headertvtc new


   Hôm nay Thứ tư, 25/12/2024 - Ngày 25 Tháng 11 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

ĐỊNH TUỆ

Chân Hiền Tâm  

 Định và Tuệ là hai thứ rất cần thiết đối với người tu Phật. Nó là thứ giúp ta hoàn thành con đường Phật đạo của mình. Không có Định Tuệ ta không thể “Trên cầu Phật đạo. Dưới hóa độ chúng sinh”.

Với đời sống bình thường ở đời, có Định tuệ, cuộc sống của ta cũng yên bình hạnh phúc dù phong ba bão táp có đầy trời.

Vì thế một trong ba đại nguyện của phu nhân Thắng Man là “Nguyện đời đời sinh ra đều có chánh pháp trí ”. Có chánh pháp trí thì việc tự lợi mới hoàn tất, việc lợi tha mới có thể vuông tròn. Có chánh pháp trí, việc hành pháp ở đời mới có thể dài lâu. Song muốn có chánh pháp trí thì phải có Định Tuệ.

Nói Định Tuệ là nói tắt, là muốn nhấn mạnh hai mặt thiết yếu cho việc cầu Phật đạo, còn nói đủ phải là Giới - Định - Tuệ.

GIỚI thì có giới tướng và giới tâm. GIỚI TƯỚNG là những giới mà phật tử phải thọ như 5 giới, Tì kheo 250 giới, Tì kheo ni 348 giới, giới trọng và giới khinh của Bồ tát, như 10 đại giới của phu nhân Thắng Man. GIỚI TÂM là giới tại tâm. Giới tướng có khi đầy đủ mà trong tâm vẫn khởi lên đủ thứ, thì biết chưa giữ được giới tâm. Niệm Phật, trì chú hay biết vọng không theo v.v… là phương tiện giúp ta giữ cho được phần giới tâm. 

ĐỊNH là chỉ cho tâm không loạn động dời đổi. Thường chúng ta ít quan sát tâm mình nên ít thấy tâm tán loạn thế nào. Ai từng quay lại quán tâm sẽ nhận thấy sự tán loạn này.

Tâm chúng ta hiện nay, khi có duyên thì hướng ra ngoài hết theo cái này lại dõi cái kia. Ngồi một mình thì nghĩ hết chuyện này đến chuyện khác. Vui buồn theo đó mà sinh. Những sinh khởi liên tục đó biểu hiện cho một tâm loạn động. Giờ muốn có Định thì phải dừng đi những loạn động đó, gọi là CHỈ. Chỉ, là dừng lại.

Niệm Phật là dùng một niệm danh hiệu Phật dừng đi những niệm chúng sinh. Biết vọng không theo, thì cái ‘không theo’ đó chính là pháp CHỈ giúp dừng đi các loạn tưởng. 

Để đạt được Định, kinh luận dạy chúng ta rất nhiều cách, đã nói rõ trong kinh Lăng Nghiêm, luận Đại Thừa Khởi Tín v.v…

Trong Pháp Yếu Tu Tập Tọa Thiền Chỉ Quán, ngài Trí Khải nói:

Tu CHỈ có ba thứ:

1. Hệ duyên thủ cảnh chỉ: Buộc tâm tại chót mũi và giữa trán v.v… khiến tâm không tán loạn. Đây là mượn duyên để an định tâm.

2. Chế tâm chỉ: Tâm vừa khởi liền kìm hãm lại, không cho nó dong ruổi tán loạn. Đây là dùng cái giác để an định tâm.

3. Thể chân chỉ: Biết tất cả pháp đều do nhân duyên sinh, không tự tánh thì tâm không chấp. Nếu tâm không chấp thì vọng niệm dứt, cho nên gọi là Chỉ. Đây là nhờ trí tuệ mà có định tâm. ‘Chỉ’ này là CHỈ QUÁN SONG HÀNH, quả của nó là định tuệ không hai, nên gọi là ‘thể chân’. Đây là phần Chỉ Quán mà luận Đại Thừa Khởi Tín đã nói.

