KHÔNG TÍNH CÔNG TRONG LÀM VIỆC
- Chi tiết
- Được đăng ngày Thứ bảy, 25 Tháng chín 2010 14:45
Hòa thượng Tinh Vân- Đạt ma Chí Hải dịch
Có một số người làm công tác xã hội, thường mong mọi người biết đến để được tôn vinh, được nổi tiếng. Riêng người xuất gia khi làm việc, chỉ cần biết: “Nên làm việc gì? Và việc gì không nên làm? Việc làm ấy có liên quan tới Phật pháp hay không?” Khi làm Phật sự thì không mong cầu được tán dương công đức, không cần tính công, không cần khen ngợi hay cảm tạ. Đó là việc làm vô ngã, mà vô ngã chính là Niết-bàn.1. Thuyết pháp là việc làm không tính côngNgười xuất gia lấy việc hoằng pháp lợi sinh làm sự nghiệp, đem lời Phật tuyên dương chánh pháp, giáo hóa làm lợi ích cho mọi người, đó là một trọng trách của người con Phật.Khi vua Lương Võ Đế gặp Sơ Tổ Bồ-đề Đạt-ma, liền hỏi:- Trẫm một đời cất chùa độ tăng, phỏng có công đức gì chăng?Tổ đáp:- Đều không có công đức!Vua Lương Võ Đế thật chẳng hiểu công đức theo ý Tổ, bởi vì còn tính công đức trong việc làm thì chỉ có phước báo nhân thiên mà thôi. Công đức là chỗ làm mà không mong cầu, không dính mắc, đó mới chính thực là việc làm có công đức.Các bậc cổ đức thuở xưa đa phần giảng kinh tại đạo tràng, còn pháp sư ngày nay phải hòa nhập vào xã hội để giảng dạy. Như ở các trường học, các cơ quan đoàn thể, nhà tù, bệnh viện… đều là những nơi mà chúng ta cần tổ chức tọa đàm về Phật pháp. Vì theo giáo lý nhà Phật “Cứu người bớt khổ là dạy người giác ngộ”. Làm cho xã hội, con người được hướng thiện là thiên chức của người xuất gia, mà hình ảnh Phật giáo cũng được thăng hoa, các bậc long tượng cũng theo đó mà xuất hiện. Nếu như đem những Phật sự mà tính công nhiều hay ít, thì không phải là người con Phật.Cho nên trong sự nghiệp hoằng pháp lợi sinh, tất cả cần phải nương vào ánh sáng quang minh của Đức Phật, đều vì pháp mà tôn trọng, không tính công mà phục vụ.Vào triều đại nhà Đường, có Quốc sư Ngộ Đạt, trải qua mười đời là một vị cao tăng do giới luật tinh nghiêm mà nghiệp cũ xưa kia từng gây tạo vẫn chưa có cơ hội quả báo. Một lần nọ, nhân được vua ban cho bảo tòa bằng trầm hương quý giá, Quốc sư lúc ấy khởi niệm ưa thích, liền chiêu cảm nghiệp nhiều đời, quả báo là trên đầu gối bất chợt có mụt ghẻ là mặt người lở loét.Cao tăng đã trải qua mười đời còn bị như thế, huống gì chúng ta là những phàm phu phước mỏng nghiệp dày mà có thể không cảnh giác ư? Đức Phật thuyết pháp suốt bốn mươi chín năm, mà còn bảo: “Ta chưa từng nói một lời!” Đây không phải là câu nói khiêm nhường, mà là chỗ không thể nghĩ bàn, không thể nói đến! Thuyết pháp mà không tính công mới là chân thật thuyết pháp.2. Độ sinh là việc làm không tính côngCó một số thầy hay nói: “Đây là Phật tử của tôi, kia là tín đồ của tôi”. Những vị này hay có tư tưởng giữ Phật tử cho riêng mình, như thế là chấp ngã. Với tính cách như vậy, khiến cho tự viện phần lớn ít người tới lui nghiên cứu, giao lưu, Phật tử và mọi người xa lánh. Chẳng những không tạo thành sự phân minh cho tăng đoàn mà còn là cái bệnh ngăn che rào đón, không thể hiển bày được tinh thần rộng rãi, hòa hợp, bao dung của giáo lý nhà Phật.Dựa vào nhân duyên mà nói pháp, các pháp ở thế gian đều từ nhân duyên mà tồn tại, không có tính thật, vì thực tại tự tính không có hình tướng, cho nên không thấy ta là người độ chúng sinh, cũng không thấy có chúng sinh được diệt độ. Bồ-tát vốn có trí tuệ Bát-nhã cho nên độ hết chúng sinh mà không khởi niệm độ chúng sinh. Trong kinh nói: “Như vậy, diệt độ vô lượng, vô số, vô biên chúng sinh, mà không thấy có chúng sinh được diệt độ”. Bồ-tát mà còn thấy có ta, có người, có chúng sinh… thì chẳng phải là Bồ-tát.Vả lại, hơn hai ngàn năm trước, khi bừng lên ánh sáng giác ngộ, Đức Phật có nói rằng: “Tất cả chúng sinh đều có đầy đủ đức tướng trí tuệ của Như Lai”, nên biết tánh giác của Phật và chúng sinh vốn không hai. Đức Phật đã nhiều kiếp tu hành, hóa độ chúng sinh vô số, nhưng Ngài lại nói: “Ta chưa từng độ chúng sinh, cũng không có một chúng sinh nào được độ”. Phật tử là tín đồ chung của Phật giáo, chúng ta phải tự biết khiêm