KHÔNG ÂN HẬN
- Chi tiết
- Được đăng ngày Chủ Nhật, 06 Tháng Hai 2011 12:59
Đại sư Tinh Vân - Dịch già : Đạt ma Chí Hải
Ân hận nói đây, là những ý nghĩ hối tiếc cho việc làm của mình. Như người làm việc mà không biết theo dõi suy tính thận trọng để rồi ân hận hối tiếc : Vì lẽ ra mình phải làm như vậy, hoặc không nên làm như vậy. “Bồ-tát sợ nhân, chúng sinh sợ quả”. Tại sao Bồ-tát và chúng sinh có suy nghĩ khác nhau như vậy? Vì ngay từ lúc đầu Bồ-tát biết thận trọng, chẳng tùy tiện tạo nhân, còn chúng sinh thì làm ác, tạo nhân ác mà không biết sợ, nên khi gặp quả báo xấu với muôn ngàn thống khổ, lúc ấy hối hận thì không còn kịp nữa.
Trong cuộc đời, chúng ta có mười việc ân hận:
1. Gặp thầy mà không chịu học.
2. Gặp người hiền mà không kết bạn.
3. Họ hàng có chuyện tang ma mà không tham dự.
4. Đối với chủ lại không trung thành.
5. Thấy việc nghĩa mà không chịu làm.
6. Gặp việc nguy hiểm mà không cứu giúp.
7. Có tiền của mà không bố thí.
8. Yêu quê hương mà không trung thành.
9. Không tin tưởng việc nhân quả báo ứng.
10. Không chịu tu tập để hoàn thiện bản thân.
Người xuất gia trong mọi việc đều phải cẩn trọng, và nhất là không để tâm ân hận thường xuyên xảy ra. Vì sao? Vì mỗi niệm đều phải chân chánh, mỗi niệm đều là Phật. Đối với mọi người, yếu tố quan trọng là đạo nghĩa. Đối với công việc phải có trách nhiệm và tận tụy. Dưới đây xin lược nói qua:
1. Khi đã nói thì không ân hận
Mọi người đều có ngôn ngữ, nhưng hiểu biết được diệu dụng chân thật của nó thì không nhiều. Trong Luận Ngữ có nói: “Một lời nói có thể làm cho đất nước hưng thịnh, một lời nói có thể làm cho đất nước suy vong”. Ở đây cho thấy việc lợi, việc hại trong cách sử dụng ngôn ngữ. Có người dùng ngôn ngữ đưa đến thành công, một lời nói ra đều là thiện lành, đều là ái ngữ, ngọt ngào, khiến cho mọi người ưa thích muốn nghe, hợp với chân lý đạo đức. Nhưng cũng có người vì lời nói mà tạo ra bao lỗi lầm, khôn khéo nhưng đầy ác độc, làm cho người nghe mất niềm tin. Cho nên:
Thử phương chân giáo thể,
Thanh tịnh tại âm văn.
Dịch:
Phương này dạy chân thật,
Làm thanh tịnh người nghe.
Trong mười giới có : Không vọng ngữ, không ác khẩu, không lưỡng thiệt, không ỷ ngữ. Nếu như quý vị đã phạm bất kỳ một giới nào, thì không còn được mọi người tín nhiệm, không những nó phá hỏng sự nghiệp tu hành, mà còn làm cho chúng ta bị rơi vào địa ngục. Đức Phật đã từng dạy: “Người vọng ngữ, như bị gươm giáo vây phủ, mãi mãi không còn thân cận được với pháp lành thanh tịnh”. Vì thế, chúng ta phải thận trọng lời nói của mình, có như vậy mới mong tránh được sự ân hận về sau.
Có một số người thấy chuyện đã xảy ra rồi mới chịu nói: “Ta chớ nên nói, chớ nên tố cáo ông ấy”. Đã không nên tố cáo thì còn nói làm gì? Ông bà ta thường nói: “Uốn lưỡi bảy lần trước khi nói”. Chỉ nên nói lời chính đáng, chân thật, thích hợp, không dối, không nói khác. Người xuất gia phải cẩn trọng, không nên để ân hận từ lời nói cho đến việc làm của mình. Tôi cũng thường hay nói: “Tôi suốt đời thuận theo bận rộn”, hy vọng quý vị phải có trách nhiệm với lời nói của mình.
2. Khi phát tâm thì không ân hận
Có rất nhiều cách phát tâm, thí dụ nói: Phát tâm xuất gia, phát tâm làm việc, phát tâm tu hành, phát tâm đọc sách, phát tâm hoằng pháp… Nếu như vì một sự hứng khởi hay vì trông cậy vào một việc gì đó mà phát tâm đối đãi, thì việc làm này không thể lâu dài, và cũng không mang lại kết quả tốt đẹp cho người phát tâm.
Khi phát tâm rộng lớn cao tột vượt trên đối đãi, tâm nguyện này có thể lâu dài. Như người phát tâm xuất gia rồi, ban đầu tâm rất mạnh mẽ, về sau lại biếng trễ, không chịu tu hành nên khi gặp phiền não, đau khổ, tai nạn, không biết làm sao để hóa giải, lúc ấy mới ân hận thì đã muộn.