Luận ghi tiếp: Người sơ tâm tu học, tâm chưa thể dừng trụ, nếu cố ép cho nó trụ, thường hay phát cuồng. Phải như người tập bắn, tập lâu mới bắn trúng. Đây là chỉ cho hai trường hợp ‘Duyên thủ cảnh chỉ’ và ‘Chế tâm chỉ’. Khi thực hành hai loại Chỉ này, hành giả tu thiền cần phải có tâm nhẫn nại và trường viễn, không nên có tâm nóng gấp. Buộc tâm hay kìm tâm đều phải tùy lực tùy phần mà làm. Khi thấy căng thẳng thì buông xả, sau hãy buộc tâm tiếp. Phải giữ sao cho tâm bình khí hòa, tránh tình trạng phát cuồng.

Giữ giới có sinh định tâm?

Thường thì chúng ta vẫn nghe “Giới sinh Định”. Vậy giữ 5 giới có sinh định tâm? Có những phật tử vẫn giữ được 5 giới ở mức khá tốt nhưng định tâm vẫn không có. Nói ‘Giới sinh Định’ trong trường hợp này, là nói đến cái nhân gián tiếp góp phần cho Định phát triển. Không giữ được 5 giới thì tâm nhất định loạn, giữ 5 giới là ngăn bớt được phần loạn đó, nên nói ‘Giới sinh Định’. Giới tướng của Tì kheo và Tì kheo ni cũng như vậy.  

Có một loại giữ Giới trực tiếp sinh Định, đó là Giới tâm. Giới nói đây, chỉ cho các chủng tử trong tạng thức, là nhân làm phát sinh tất cả nhân, quả, thánh, phàm trong mười phương pháp giới. Những chủng tử này một khi đủ duyên sẽ hiện hành thành hành động tạo nghiệp. Nghiệp ác thì chịu quả báo xấu. Nghiệp lành thì có quả báo tốt. Giữ giới chính là giữ các chủng ấy không để phát tán thành tội lỗi, cũng không dính mắc vào thiện nghiệp trời người. 

Hòa thượng dạy ‘Biết vọng không theo’, thực hành cái ‘không theo’ đó chính là đang giữ giới. Những gì dấy khởi trong tâm, biết nó là vọng, không để nó nối tiếp chính là đang giữ giới, cũng gọi là CHỈ. Chỉ, là dừng lại. CHỈ là nhân thì ĐỊNH là quả. Giữ giới như thế thì ‘Giới sinh Định’.     

TUỆ là cái thấy biết như thật không mê lầm. Sự thấy biết phù hợp với chân lý, phù hợp với chánh lý cũng gọi là Tuệ.

1. Thấy biết như thật không mê lầm 

Trông gà hóa cuốc, thấy sợi dây thành con rắn v.v… Đây là cái thấy biết mê lầm. Sự mê lầm này có là do tâm hốt hoảng hay thiếu định tỉnh.

Trông gà thấy gà, thấy sợi dây đúng sợi dây v.v… như chúng ta vẫn nhìn thấy các hiện cảnh trước mắt, tuy không phải là cái thấy biết bị yếu tố mê lầm chi phối, nhưng nó chưa phải là phần tuệ được gọi là ‘cái thấy biết như thật’ đang nói đây.

Vì sao chưa gọi là ‘thấy biết như thật’? Vì hiện cảnh và sự vật dưới cái ‘thấy biết như thật’ thì không thấy là trong hay ngoài tâm mình. Trong khi với cái thấy biết hiện tại, chúng ta vẫn thấy có con gà và sợi dây ngoài tâm, nên chưa phải là cái thấy biết như thật.

@ Khi ta nhìn con gà chỉ thấy con gà mà không khởi tâm phân biệt cũng không khởi cái niệm con gà thì cái thấy ấy gọi là Tuệ. Tuy chỉ mới là nhân, là phần thô của cái thấy biết như thật, nhưng là chỗ không phải dễ thực hành. Bởi chúng ta bị quan niệm định kiến chi phối quá nhiều, nhất là thói quen sinh khởi đã huân tập trong nhiều đời kiếp. Hễ đối duyên là tâm liền khởi phân biệt.

Một nhóc nói với tôi: “Khi nhìn cô con chỉ nhìn, không thấy cô xấu hay đẹp”. Wa! Vậy thì còn gì bằng! Đó là đang ứng dụng pháp Bất nhị mà Phật Tổ đã dạy. Một pháp tu rất thẳng tắt!

Sau đó tôi liền mang vị thầy mà nhóc đang quí trọng ra, nói vài câu theo hướng không thuận. Đôi mắt nhóc tròn xoe, pha lẫn không ít ngạc nhiên và khó chịu. Cái tâm bất nhị ‘không thấy cô xấu cũng không thấy cô đẹp’ đã mở cửa, nhường chỗ cho một lời đánh giá. Và có khi, lời đánh giá ấy đã thành tánh của tôi rồi cũng nên. 