tốn, như thế là độ sinh mà không dựa trên hình tướng và không kể công đức, đây có thể là việc làm chân chính vẻ vang và đầy lợi ích cho chúng sinh.3. Tu hành là việc làm không tính côngThông thường khi nói đến tu hành, người ta hay giới hạn ở việc tọa thiền, niệm Phật, tụng kinh, nhập thất… đều là những tên gọi để chỉ cho việc công phu tu hành. Tuy nhiên cần phải biết rằng những việc như: hoằng pháp, dạy học, sáng tác, lập nên sự nghiệp Phật giáo, làm lợi ích chúng sinh, tùy hỷ, tùy duyên… cũng đều là tu hành. Như các vị Bồ-tát khi vào trong các cõi giới đều:Thanh thanh thúy trúc tận thị Pháp thân,Uất uất huỳnh hoa vô phi Bát-nhã.Dịch:Trúc xanh biên biếc chính là Pháp thân,Cúc vàng nào chẳng phải là Bát-nhã.Chuyển động vận hành nào chẳng phải là thiền? Đi đứng nằm ngồi đâu ngoài Phật pháp.Hòa thượng Hữu Nguyên theo Luật tông, một hôm hỏi Thiền sư Đại Châu Huệ Hải:- Làm thế nào để dụng công miên mật?Thiền sư Huệ Hải đáp:Đỗ tử ngạ thời ngật phạn,Thân thể khốn thời thụy giác.Dịch:Đói bụng thì đi tìm cơm,Cơ thể mệt mỏi gối rơm ngủ khò.Những người tham đắm năm vị, sáu trần, khi đói đòi đủ trăm thứ, nhưng ăn lại chẳng thấy ngon; khi ngủ thì trăn trở không yên vì bận nghĩ nhiều bề. Ở thiền giả, khi đã thể ngộ pháp tánh của các pháp đều không, biết rõ năm vị, sáu trần cũng không, cho nên bình thường khi ăn, an ổn khi ngủ. Đây là tu hành trong sinh hoạt, nơi không tính công mà tu hành.Hiện tại có những vị vừa mới xuất gia tu hành, thường hay bế quan nhập thất, hay ở núi, trì chú… Thật ra họ đã trốn tránh việc hoằng pháp lợi sinh, tịnh khẩu tu hành, thực tế đây là sự biếng nhác. Hy vọng quý vị vừa phát tâm học đạo ghi nhớ lời dạy của trưởng lão Ấn Thuận: “Vứt bỏ trách nhiệm hoằng pháp lợi sinh và tu học Phật pháp, chỉ lo tịnh khẩu tu hành, đây là đại danh từ để chỉ cho sự lười biếng mà thôi”.Là người thật tu, thật học, quý vị không được phô trương bản thân, không tự đề cao hay phỉ báng. Tu hành là hạnh không tính công.4. Chứng ngộ là việc làm không tính côngPhần nhiều một hành giả khi đã chứng ngộ, không bao giờ ngạo mạn và tự đề cao mình, làm ra dáng bề ngoài lập dị. Bởi vì “Tâm bình thường là đạo”. Ngài Triệu Châu tám mươi năm vân du bốn phương, Thiền sư Đạo Nguyên tuy tuổi đã cao mà vẫn còn làm các chuyện vặt, Đức Phật khi tuổi đã già vẫn ôm bình bát đi khất thực, ngài Duy Ma trong lúc đang bệnh vẫn không quên thuyết pháp. Đức Phật thường nói: “Ta là một cá nhân trong tăng đoàn!” Biết bao điều lớn lao trong chuyện thường ngày, biết bao điều tốt lành trong chứng ngộ mà không bao giờ nhắc đến!Trong sáu trăm quyển kinh Bát-nhã, nhưng chỉ nhằm cho mười sáu chữ tổng quát làm trung tâm hệ thống tư tưởng:Vô tướng bố thí,Vô ngã độ sinh.Vô tu hành trì,Vô chứng ngộ đạo.Dịch:Không có tướng bố thí,Không có ta độ sinh.Không có việc tu hành,Không có sự chứng đạo.Không tự xưng mình ngộ đạo, đó là tu hành mà không tính công, cho đến bố thí, độ sinh, tu hành đều không tính công. Bởi vì “Tất cả chỉ toàn là giả danh; cảnh giới chân như, thật tướng, tự nó không có hình tướng”. Thiền sư Động Sơn Thủ Sơ nói “Ba cân gai”, dường như không có ý nghĩa, nó phá vỡ mọi tư tưởng, ý thức phân biệt. Câu cú của thiền gia không mạch lạc làm sao để hiểu? Nên có câu: “Đường ngôn ngữ bặt, Chẳng phải xưa nay”.Hiện nay có rất nhiều người tự xưng là mình đã khai ngộ và đắc đạo, quảng cáo về sự tu hành vượt trội của mình. Thật ra, cảnh giới chứng ngộ làm gì có ngôn ngữ văn tự để tỏ bày? Chứng ngộ chính là việc làm không tính công, là ngôn ngữ văn tự không thể nói đến.Người con Phật nên có: “Mười Điều Không của Người Xuất Gia”:1. Không coi tiền của là tài sản2. Không mong cầu được báo đáp3. Không có lòng từ hữu tình4. Không tham đắm điều thế tục5. Không trụ trong ngôi nhà thế tục6. Không ngại chỗ ở khó khăn7. Không có chúng hữu tình8. Không ân hận9. Không có trí tuệ đối đãi10. Không tính công trong làm việcĐây là “Mười điều không của người xuất gia”, hy vọng quý vị sau khi nghe có thể lĩnh hội, và khi đã lĩnh hội, thì việc tu hành tự nhiên sẽ tăng tiến.Xin chúc phúc đến mọi người.