headertvtc new


   Hôm nay Thứ ba, 26/11/2024 - Ngày 26 Tháng 10 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

Ông Phật mũi đen

Chân Hiền Tâm

Một ni sư cầu tìm giác ngộ, làm một tượng Phật mạ vàng. Bất cứ ở đâu ni cũng mang nó theo mình.

Một lần, ni đến sống trong ngôi đền ở một vùng quê. Đền có rất nhiều tượng. Ni không muốn hương thơm mình đốt cho Phật bay lạc sang những ông Phật khác, nên tạo một đường ranh nhỏ để khói hương xuyên qua đó đến thẳng mũi ông Phật của mình. Một thời gian sau, mũi ông Phật vàng đen thui.

Giác ngộ là ngộ ra tâm phật của mình. Giác nghĩa là phật. Ngộ được ông Phật của mình gọi là giác ngộ. Tìm cầu giác ngộ cũng là tu nhưng không phải tu để được chồng giàu, vợ đẹp, con ngoan hay có đầy đủ tiền bạc, nhà lầu, xe hơi như mình đang tu, mà là để khai mở trí tuệ Phật của chính mình. Kinh Pháp Hoa gọi nó là Tri kiến phật. Ni đi tu là để tìm cho ra cái Tri kiến phật đó của mình.

Vì tìm cầu giác ngộ nên Ni không còn vướng vô nhà tôi, chồng tôi, con tôi. Song tâm thức con người có tật là đụng đâu mắc đó, buông cái này lập tức nắm cái kia, nên Ni mắc vô ÔNG PHẬT CỦA TÔI. Của tôi, nên Ni chỉ cho Phật của Ni hít hương còn các Phật khác cho ra rìa. Ni không biết chính hành động đó là thứ khiến Ni xa rời tâm Phật của mình, khiến Ni đi ngược lại sự tìm cầu giác ngộ của Ni. Vì sao? Vì Phật tâm luôn chan hòa rộng mở, không chút ích kỷ. Không phải chỉ lo cho phận mình mà phải lo luôn phận của người. Một lúc nào đó còn phải xả thân mạng và tài sản của mình cho người nếu cần. Không phải thứ gì cũng chỉ gói trọn trong cái tôi và cái của tôi.

Cái tôi và cái của tôi luôn là đầu mối của những rắc rối, nên dạy tới dạy lui gì, ba đời chư Phật, chục vạn Tổ sư cũng dạy người tu là phải phá ngã, là phá đi cái tôi của chính mình.

Thiền sư Vinh Tây, một lần vì sự đói gạo đói cơm của một gia đình hành khất mà đành phải cầm mớ vàng lá dùng tô tượng Phật đưa cho người hành khất đi đổi gạo. Đệ tử của ngài biểu lộ sự không vui, bao gồm cả nỗi sợ hãi. Thiền sư vui vẻ giải thích:

- Các ông không thể hiểu nổi việc của ta. Chính vì tôn kính Phật mà ta làm như thế.

Các đệ tử không đồng ý :

- Nếu thầy vì tôn kính đức Phật mà làm thế thì chúng ta hãy mang tượng Phật bán đi để mà bố thí. Không tôn trọng tín ngưỡng mà cho là tôn kính sao?

Thiền sư Vinh Tây vẫn ôn hòa:

- Ta vẫn trọng tín ngưỡng và tôn kính đức Phật nên mới làm như thế.

- Đệ tử không chịu, cứ lải nhải “Mang vàng lá tô tượng Phật cho người mà cho là tôn kính Phật.

Sau cùng, thiền sư phải lớn tiếng mắng:

- Lúc đức Phật còn tu đạo, cắt thịt cho chim bồ câu, xả thân cho cọp đói còn không tiếc, huống chỉ vài miếng vàng lá. Phật đối với chúng sanh thế nào các ông có biết không?

Lúc ấy đệ tử mới hiểu việc làm của thiền sư là hợp với tâm Phật.

Phật thờ trên bàn thờ là Phật, chỉ là hình tượng Phật, không có ông Phật nào có linh hồn. Ông Phật đó chẳng có tác dụng gì ngoài việc nhắc cho mình nhớ lại ông Phật của chính mình. Nói vậy không có nghĩa là xúi đừng thờ Phật hoặc đập bỏ ông Phật đó đi. Xúi như vậy là tự mình đầy mình vô đường khổ. Người giác ngộ không ai làm chuyện đó nếu không vì muốn khai ngộ cho một số người khác. Nói “không có giá trị” là để hiểu, phải quay lại tìm Phật trong chính mình. Chỉ khi khai phá được tâm Phật đó, mình mới thực sự an vui và hạnh phúc. Đó chính là điều đức Phật muốn chúng sanh của ngài phải giác ngộ.

Mỗi người đều có một ông Phật như ông Phật vàng của Ni sư. Ở đâu, làm gì ông vẫn luôn hiện diện trong mình. Song vì ông ở trong chính mình nên mình không thể thấy được mặt mũi ông rõ ràng như thấy mọi người, chỉ có thể cảm nhận được tác dụng của ông qua những việc hằng ngày như ăn, uống, ngủ, nghỉ, thương yêu v.v… mà thôi.