Nhóc như thế thì … cô cũng thế thôi. Bệnh chung của thiên hạ mà. Bình thường thì ta rất dễ ‘bất nhị’, chỉ khi việc gì đụng vào những ‘sở tri’ của mình, ‘chướng’ mới lòi ra, tâm nhị biên của mình mới hiện rõ. Quan trọng là làm sao tỉnh mà giác được càng sớm càng tốt, như một vị thiền sư đã dạy: “Không sợ niệm khởi, chỉ sợ giác chậm”. Có công phu hay không là ở chỗ này. Khi cái giác đã sắc bén nhuần nhuyễn thì nghe chỉ là nghe, thấy chỉ là thấy. Không động tâm khởi niệm nữa.  

@ Trong bài kinh Thân Hành Niệm,[1] đức Phật dạy: “Thở vô dài, biết thở vô dài. Thở vô ngắn, biết thở vô ngắn … khi đi biết tôi đi, khi đứng biết tôi đứng. Thân thể được sử dụng thế nào vị ấy biết thân thể như thế ấy. Lại nữa, này các Tì kheo! Khi bước tới bước lui biết việc mình đang làm. Khi co tay duỗi tay biết việc mình đang làm. Khi mang bát, mang y biết rõ việc mình đang làm … Vị ấy sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, các niệm và tư duy thuộc về thế tục được đoạn trừ. Nhờ đoạn trừ các pháp ấy, nội tâm được an trú, an tọa, chuyên nhất, định tĩnh… ”. Nó là bài pháp ‘làm việc trong chánh niệm’ mà chư vị thiền sư dạy chúng ta trong quá trình hành thiền. Nó giúp chúng ta có được cái Tuệ ‘thấy biết như thật’.

@ Với pháp ‘Biết vọng không theo’, tức biết tất cả những gì hiện lên trong tâm là vọng, không để nó dẫn chạy, thì ‘biết vọng’ chính là Tuệ. Khi mà LỰC nghiệp còn mạnh, tuy nói ‘biết vọng’ nhưng chỉ do tin mà QUÁN nó là vọng để không theo, chứ các thứ ấy chưa thực là vọng với mình. Cái ‘biết vọng’ lúc ấy, tuy cũng gọi là Tuệ, nhưng nó thuộc về cái Tuệ do hiểu biết mà ra, chưa thực là cái Tuệ thấy các pháp đúng là vọng.

Gọi là vọng hay không, là do các niệm khởi ấy còn LỰC dẫn chúng ta theo nó hay không. Ai đã từng ‘Biết vọng không theo’ sẽ nhận ra cái lực này không khó. Vọng niệm cứ lôi sệch ta đi, khiến cái biết của ta không thể hiện tiền. Cái lôi sệch ấy biểu trưng cho lực nghiệp. Nếu ‘vọng’ có lực thì tuy là vọng mà lại thành thật, là tình trạng tâm chúng sinh hiện nay. Nếu ‘vọng’ không lực, tức giác có lực, thì ‘biết vọng’ lúc ấy chính là Tuệ.

Hỏi: Đã nói là vọng thì trừ hay không trừ?

Đáp: Trừ hay không trừ là tùy duyên.

- Nếu vọng còn lực khiến cái biết không thể hiện tiền thì phải trừ.[2] Trong kinh Lăng Già, ngài Hàm Thị nói: “Nếu các thứ hư vọng mà có nhân để nương thì sự tương tục của căn và thức không thể dừng”. Vì thế khi vọng còn lực thì vẫn phải trừ. Tuy nói trừ vọng mà thật là làm mất đi cái LỰC khiến vọng không còn là vọng với mình.

- Nếu vọng đã mất lực, tức vọng đúng là vọng, thì không cần trừ. Ngài Hàm Thị nói: “Biết rõ vọng thì đâu cần phá trừ”. Ừ, nó có ảnh hưởng gì đến mình đâu mà đặt vấn đề trừ.

Cho nên, trừ hay không trừ là tùy căn khí của mỗi người. Đây là chỗ mình phải tự liệu lấy. Nếu những thứ Phật Tổ gọi là vọng, với mình nó vẫn còn lực dẫn mình chạy thì phải trừ. Nếu không, tuy nói tu mà thật là không tu, tuy nói vọng mà thật là không phải vọng.     

