tổ Đạo Nhất (709-788), quê  ở Thập Phương, Hán Châu, nối pháp Nam Nhạc Hoài Nhượng.

[3] Tuyết Phong Nghĩa Tồn (822-908), họ Tăng, quê ở Tuyên Châu, đầu tiên đến tham Diêm Quan, rồi ba lần đến Đầu Tử, chín lần đến Động Sơn, nhân duyên chẳng khế hợp.Sau tham Đức Sơn được ngộ nên nối pháp Đức Sơn Tuyên Giám.

[4] Cổ Sơn tức là Hưng Thánh Thần Yến Quốc Sư, người Đại Lương, họ Lý, nối pháp Tuyết Phong Nghĩa Tồn.

[5] Đạo Minh họ Trần, trước học đạo ở Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn không ngộ, sau ngộ nơi Lục Tổ Huệ Năng.

[6] Lư hành giả tức Lục Tổ Huệ Năng.

[7] Cát Đằng, nghĩa đen là một loại dây leo như bìm bìm.Cát đằng là một loại thuật ngữ của Thiền tông dùng để chỉ cho phương tiện văn tự ngữ ngôn của Phật Tổ dùng để khai thị người học.

[8] Kinh Lăng –nghiêm quyển 8 nói: “Dâm dục, trộm cắp, sát sanh, vọng ngữ là chánh tánh, vì nó là căn bản sanh tử. Năm thứ đồ cay nồng (hành, hẹ,tỏi, nén, kiệu) là trợ nhân, vì nó trợ giúp cho nghiệp phiền não. Trái hiện nghiệp là sáu căn chẳng chạy theo sáu trần”.

 

 

[ Quay lại ]