Cái sắc vàng phủ ngoài ông Phật không phải là chính ông Phật, nhưng nó là thứ biểu trưng cho ông Phật không bị bụi trần làm nhơ. Khi ta không để cho tham - sân - si phải quấy che mờ chân tánh của mình, thì Phật tâm của ta cũng rỡ ràng như thế. Tuy không thấy được thân tướng của Phật nhưng mình có thể cảm nhận được sắc sáng đó của Phật. Song hiện nay ta không thấy được sắc sáng đó vì ông Phật của mình đã bị 3 thứ tham - sân - si phủ mờ, không phải trong một đời mà trong vô số a tăng kỳ kiếp đời, nên Phật mình không chỉ đen phần mũi mà toàn thân tối thui, che khuất hết mọi thứ.
Phần không trực nhận được ông Phật của mình, phần chỉ thấy hình tượng Phật bên ngoài nên mình cứ tưởng ông Phật xi măng mới là ông Phật thật.

Con bé khoảng 20 tuổi, xinh xắn vô ngần nhưng gầy và xanh mét. Tôi hỏi nó:

- Con nói con bị ma nhập thường xuyên nhưng nãy giờ ngồi đây sao cô không thấy.

Con bé nhỏ nhẹ:

- Con không biết. Nhưng ở nhà, con bị vậy đó.

Người bạn chen vô:

- Nhập hoài à, em thấy nó nhảy từ trên nóc xuống mà.

Tội hỏi nó : - Con có thích vậy không?

Nó lắc đầu : - Con sợ lắm.

- Bây giờ mới biết sợ, còn lúc đầu thì thích đúng không?

Nó cúi đầu không trả lời.

- Giờ phải niệm Phật.

Nó lắc đầu ngoay ngoảy “Không, con niệm rồi, không ăn thua gì hết. Mới đốt hương, nghe mùi hương là nó nhập vào.

- Cô nói con niệm Phật chứ không nói con thắp hương.

Nó nhìn tôi ngơ ngác không hiểu.

Tôi giải thích: - Ông Phật trên bàn thờ của con không phải là ông Phật thật, chỉ là một tượng gỗ.

Con bé trố mắt ngạc nhiên nhưng đồng thời cũng như vừa nhận ra được một chân lý lý thú.

- Ông Phật có năng lực giúp mình thoát khổ nằm ở tâm mình. Muốn ông Phật đó xuất hiện con phải niệm Phật. Khi nào tiếng niệm Phật được liên tục trong con, ma sẽ không nhập được nữa.

- Con niệm rồi nó vẫn nhập. Mà hay quên lắm.

- Muốn được liên tục thì phải cố gắng. Quên thì thôi. Nhớ là phải niệm. Con niệm ra tiếng đúng không?.

Nó gật đầu.

- Nhưng chỉ là miệng đọc còn đầu thì mơ mơ màng màng.

Nó trố mắt nhìn tôi tỏ vẻ không hiểu.

- Giờ không niệm ra miệng nữa mà niệm thầm thầm bên trong nhưng tai phải nghe rõ ràng từng tiếng A Di Đà Phật hiểu không.

- Cứ nhớ là niệm hả cô?

- Ừ. Nếu con làm đúng như cô dặn thì ma không nhập nữa. Nếu còn nhập thì cô đưa cái đầu cô cho con chặt. Con thấy đó, ngồi đây với cô nãy giờ, ma có nhập đâu.

Một tháng sau, chỉ một tháng sau thôi, tôi được cô bạn báo tin là con bé đã trở lại bình thường.

Thật ra tôi chưa hề bị ma nhập, cũng chưa hề dùng câu niệm Phật để trừ khử lũ ma mà bày cho thiên hạ như thế. Chẳng qua tu thiền, nắm vững cái lý “Tâm tịnh thì cõi Phật tịnh” nên mới dám đưa cái đầu ra cá với nó. Nói chắc là để con bé có niềm tin. Niềm tin rất quan trọng. Song quan trọng nhất là nó đã ngán cái việc ma nhập rồi. Nó mà còn thích, tức còn muốn nuôi cái nghiệp ma ấy, thì chịu, không thể nào quyết tâm làm theo những gì mình chỉ được. Bất cứ công việc gì, dù là việc đời, không quyết tâm khó mà thành công. Phật cũng đầu hàng đừng nói là mình.

Tôi biết con bé chưa thể niệm Phật được liên tục, nhưng cũng đủ để tâm nó có lại cái chủ. Chừng đó thôi, ma đã không thể nhập. Có điều, không ngờ mọi chuyện lại tiến triển mau như thế. Nói chung thứ gì đủ nhân đủ duyên, sẽ hiện thành. Vả lại, Phật đâu có ngoài mình mà không mau. Chỉ cần nhớ đến Phật thì Phật sẽ hiện tiền. Không phải Hòa thượng từng nói “Thấy, là chân tâm. Nghe, là chân tâm” sao? Chân tâm là chỉ cho ông Phật của chính mình. Đâu có xa. Tại mình quay lưng với Phật của mình, thành mới thấy xa, mới thấy Phật ở phương Tây cách mình hàng vạn do tuần.

[ Quay lại ]