 Tùy tánh dục và căn cơ của mình mà dùng pháp đối trị sao cho có kết quả. Ba pháp ‘Chỉ’ trên đều có thể dùng để đối trị lực nghiệp. Nhưng phải nhớ, bản tâm thì VÔ TRỤ, vì thế thứ gì còn TRỤ thì thứ đó chỉ mới là phương tiện. Phương tiện thì chỉ dùng để đối trị, như có bệnh thì uống thuốc, hết bệnh thuốc phải ngừng.

2. Sự hiểu biết tương hợp với chân lý 

Chân lý thì siêu việt ngôn từ, là chỗ hành giả phải tự chứng nghiệm (ngộ). Thông qua kinh điển Đại thừa, chân lý trở thành chánh lý của các bộ kinh Đại thừa. Đó là lý Tánh Không, còn gọi là lý Không, cũng gọi là lý Tánh Không Duyên Khởi. Sự hiểu biết nào phù hợp với lý Tánh Không, gọi là Tuệ.

KHÔNG, là không sinh không diệt, không xấu không đẹp v.v… tức không rơi vào nhị biên phân biệt. Trên thực tế, khi nhìn các pháp, nhận thức của chúng ta luôn thấy các pháp hoặc sinh, hoặc diệt, hoặc ngắn, hoặc dài v.v… Nếu tin hiểu được những nhận thức phân biệt đó là sai lầm, là không phù hợp với thực tánh của vạn pháp và xa lìa các ý niệm đó thì sự tin hiểu đó gọi là Tuệ. Nó là cái nhân dẫn đến việc chứng nghiệm tánh không.

Với cái nhìn duyên khởi, tức biết bản chất của các pháp là do tương đãi mà ra, rồi xa lìa các chấp trước thì cái hiểu ấy cũng gọi là Tuệ.

Như nói ngón áp út ngắn, là do đối với ngón giữa mà nói, chứ bản chất của nó không ngắn cũng không dài. Vì bản chất nó không ngắn không dài nên khi so với ngón út nó không còn dài mà lại thành ngắn. Biết bản chất của pháp hình thành do duyên như thế để xa lìa các chấp trước, gọi là Tuệ.

Trong kinh Pháp Bảo Đàn, phẩm Phó Chúc, Lục Tổ dạy về 36 phép đối: “Dài cùng ngắn đối, tà cùng chánh đối, tăng cùng tục đối, mặt trời cùng mặt trăng đối v.v…” chính là dạy cho ta có cái nhìn duyên khởi đối với vạn pháp. Duyên khởi thì không tánh. Mọi thứ xuất hiện là do đối đãi mà sinh, chẳng phải bản chất các pháp vốn vậy. Thực tánh các pháp là không, chỉ do duyên mà hiện tướng. Như thí dụ ngắn dài đã nói trên.

Tất cả những tin hiểu nào biểu hiện cho ‘Thực tánh vạn pháp là không’ như tin “Tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức”, “Tâm sinh thì các pháp sinh, tâm diệt thì các pháp diệt” v.v… rồi ứng dụng để xa lìa các chấp trước, đều gọi là Tuệ. Nếu tin hiểu mà không ứng dụng để xa lìa thì sự hiểu biết ấy chưa gọi là tin hiểu, nên chưa gọi là Tuệ.

3. Hiểu biết phù hợp với chánh lý

Chánh lý là cái lý được hiển bày trong kinh luận. Như các kinh nói về nhân quả thì lý Nhân quả là chánh lý của kinh ấy. Các kinh nói về nhân duyên thì lý Nhân duyên là chánh lý của kinh ấy.

Chân lý là những gì chư Phật chứng nghiệm được. Từ chân lý đó, do ứng với tâm chúng sinh mà lập thành chánh lý. Chánh lý có tác dụng xóa đi các mê lầm nơi tâm chúng sinh. Ngoài việc giúp chúng sinh thoát khổ, nó còn có tác dụng đưa dần chúng sinh về chỗ chứng nghiệm chân lý.

Chúng ta tin hiểu và sống theo lý Nhân duyên, Nhân quả, chính là chúng ta đang có sự hiểu biết phù hợp với chánh lý.