Hiềm nghi khi phát tâm làm việc, cũng là một cái khổ. Hiềm nghi như thế nào thì khổ như thế ấy. Trách móc người khác vì không khen thưởng, không khích lệ, không có một lời ca ngợi mình, như vậy phát tâm mà cũng còn ân hận. Khi phát tâm hoằng pháp, lại sợ việc nhiều, gặp khó khăn, khổ sở, buồn phiền vì Phật tử không cung kính, đây không phải là sự phát tâm chân thật.
Khi đã phát tâm, thì không sợ việc nhiều, sẵn sàng hy sinh, gánh vác những khó khăn gian khổ, mình làm tốt mà không được khen thưởng, điều đó không quan trọng, tất cả việc gì cũng có nhân quả, mình làm thiện Phật Tổ sẽ chứng minh. Tóm lại, với những việc phát tâm như vậy không làm cho chúng ta ân hận.
3. Khi kết bạn thì không ân hận
Bạn tốt phải là người có đạo nghĩa. Trong Luận Ngữ nói: “Người quân tử dùng văn chương làm bạn, nhờ bạn để hoàn thiện nhân cách”. Nói bạn tốt là nói đến người biết giúp đỡ và ảnh hưởng tốt cho ta trong việc học tập, văn hóa, đạo đức. Đức Khổng Tử đã nói về đạo lý bằng hữu: “Chân thành khuyên bảo và thân thiện”, đây là nói đến bạn bè khi có lầm lỗi, ta nên thật lòng dẫn dắt và khuyên bảo. Phật dạy có bốn loại bằng hữu:
- Tình bạn như hoa.
- Tình bạn như cái cân.
- Tình bạn như núi.
- Tình bạn như đất.
1. Tình bạn như hoa:
Là khi anh giàu có, bạn ấy luôn đặt anh trên đầu, nhưng khi anh nghèo khó, bạn ấy quẳng anh xuống đất.
2. Tình bạn như cái cân:
Là khi anh đương thời thịnh vượng, bạn khuất phục cúi đầu. Khi anh thất thế, bạn ngoảnh mặt làm ngơ.
Đây là hai loai bạn không nên kết thân.
3. Tình bạn cao đẹp chân chính giống như núi lớn:
Vì núi lớn dung được tất cả, chim muông thường tụ tập.
4. Tình bạn như đất:
Đất có trong tất cả vạn vật.
Như tôi giảng ở phần trước, là người xuất gia lấy đạo hạnh làm bằng hữu, lấy pháp thiện kết bạn bè. Anh có Phật pháp, tôi cùng anh giao du qua lại. Anh có đạo lý, tôi nương vào anh để học tập. Anh có tu học, tôi tự nguyện phục vụ, cống hiến sức lực để hỗ trợ anh, đồng cam cộng khổ với anh.
Thời Xuân Thu Chiến Quốc có Quản Trọng và Bảo Thúc Nha, có thể nói là đôi bạn lành tri kỷ, họ lúc nào cũng hết lòng hỗ trợ lẫn nhau. Ngài Cưu Ma La Thập và ngài Huệ Viễn tuy chưa một lần gặp mặt, nhưng vì sự phát triển của Phật pháp mà dùng nhịp cầu thư tín qua lại để giúp đỡ lẫn nhau. Nếu như mọi người có sự tu hành chân chính, việc này có thể là tiền đề đưa đến sự giao hảo, không bị lợi dưỡng cám dỗ, cũng không vì những khó khăn trắc trở mà thối lui, nên không có gì phải ân hận.
4. Khi đã cho thì không ân hận
Trong Phật pháp bố thí có nhiều cách như: Tâm thí, ruộng thí, pháp thí… Việc làm này chẳng đồng, công đức cũng có phần khác biệt. Phải như thế nào để công đức được trọn vẹn? Điều quan trọng nhất là không có lòng hối hận. Khi tôi bố thí là tôi hạnh phúc. Tôi bố thí pháp, bố thí vô úy từ sự tình nguyện, dù gian khổ hay khó khăn đến đâu cũng không sợ, không hối hận. Có người bố thí rồi lại hối hận, bởi vì người nhận không có sự báo đáp, không có lời tán dương, khen ngợi, coi thường tặng phẩm, hoặc còn mỉa mai chế nhạo, oán trách, gặp phải cảnh ngộ này, lòng hối tiếc sẽ phát sinh. Trên tinh thần nhân quả thì người biết bố thí sẽ được: “Tiền của đến cửa trước, phúc đức về tận nhà”. Ở đây nhân duyên quả báo dẫu chỉ một chút mảy may cũng không sai chạy, do vì ta có lòng tích lũy điều lành và phải biết đó là một việc làm hết sức quan trọng. Cho nên khi bố thí chúng ta đừng sợ khổ, đừng buồn rầu, hối hận, thực hành việc làm này là ta đã biết bố thí một cách chân chính rồi vậy.