Mỗi lần gặp chuyện gì ‘không hay’ xảy ra với mình, từ chuyện ngoài xã hội như làm ăn thất bại, bạn bè đồng nghiệp không tốt v.v… hoặc trong gia đình có việc bất ổn mà mình không hướng ra ngoài than phiền chê trách v.v… chỉ một mực hướng về tâm mình, coi lại ngôn hạnh của chính mình để mà sửa trị, là mình đang sống đúng theo lý Nhân quả, cũng là sống đúng theo lý Duy tâm.

Còn làm ăn thất bại, tiền bạc thiếu trước hụt sau mà giải quyết bằng cách theo thầy tướng, thầy bói, phong thủy, hết sửa cái bếp đến sửa cái nhà v.v… thì có khi tiền mất tật mang, càng thêm đổ nợ. Vì sao? Vì “Tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức”. Mọi thứ đều từ chính mình mà ra. Có cái quả trong hiện tại vì đã có cái nhân trong quá khứ. Thiếu trước hụt sau làm ăn không được thuận chiều may mắn là do tâm thí xả thì ít, mà tâm gom góp thì nhiều. Giờ không chịu thí xả, mà cứ làm thêm những chuyện khiến phải gom vô, là đang đi ngược với chiều nhân quả mà Phật đã dạy. Sống không đúng với chánh lý thì quả khổ hiện tiền.    

Có Định là có Tuệ?

Cổ nhân nói: “Định sinh Tuệ”, vì đó là điều kiện cơ bản để Tuệ xuất hiện. Tâm có Định, giống như mặt nước được yên lắng, trăng trí tuệ mới có thể hiện. Muốn đọc học phần kinh điển thâm sâu của Như Lai, tâm cũng phải Định mới có thể đọc được. Nói ‘Định sinh Tuệ’ là như thế. Không phải cứ có Định là liền phát Tuệ.[3] Nếu có Định liền sinh Tuệ thì đã không có mấy khái niệm chánh định, tà định và si định. Gọi là tà định thì nhất định cái định đó không làm phát sinh trí tuệ. Bởi nếu có trí tuệ thì đâu có những hiện khởi tà vạy để bị liệt vào tà định.

Hòa thượng Chí Công cùng vua Lương Võ Đế một lần lên lầu thưởng ngoạn vào mùa tuyết rơi thì thấy trên đầu một ngọn núi, tuyết không rơi xuống đó. Vua Lương Võ Đế ngạc nhiên thì Hòa thượng Chí Công giải thích:

- Sở dĩ tuyết không rơi xuống được là do trong núi có một vị đang nhập định. Do lửa tam muội mà tuyết không rơi xuống được.

Nghe vậy, vua cảm kích mời vị ấy về triều.

Vua Võ Đế rất cảm kích về phong cách của sư Suy Hải. Sư nhập thất hành thiền có khi cả tháng không thấy ăn uống. Hài lòng, nhà vua muốn thiết trai cúng dường. Do ý kiến của Hòa thượng Chí Công, việc cúng trai được bày ra hai mâm. Tất cả tăng chúng đều được cúng dường các đồ quí giá. Riêng sư Suy Hải, người có tài tham thiền nhập định, lại chỉ được những vật rất tầm thường, với lý do đơn giản: Sư chưa đủ đức hạnh để nhận đồ cúng dường như các vị kia.

Sư Suy Hải không dằn được cơn tức nói:

- Bần tăng là kẻ đã xa lìa thế tục, quyết chí tu hành, nào mong cung điện nguy nga lợi dưỡng, cớ sao bệ hạ lại mời bần tăng về đây rồi đem bần tăng ra làm trò đùa khen chê hủy báng.

Nói rồi uất lên, thổ huyết mà chết, đọa ngay vào thân súc sinh. Hòa thượng biết trước mọi việc, cho người  trèo lên tổ chim mang con chim có trên mình cái tên Suy Hải về, dùng oai thần chú nguyện để thần thức nhập vào lại thân Suy Hải. Đợi sư Suy Hải hồi phục, Hòa thượng Chí Công mới giải thích:

- Ông tuy là người tu thiền nhập định, một pháp môn tối thắng trong tất cả các pháp môn, nhưng lại không nắm được yếu chỉ mà Như Lai muốn nói. Ông hãy dùng trí tuệ Bát nhã mà quán sát, không nên chỉ trụ tâm vào một chỗ, mới có thể giải thoát. Kinh nói ‘Một niệm tâm sân, trăm vạn cửa chướng khai mở’. Ông phải nhớ lấy! Nghiêm trì giới luật thiền định mà phải tham cứu thêm kinh điển của Như Lai. Có vậy, trí tuệ mới khai thông, bằng không chỉ như kẻ đếm bò cho người khác.

Sư Suy Hải tỉnh ngộ gật đầu.

Bài pháp ngắn của Hòa thượng Chí Công đủ để nói lên tất cả việc cần làm của một hành giả tu thiền. Cũng nói cho ta hiểu, chỉ tu CHỈ để có ĐỊNH thôi chưa đủ, còn phải tu QUÁN. CHỈ và QUÁN phải song hành, thì ĐỊNH TUỆ mới đầy đủ.

Chúng ta tu thiền nhập định dù ‘siêu xuất’ bao nhiêu mà không dùng QUÁN để phá đi phần chấp ngã và chấp pháp, thì phần thiền định chúng ta tu đó sẽ rớt vào định tà. Đây là lý do vì sao ta thấy nhiều người ngồi thiền có khi lên đến chục tiếng, ngồi khỏe ru, da dẻ hồng hào, ngày ăn một bữa ngon lành, nhưng phần kinh luận thâm sâu không khai triển nổi, gặp nghịch cảnh liền nản lòng. Bởi ngồi lâu mà không có Tuệ, nên chấp vào cái ngồi lâu ấy mà sinh ngã chấp. Có ngã thì đụng đâu cũng sinh chuyện. 

Chư vị Thanh văn ngày xưa, ngoài việc dùng thiền Chỉ để dứt sự hiện hành của các niệm, Phật còn dạy chư vị quán ‘Khổ, không, vô thường, vô ngã’ để phá ngã chấp. Nhưng vì chưa thấy được lý Duy tâm, tức pháp chấp vẫn còn, nên niết bàn mà chư vị có được chưa phải là niết bàn rốt ráo.

Hòa thượng chủ trương thiền giáo song hành, đó là thứ giúp chúng ta ít lầm lẫn hơn trong việc tu hành. Đọc học kinh, luận, ngữ lục của Phật Tổ và chư vị thiện tri thức giúp ta khai mở phần trí hữu sư. Nhờ phần trí hữu sư đó, việc thiền định được đúng hướng. Nhờ đúng hướng mà trí tuệ vô sư phát sinh. Thực hành được như thế thì ‘Định sinh Tuệ’.

ĐỊNH TUỆ BÌNH ĐẲNG

Trong kinh Pháp Bảo Đàn, Lục tổ dạy: «Pháp môn của ta đây lấy Định Tuệ làm gốc. Đại chúng chớ lầm nói Định Tuệ riêng. Định Tuệ một thể không phải hai. Định là thể của Tuệ. Tuệ là dụng của Định. Ngay khi Tuệ, Định ở tại Tuệ. Ngay khi Định, Tuệ ở tại Định. Nếu biết được nghĩa này tức là học cái nghĩa Định Tuệ bình đẳng… Miệng nói lời thiện mà trong tâm không thiện thì không có Định Tuệ. Định Tuệ không bình đẳng. Nếu tâm miệng đều thiện, trong ngoài một thứ, Định Tuệ tức là bình đẳng».

Nếu chúng ta thực hành được phần CHỈ QUÁN SONG HÀNH đã phân tích trên, thì ta sẽ đạt được phần ĐỊNH TUỆ KHÔNG HAI mà Lục tổ đã dạy đây.

Miệng nói lời thiện hay bao nhiêu mà trong tâm không thiện, hoặc sự hiểu biết của mình có rộng bao nhiêu mà trên SỰ, mình làm trái ngược thì Tổ nói «Không có Định Tuệ». Thành đã tin hiểu thì phải làm theo cái tin hiểu đó, mới gọi là Tuệ. Tùy việc tin hiểu sâu hay cạn mà Tuệ có cạn hay sâu. 

Nếu nói được, mà những lời nói đó bắt nguồn từ sự chứng nghiệm mà ra, lại có thể ứng dụng những gì đã nói đó vào cuộc sống thì ta có ĐỊNH TUỆ BÌNH ĐẲNG.

Có một vị thầy phạm vào giới dâm. Rốt cuộc, cục ‘Nhân duyên’ khiến thầy phạm giới có thai. Một phật tử vì lòng từ bi mang hai mẹ con về nuôi để thầy tiếp tục đường tu với một điều kiện: Thầy phải sám hối và quyết không được tái phạm. Thầy, thân tuy phạm lỗi như thế, nhưng hễ gặp vị phật tử này là liền thuyết giảng đạo lý, hành thiền, chánh niệm v.v… rất tự nhiên.

Người phật tử vì sợ phạm tội với Tăng bảo, đã cố nén lòng không để khởi tâm, nhưng một ý niệm cũng đã nhen nhúm: «Không biết ‘cái lúc ấy’, thầy chánh niệm thế nào mà cớ sự lại ra thế ấy? Vậy liệu cái chánh niệm thầy dạy đó có đáng tin tưởng để mà áp dụng?».

Việc đó nói lên điều gì? Thời nay, THÂN GIÁO là quan trọng. Đã học pháp, nhất là pháp Đại thừa, thì người học phải có tư tưởng «Y pháp bất y nhân». Người có trí thì phải như thế. Nhưng với đa số chúng sinh thời nay, không phải ai cũng có thể làm được điều đó. Chưa kể, ý của vị phật tử kia không phải không có cái lý của nó. Anh dạy người ta pháp tu để người ta giải thoát khỏi những ràng buộc của cuộc đời, mà bản thân anh, thứ tối thiểu nhất là giới luật, anh không giữ nổi, thì làm sao người ta có thể tin tưởng vào những điều anh đã nói? Thành nói nhiều mà làm không được thì lời nói của mình không có giá trị, có khi còn làm trò cười cho thiên hạ cũng nên.

Tôi có một điểm mà chính tôi cũng thấy phục mình: Không che dấu những gì mình chưa làm được và dám nhìn nhận những lỗi mà mình đã phạm. Ai nói trúng lỗi tôi, cái cảm giác nhẹ nhàng như được giải phóng liền xuất hiện. Nhưng một lần, tôi bỗng khám phá ra việc này: Dám nói về những gì mình chưa làm được cũng như những lỗi mà mình đã vướng thì đúng là có hay, nhưng nhận và nói hoài về những điều như thế mà trên sự lại chẳng có chút nào thay đổi thì điều đó cũng chẳng hơn gì việc che dấu và không nhận lỗi. Không chừng chỉ là kẻ lừa dối khôn ngoan hơn mà thôi. Vẫn đang bị tên vọng tưởng nhà mình dẫn chạy. Đây là chỗ mình cần phải thận trọng trong vấn đề tu hành.

KIẾN HOẶC, là những sai lầm nằm trên mặt tư tưởng (Lý), một khi nhận ra thì có thể bỏ liền được. Nhưng với TƯ HOẶC, là những gì thuộc về tập nghiệp (Sự) thì không thể nói bỏ là bỏ được liền.

Thứ gì nhận ra rồi, bỏ được liền vì nó không thuộc tập nghiệp của mình. Với những gì thuộc tập nghiệp thì cần phải có thời gian. Kinh Lăng Già nói: «Thí như người học âm nhạc hội họa, các thứ kỹ thuật, từ từ thành chẳng phải lập tức. Như Lai trừ sạch tự tâm hiện lưu của chúng sinh cũng lại như thế, từ từ tịnh chẳng phải lập tức». Tu là cho chính mình, không lệ thuộc và cần bày biện trước cái nhìn của người khác. Việc quan trọng là phải tự mình biết chính mình, đừng để vọng tưởng nó lừa. Ít hay nhiều việc dứt bỏ phải được triển khai. Tới một bước lùi hai bước, hay tới một bước lùi nửa bước thì trên sơ đồ diễn biến của sự dứt bỏ, đường biểu diễn rốt cuộc vẫn là chiều đi xuống, chứ đừng nằm ngang cũng đừng đi lên.

--------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

[1] Kinh Trung Bộ tập 3.

[2] Đã trích dẫn lời của Đại sư Hám Sơn về viêc trừ vọng ở bài “Bát nhã ba la mật đa tâm kinh”.

[3] Nói vậy không có nghĩa là không có cái gọi là “Định sinh tuệ”. Vẫn có trường hợp “Định sinh tuệ” thậm chí là “Trong định có tuệ, trong tuệ có định”. Phần này sẽ được đề cập ở cuối bài. Đây phân tích để hiểu vẫn có cái định không có tuệ để hành giả biết mà tránh.  

 

[ Quay lại ]